"Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi"
1 Thánh vịnh. Của vua Đa-vít
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
3 và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
4 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
6 Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
Chúng ta vừa đọc trọn bài thánh vịnh 22 (23): đây là một trong những bài ngắn nhất trong Sách Thánh Vịnh. Thế nhưng bài này xúc tích đến nỗi lẽ ra phải được cộng đồng tín hữu sơ khai chọn làm bài thánh vịnh chính cho đêm Phục Sinh. Thật vậy, đêm ấy những người vừa được Rửa Tội tiến lên từ bồn nước Rửa, hát bài thánh vịnh 22 (23) đến nơi nhận Phép Thêm Sức và Rước Lễ lần đầu. Vì thế bài này được gọi là « Thánh Vịnh Khai Tâm ».
Sở dĩ người tín hữu có thể giải đoán được mầu nhiệm cuộc đời của người được Rửa Tội, chính vì đối với It-ra-en bài thánh vịnh này nói lên một cách ưu tiên đời sống trong Giao Ước, đời sống mật thiết với Thiên Chúa. Mầu nhiệm ấy là sự chọn lựa của Chúa, bầu cho dân này và chỉ dân này mà thôi, không vì một lý do nào khác hơn là quyền tự do tối cao của Ngài. Mỗi thế hệ đều lần lượt kinh ngạc thán phục về sự chọn lựa này và về Giao Ước mà Chúa đề nghị: « 32Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?...35 Chính anh (em) đã được cho thấy những điều đó » ( Đnl 4, 32…35). Chúa ban cho dân tộc được Chúa tự ý chọn ấy, quyền được sống mật thiết với Ngài, không chỉ để được hưởng một cách ích kỷ cho mình mà để mở ra cho những dân tộc khác nữa.
Để mô tả hạnh phúc của những tín hữu, bài thánh vịnh của chúng ta dựa vào hai sự trích dẫn, một của một người Lê-vi và một của người hành hương. Dân It-ra-en hạnh phúc như một người Lê-vi được sống mật thiết với Thiên Chúa.
« 6 Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên » Có lẽ bạn biết quy chế các Lê-vi. Theo sách Sáng Thế, Lê-vi là một trong mười hai người con của Gia-cóp, mười hai gia tộc It-ra-en mang tên mười hai tên các người con này. Nhưng gia tộc Lê-vi ngay từ ban đầu có một vị trí đặc biệt: Lúc phân chia đất đai hứa cho các chi tộc, gia đình này không có đất như các chi tộc khác vì được giao cho việc phụng tự. Họ cho rằng gia nghiệp của chi tộc này là Thiên Chúa. Hình ảnh này chúng ta hằng được biết qua một thánh vịnh khác: « 5 Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ » ( Tv 15 (16) 5). Người Lê-vi sống rải rác trong các thành phố của các chi tộc khác, họ sống nhờ bổng lộc từ các tín hữu. Tại Giê-ru-sa-lem họ lo việc trong Đền Thờ.
It-ra-en cũng được mô tả dưới nét của một khách hành hương tới Đền Thờ dâng lễ tạ ơn. Trong cuộc hành hương này, người khách hành hương tự sánh như con chiên: Người Mục Tử là Thiên Chúa. Chúng ta nhận ra đây một đề tài thường gặp trong Thánh Kinh: Trong ngôn ngữ vua chúa ở Trung Đông các vua được gọi là người mục tử của dân. Tiên tri Ê-dê-ki-en cũng dùng lại hình ảnh này: từ các vua Sao-lê và Đa-vít, dân chúng có không biết bao nhiêu mục tử mà chẳng ai là mục tử nhân lành dưới mắt Thiên Chúa. Chỉ có Ngài mới xứng danh là Người Mục Tử biết quan tâm đến những nhu cầu thật sự của đoàn chiên của mình. « CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành3 và bổ sức cho tôi ».
Một chuyến hành hương có thể gặp hiểm nguy: vì thế bài thánh vịnh có nói đến. Trên đường có thể gặp kẻ thù ((5) Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.) , có thể chết được ( (4) Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn), dù gì đi nữa cũng không sợ.Có Chúa ở cùng : « con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng .Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm ». Sau cùng khi tới Đền thờ, người hành hương tế lễ tạ ơn, đó là mục đích đến đây, trước khi dùng bữa với thịt cúng, như thường lệ sau buổi tế lễ. Các bữa ăn ấy thường diễn ra trong bầu khí hoan hỉ giữa bạn bè với « 5 ly rượu con đầy tràn chan chứa » trong « Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm » (c5).
Bây giờ chúng ta hiểu vì sao những tín hữu ban đầu tìm thấy nơi thánh vịnh này một cách biểu lộ ưu tiên cho trải nghiệm niềm tin của họ : Chính Chúa Giê-su là người Chủ Chiên thật ( Ga10). Qua phép Rửa Tội Ngài kéo họ ra khỏi vực sâu của sự chết, làm cho họ sống lại và dẫn dắt về suối nước trong lành : dọn bàn và ly rượu đầy tràn nói về phép Thánh Thể ; dầu thơm trên đầu nói về bí tích Thêm Sức. Một lần nữa người Ki-tô hữu rất ngạc nhiên thán phục khám phá ra đến mức nào Chúa Giê-su không bãi bỏ, không xoá đi những trải nghiệm đức tin của dân chúng, mà trái lại, Ngài hoàn tất những trải nghiệm đó và mang lại một chiều kích thật xứng đáng.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương