"Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta".
Trích sách Tiên tri Amos.
12 Bấy giờ A-mát-gia nói với ông A-mốt: "Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm!
13 Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều."
14 Ông A-mốt trả lời ông A-mát-gia: "Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung.
15 Chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi: "Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta."
Bết-Ên chỉ có nghĩa là « nhà của Chúa » cũng như Bê-lem có nghĩa là « nhà của bánh ». Nhà của Chúa thì đó là cả một chương trình : ông Áp-ra-ham cũng đã đóng lều ở Bết-Ên, và Thiên Chúa đã hiện ra cho ông ; để tưởng nhớ sự kiện đó ông đã dựng lên một đền thờ ở đấy.( St 12,8) ; và cũng để tưởng niệm về Gia-cóp : trên đường chạy trốn vì đã cướp mất gia tài của anh mình, và mặc dù vậy Chúa đã nhận lời hứa cứu giúp. Thiên Chúa đã hiện ra hai lần cho ông (St 28,12-19 ; St 35,7-15). Lần đầu trở nên danh tiếng được gọi là « cái thang Gia-cóp » : trong lúc đang ngủ, gối đầu trên một hòn đá, ông nằm mộng. Có một cái thang nối trời với đất và các thiên thần lên lên xuống xuống. Ông gọi nơi ấy là « cổng trời » ( x Ga 1,51). Và đến hai lần, Thiên Chúa lập lại lời hứa với Ap-ra-ham : « Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa của I-xa-ác. Đất ngươi đang nằm, Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi.14 Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất; ngươi sẽ lan tràn ra khắp đông tây nam bắc. Nhờ ngươi và dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc » ( St 28,14) « 12 Đất Ta đã ban cho Áp-ra-ham và I-xa-ác, thì Ta sẽ ban cho ngươi; Ta sẽ ban đất ấy cho dòng dõi ngươi sau này » ( St 35, 12)
Nhiều thế kỷ sau, vào năm 931, vua Gia-róp-am Đệ Nhất, lãnh tụ một vương quốc nhỏ Miền Bắc (xuất phát từ cuộc ly khai của các chi tộc Miền Bắc sau khi vua Sa-lo-mon băng hà) tìm cách xây một thánh địa có thể cạnh tranh với Giê-ru-sa-lem, thì Bết-Ên đã danh tiếng, có đủ tư cách để được chọn. Chính ở nơi đây, hai trăm năm sau, khoảng năm 750, dưới thời vua Gia-róp-am Đệ Nhị, ông A-mốt đã thực hiện sứ vụ ngôn sứ ngắn ngủi của ông: hình như chỉ trong vài tháng. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn ấy mà ông rao giảng rất nhiều đến nổi viết được cả cuốn sách thánh. Đó là quyển đầu tiên của bộ Sách các Tiên Tri. Một quyển sách rất ngắn ( chỉ không đầy mười trang trong Thánh Kinh) nhưng rất tuyệt vời. Một nguồn cảm hứng lạ thường trải qua các trang ấy, đến nỗi kinh sư A-mát-gia có thể làm cho A-mốt im đi nhưng không làm sao xoá được lời ông, vì lời ông được chép trong quyển sách nhỏ này.
Phải đánh bạo đọc suốt một hơi quyển sách ấy để được chiếm hữu bằng những lời lẽ hăng hái mãnh liệt của chín trương thật hùng mạnh, tiêu biểu cho các tiên tri thời Cựu Ước. Ngài dùng một thể văn thật tượng hình và phong phú, chen kẽ những sấm ngôn trịnh trọng, những thị kiến lạ lùng, những tường thuật như nhà báo, và thỉnh thoảng cả những bí mật khó hiểu.
Về nội dung chiều sâu thì có cả hai trục rao giảng thường gặp nơi các Tiên Tri: những lời hy vọng, những lời hứa cứu độ cho những ai đang trải qua thời kỳ khó khăn; cảnh báo và có khi cả lời hăm dọa cho những kẻ quá dễ quên những đòi hỏi của Giao Ước. Về chương này, A-mốt có rất nhiều đề tài để triển khai: bất công đầy rẫy, tiền của thống trị, biến chất, nghiền nát người nghèo, ông không tiết kiệm lời nào: « 21 Lễ lạc của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường;
hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. 22 Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu. ..những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. 23 Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa » ( Am 5,21-23). Xin lưu ý tiên tri I-sa-i-a cũng gầm lên trong thời gian ấy, và gần như bằng những lời lẽ ấy, nhưng lần này ở Giê-ru-sa-lem. ( Is 1, 11-14)
Không hơn gì các tiên tri khác, không hơn gì I-sa-i-a tại Giê-ru-sa-lem, A-mốt không muốn bãi bỏ những phụng vụ hay những cuộc hành hương ; một ngày sẽ đến chỉ còn có Giê-ru-sa-lem mới là nơi hành hương chính thức, nhưng chúng ta chưa đến mức đó. Trong khi chờ đợi chúng ta có thể dâng của lễ tại Bết-Ên, thế nhưng trước hết phải hoán cải. Đây là đoạn sau của bài giảng nổi tiếng : « 24 Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn » ( Am 5,24). Nên hiểu : Đừng tưởng hết nợ Thiên Chúa với những lễ lạc đẹp đẽ của các ngươi, nhưng hãy bắt đầu sống tuân theo thánh ý Chúa, tức là thực hiện công lý của Ngài. Tham nhũng hoành hành đến nỗi A-mốt có thể nói : « 7 Khốn cho những ai biến lẽ phải thành ngải đắng và vứt bỏ công lý xuống đất đen » ( Am 5,7) ; « 12 Bởi Ta biết: tội ác các ngươi nhiều vô kể, tội lỗi các ngươi nặng tầy trời: nào áp bức người công chính, lại đòi quà hối lộ, nào ức hiếp kẻ nghèo hèn tại cửa công » (5,12) A-mốt còn chơi chữ với cái tên Bết-ên : « Nhà Thiên Chúa » biến thành « Nhà oan ức » ( 5,5) . Cũng như các tiên tri khác, A-mốt nhắc lại cách hành xử như thế sẽ mang lại thảm hoạ. Hô-sê trẻ hơn ông vài tuổi có nói một câu vừa tuyệt vời vừa kinh khủng cũng vì thành Sa-ma-ri, kinh đô của vương quốc Miền Bắc. « 7 Chúng gieo gió thì phải gặt bão. » ( Hs 8,7)
Bây giờ chúng ta hiểu vì sao giáo quyền không nhờ đến A-mốt ! Để loại trừ một người nói nhiều, họ kết tội ông phiến loạn. Tố cáo lên nhà vua là ông kêu gọi phản loạn. Đó là bài đọc Chúa nhật hôm nay của chúng ta (7,10). Nhân việc thất sủng ấy mà chúng ta được đọc sứ vụ tiên tri của một người làm nghề chăn súc vật trong vương quốc Miền Nam, tại Teqoa, vùng lân cận với Bê-lem. Không có gì chuẩn bị trước cho cái nghiệp không sung sướng gì này. Nhưng Chúa đã « bắt lấy» ông, như ông nói thế và làm sao cưỡng lại được : « 8 Sư tử đã gầm lên: ai mà không sợ hãi? ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã phán, ai chẳng nói tiên tri? » ( 3,8)
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương