"Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!"
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
14 Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.
15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! "
16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.
17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.
Vào thời thánh Phao-lô, cảnh nô lệ thuộc về thực tế hằng ngày, và cũng vì những thực tế đó đã gợi lên ngài những suy gẫm mà chúng ta đọc hôm nay. Khi một chủ nhân có trong nhà, vừa con cái vừa nô lệ, những kẻ này dĩ nhiên không có cùng một cách quan hệ với ông chủ. Người nô lệ sống trong sợ sệt vì biết rằng định mệnh mình nằm trong chủ nhà ; người con thì sống trong tin cậy, an tâm. Nếu người con gọi « Cha ơi » thì biết ngay mình sẽ được nghe và được cha thông cảm. Cả hai đều vâng lời, vì đặc điểm của người chủ là ra lệnh. Người cha mà không ra lệnh không phải là người cha, ai cũng biết người cha như thế ấy không làm ai lớn lên được. Nhưng điều khác nhau giữa người nô lệ và người con là người nô lệ vâng lời vì sợ hãi, còn người con vâng lời vì tin cậy vào sự tinh tế của cha.
Lý do làm cho thánh Phao-lô quan tâm đề tài này vì ngài thấy đây là hình ảnh của quan hệ của chúng ta đối với Chúa. Chúa là Cha chúng ta từ muôn thuở, vì thế từ nguyên thuỷ Ngài muốn nối kết với loài người bằng quan hệ cha-con. Thế nhưng con người thấy khó giữ thái độ như đứa con mà sống như một đứa nô lệ : hắn sợ ông chủ và gán cho ông mọi ý xấu. Nó tưởng tượng ra một ông chủ ganh tị, khó tính, hiềm thù và bất công. Rõ ràng ngay từ đầu bức thư Rô-ma thánh Phao-lô có trong đầu hình ảnh của A-đam. A-đam là hạng người hay nghi ngờ Chúa. Ông ta nghi ngờ điều răn của Chúa và cho rằng điều răn ấy chắc chắn là có gian ý !.. Và vì thế A-đam bất tuân luật của Chúa thế rồi lẩn trốn khi Chúa gọi, ông chắc chắn là Chúa sẽ có hình phạt vì tội bất tuân của mình… Sau này khi Chúa nói với Ca-in « tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó. » ( St4,7b) Ca-in không nghe và đã giết A-ben. Như thế mới khởi đầu mớ bòng bong của bạo lực và đau khổ. Nếu A-đam tin cậy nơi Chúa thì ông chỉ đơn sơ tuân lời Chúa; ông không sợ khi Chúa gọi tìm. Nếu Ca-in tin cậy vào lời khuyên của Chúa, hắn sẽ tự chế ngự được. Nguồn gốc của sự bất tuân là không tin cậy.
Có thể nói, theo thánh Phao-lô, A-đam là một cách nào đó là con người, vì A-đam không phải là người duy nhất của nhân loại. Các giáo trưởng Do Thái thường nói “mỗi người là một A-đam của chính mình”. Đó là cách nói mỗi người chúng ta là một nô lệ của những ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa. Và sự nô lệ đó là thứ gì tồi tệ hơn hết. Tội ấy gọi là “nguyên tội” chính vì là nguồn gốc của mọi thái độ và mang lại đau khổ cho nhân loại. Hơn nữa khi nói tới bài này trong sách Sáng Thế, người ta gọi là “tường thuật về sự sa ngã của A-đam”. Chữ “ngã” nói rõ về cái mớ bòng bong kinh khủng ấy. Người ta thường nói “dối hãy dối đi, thế nào cũng còn cái gì là thật”, cũng vậy có thể nói “nghi kị đi, nghi kị đi, thế nào cũng có cái gì đúng”. Bởi vì một khi đưa ra một ngờ vực gì thì nó bóp méo mọi sự. Thật là nguồn gốc của mọi sai trái. Chúng ta có thể xem lại từng các giới răn một. Không tuân giới răn đầu hình như có vẻ không quan trọng và làm cho ta tưởng không đem ta đi tới đâu. Tưởng rằng chỉ là một ngoại lệ, nhưng đã ăn cắp một lần thì còn ăn cắp nữa, đã đánh lừa một lần thì còn làm nữa, nói dối một lần thì còn nói dối nữa. Thánh Phao-lô miêu tả cái mớ bòng bong ấy trong các chương đầu của thư Rô-ma, ngài dựng lên một bức tranh đáng buồn, làm cho chúng ta buộc miệng nói ”hỡi nhân loại đáng thương”. Các tin tức đến với chúng ta có những ngày cũng không vui gì hơn.
Thế nhưng thánh Phao-lô không ngừng ở cái tổng kết đáng buồn ấy! Vì bộ mặt của trần thế được thay đổi do sự hiện diện, đời sống, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô. Đối diện với con đường của A-đam, đường kia, ngõ kia là con đường của Đấng Ki-tô: Đấng mà thánh Gio-an nói là Ngài luôn luôn “hướng về Chúa Cha” bằng một tư thế đối thoại không do dự. Ngay giữa cơn thử thách, giữa lúc lo lắng nhất khi bị bách hại, tra tấn và trước cái chết bạo lực. “36 Người nói: "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." ( Mc 14,36). Lòng tin cậy vào Chúa Cha mạnh hơn mọi tiếng nói khác. Ngay từ bài tường thuật về các cơn cám dỗ cũng cho chúng ta thấy sức đề kháng trước mọi đề nghị rất ngọt ngào của ma quỷ, còn gọi là kẻ chia cách, tức là kẻ muốn chia cách Chúa Giê-su với Chúa Cha. Bí quyết của Chúa Giê-su, Thánh Kinh nói rõ, là nhờ Ngài đầy Chúa Thánh Thần, được Thánh Linh ngự trong lòng để hướng dẫn.
Tất cả lịch sử của nhân loại là cuộc tập sự dài để từ thái độ một kẻ nô lệ ( A-đam) có thái độ của người con, Đấng Giê-su Ki-tô. Khi các giáo trưởng Do Thái nói “mỗi người là một A-đam của chính mình” không có nghĩa lúc nào đời sống chúng ta cũng như thế, chúng ta có những lúc sống theo A-đam, có lúc sống theo Chúa Ki-tô. Các giờ sống theo đấng Ki-tô là những lúc chúng ta để Chúa Thánh Thần dẫn dắt, Ngài luôn ngự trong chúng ta từ lúc nhận phép Rửa Tội. Khi thánh Phao-lô nói « Chúng ta cùng khổ với Chúa Giê-su », là ngài muốn nói những lúc chúng ta bị cám dỗ, đó cũng là những thử thách phải vượt qua. Chúng ta có tin cậy hay không giữa những thử thách, giữ vững định hướng trong ơn gọi hay những cam kết của chúng ta, vâng lời các điều răn vì đó là điều tốt cho chúng ta và cho người khác… ? Nếu chúng ta theo con đường của Chúa Giê-su, hoàn toàn từ chối nghi ngờ như A-đam, nêú chúng ta chấp nhận tin tưởng vào Chúa, ngày này qua ngày khác, chúng ta sống như con Thiên Chúa và chúng ta sống đời sống của Chúa. Đó chính là thánh Phao-lô gọi là « 17 …chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người »
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương