Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN V MÙA CHAY NĂM B (Gr 31, 31 - 34) 18/03/2018

"Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa".

 

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

 

31 Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới,

32 không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

33 Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.

34 Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Ít-ra-en sẽ tồn tại mãi

 

Đức tin đẹp thật! Như mọi người đều biết, các tiên tri không thiếu đức tin. Khi mọi việc đều tồi tệ, các ông không nói « thế là hết », nhưng trái lại lúc nào cũng tìm những lý do để hy vọng !

Thì đây câu chuyện xảy ra như thế đấy với Giê-rê-mi-a. Ông ghi nhận một kết quả thất bại : Dân của Chúa, tức là dân đã lập với Thiên Chúa một giao ước lẽ ra hai bên không bên nào có thể hủy bỏ, thế nhưng dân này không cư xử xứng đáng như là dân của Thiên Chúa. Đó là điều Giê-rê-mi-a ghi nhận như một kết quả thất bại. Nhưng Giê-rê-mi-a thay vì thất vọng lại suy ra thế nào Thiên Chúa cũng tìm cách thay đổi lòng con người.

« Này sẽ đến những ngày … »tất cả Thánh Kinh lúc nào cũng hướng về tương lai, với lòng xác tín rằng những ngày Chúa hứa sẽ đến. Đặc điểm của các tiên tri là nhìn ra trước mọi người những nụ hoa sắp nở :

 « Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới »(C31).  Chúng ta nhận ra chữ Giao Ước trong mỗi bước trong Thánh Kinh; nhiều đến nỗi làm đề tựa như khi chúng ta nói « Cựu Ước » và « Tân Uớc » ( Tác giả Marie Noelle Thabut rất tiếc rằng tiếng Pháp dịch từ văn bản tiếng La-tin thành « Cựu Di Chúc và Tân Di Chúc » có thể làm sai ý nghĩa, không như tiếng VN chúng ta dịch từ tiếng Hy-lạp) .

Thế nhưng rất hay Thánh Kinh được mang tựa đề có chữ « giao ước », vì đó là một đặc thù của đạo Do Thái và đạo Ki-tô ! Tự con người không ai có thể với tới Thiên Chúa. Có chăng là tưởng tượng ra một đấng Tối Cao, nhưng không bao giờ thấu hiểu được, vì đó là « Đấng Thật Khác ».

Thế nhưng Thiên Chúa lấy sáng kiến mặc khải cho chúng ta biết Ngài là ai : Một Thiên Chúa- Cha đề nghị với chúng ta một mối liên quan là tình yêu. Cái liên quan tình thân đó, người Do Thái gọi là Giao-ước. Suốt bao thế kỷ người Do Thái suy ngẫm về đề nghị kỳ diệu của Thiên Chúa là Đấng  Phép Tắc Vô Cùng. Đúng là một « đề nghị » của Thiên Chúa vì chính Ngài luôn luôn lấy sáng kiến ấy. 

«Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới »

Giê-rê-mi-a nhận xét thất bại trong suốt nhiều thế kỷ trong lịch sử It-ra-en, trong ấy Thiên Chúa luôn luôn đề nghị tái lập Giao Ước, nhưng con người thì lại không giữ và sống không nghiêm túc. Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa : Dân chúng bị chia cắt làm đôi, sau khi vua Sa-lô-mon băng hà, một bên phía Bắc là nhà It-ra-en với thủ đô là Sa-ma-ri-a, một bên là nhà Giu-đa phía Nam với Giê-ru-sa-lem là thủ đô. Ở đây Chúa nói :

«Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới » có nghĩa là lời hứa của Chúa bao gồm cả dân tộc, mặc cho những thay đổi của lịch sử.

« Một Giao Ước Mới », không có nghĩa là Thiên Chúa đổi ý, đã có một Giao Ước thứ nhất rồi, bây giờ có Giao Ước thứ hai. Cũng không phải một Giao Ước khác, mà là một giai đoạn mới của cùng một Giao ước ấy. « không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng »(C32) ; cái giao ước mà chúng không bao giờ trung thành. Muốn trung thành với Giao Ước, thật giản dị, chỉ cần tuân giữ các Lề Luật. Thế nhưng mỗi thời các Tiên tri phải làm mở mắt dân chúng vì họ lại bất tuân Lề Luật. Giao ước Mới này sẽ không lỗi phạm nữa về phía con người.

«… ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập »(C32)đây là lời nhắc nhở về « Xuất hành », giai đoạn thành lập dân được Chúa  chọn, kinh nghiệm nền tảng của dân này. Trong đó họ khám phá ra lần đầu tiên hành động giải thoát của Thiên Chúa.

 « …chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng »(C32) Chúa đã chứng minh phần giao ước của Thiên Chúa bằng cách giải thoát dân Ngài ra khỏi ách nô lệ Ai-cập ; Giao Ước giữa Thiên Chúa và It-ra-en dựa vào trải nghiệm ấy. Khi Chúa đề nghị lập Giao Ước với Mô sê, Ngài gởi ông đi nói với dân chúng :

«:4 Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta.5 Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta.6 Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en »   ( Xh 19,4-6)

Rồi dân chúng long trọng tuyên xưng :

«  "Mọi lời ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành »  ( Xh 24,3) 

Như thế mọi lỗi phạm với Lề Luật tức là huỷ bỏ Giao Ước.

« 33 Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA »Những ngày đó là những ngày bất trung của dân : có thể nói cách khác một giai đoạn khác bắt đầu. Và Chúa tiếp «Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng » (C33) Trong sa mạc Chúa đã khắc lề luật của Ngài trong những bia đá ;  kể từ nay Chúa khắc ghi chính vào tâm khảm con người. Khi lề luật được khắc ghi trên những bia đá hay trong sách, thì có thể bị quên lãng đi những lời hứa dù thành thật đến đâu đi nữa ( Nhiều lần trong lịch sử It-ra-en và trong cả đời sống của mỗi chúng ta ) cũng có những lúc sa ngã.

Để Luật của Chúa thấm vào tận đáy lòng con người, như một thực thể thứ hai, thì phải cải hoá tấm lòng con người !

Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.(C33)

Sự thuộc về nhau là có trong chương trình- có thể nói đó là phương châm của Giao Ước. Sự thuộc về nhau thật sự trong Thánh Kinh được diễn tả bằng chữ « Biết », biết ở đây không phải biết của trí khôn mà là một quan hệ mật thiết ( Trong quan hệ lứa đôi, người ta nói vợ biết chồng và chồng biết vợ) . Cựu Ước không ngần ngại dùng cách nói của tình thân và tình yêu để nói tới quan hệ giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. :

« …hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta » (C34)Vì mọi người đều biết Chúa, như Chúa thật, tức là Thiên Chúa Tình Yêu, thì họ sẽ chấp nhận tuân theo lề luật của  Ngài  ban chính vì hạnh phúc của họ.

Chữ « Giao Ước Mới » chỉ được nêu lên một lần trong Cựu Ước, ở đây trong sách Giê-rê-mi-a. Nhưng nơi các Tiên tri khác cũng nói đến lòng cậy trông này, E-dê-ki-en chẳng hạn :

« .26 Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.27 Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành » ( Ed 36,26-27)

« Này sẽ đến những ngày … » Giê-rê-mi-a nói. Với Chúa Giê-su thì những ngày ấy đã tới. Khi lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa nhắc tới rõ ràng lời của Tiên tri Giê-rê-mi-a :

« Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em » ( Lc 22,20)

Điều này muốn nói lên chính đời sống của Ngài trao trong tay chúng ta mới làm cho chúng ta biết tình yêu của Ngài hiến cho chúng ta sâu đậm chừng nào.

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com