Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN XXI THƯỜNG NIÊN NĂM B (Ep 5, 21-32) 26/08/2018

"Mầu nhiệm này thật lớn lao: trong Ðức Kitô và trong Hội Thánh".

 

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

 

21 Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau.

22 Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa,

23 vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người.

24 Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.

25 Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh;

26 như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống,

27 để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.

28 Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình.

29 Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh,

30 vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người.

31 Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.

32 Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh.

 

Dĩ nhiên không cần chờ đến Tân Ước mới thán phục và nói đến vẻ đẹp của lứa đôi loài người ! Sách Châm Ngôn kể sự kết hiệp vợ chồng như một trong bốn kỳ công mà chúng ta không thể hiểu được : « 18 Có ba điều quá kỳ diệu đối với tôi, và bốn chuyện tôi không sao hiểu nổi,19đó là đường diều hâu bay lượn trên trời, đường rắn bò trên đá, đường thuyền bè đi lại giữa biển khơi, và đường của chàng thanh niên tìm đến cô thiếu nữ ». (Cn 30,18-19). Bốn thực tế đẹp đẽ, bốn kỳ công. Làm sao con diều hâu nặng như thế có thể bay lượn trên trời ? Làm sao con rắn không chân mà có thể bò ? Làm sao chiếc thuyền đi lại trên biển mà không chìm ? Nhưng nhất là một cặp lứa đôi sinh ra từ trong dục vọng chốc lát lại có thể kéo dài trong thời gian ? Tất cả các bài thơ trên thế giới đều suy ngẫm về những mầu nhiệm ấy.

Thánh Kinh đem lại một nét đặc biệt. Tình yêu của con người được giới thiệu với một chiều kích sâu sắc  không đâu ví bằng, vì đó là hình ảnh của Tình Yêu Thiên Chúa: « 27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ » (St1,27). Và con người lứa đôi, cho ta  cảm giác thấy có trước, thời cánh chung thế nào là sự hiệp nhất của Thiên Chúa và nhân loại. Không thể nào tưởng tượng một cách nói lạc quan và đánh giá cao giới tính hơn như thế. Khi sách Diễm Ca nói về lòng hăm hở quyến rũ của đôi hôn thê «1 Nàng đẹp quá, bạn tình ơi, đẹp quá ! » (Dc 4,1) …  « 7 Bạn tình ơi, toàn thân nàng xinh đẹp, nơi nàng chẳng một chút vết nhơ. » (Dc 4,7) dân Do Thái biết đó là những Lời của Thiên Chúa nói với nhân loại. Bằng chứng là bài Diễm Ca được đọc trong đêm lễ Vượt Qua Do Thái.

Than ôi, có những người vợ làm chồng thất vọng, và nói chi con người không hăm hở đáp lại tình yêu Thiên Chúa ? Nhưng tất nhiên chúng ta không tìm thấy trong Thánh Kinh một lời cuối cùng nào đượm nét thất vọng. Trái lại các tiên tri dù có lúc thốt ra những lời khuyến cáo- có khi rất nặng- đối với người vợ bất trung, nhưng rồi cũng luôn rộng ban những lời tha thứ : « Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ »  (Is 65,5). Và hình khi như cô dâu không thể thay đổi, thì chính Thiên Chúa biến nàng để trở nên xứng đáng : « Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang » (Is 61,10).

Tân Ước cũng theo chiều hướng ấy. Sách Khải Huyền khi miêu tả công trình cuối cùng của kế hoạch Thiên Chúa, cũng dùng hình ảnh một lễ thành hôn: « 2 Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang » (Kh21,2). Thánh Phao-lô có thể đi xa hơn thế không ? Thưa có, chính vì thế. Một lần nữa, thư này đem lại một điều mới lạ, vì bấy giờ chúng ta được biết, mầu nhiệm sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, sẽ thực hiện nơi Chúa Giê-su Ki-tô, và sự hiệp nhất giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội, không những là hình ảnh mà còn là mầm non của điều ấy nữa. Điều này mới lạ nhờ ở hai điểm. Thứ nhất, những tình yêu thế gian, dù có đẹp đến đâu, khó khăn đến mấy chỉ được thực hiện trong sự hiệp nhất với Chúa Giê-su Ki-tô. Điều thứ hai, đây là một ơn gọi vĩ đại cho đời sống đôi lứa của nhân loại : phản ảnh tình yêu của Chúa Ki-tô đối với Giáo Hội, của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại.

Những lời khuyên của thánh Phao-lô cho đôi vợ chồng ghi khắc trong sự suy ngẫm về mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Vì thế ngài bắt đầu nói : « 21 Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau ». Tất cả những gì Chúa Ki-tô làm cho Giáo Hội, thì « tân lang » hãy làm cho « tân nương »,chàng hãy bày tỏ cho nàng những điều tế nhị như trong sách Khải Huyền : « 7Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ… Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng, nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền. » (Kh 19,7-8). Chàng hãy sẵn sàng hiến cả mạng sống của chàng cho nàng. : « 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình » (Ga15,13). Đó chính là gương Chúa Giê-su làm cho đôi vợ chồng. Để đáp lại, người phụ nữ không phải sợ nhận lấy quá nhiều âu yếm. Ẩn ở hàng sau, trong vài câu chúng ta nhận ra một trong những đề tài chính yếu của Thư này, cũng như cả Tân Ước : Sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và Giáo Hội, báo hiệu và khơi mầm cho sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, tất cả được thực hiện trong sự kiện Chúa Ki-tô hiến mạng sống của mình. « như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh » (Ep 5,25) Sự mới lạ được Tân Ước tái lập, và bài đọc chúng ta không ngớt nhắc lại- là chính điều này : Chúa Ki-tô là trung tâm và là đấng thực hiện công trình của Thiên Chúa. Tất cả đến bởi Ngài, với Ngài và trong Ngài, như lời kinh phụng vụ của chúng ta.

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com