"Chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói."
Trích thư thứ hai của Thánh Phao-lô Tông đổ gửi tín hữu Cô-rin-tô
13Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói.
14 Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giê-su, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em.
15 Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.
16 Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới.
17 Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.
18 Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.
1 Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.
Ngay từ đầu của đoạn thư này Thánh Pha-lô đặt mình cùng chung với đoàn người đông đảo tín hữu: «Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói.» (c13). Thật ra, rất khó tìm câu này trong Thánh Kinh, vì chỉ có trong bản dịch tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh Bảy Mươi (Bản do 70 dịch giả); đó là câu đầu của bài Thánh vịnh 115 (theo số thứ tự Hy-lạp). Câu này giúp chúng ta hiểu bài đọc hôm nay.
Bài Thánh vịnh này gợi lại những thử thách của tín hữu và ơn cứu độ của Thiên Chúa: «Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho?» (Tv116, 12). Hầu như luôn luôn, đầu tiên là trải nghiệm của toàn dân It-ra-en với lịch sử của họ: cảnh nô lệ, cuộc đấu tranh dành tự do, ơn Chúa cứu độ:
«Đối với Chúa thật là đắt giá, cái chết của những ai trung hiếu với Người. Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài xiềng xích con, Ngài đã tháo cởi ?».
Nhưng trải nghiệm của mỗi tín hữu cũng được nhìn nhận trên con đường thử thách và được nhận ra trong sự hiện diện tích cực của Thiên Chúa. Chính điều ấy Thánh Phao-lô muốn dựa vào, khi ngài nói: «Đã thốt ra trong cơn hốt hoảng: mọi người dều giả dối» (Tv115, 11). Có người dân thành Cô-rin-tô, từng không ngần ngại nói xấu Thánh Phao-lô, kẻ ấy sẽ hiểu rõ ngài ngụ ý muốn nói gì.
Thế nhưng, không phải để phân trần với những người ấy mà thánh nhân viết: đối với ngài sự ngạc nhiên thán phục trước đức tin là chủ yếu. Và với ngài, luôn luôn đức tin là lòng tin Đức Ki-tô đã Phục sinh. «Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giê-su» (c13-14). Trong câu này, nên nhấn mạnh vào chữ cũng, từ biến cố trên đường Đamát, sự Phục Sinh của Chúa là một sự thật chói lòa trong tâm khảm của ngài. Trong thư thứ nhất cũng cho dân thành Cô-rin-tô này, Thánh nhân nói: «Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng» (1Cr15, 14).
Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô loan báo và biểu hiện trước sự phục sinh của chính chúng ta. Cũng như thế đối với Thánh Phao-lô, đây là một điều hiển nhiên; trong thư thứ nhất, ngài không bao giờ cách xa điều này: «Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại?13 Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy…Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu» (1Co15, 12-13-15, 20). Trong Cựu Ước, những điềm báo hiệu là những bó lúa đầu tiên của mùa gặt. Đây là một điều tuyệt vời để nói lên Đức Ki-tô không chỉ là đứa con duy nhất của Thiên Chúa, là Đứa Con Đầu Lòng, người Anh Cả của một đàn em đông đúc, như Thánh Phao-lô nói. Tất cả nhân loại được gọi sẽ Phục Sinh: «Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống» (1Cr15, 22).
Cũng vì thế, mà một Tông đồ thật sự không thể không quan tâm đến số lượng người nghe mình rao giảng: chúng ta có khuynh huynh hướng đứng về phe những người không muốn Ki-tô hóa nữa. Mặc dù, đương nhiên là Giáo Hội không phải là một công ty thương mại, thế nhưng nếu chúng ta không vui mừng thấy Tin Mừng Chúa Ki-tô được quảng bá, thì đó không còn phải là Tin Mừng thật sự nữa! Nếu là một Tin Mừng thì ta hô to khắp mọi nơi. Tất cả điều ấy tóm gọn trong câu sau đây: «Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.» (c15)
Chính vì đức tin không thể nào thuần hóa được, khiến Thánh nhân nói: «Tôi đã tin, nên tôi mới nói» (c1). Khi nói đức tin không được thuần hóa, tức là có ý nói đức tin ấy thế nào cũng phải gặp những cản trở. Sở dĩ Thánh Phao-lô nói: «Cho nên chúng tôi không chán nản…» (c16), hẳn có những điều làm chán nản. Chúa Giê-su đã tiên báo cho các môn đệ: sự bách hại cũng sẽ có trong chương trình: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt16, 24). Chúa truyền điều ấy trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu tại thời điểm rất quan trọng: giữa lúc Thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin tại Xê-da-rê và Chúa Giê-su Hiển linh - «Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.» (Mt16, 16) - Chúa Giê-su tiên báo cuộc thương khó của Ngài, sự chết và phục sinh; và Ngài thêm liền sau đó, ai muốn theo Ngài cũng phải cũng sẽ đi sát gót Ngài trong đau khổ và trong vinh quang.
Thánh Phao-lô đã từng trải nghiệm đau khổ thể lý và tâm lý, trong lúc thi hành sứ vụ của mình. Trong phần đầu thư này, ngài nhắc lại rõ ràng: «Thật thế, thưa anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về nỗi gian truân chúng tôi đã gặp bên A-xi-a: chúng tôi đã phải chịu đựng quá mức, quá sức chúng tôi, đến nỗi chúng tôi không còn hy vọng sống nổi» (2Cr1, 8)… «Nhưng chúng tôi đã mang án tử nơi chính bản thân rồi, để chúng tôi không tin tưởng vào chính mình, mà vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết trỗi dậy» (2Cr1, 9). Cách duy nhất để vượt qua những thử thách, là ngước mắt nhìn thẳng vào sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô và của chúng ta: Thánh Phao-lô đối kháng những gì tạm bợ với vĩnh cửu, con người bề ngoài và con người nội tâm, những sự vật hữu hình với vô hình, những thử thách thực tại với sự vinh quang đời đời được Chúa hứa: «Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.
Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.» (c17, 18). Phải chăng văn sĩ Saint-Exupery múc cảm hứng từ Thánh Phao-lô khi ông viết: «Điều chính yếu không thể thấy được bằng mắt»
Dưới mắt Thánh Phao-lô, không ai muốn có những thử thách, thế nhưng không thể tránh được. Điều tốt hơn thế nữa: chính trong sự khốn cùng là nơi ta được ủi an: Thánh Phao-lô không lấy làm vinh quang từ những thử thách của mình, nhưng những lúc ấy ngài mới trải nghiệm sự hiện diện và tình yêu trìu mến của Đấng Phục Sinh. Ngay phần đầu của bài Thánh thư, ngài trích sách Tiên tri I-sa-i-a: «Hãy an ủi, an ủi dân Ta» (Is40, 1) rồi ngài viết tiếp «Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an.4 Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.5 Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi» (2Cr1, 3-5)
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương