Alleluia, alleluia!
- Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần;
sáng danh Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.
-----------------
"Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".
Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.
17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.
18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.
19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,
20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."
Ngay sau khi Phục Sinh, đây là một bài giảng rất ngắn trước khi từ giã các môn đệ. Sự kiện này xảy ra tại Ga-li-lê, tại nơi thường gọi là « ngã ba dân ngoại » hay là « Ga-li-lê các quốc gia » ; vì từ nay sứ vụ của các Tông Đồ gồm mọi quốc gia. Tin Mừng theo thánh Ma-thêu gần như ngưng bất chợt ngắn ngủi: thật ra cuộc phiêu lưu chỉ mới bắt đầu. Tất cả có thể tưởng tượng như trong một cuốn phim trong đó chữ HẾT xuất hiện giữa con đường dẫn đến chân trời bất tận. Vì lẽ Chúa Giê-su gởi đi đến tận chân trời : thế giới bao la, thế kỷ này qua thế kỷ nọ . « 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ »
Thật lạ lùng, hình như các môn đệ chưa mấy sẵn sàng cho sứ vụ này. Chúa không đánh liều giao ngay công việc tầm vóc này cho những cộng tác viên như những người, có vẻ không thông hiểu những gì đã được Ngài huấn luyện suốt trong ba năm trời ròng rã. Các ông lầm lẫn mục đích, những chi tiết, cả bản chất của công việc. Họ còn do dự, nghi ngờ thực tế đang sống, vì thế thánh sử Ma-thêu nói : « nhưng có mấy ông lại hoài nghi »
Sứ vụ được trao, đầy hiểm nguy, là loan truyền một sứ điệp mà chính mấy ông còn rất ngạc nhiên. Người khôn cho là điên rồ, thánh Phao-lô gọi đó là sự khôn ngoan Thiên Chúa. Chính vì công trình này không tầm thường : nó vượt mọi trí tưởng tượng hay mọi dự kiến từ trí khôn con người. Đây là sự giao cảm giữa Thiên Chúa và con người. Đấng ấy đến châm ngọn lửa đầu tiên trao cho các môn đệ tung lửa ấy đi khắp nơi : « 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần »
« nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần » ít khi chúng ta dừng lại nơi công thức đặc biệt này của đức tin. Trước tiên đây là cách trình bày về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi. Cụm từ « Nhân danh » rất thường gặp trong Thánh Kinh nhưng có nghĩa là nhân danh Một Đấng nào đó; thế nhưng khi gọi tên là Chúa Giê-su gọi cả Ba Ngôi Thiên Chúa « nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần » Nếu chúng ta còn nhớ chữ « Nhân danh », trong Thánh Kinh có nghĩa là nhân danh một đấng, một người, và « Rửa tội » tức là dìm người ấy xuống nước, tức là dìm người được phép Rửa vào Chúa Ba Ngôi. Tới đây chúng ta hiểu lệnh truyền của Chúa Giê-su, vì là trường hợp khẩn. Làm sao mà không gấp cho tất cả nhân loại được hưởng đề nghị ấy của Chúa !
Đồng thời công thức đó đối với chúng ta là quen thuộc, nhưng đối với thế hệ của Chúa Ki-tô là một cuộc cách mạng ! Bằng chứng là khi hai thánh Phê-rô và Gio-an chữa lành người tàn tật ở « Cửa Đẹp » (Cv 3 & 4) chính quyền lúc ấy hỏi hai ông ngay « "Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy ? » (Cv 4,7b). Đó là vì Đạo cấm không thể nói nhân danh đấng nào ngoài Thiên Chúa. Ở đây Chúa Giê-su gọi danh Chúa duy nhất, thế nhưng kêu đích danh Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa là Chúa duy nhất, cho tới nay các tiên tri đều nói như thế. Vì lẽ đó những người Do Thái không thể hiểu những môn đệ của Chúa Giê-su, cuộc bách hại sẽ xảy ra, không thể nào tránh khỏi. Chúa Giê-su đã loan báo trong đêm cuối cùng trong bữa Tiệc Ly. :« 2 Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy » (Ga 16,2-3)
Sứ mạng được trao phó cho các Tông Đồ có vẻ điên cuồng. Nhưng các ông không lẻ loi, chúng ta đừng quên rằng, một khi chúng ta cam kết điều gì không cho riêng chúng ta mà cho Chúa Giê-su, chúng ta không có lý do gì lo ngại kết quả « "… 18 Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi… » Hay nói cách khác, chúng ta ra đi nhưng Ngài có toàn quyền.
Có câu truyện kể rằng, sau vài ngày được bầu Giáo Hoàng, một người bạn nói với Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII : « Chắc nhiệm vụ của ngài nặng nề lắm ? » Đức Giáo Hoàng trả lời « Đúng vậy, mỗi tối trước khi ngủ tôi tự nghĩ : Angelo, anh bây giờ là Giáo Hoàng rồi và tôi thấy khó dỗ giấc ngủ, nhưng sau vài phút tôi tự nói, Angelo anh đần quá, kẻ trách nhiệm Giáo Hội, đâu phải anh, là Chúa Thánh Thần… thế là tôi quay sang bên kia và ngủ ngay ! » Chúng ta cũng thế , chúng ta có thể ngủ yên : Rao giảng Tin Mừng là công việc của chúng ta, nhưng không vì thế làm chúng ta quá lo lắng ! Chúa Giê-su đã nói rõ : « 18 Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất »
Chỉ câu ngắn ngủi ấy cũng đủ tóm lược một cách tuyệt vời cuộc đời Chúa Ki-tô. Câu chuyện hôm nay chúng ta nghe đọc xảy ra trên một ngọn núi, không rõ núi nào nhưng dĩ nhiên gợi lên cho chúng ta lúc Chúa bị cám dỗ trên núi và khi Chúa Hiển Linh. Khi bị cám dỗ, Chúa Giê-su từ chối không nhận Đấng Tạo Dựng không ai khác hơn là Đức Chúa Cha. « 8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy,9 và bảo rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi."10 Đức Giê-su liền nói: "Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi. » ( Mt 4,8)
Quyền tạo dựng đó do Chúa Cha ban cho Ngài, không do Ngài đòi hỏi, ma quỷ không thể dùng quyền ấy mua chuộc Ngài.
Kể từ nay, quyền lực ấy ở trong tay chúng ta !. Chỉ cần chúng ta tin là thế … « "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi …Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế »
Chúa Hiện Hữu được Mô-sê mặc khải qua Bụi Gai Rực Cháy, hay cái tên Ê-ma-nu-en (có nghĩa « Chúa ở cùng chúng ta ») do tiên tri I-sa-i-a hứa chỉ là một, trong Thần Khí Tình Yêu đã kết hiệp các Ngài. Bấy giờ chúng ta hãy mặc khải cho thế gian sự hiện diện yêu thương của Chúa Ba Ngôi.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương