"Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
21 Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ.
22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người,
23 và khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống."
24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.
25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm,
26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.
27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người.
28 Vì bà tự nhủ: "Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu."
29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.
30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: "Ai đã sờ vào áo tôi? "
31 Các môn đệ thưa: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi? "
32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó.
33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người.
34 Người nói với bà ta: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh."
35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa? "
36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi."
37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an.
38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ.
39 Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy! "
40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm.
41 Người cầm lấy tay nó và nói: "Ta-li-tha kum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! "
42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ.
43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
Chúng ta có thể nghĩ tất cả xảy ra tại Ca-phác-na-um, mặc dù thánh sử Mác-cô thấy không cần thiết phải xác định điều này. Hai câu chuyện kể về phép lạ có liên hệ chồng chéo lên nhau. Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều kể lại ba sự kiện cùng theo một thứ tự. Ông Gia-ia xin chữa lành cho người con gái, kế đến người phụ nữ được chữa lành và sau cùng cô con gái được sống lại. Người phụ nữ đã mắc bệnh 12 năm, cô bé được 12 tuổi, cả hai đều mắc bệnh nan y, tất cả phương sách y học của con người không làm gì được nữa: thánh Mác-cô nhấn mạnh trên điều này. Riêng về người phụ nữ, ngài còn nói rõ: “25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác”. Còn về người con gái, ngài thuật lại những lời tuyệt vọng của thân nhân ông Gia-ia: “"Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa? "
Sở dĩ thánh Mác-cô muốn ghi rõ sự bất lực của con người, chính là để làm nổi bật lên quyền năng của Chúa Giê-su. Một quyền lực phát sinh từ Ngài, có thể nói tuôn ra từ Ngài (chữa lành người phụ nữ), một quyền lực có thể làm người chết sống lại (con gái ông Gia-ia). Một quyền chỉ có Ngài mới có. Thánh Mác-cô cố tình cho thấy sự khác biệt giữa Chúa Giê-su và các tiên tri của Cựu Ước. Ê-li-a làm cho con bà goá Xa-rép-ta sống lại ( 1V 17,17-24) ; Ê-li-dê làm cho con trai người phụ nữ Su-nêm sống lại ( 2V 4, 18-27), cả hai bắt đầu bằng kêu cầu Đức Chúa. Thánh Mác-cô thuộc nằm lòng những ví dụ danh tiếng đó, chính vì thế thánh nhân biểu hiện quyền năng trực tiếp của Chúa Giê-su trên bệnh tật và sự chết. Chúa nói cho ông Gia-ia: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi." Và với những người khác "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy! ". Bằng cách này, thánh Mác-cô có ý nói cho chúng ta rằng Đấng Giê-su chính là Thiên Chúa của sự sống. Từ đó chúng ta biết rằng sự chết chỉ là một giấc ngủ, Chúa Giê-su có thể đánh thức chúng ta dậy.
Việc hồi sinh đứa bé gái ông Gia-ia là một hình ảnh và một ấn tượng đầu của sự phục sinh của chúng ta. Chúa Giê-su đã cầm tay đứa bé gái thì Ngài cũng sẽ cầm tay lần lượt mỗi chúng ta. Như tiên tri I-sa-i-a nói “ 13 Vì Ta, ĐỨC CHÚA, là Thiên Chúa của ngươi, Đấng cầm lấy tay phải ngươi và phán bảo:"Đừng sợ, chính Ta phù trợ ngươi ” ( Is 41,13). Một ngày Đấng Cứu Độ sẽ nói cho tất cả nhân loại: "Ta-li-tha kum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! ". Chúng ta đã có một ấn tượng đầu rồi qua phép Rửa Tội. Không biết thánh Mác-cô lúc ấy đã biết bài hát Rửa Tội của những cộng đồng sơ khai chưa ? được nói tới trong Thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Ê-phê-sô? “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!” ( Ep 5,14)
Để tham dự vào quyền lực chữa bệnh, vào sự phục sinh của Chúa Giê-su chỉ cần một điều kiện duy nhất, là tin:"Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” ( Mc 5,34). Đức tin được ban cho nhưng không, đó là điều kiện cần và đủ , hẳn là đề tài thứ hai mà thánh Mác-cô muốn triển khai ở đây: một đức tin mà bất cứ ai cũng có thể có được: ông Gia-ia là trưởng hội đường, một người danh tiếng đã đành, còn đàng khác là một người có thể nói ở hàng chót nhất của bậc thang xã hội, một phụ nữ mang bệnh bị cấm chỗ công cộng. Bệnh của bà làm băng huyết thường xuyên, là tình trạng ô uế chính thức. Chính với người ô uế này mà Chúa nói đến sự cứu độ. Trước mặt mọi người, Ngài đưa bà trở về lại cộng đồng. Ở đây chúng ta nhận ra thánh Mác-cô muốn nhấn mạnh rằng Chúa muốn chống lại tất cả mọi hình thức loại trừ, cũng như ngài đã viết ngay phần đầu của Tin Mừng về giai đoạn chữa lành cho người cùi hủi. Nhưng chúng ta tự do chọn lựa; từ chối không tin, đứng về phe những kẻ “chế nhạo Người”. (Câu40) , tức là đứng về phe cái chết “Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết ” ( Kn 2, 24 Bài đọc 1) Từ chối đi vào con đường của sự sống, tức là xa Chúa, tức là xa sự sống. Đây cũng là một đề tài rất được thánh Mác-cô quý chuộng. Hình như những đọc giả của thánh Mác-cô cần nghe ngài như thế. Sau đoạn này, có một câu mà chỉ có ngài mới chép lại lời nói của Chúa Giê-su: “ Mọi sự đều có thể đối với người tin." ( Mc 9,23)
Lúc bấy giờ Chúa Giê-su cố gắng dạy dỗ các môn đệ về đức tin. Chúng ta tìm thấy ba môn đệ gần Ngài nhất, luôn luôn là ba ông này: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, là những môn đệ lúc ban đầu, ( 1,16-20), cũng những ông được chứng kiến hiện tượng hiển linh (9,2) và với Chúa trong vườn Gét-sê-ma-ni; cũng những ông này khi Ngài muốn dạy điều gì riêng tư (13). Sau này chính đó là những thành viên quan trọng nhất của Giáo Hội sơ khai. “ các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an, những người được coi là cột trụ” ( Gl 2,9). Khi viết Tin Mừng này, thánh Mác-cô thấy không phải vô ích nên lưu ý sự ưa chuộng của Chúa đối với ba ông này.
Sau cùng, điều đặc biệt của Tin Mừng theo thánh Mác-cô là những lệnh giữ thinh lặng của Chúa Giê-su được thánh nhân nhấn mạnh sau mỗi lần quyền lực của Chúa được thực hiện “ 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy” ( Mc5,43). Có lẽ nên nhìn lại một lần nữa bí mật về đấng Mê-si-a: Chỉ sau Cuộc Thương Khó Chúa Giê-su mới được nhận không thể sai lầm là đấng Mê-si-a . Nhưng có một cách giải thích khác: Chúa Giê-su đang được rất ngưỡng mộ. Chúng ta tìm thấy bằng chứng sự kiện này ở hai câu trước và sau câu truyện hôm nay: ở chương 3 : “10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người” ( Mc3,10) và ở chương 6 “56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” ( Mc 6,56)
Thánh Mác-cô không triển khai rộng như trong Tin Mừng theo thánh Ma-thêu hay Lu-ca về nội dung những sự cám dỗ của Chúa Giê-su phải chống lại suốt cuộc đời công khai của Ngài. Không thể chối cãi là có những lúc vinh quang. Thánh Ma-thêu đưa ra ví dụ từ trên đỉnh Đền, Chúa từ chối cám dỗ làm một điều ngoạn mục. Thánh Mác-cô không làm như thế, nhưng thể hiện một cách tuyệt vời đức khiêm cung của Chúa Giê-su, luôn luôn tránh làm nổi bật lên cá nhân mình. Trái lại Ngài tìm cách xoay chú ý của mọi người ra phía khác hơn là Ngài. Chúa hướng cho mọi người nhìn về phía cô bé vừa thức dậy và “bảo họ cho con bé ăn.”
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương