Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.
12 Biết lấy chi đền đáp CHÚA bây giờ
vì mọi ơn lành Người đã ban cho?
13 Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh ĐỨC CHÚA.
15 Đối với CHÚA thật là đắt giá
cái chết của những ai trung hiếu với Người.
16 Vâng lạy CHÚA, thân này là tôi tớ,
tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài,
xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.
17 Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh ĐỨC CHÚA.
18 Lời khấn nguyền với CHÚA, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người,
Chúng ta có trong bài TV này tất cả những yếu tố quan trọng của Bài Đọc Một trong Lễ Mình và Máu Chúa hôm nay. Trước tiên là công trình giải thoát của Chúa, kế đến là lời nhớ ơn của các tín hữu về sáng kiến ấy của Thiên Chúa và sau cùng là những lời cam kết vâng lời. « xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi » . Đó là công trình của Thiên Chúa, và ai cũng biết người viết thánh vịnh nghĩ đến xiềng xích nào : đó là sự kiện giải thoát khỏi Ai-cập. Hằng năm đặc biệt vào Lễ Vượt Qua, các con cháu của những người từng là nô-lệ dân Ai-cập, sống lại những giai đoạn quan trọng của cuộc giải phóng. : sứ vụ ông Mô-sê, những vô số toan tính để xin phép Pha-ra-ôn ra đi mà không bị quân đội rượt theo, tính ngoan cố của vua… và nhiều lần Chúa can thiệp vào để khuyến khích ông Mô-sê cố vững kiên trì thực hiện công trình của mình. Cuối cùng dân chúng chạy thoát được và sống sót một cách nhiệm mầu, trong lúc Pha-ra-ôn cứng lòng nên thất bại.
Khi hát bài thánh vịnh này, sau nhiều thế kỷ trong đền Giê-ru-sa-lem, giai đoạn ra khỏi Ai-cập đã từ lâu thuộc về quá khứ, thế nhưng đó chỉ là một giai đoạn. Không phải chỉ ra khỏi Ai-cập là trở thành một dân tộc tự do : Còn bao nhiêu thứ nô lệ cá nhân và tập thể đầy rẫy trên mặt đất này ! Nô lệ nghèo khó, nô lệ sự bần cùng trên nhiều hình thức ; nô lệ bệnh hoạn và suy đồi thể lý ; nô lệ về mặt ý thức hệ, kỳ thị, áp bức dưới mọi hình thức…Ai-cập của Thánh Kinh, thế kỷ này qua thế kỷ khác còn mang lấy nhiều bộ mặt, nhiều hình thức. Nhưng chúng ta cũng biết Chúa không ngơi nâng đỡ chúng ta phá tan mọi xiềng xích.
Lịch sử nhân loại, than ôi ! cho chúng ta hằng ngàn ví dụ về nô lệ và về (thật là tuyệt vời) sự khao khát tự do. Điều này ghi tận tâm can con người và giúp chống trả mọi hình thức cố bóp nghẹt sự khao khát tự do đó. Điều này những người có đức tin biết ai đã « thổi » vào con người : Đó là Chúa Thánh Thần. Bài thánh vịnh của chúng ta biết rằng : « 15 Đối với CHÚA thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người », nó đắt giá đến nỗi có thể giải thích nguồn gốc của những cuộc chiến dành sự sống và tự do cho con người, bất cứ ai.
Chúng ta có thể tin cậy nơi Thiên Chúa, có thể nói rằng Ngài là Đấng đã chứng tỏ qua các trải nghiệm. Chẳng lẽ Ngài lại xiềng xích chúng ta, Ngài quá gắn bó với sự tự do của chúng ta cho nên không vì thế mà Ngài lại bó buộc chúng ta lần nữa. !. Bấy giờ trong tự do chúng ta theo gót Ngài « 16 Vâng lạy CHÚA, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi ». Chữ tôi tớ ở đây có thể hiểu là môn đệ. Trong Thánh Kinh, chữ phục vụ Chúa không có nghĩa là Chúa cần người phục vụ…Đó là dành cho các bụt thần, các đấng thần thiêng trong óc tưởng tượng của con người. Thật lạ lùng, khi chúng ta tưởng tượng ra các bụt thần là chúng ta tin rằng các đấng ấy cần nhang đèn, những lời ca ngợi và những việc chúng ta phải phục vụ các ngài. Trái lại, Thiên Chúa It-ra-en, Chúa Giải Thoát, không bao giờ cần những nô lệ phủ phục dưới chân Ngài. Chúa chỉ đòi hỏi chúng ta là những môn đệ của Ngài, vì chỉ có Ngài mới làm cho chúng ta thăng tiến trên con đường khó khăn đến tự do. Kinh nghiệm It-ra-en hay của chúng ta cho thấy một khi không để Chúa hay Lời Ngài dẫn dắt, là chúng ta nhanh chóng rơi vào vô số cạm bẫy, lệch hướng, hay con đường sai trái.
Vì thế bài thánh vịnh xác định mạnh mẽ rằng : « 17 Con sẽ …kêu cầu thánh danh ĐỨC CHÚA », câu này được lặp lại hai lần trong bài thánh vịnh. Đúng là một điều kiên quyết, thật sự từ chối kêu cầu các chúa nào khác, tức là vĩnh viễn quay lưng lại với các bụt thần. « 17 Con sẽ …kêu cầu thánh danh ĐỨC CHÚA », tức là con cam kết không kêu cầu ai khác ! Chúng ta biết rằng các tiên tri phải đấu tranh trong nhiều thế kỷ chống lại các bụt thần.
Phải nói rằng sự trung thành với lời cam kết đó đòi hỏi hoàn toàn tin cậy vào Chúa, mà cũng thường là một lòng dũng cảm to lớn chống lại thuyết đa thần của các dân tộc láng giềng. Ví dụ như trong thời Hy-lạp thống trị trên đất Pa-lét-tin – không bao lâu trước khi Chúa Ki-tô, Thánh Kinh có chép lại – dân Do Thái phải dũng cảm đương đầu với cuộc bách hại của Antiochos III Đại Đế. Trung thành với lời tuyên xưng « 17 Con sẽ …kêu cầu thánh danh ĐỨC CHÚA », là giống như tự ký tên vào lời tuyên xưng tử hình cho chính mình.
Lời cam kết « 17 Con sẽ …kêu cầu thánh danh ĐỨC CHÚA » được kết liền với những nghi lễ « 13 Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ…17 Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn ». Chúng ta nhận ra nơi đây, những gì chúng ta nghe trong Bài Đọc 1, trong sách Xuất Hành, sự thay đổi toàn diện từ ông Mô-sê : kể từ nay các nghi lễ không còn là những cử chỉ thần kỳ ma thuật nữa, nhưng là những biểu hiện của Giao Ước, nhớ ơn công trình Thiên Chúa làm cho loài người. Cái chén gọi là « chén cứu độ » , của lễ là của lễ tạ ơn vì thái đô của đức tin là một thái đô biết ơn.
Vì ngày ấy là ngày lễ Vượt Qua tại thành Giê-ru-sa-lem, chính Chúa Giê-su đã hát bài thánh vịnh này trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh với các môn đệ, Ngài vừa dâng lần chót chén cứu độ và Ngài dâng chính đời sống của Ngài để làm lễ tạ ơn. Chúng ta là môn đê của Ngài, chúng ta nhìn ra dễ dàng chính Ngài đã giải tgoát nhân loại khỏi bao xiềng xích. Theo Ngài chúng ta có thể hát rằng : « 12 Biết lấy chi đền đáp CHÚA bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? »
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương