"Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa,
người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
I. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ (3,20-35):
20 Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
22 Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? 24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; 25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
28 "Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời". 30 Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám."
31 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. 32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!" 33 Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" 34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."
II. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ (3,20-35):
2.1 Nhiều người Do-thái đã vấp ngã vì Đức Giê-su, trong đó có cả những người thân thiết họ hàng và các kinh sư. Những người họ hàng thân thiết là những người sống gần gũi với Người. Các kinh sư là những người am tường Thánh Kinh và lịch sử. Đáng lẽ ra hai hạng người kể trên phải là những người am hiểu về Đức Giê-su hơn những người khác. Nhưng trái lại, họ hàng thân thích thì cho rằng Đức Giê-su mất trí; còn các kinh sư thì cho rằng Đức Giê-su dùng quyền lực của quỷ vương Bê-en-dê-bun. Trước hai thái độ sai lạc ấy, Đức Giê-su cảnh cáo về tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội cố chấp trong suy nghĩ hẹp hòi và nông cạn của mình và không mở lòng ra đón nhận sự soi sáng của Thánh Thần Thiên Chúa.
2.2 Nhân có mẹ và anh em Người tìm đến, Đức Giê-su nâng cao tầm nhìn cho các môn đệ: không phải những người ruột thịt là người thân đích thực của Chúa mà là những người thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Thế có nghĩa là đối với Chúa Giê-su mối quan hệ họ hàng ruột thịt không quan trọng bằng mối quan hệ thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn của Thiên Chúa là người tín hữu nên thánh, nên hoàn thiện vì Thiên Chúa là Đấng thánh, là Đấng trọn hảo. Đó là thông điệp từ Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước. Nên thánh là giữ 10 giới răn, là sống tinh thần Bát Phúc, là thực hành bác ái yêu thương.
III. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ (3,20-35):
3.1 Trong bài giảng tĩnh tâm năm 2018 cho các linh mục Long Xuyên, linh mục Phê-rô Nguyễn Văn Hiền, đặc trách ban Giáo lý đức tin thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn, đã trình bày chủ đề đầu tiên với tên gọi “Đường hướng dạy giáo lý tại Việt Nam 2017”. Khởi đi từ thực trạng dạy giáo lý tại Việt Nam, cha Phê-rô nhấn mạnh đến 4 cái thiếu: một là thiếu chiều sâu, bởi tập trung vào cái đầu thay vì con tim và đôi tay; hai là thiều chiều cao, bởi chú trọng đến kiến thức thay vì tương giao và gặp gỡ; ba là thiếu chiếu dài, bởi giới hạn vào việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích thay vì trưởng thành đức tin; bốn là thiếu chiểu rộng, bởi giói hạn trong khuôn khổ của lớp học thay vì vươn ra xã hội. Với nền giáo dục đức tin bất cập như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi có nhiều giáo dân khư khư với sự hiểu biết yếu kém của mình mà không chịu trau dồi học hỏi thêm Giáo Lý, Thánh Kinh, Công Đồng, Giáo Huấn xã hội của Giáo Hội. Nhiều người biện minh bằng lý do không có thời giờ. Nhưng thành thật phải nhìn nhận là phần đông là do lười biếng và thiếu quan tâm đến việc hiểu đạo và hành đạo.
3.2 Cũng vì chỉ có một nền tảng giáo lý yếu kém như thế mà nhiều giáo dân sống đạo cách hời hợt, hình thức không chịu đi sâu vào mối tương quan mật thiết thân tình với Chúa Giê-su Ki-tô. Họ mang danh là Ki-tô hữu nhưng không hiểu biết Chúa bao nhiêu và không sống chết với Chúa như Chúa mong đợi.
IV. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ (3,20-35):
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa và là Thầy của chúng con, chúng con xin Chúa tha thứ cho sự lười biếng và không quan tâm đến vấn đề học đạo và sống đạo của chúng con. Chúng con thường cố chấp, cứng đầu cứng cổ trước những gợi ý, soi sáng, khuyên bảo của Chúa Thánh Thần và những người khôn ngoan. Chúng con sống đạo một cách hình thức, hời hợt và bảo thủ. Xin Chúa mở lòng mở trí cho chúng con để chúng con mộ/sùng đạo, hiều đạo và sống đạo như ý Chúa muốn.
Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Amen.
***
Sài-gòn ngày 04 tháng 06 năm 2018
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.