Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XIX THƯỜNG NIÊN NĂM B (Ga 6, 41-51) 12/08/2018

Alleluia, alleluia!

Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy,
thì Thầy đã cho các con biết"
. - Alleluia.

----------------

"Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

 

41 Người Do-thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói: "Tôi là bánh từ trời xuống."

42 Họ nói: "Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống? "

43 Đức Giê-su bảo họ: "Các ông đừng có xầm xì với nhau!

44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.

45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi

46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.

47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.

48 Tôi là bánh trường sinh.

49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết.

50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.

51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."

 

Chúng ta tiếp tục đọc bài giảng về bánh hằng sống trong Tin Mừng theo thánh Gio-an. Chúa Giê-su vừa phán  « Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! » (6,35), điều này nếu đọc từng chữ, có vẻ thật tự cao. Lý do là dân Chúa biết rằng có hai thứ thức ăn : vật chất và siêu nhiên. Và món ăn siêu nhiên duy nhất, có giá trị và thực sự bổ dưỡng, đó là Lời Chúa. Thế mà người này, Đức Giê-su khẳng định rằng mình chính là thức ăn bổ dưỡng ấy. Và Người còn thêm : « Tôi là bánh từ trời xuống » ( C 41), đó chính là định nghĩa của Lời Chúa trong Cựu Ước.

Phản ứng không cần chờ đợi : « 42 Họ nói: "Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống? » Đây chính là câu hỏi trọng tâm của Mầu Nhiệm  Ki-tô giáo : Đấng Giê-su Người thật có thể nào là Thiên Chúa thật không ?

Chúa Giê-su không trả lời thẳng, Ngài lập lại những gì đã nói : « 37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi » ( C 37) và Ngài thêm : « 44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy » ( C 44). Trong công trình cứu độ, chính Chúa  lấy sáng kiến ban đầu. Ngài không bắt buộc  nhưng đói hỏi sự đáp trả của chúng ta trong tự do. Nhưng đối với những ai để mình được « lôi kéo », Chúa Giê-su hoàn tất sự Mặc Khải. Chỉ trong vài câu hôm nay, Chúa Giê-su lập lại ba lần chữ « Tôi là », đối với người Do Thái điều này làm họ hiểu rằng Ngài đang xác tín thần tính của Ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới nói « Tôi là », chính đó cũng là cái Tên Ngài đã dạy cho ông Mô-sê (Xh3). Chúa Giê-su còn thêm :  «46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha » ( Dĩ nhiên Ngài nói về chính Ngài đã thấy Đức Chúa Cha ) .

Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng vùng Ga-li-lê gọi Ngài là Đại Tiên Tri, nhưng như thế cũng còn xa sự thật ! Ngài không phải là tiên tri- dù là đại tiên tri- Ngài là Lời của Thiên Chúa. Ngài là « bánh hằng sống đến từ trời », đó là Lời Thiên Chúa nhập thể. Ngài là đấng làm cho no đầy cơn đói thiêng liêng của con người : Ngài là đấng ban cho sự sống thật.

Về những điều ấy, man-na chỉ là một hình ảnh nhạt nhẽo « 49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết.50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết » Dĩ nhiên ở đây chúng ta nghĩ tới phần chép trong Lời Tựa Tin Mừng theo thánh Gio-an : « 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta » (Ga 1,14) .

Đây là một bước mới trong sự Mặc Khải, Chúa Giê-su nói cách nào Ngài nuôi dưỡng thế gian. Một lời thì ta đọc, tìm hiểu và cố gắng sống thích hợp với lời ấy. Nhưng Chúa Giê-su đi xa hơn nữa : Ngài nói nuôi dưỡng bằng Thịt của Người, tức là đồng hoá, hấp thụ sâu sắc với Người: « bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống. » ( C51). Hẳn Ngài gợi lên ở đây Cuộc Thương Khó và Thánh Giá. Dĩ nhiên, một lần nữa chúng ta vấp phải nơi đây một mầu nhiệm, các người nghe Chúa cũng thế. Nhưng không thế nào chối cãi, suốt Tân Ước nói lên,  chính nhờ Cuộc Thương Khó và Thập Giá Chúa Ki-tô mà thế gian tìm lại được sự sống. Làm sao ngạc nhiên là chúng ta không hiểu được ? Làm thế nào lý năng -  thường hay lý lẽ - cái lý trí nặng nề của loài người với tới được Mầu Nhiệm của Đức Chúa Cha ? Chúng ta chỉ còn một điều có thể làm : để cho Thiên Chúa lôi kéo : «9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu »  (Ep1,9). Chúa lúc nào cũng muốn chúng ta hiểu mầu nhiệm của thánh ý Ngài. Vì lẽ ấy mà Ngài gởi Con Một của Ngài « … đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật » (Ga 18, 37)

Tuy nhiên phải chấp nhận sự mặc khải ấy : « 43 Đức Giê-su bảo họ: "Các ông đừng có xầm xì với nhau! » (6,43). Chúa Giê-su muốn nhắc lại cho dân  « cứng cổ » ấy lúc nào cũng bị cám dỗ : « xầm xì » với nhau như sách Sáng Thế ghi lại (nhất là trước đoạn nói về Man-na, và nhiều hơn nữa) . Cuối bài giảng, Chúa Giê-su hứa ban cho Thần Linh Thiên Chúa, chỉ có Ngài mới có thể làm cho chúng ta thấu hiểu về bánh hằng sống. Trong khi chờ đợi, Ngài chỉ phải lập lại sự thật sinh tử này : « 55 … thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy »

Khó hiểu lắm phải không ? Dĩ nhiên rồi, thế nhưng chúng ta có một giáo sư giỏi nhất : « Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi ». Đó là đức tin : « 44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy ». Chính nhờ Chúa, đúng nghĩa như thế , chỉ cần để Chúa lôi kéo, để Ngài dạy dỗ. 

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com