"Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác".
Trích sách Đệ Nhị Luật.
32 Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?
33 Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh (em) đã nghe, mà vẫn còn sống không?
34 Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh (em) không?
39 Vậy hôm nay, anh (em) phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.
40 Anh (em) phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh (em); như vậy anh (em) và con cháu anh (em) sau này sẽ được hạnh phúc, và anh (em) sẽ được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), vĩnh viễn ban cho anh (em)."
Thiên Chúa là ai ? Đó là câu hỏi của loài người từ muôn thuở. Có hai cách trả lời : Mỗi người tìm cách tự trả lời, như một người trưởng thành…Nhưng muốn như thế mầu nhiệm của Thiên Chúa ở trong tầm tay…Hay để Thiên Chúa nhắc cho chúng ta biết câu trả lời. Từ ngàn xưa Chúa từng « nhắc nhở » chúng ta qua « hơi thở » của Chúa Thánh Linh để mặc khải dần dần cho chúng ta Ngài là Ai ?.
Không có sách nào trong ngày Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, có chữ « Ba Ngôi » Thiên Chúa, không có một lần nào trong Thánh Kinh. Trái lại sách Cựu Ước luôn luôn nhấn mạnh đến Chúa duy nhất. Đó còn là cuộc thách đố của kinh Tin Kính dân Do Thái. « 4 Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất »(Đnl 6,4). Chúng ta cũng tự hỏi tại sao Cựu Ước không bao giờ nói tới Chúa Ba Ngôi ? Đây cũng là lý do tính cách sư phạm của Thánh Kinh. Khi Chúa chọn dân của Ngài để mặc khải về Thiên Chúa, thì lúc ấy cả nhân loại thờ nhiều chúa. Trong bầu khí đó khó mà nói cho nhân loại cách nói hai lời : Thiên Chúa là Một nhưng có Ba Ngôi. Giai đoạn đầu tiên của cách mặc khải của Thiên Chúa có tính cách sư phạm là cho nhân loại biết Thiên Chúa duy nhất. Tuy nhiên Chúa không lẻ loi một mình, Ngài luôn luôn hiệp nhất trong Tình Yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trong giai đoạn đầu tiên ấy, suốt thời gian của Cựu Ước, các tiên tri phải đấu tranh liên tục chống thuyết đa thần. Giai đoạn thứ hai được Chúa Ki-tô ban cho loài người Lời thuyết giáo của Ngài. Chúng ta hiểu vì sao có sự hiểu lầm. Sau bao nhiêu thế kỷ được nghe các tiên tri thuyết giáo chống bụt thần, chỉ có MỘT Thiên Chúa, thế bây giờ vị tiên tri thành Na-da-rét tự xưng mình là Thiên Chúa. Sau ngày Chúa Phục sinh các môn đệ ngẫm suy các Lời Chúa mà các ông được nghe trong giai đoạn thứ hai của sứ điệp trong Mặc Khải của Chúa : Thiên Chúa là MỘT trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta sẽ đọc những điều đó trong các Lời Chúa của ngày lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay.
Bây giờ xin mời trở về bài trong sách Đệ Nhị Luật. Trong vài hàng, chúng ta có cả giáo lý của dân It-ra-en. Chúng ta còn trong giai đoạn đầu của sư phạm của Chúa. : Tác giả bài được linh ứng, nhấn mạnh rằng : « 39 Vậy hôm nay, anh (em) phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa ». Có nghĩa là không có thần trên trời, thần dưới biển, của các đạo binh, của khả năng sinh sản… Thiên Chúa Duy Nhất là Thiên Chúa .
Lạ thay trong giáo lý ấy không có định nghĩa nào về Thiên Chúa, cũng không có đoạn nào miêu tả Thiên Chúa. Trái lại có những đoạn dài kể những kỳ công của Thiên Chúa cho nhân loại, rồi cho dân được Ngài chọn. ( Như câu 32 Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?) Thiên Chúa đã trao tặng các điều răn của Ngài như những phương thức để sống hạnh phúc. Trong câu : 40 Anh (em) phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh (em); như vậy anh (em) và con cháu anh (em) sau này sẽ được hạnh phúc, và anh (em) sẽ được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), vĩnh viễn ban cho anh (em)." Sau cùng Thiên Chúa ban cho dân Ngài miền đất đã hứa.
Không có một định nghĩa của Thiên Chúa trong ấy, nhưng là một kinh cầu lải nhải kể lại những kỳ công đáng thán phục của Ngài. « 32 Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng? » Đây là những lời thán phục của dân được chọn, ý thức được Thiên Chúa ban cho, không có một xứng đáng nào. Nhất là dân Ngài ngạc nhiên, xúc động mạnh, thán phục trước mặc khải của một Thiên Chúa thật bất ngờ, khác với tất cả những gì có thể tưởng tượng ! Nếu là một Thiên Chúa tạo dựng thì dễ tưởng tượng ra, nhưng mặc khải một Thiên Chúa là một Đấng đã chọn một dân tộc, đến « chiếm hữu » dân tộc ấy, làm cho nó cách biệt, quan tâm đến nó, can thiệp cho nó trong nhiều tình huống, ban cho nó một miền đất sống, phát hiện cho nó những bí quyết về hạnh phúc về đời sống…
Theo lẽ thường người ta cứ tưởng là một Thiên Chúa đầy sức mạnh, Thiên Chúa mà người ta gọi là « Ê-lô-him », nhưng người ta lại khám phá ra một Thiên Chúa tuyệt vời hơn thế. Thật ra không phải ai khám phá ra chính Ngài mặc khải… Chỉ có Chúa mới có thể nói về Ngài, thật vậy, phải có chính Ngài mặc khải cho ta. Và Ngài đã mặc khải cho ta là đấng E-lô-him, Thiên Chúa của sức mạnh nhưng cũng là Thiên Chúa của sự Hiện Diện. Cái tên bất hủ mặc khải cho ông Mô-sê, bằng bốn chữ cái YHVH không thể đọc được, nói lên sự hiện diện của Ngài cạnh bên dân Ngài, hôm qua, hôm nay và ngày mai.
Ngoài sự hiện diện liên tục của Chúa cạnh bên dân Ngài, Chúa còn mặc khải những điều mà không dành riêng cho dân It-ra-en mà cho tất cả loài người. Ở đây cũng phải nên thấy sư phạm của Chúa. Trong một bầu khí lịch sử trong đó mỗi dân tộc muốn nổi lên tưởng rằng phải có một thần, hay nhiều thần cùng tham chiến với mình. Thế mà không một dân tộc nào, kể cả dân It-ra-en có thể nghĩ rằng có một Chúa bênh vực mình mà không chống lại các dân tộc khác.
Rồi dần dần, dân tộc được chọn khám phá ra mình được chọn không phải để chống lại các dân tộc khác mà để phục vụ. Như ông André Chouraqui nói « Dân của Giao Ước sẽ là trong tương lai khí cụ của Giao Ước các dân tộc »
Sách Đệ Nhị Luật mà chúng ta đọc hôm nay là một sách khá gần đây của Thánh Kinh, sách bắt đầu triển khai giai đoạn mới của Mặc Khải : Một đàng It-ra-en là dân được chọn « 33 Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh (em) đã nghe…, » đàng khác, Thiên Chúa là Thiên Chúa của muôn dân, vì chỉ có một Chúa : « 39 Vậy hôm nay, anh (em) phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa »
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương