"Chỉ có một thân thể, một Chúa, một đức tin và một phép rửa".
1 Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.
2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.
3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.
4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng.
5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.
6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.
Đối với thánh Phao-lô các bài học luân lý thuộc về dạng giáo lý Ki-tô. Thánh Phao-lô chiêm ngắm mầu nhiệm kế hoạch của Thiên Chúa và mời gọi chúng ta tuân theo. Mầu nhiệm ấy được giới thiệu như một lời đáp trả ơn gọi ngày nhận Phép Rửa Tội. Điều này có tác dụng suốt đời chúng ta. « tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau…cũng như anh em đã được kêu gọi (cùng một chữ « Kêu Gọi ») để chia sẻ cùng một niềm hy vọng ». Thánh Phao-lô nhấn mạnh như thế vì lòng trung tín chúng ta để đáp trả ơn gọi đó làm cho chúng ta xây dựng Giáo Hội (Theo tiếng Hy lạp chữ Giáo Hội có cùng gốc với chữ kêu gọi). Đó là ý nghĩa của đoạn thư này, mặc dù chữ Giáo Hội không được nói ra, chữ ấy được thay thế bằng chữ « thân thể » . « 4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí,…12 Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô ». Tất cả đoạn này là một bài học tuyệt vời về Hội Thánh. Để miêu tả mầu nhiệm này, thánh Phao-lô dùng hai từ ngữ: Thân thể và xây dựng, hay nói cách khác, Giáo Hội như là một ngôi nhà được xây dựng. Thân Thể ấy là một sinh vật phát triển và lớn lên. Công trình xây dựng ấy đòi hỏi sự tham dự của mỗi chúng ta cùng với một loại xi măng phẩm chất cao. Chúng ta nhận ra nơi đây lời suy ngẫm trong thư Rô-ma hay Cô-rin-tô : « 5thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Ki-tô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể (Rm 12,5); « 27Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận (1Cr, 12,27) ; như một tiếng vang trong bài chúng ta đang đọc «4Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. ( Ep 4,4)
Sự trưởng thành của thân thể ấy là công trình của Chúa. « 6Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người ». Và nhờ ơn Chúa mỗi người có thể tham dự làm cho thân thể ấy trưởng thành. « 7 Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Ki-tô ban cho ». Bản dịch tiếng Hy-lạp chép «Tuỳ theo ơn Chúa Ki-tô », tức là vô hạn nhưng mỗi người một sứ vụ.
Trong công trình xây dựng ấy, mỗi người có một nhiệm vụ : « 11Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ.12Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô ». ( Ep 4,11-12) . Trong bối cảnh này có lẽ không thừa để nhắc lại cho mỗi người rằng sứ vụ của mình là « ân sủng Đức Ki-tô ban cho », và nhắc lại cho cả cộng đồng sự quan trọng của lòng tín trung đối với những người Chúa trao tặng, để «giữ hiệp nhất trong Thần Khí »
Dưới mắt thánh Phao-lô những thừa tác vụ của Chúa là một quà tặng, giống như Bộ Luật It-ra-en. Lề Luật dẫn đường chỉ lối, kể từ nay thay vì Lề Luật là những thừa tác vụ ấy. Một trách nhiệm nặng nề vì Luật được xem như bản chỉ đường đi đến tự do. Để nói rõ hai điều giống nhau, thánh Phao-lô so sánh Chúa Ki-tô với Mô-sê trong Thánh Vịnh 67 ( 68) ám chỉ đến bộ Tô-ra mà Chúa đã ban cho Mô-sê trong sa mạc Si-na-i. : « 8Vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người »
Trong Cựu Ước, người không biết Lề Luật là không biết con đường dẫn đến sự tự do thật, vì thế ở đây có chữ « đám tù ». Mô-sê được xem như đấng hai lần giải thoát It-ra-en, thứ nhất ra khỏi Ai-cập, thứ hai là đem về bộ Luật từ Si-Na-i. Đến phiên Chúa Ki-tô, càng thâm thuý hơn nữa, Ngài mang lại sự tự do thật sự cho con người « đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn ». Từ nay những người được Chúa sai đi để giữ tự do cho Giáo Hội đó là : « người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ ».
Và thánh Phao-lô còn tiếp «12Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô ». Cho đến ngày cả nhân loại được giải thoát : «13 cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô ».
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương