"Sự dư thừa của anh em bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khó".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
7 Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa.
9 Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có
13 Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều.
14 Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều,
15 hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu.
Xin tiền luôn luôn là khó, thánh Phao-lô dùng hết nguồn lực ngoại giao và cứng rắn để làm lạc quyên. Trong thư thứ hai cho dân thành Cô-rin-tô cả chương 8 và 9 được dành làm việc này. Chúng ta khám phá nơi đây một thánh Phao-lô khác thường, châm bíếm, có khi còn khó chịu, vừa vuốt ve vừa cứng rắn. Thoạt đầu có một sự kiện lịch sử, một nạn đói đang hoành hành vùng Giu-đê, đặc biệt tại thành Giê-ru-sa-lem khoảng năm 46-48 sau công nguyện. Flavius Josèphe có thuật lại trong dịp này, nữ hoàng Helène d’Adiabène ( Một vương quốc nhỏ trên bờ sông Tigre) được nổi tiếng nhờ lòng quảng đại của bà. Bà mua lúa mì từ Alexandria về và trái vả khô từ đảo Chypre.
Cộng đồng Giê-ru-sa-lem cũng gặp phải cảnh nghèo này trong nhiều năm. Phải tổ chức những chương trình cứu trợ. Trong hiện tại, thành An-ti-ô-khi-a làm gương. Đây là đoạn sách Công Vụ Tông Đồ kể lại « 27 Trong những ngày ấy, có những ngôn sứ từ Giê-ru-sa-lem xuống An-ti-ô-khi-a.28 Một trong những người ấy tên là A-ga-bô đứng lên và được Thần Khí soi sáng, báo trước là sẽ có nạn đói lớn trong khắp cả thiên hạ; đó là nạn đói xảy ra dưới thời hoàng đế Cơ-lau-đi-ô.29 Các môn đệ mới quyết định là mỗi người tuỳ theo khả năng, sẽ gửi quà giúp đỡ anh em ở miền Giu-đê.30 Và họ đã làm việc ấy: gửi đến cho hàng kỳ mục qua tay ông Ba-na-ba và ông Sao-lô” ( Cv 11,27-30).
Sau đó cho thấy thánh Phao-lô ngay từ ban đầu rất quan tâm tới cuộc lạc quyên này lắm. Tuy ngài được giao phó nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại nhưng ngài luôn luôn thể hiện lòng gắn bó với Giáo Hội mẹ ở Giê-ru-sa-lem. Dưới mắt ngài đó chỉ là lẽ công bình mà thôi, vì nhờ đó mà người ngoại có được Tin Mừng. Cũng không quên thời điểm gọi là “Công Đồng Giê-ru-sa-lem”, ngài đã long trọng tuyên bố liên đới với các tông đồ khác. Sau này ngài kể lại: “9 Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông: chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì.10 Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm. ( Gl 2,9-10)
Trong những năm sau, thánh Phao-lô cố gắng nhận được đóng góp của những cộng đồng xa hơn: “ 25 Nhưng bây giờ tôi còn phải đi Giê-ru-sa-lem để phục vụ dân thánh ở đó,26 vì miền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khai-a đã có nhã ý đóng góp để giúp những người nghèo trong số dân thánh ở Giê-ru-sa-lem.27 Họ đã có nhã ý làm như vậy, nhưng thực ra họ cũng có bổn phận đối với dân thánh ở đó. Bởi vì các dân ngoại đã được chia sẻ các phúc lộc thiêng liêng của dân thánh ở Giê-ru-sa-lem, thì họ cũng có bổn phận dùng của cải vật chất mà giúp đỡ lại (Rm 15, 26-27)
Thoáng qua có lẽ cộng đồng Cô-rin-tô tỏ ra đặc biệt nhiệt tình có thể nói rất phấn khởi, sau này thánh Phao-lô có thể nói : “ 1 Về việc quyên tiền giúp các người thuộc dân thánh, tôi đã truyền dạy cho các Hội Thánh ở Ga-lát như thế nào, thì anh em cũng làm như vậy.2 Ngày thứ nhất trong tuần, mỗi người trong anh em hãy để riêng ra những gì đã may mắn thu góp được, chứ đừng đợi khi tôi đến rồi mới quyên.3 Khi tới, tôi sẽ cử những người được anh em chấp thuận đi Giê-ru-sa-lem, mang thư và quà anh em đã rộng rãi quyên tặng.4 Và nếu xét là tôi nên đi, thì họ sẽ cùng đi với tôi. ( 1Cr 16, 1-4)
Nhưng những lời hứa hẹn tốt đẹp không lúc nào cũng đủ. Hình như dân thành Cô-rin-tô có chút khó khăn khi bước qua phải thực hiện. Vì thế mới có hai chương 8 và 9, đặc biệt đoạn được đọc Chúa nhật hôm nay. Không kém hài hước, thánh Phao lô bắt đầu bằng gợi lên lòng quảng đại của các cộng đồng khác, được biết niềm vui cho đi: “1Thưa anh em, chúng tôi xin báo cho anh em biết ân huệ Thiên Chúa đã ban cho các Hội Thánh ở Ma-kê-đô-ni-a.2 Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại.3 Họ đã tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa;4 họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các người trong dân thánh” ( 2Cr 8, 1-4).
Và thánh Phaolô còn thêm : “ 11 Vậy nay anh em hãy hoàn thành công cuộc đó, để như anh em đã hăng hái quyết định thế nào, thì cũng tuỳ khả năng mà hoàn thành như vậy. ( 2Cr8,11)
Có vài người núp dưới sự thiếu khả năng. Thánh Phao-lô bác bỏ những lý lẽ dó : “ 12 Vì khi người ta hăng hái dâng cái mình có, thì Thiên Chúa chấp nhận; còn nếu không có thì thôi. ( 2Cr 8,12) . Và tới đây chúng ta gặp bài đọc hôm nay của chúng ta : 13 Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều.14 Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều,
Tới đây thánh Phao-lô biện minh bài giảng bằng những trải nghiệm bánh ma-na trong sa mạc ( Xh 16) , mỗi người chỉ đem về lượng thức ăn cần dùng trong ngày, số dư thừa bị hư mốc ngay. Một bài học tốt đẹp về một xã hội thăng bằng trong việc xử dụng của cải.
Sau cùng yếu tố thành công của thánh Phao-lô là một luận chứng thần học, và chúng ta tìm được dưới ngòi bút của ngài, từng là thiên tài của những công thức như: “ .9 Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” ( 2 Cr8, 9)
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương