"Bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian".
Trích sách Khôn Ngoan.
13 Thiên Chúa không làm ra cái chết,
chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.
14 Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu,
mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh,
chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại.
Âm phủ không thống trị địa cầu.
15 Quả vậy, đức công chính thì trường sinh bất tử.
Lối sống của phường vô đạo
23 Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người
cho họ được trường tồn bất diệt.
Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người.
24 Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị
mà cái chết đã xâm nhập thế gian.
Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.
Đọc phần đầu sách Khôn Ngoan làm nghĩ tới sách Sáng Thế. Quyển này cũng như quyển kia khởi đầu bằng một đoạn dài suy ngẫm về định mệnh của loài người. : mười một chương trong sách Sáng Thế, năm chương trong sách Khôn Ngoan. Được viết trong những thời kỳ khác nhau bằng một lối hành văn cũng rất khác nhau, mặc dù vậy cả hai triển khai cùng những đề tài liên quan đến sự sống và sự chết, liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Đó cũng là đề tài của chúng ta hôm nay.
Các tác giả của bên này cũng như bên kia đều là những người Do Thái được nuôi dưỡng bằng một trải nghiệm về đạo và những trầm tư mặc tưởng của dân Giao Ước. Nhưng cả hai đều tiếp xúc với thế giới của dân ngoại và quan tâm giữ toàn vẹn đức tin Do Thái. Đặc tính đầu tiên của đức tin ấy, có lẽ là tính lạc quan. Sách Khôn Ngoan quả quyết rằng : « mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh » là một dị bản của sự phân tích trong sách Sáng Thế : « 31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp »( St 1,31), và câu chúng ta nghe hôm nay « Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người » là chép lại một câu có danh tiếng của sách Sáng Thế : « 27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa » ( St 1,27)
Câu nổi tiếng à ? Hẳn rồi, nhưng chúng ta có rút ra từ đấy tất cả hậu quả của câu ấy không? . Nếu Chúa tạo chúng ta theo hình ảnh Chúa thì chúng ta là những sinh vật được tạo ra để sống đời đời. Hơn nữa chỉ cần đọc trọn câu : « 23Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người » ( Kn 2,23)
Thế Thiên Chúa đã thất bại à ?. Dĩ nhiên là không. Chỉ có điều là Chúa đã liều tạo cho chúng ta sự tự do. Tự do chọn đứng về phe của sự chết, như trong sách nói, dĩ nhiên không phải cái chết sinh học, đơn giản như từ con nhộng thành con bướm, nhưng sự chết nói trong Thánh Kinh, sự chết thiêng liêng, xa rời với Thiên Chúa. :
«mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết »
Chính vì thế năm chương đầu của sách Khôn Ngoan gây tương phản giữa người công chính và những kẻ dữ : những người công chính là những người sống ngay dưới thế gian này và vĩnh viễn đời sống của Thiên Chúa. Những kẻ dữ là những kẻ đứng về phe của cái chết, là những kẻ, ngay ở dưới thế gian này, mặc dù bên ngoài không có vẻ gì, nhưng thật ra đã không phải là người sống thật, vì họ đã xa lìa Thiên Chúa. Để thể hiện bằng một hình ảnh khác, những người công chính là những người sống với Thần Linh Thiên Chúa, những kẻ dữ không để cho Người dẫn dắt nữa.
Thánh vinh 1 lấy sự tương phản đó tạo ra thành một bài ca.
« 1 Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
2 nhưng vui thú với lề luật CHÚA, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
3 Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành.
4 Ác nhân đâu được vậy: chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.
5 Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững, quân tội lỗi đâu được hợp đoàn với chính nhân!
6 Vì CHÚA hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong » ( Tv1)
Tác giả sách Khôn Ngoan biết rõ bài thánh vịnh này, và hơn nữa rất muốn nhắc lại cho những người đương thời một sự thật rất có tính cách động viên. Vì lẽ những đọc giả Do Thái đang ở trong hoàn cảnh rất khó khăn, và trước mắt mọi sự có vẻ sinh lợi cho kẻ dữ ( Những người ngoại đạo). Tuy không biết một cách chính xác là sách Khôn Ngoan được viết năm nào nhưng chỉ biết sách này được viết tại thành phố Alexandria khoảng năm 50 hay 30 trước Chúa Giê-su Ki-tô. Sách được viết cho những người Do Thái đang phải đương đầu với văn hoá Hy-lạp tức là ngoại đạo. Sở dĩ tác giả cho sách này cái tên là Sách Khôn Ngoan của Vua Salomon ( trong lúc vua Salomon đã chết từ năm 900) là vì muốn nói lên nội dung chỉ là theo đường lối của đạo Do Thái. Sách có chủ đích hiến những luận chứng đức tin Do Thái cho những người anh em trước lập luận của những người ngoại.
Vấn đề đặt ra ở đây là thái độ đứng trước cái chết. Từ muôn thuở, người Do Thái cũng như người Hy Lạp đều biết cái chết là không thể nào tránh được, nhưng qua đức tin họ rút ra những hậu quả hoàn toàn khác nhau. Lý do là có thể có hai thái độ. Đối với người ngoại, hãy nếm ngay bây giờ những gì họ thích, vì dù sao tất cả đều phải qua đi. Tác giả thể hiện tư tưởng đó của họ qua phần đầu của chương 2 :
« 1 Thật vậy, suy tính sai lầm, chúng bảo nhau : "Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi : không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty.
2 Bởi ngẫu nhiên ta đã ra đời, rồi lại như chưa hề có mặt. Hơi thở của ta là làn khói, tư tưởng loé lên từ nhịp đập trái tim.
3 Khi nó tắt đi, thân xác sẽ trở thành tro bụi, sinh khí biến tan như làn gió thoảng.
4 Theo dòng thời gian, tên tuổi ta cũng chìm vào quên lãng, chẳng còn ai nhớ đến việc ta làm. Đời ta sẽ qua như một thoáng mây trôi, sẽ biến đi như màn sương sớm bị ánh nắng đẩy lùi và sức nóng mặt trời áp đảo.
5 Cuộc đời ta vụt mất tựa bóng câu, đã qua rồi là không còn trở lại, ấn đã niêm, ai quay về được nữa !
6 Vậy, nào đến đây, hưởng lấy của đời này, tuổi còn trẻ, ta cố mà tận dụng hết những chi đang có sẵn trên trần ». ( Kn 2,1-6)
Đối với người Do Thái thì khác hẳn. Đời sống chúng ta là hạt giống cho vĩnh cửu : « 23 Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người » ( Kn 2,23) Có lẽ cuộc sống dưới thế gian này không luôn thưởng xứng đáng cho những người hành động đúng đắn, nhưng Thiên Chúa là đấng vô cùng công minh, thế nào rồi cũng sẽ lập lại công bằng. Sách này được viết rất trễ , là quyển sau cùng phần Cựu Ước, hoàn thành vẻ vang tư tưởng Do Thái đã gẫm suy từ bao thế kỷ đã qua về vấn đề thưởng phạt. Trước vẻ bất công bên ngoài của cuộc sống, có những kẻ lành hiền chết đi, không có gì an ủi, người có đức tin quả quyết rằng « đức công chính thì trường sinh bất tử »( câu 15). Thật vậy, người ngoại đã lầm :
« 21 Chúng suy tính như vậy thật sai lầm, vì ác độc mà chúng ra mù quáng.
22 Chúng không biết những bí nhiệm của Thiên Chúa, chẳng trông chờ người thánh thiện sẽ được thưởng công, cũng không tin kẻ tinh tuyền sẽ được ân thưởng. » ( 2,21-22)
Có nghĩa là : hỡi anh em, hãy đứng vững, Thiên Chúa sẽ thưởng anh em. Còn câu sau cùng :
« 24 Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết »
Ở đây không phải là cái chết thể lý , vì người có đức tin hay người ngoại thế nào rồi một ngày cũng trải qua cái chết. Đây là sự chết thiêng liêng, là xa lìa với Thiên Chúa : đối với tác giả sách Khôn Ngoan, sự Phục Sinh chỉ được hứa cho kẻ công chính, những người ngoại là những người chọn đứng về phía sự chết, tức là chống lại Thiên Chúa, sẽ không bao giờ Phục Sinh. Phải đợi đến ngày Chúa Ki-tô đến, ban tặng cho « muôn dân » để rồi chúng ta khám phá ra đức tin vào sự Phục Sinh được hứa cho mọi người vì: « Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta » ( 1Ga3,20)
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương