Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B (Kn 2, 12.17-20) 23/09/2018

"Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã".

 

Trích sách Khôn Ngoan.

 

Còn quân vô đạo,…chúng bảo nhau :

12 Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,
vì nó chỉ làm vướng chân ta,
nó chống lại các việc ta làm,
trách ta vi phạm lề luật,
và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.

17 Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.

18 Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.

19 Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.

20 Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm."
Sai lầm của phường vô đạo

 

Muốn hiểu bài thật khó hôm nay phải đặt vào bối cảnh. Sách Khôn Ngoan rất đặc biệt trên mọi phương diện. Trước tiên Sách được viết sau cùng trong tất cả sách Cựu Ước, chỉ 30 hay 50 năm trước Chúa giáng sinh ; thứ hai là Sách này được viết bên Ai-cập chứ không ở Ít-ra-en như hầu hết các sách trong Thánh Kinh. Sau cùng, Sách được viết bằng tiếng Hy-lạp chứ không bằng tiếng Do Thái hay tiếng A-ram.

Từ những vùng đất chiếm được của A-lê-xan-đê Đại-đế khoảng năm 330 trước CN, cả một nhóm kiều dân Do Thái đến lập nghiệp trên đất Ai Cập, tại thành A-lê-san-đơ-ri trên đồng bằng sông Nin. Họ được hưởng hoàn toàn quyền tự do tôn giáo : Họ có những nơi phụng tự được thừa nhận trong các làng mạc của họ ( hay trong xóm nếu họ ở thành thị)  được hoàn toàn tự do giữ đạo và truyền lại đức tin cho con cháu. Vì lẽ khắp vùng ấy mọi người dùng tiếng Hy-lạp, họ cũng dùng tiếng Hy-lạp ngay từ thế hệ hai. Vì lý do đó, để mọi người hiểu Lời Chúa, Thánh Kinh được dịch ra tiếng Hy-lạp, lập ra Thánh Kinh bản Bảy Mươi.( từ số 70 Giáo Sĩ Do Thái đảm nhiệm chuyển ngữ) .

Một số người Do Thái thành A-lê-san-đơ-ri còn trung thành giữ đức tin của tổ tiên. Nhưng điều này không dễ như chúng ta tưởng : dân thành này thuộc về hai văn hoá, trước hết là Do Thái, nhưng cũng là Hy-lạp nữa vì họ được dìm trong môi trường Hy-lạp. Thế nhưng hai tôn giáo, Do Thái và Hy-lạp hoàn toàn không tương hợp. Đối với một người Do Thái sống trong môi trường Hy-lạp, việc hoà đồng, để nói như danh từ ngày nay ta thường dùng, có nghĩa là phải từ bỏ tất cả các cách sùng đạo của họ. Phải chọn lựa : hoặc quyết định trung thành với mọi phương diện của đạo Do Thái - với nguy cơ tự tách biệt khỏi môi trường - hoặc hoà đồng với xứ sở mới này - với nguy cơ xa dần cộng đồng Do Thái và từ bỏ dần các phụng vụ Do Thái. Dĩ nhiên ngay trong cộng đồng Do Thái, hai tình trạng đều hiện hữu và nảy sinh những sung đột nhiều khi rất gay gắt. Những sung đột ấy làm cho sự trung thành tôn giáo khó hơn, vì ai cũng biết các cuộc tranh luận về tôn giáo rất khủng khiếp ! Những người còn giữ lòng tin, đối với những người bỏ đạo họ là hiện thân của thái độ phê phán, trách móc, vì lẽ đó bị bách hại. Họ bị bách hại không từ người Hy-lạp vì dân này rất phóng khoán về phương diện tôn giáo, nhưng từ những anh em họ, chính vì lương tâm không yên ổn tìm cách trả thù.Thật cổ điển, thường không ai ưa bị người khác dạy đời ! Khi mình có lỗi mình không ưa ai lưu ý. Đối với kẻ cướp, trước mặt họ người lương thiện là hiện thân của sự khiển trách; đối với người bạo lực, một người bình an, thái độ hiền hoà trở nên không chịu nổi đối với họ. Chỉ có hai giải pháp : hoặc thay đổi cách cư xử của mình hoặc làm câm mồm kẻ che rợp bóng mình.

Bài chúng ta đọc chúa nhật hôm nay phản ánh trung thực bối cảnh ấy. Không biết ai đã viết vì Sách Khôn Ngoan không có tác giả, nhưng rõ ràng từ một tín hữu chứng kiến sự xói mòn dần cộng đồng Do Thái và khuyến khích anh em mình giữ lòng tín trung. Bài nói bắt phải chọn lựa. Thật vậy sự trung thành rất khó, trước hết đạo Do Thái rất khắc khe và cũng vì lẽ phải đối đầu với những người không làm như mình và xem mình như người dạy đời : « 12 Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giá »

Người tín hữu trung thành lảm gì trước sự bách hại đến từ những người thân của mình ?  Họ cố gắng chịu đựng dựa vào đức tin và tự nhủ : « Lạy Chúa xin đừng bỏ con ». Và tác giả lại thêm có những điều còn tệ hại hơn : lòng trung tín nơi Thiên Chúa khi bạn nói : « Ngài là Cha tôi, không bao giờ Ngài bỏ tôi », chính cũng vì lòng tín trung ấy mà kẻ khác trách bạn tự cao, tự phụ. Đấy chính là ý nghĩa của đoạn sau của bài đọc. Những kẻ bách hại nói :      

 « 17 Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.

18 Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.

19 Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.

20 Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm."

Tất nhiên điều này làm cho chúng ta nghĩ ngay đến trường hợp Chúa Giê-su-Ki-tô. Thái độ của Chúa gây khó chịu…hận thù càng ngày càng gây gắt nơi những kẻ cho rằng Chúa dạy đời, người quấy rầy…những lý do chính đáng để trừ khử Ngài. « thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt. » sau này Cai-pha nói thế trong ( Ga11,50). Thế nhưng sách Khôn Ngoan không nói cho Chúa Giê-su Ki-tô, mà nói cho những người đương thời, hầu cổ vũ cho họ giữ lòng tín trung, bằng bất cứ giá nào. Đứng đầu những người ấy có vài mẫu gương nổi tiếng, bắt đầu bằng những ngôn sứ. Tất cả đều là nạn nhân của sự tự do ăn nói của mình.

Gương của Giê-rê-mi-a mới thật nổi tiếng. Trong bài được gọi là « lời tâm sự » ông kể ra những điều phải gánh chịu. Ví dụ như :   « 10 Con vô phúc quá, mẹ ơi, mẹ sinh con ra làm gì, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gổ với con? Con chẳng cho ai vay, cũng không mượn của người, thế mà vẫn cứ bị nguyền rủa. »( 15,10) ; Hay là : « 7 Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. 8 Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: "Bạo tàn! Phá huỷ! "Vì lời ĐỨC CHÚA mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. » ( 20,7-8) . Có một lần ông còn nghe lời hăm dọa « Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa! » (11,19) Nhưng ông không hiểu những lời ấy dành cho ông. Giê-rê-mi-a kể tiếp : « 18 ĐỨC CHÚA đã báo cho tôi và tôi đã biết. Bấy giờ Người cho tôi thấy âm mưu của chúng.19 Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con » ( 11, 18-19).

Tác giả sách Khôn Ngoan có lẽ muốn nói tới cái kinh nghiệm khủng khiếp của Giê-rê-mi-a nhưng đọc giả biết rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi một ngôn sứ nào của Ngài và cũng không bao giờ bỏ rơi những ai giữ đến cùng đức tin của mình. Trong các câu sau Ngài nhấn mạnh rằng : «  21 Chúng suy tính như vậy thật sai lầm, vì ác độc mà chúng ra mù quáng. 22 Chúng không biết những bí nhiệm của Thiên Chúa, chẳng trông chờ người thánh thiện sẽ được thưởng công, cũng không tin kẻ tinh tuyền sẽ được ân thưởng » ( Kn2, 21-22). Ngài còn thêm : « 1Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa » ( 3,1) Lòng xác quyết mãnh liệt đến quả quyết rằng cho dù kẻ thù giết được bạn, thì sau cái chết Chúa cũng không bỏ bạn ( chương 3). Đó là cách nói : Hãy đứng vững ! Hạnh phúc thật là ở đấy. Sự khôn ngoan thật là trong lòng tín trung.

***

 

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions

***
Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com