"Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu".
Trích sách Tiên tri Đaniel.
9 Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai
và một Đấng Lão Thành an toạ.
Áo Người trắng như tuyết,
tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền.
Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng.
10 Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra.
Ngàn ngàn hầu hạ Người,
vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan.
Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra.
13 Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa:
có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành
và được dẫn đưa tới trình diện.
14 Đấng Lão Thành trao cho Người
quyền thống trị, vinh quang và vương vị;
muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ
đều phải phụng sự Người.
Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu,
không bao giờ mai một;
vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.
(Bài đọc 1 hôm nay chỉ có câu 13 và 14, nhưng để dễ hiểu, có lẽ chúng ta nên đọc thêm câu 9 và 10 như Bài Đọc 1 Lễ Hiển Linh năm ngoái.)
Tiên tri Đa-ni-en kể lại hai thị kiến. Lần đầu nói về đấng lão thành ngồi trên ngai : đấng ấy có tóc bạc, tượng trưng cho sự vĩnh cửu và «Áo Người trắng như tuyết », theo thông lệ, đó là màu áo của những nhân vật trên thiên cung. Dĩ nhiên Đấng Lão Thành ấy chính là Thiên Chúa. Khung cảnh rất hùng vĩ « Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng. 10 Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra. » Sứ điệp ở đây là sự chiến thắng của ngôn sứ, muốn gửi đến cho những đồng loại của ông đang bị bách hại (xem CN XXXIII năm B), vì có hằng triệu người được nhận phục vụ vị Lão Thành, hằng trăm triệu « đứng trước » Ngài. Chúng ta nên hiểu cách phát biểu ấy như sau : Sau thực tại khủng khiếp này, các bạn đã có chỗ trên thiên cung rồi. Một tòa án đã được triệu tập, và sẽ giải oan cho anh em « Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra »
Thị kiến thứ hai được kể ra ở đây, nói về « Con Người ». Chúng ta hãy dừng lại từ ngữ này. Từ ngữ rất quen thuộc vì Chúa Giê-su thường hay dùng đến, nhưng không phải ai cũng biết Ngài rút từ sách Đa-ni-en, và điều thú vị là tìm hiểu xem Chúa biến đổi và bổ sung từ ngữ ấy như thế nào.
Chúng ta bắt đầu bằng thị kiến của Đa-ni-en. Một Con Người được dẫn đến trình diện Đấng Lão Thành đang ngự giá trên mây trời. Đó là một nhân vật : từ ngữ con-người rất đặc thù của tiếng Do Thái, đó là cách nói có sức biểu cảm. Con người để nói đó là « người » và cũng như có lúc trong các thánh vịnh, từ ngữ « Con Vua », có nghĩa là Vua.
Người ấy đến trên mây trời (Mây trời là hình ảnh cổ điển để nói lên sự kiện Chúa hiện ra) và tiến về phía ngai Thiên Chúa…Từ đó phải suy ra « Con Người ấy » - rõ ràng thuộc về nhân loại - được đưa vào thế giới của Thiên Chúa. Và Ngài lãnh nhận « quyền thống trị, vinh quang và vương vị (trên) muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ » và « Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong »
Bài tiếp theo rằng : « 15 Tôi là Đa-ni-en, tâm trí tôi hoang mang vì những điều ấy, và những thị kiến trong đầu làm tôi xao xuyến.16 Tôi đến gần một trong những vị đứng túc trực và xin vị ấy cho biết sự thực chắc chắn về tất cả những điều ấy. Người đã nói với tôi và giải thích cho tôi ý nghĩa các sự việc:17 "Bốn con thú to lớn ấy tức là bốn ông vua, từ đất trỗi dậy.18 Rồi chư thánh của Đấng Tối Cao sẽ lãnh nhận vương quyền và nắm giữ vương quyền ấy mãi mãi muôn đời. (Đn 7, 15-18) .
Và người truyền đạt sứ điệp từ trời ấy nói thêm trong vài câu sau : « 27 Còn vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao. Vương quyền của dân ấy là vương quyền vĩnh cửu, và mọi quyền thống trị sẽ phụng sự và vâng phục dân ấy. » ( Đn 7, 27)
Chúng ta không nên quên rằng, thị kiến ấy của Đa-ni-en xảy ra trong một thời kỳ lịch sử Ít-ra-en cực kỳ đau thương, dưới ách đô hộ của quân Hi-lạp, dưới thời vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê. Thị kiến này đến như một sứ điệp để khích lệ, có thể hiểu là : Hỡi anh em ! Hiện nay anh em bị chà đạp, nhưng sự giải phóng đã đến gần, và lần này sẽ là một cuộc giải phóng vĩnh viễn. Đây là một sự thay đổi toàn diện được loan báo cho « dân thánh của Đấng Tối Cao ». Điều tối quan trọng cho chúng ta là bài này nói rõ ràng nhân vật bí hiểm - gọi là « Con Người » - thật ra là « dân thánh của Đấng Tối Cao ». Đó là một dân tộc chứ không phải một cá nhân nào đó.
Trong khuôn khổ của Tân Ước, chúng ta có thể chú ý ba điều. Điều thứ nhất, Chúa Giê-su đem lại một thay đổi nhỏ trong văn phạm : « Con Người » trong Đa-ni-en là « Con của người ». Sự thay đổi ấy hẳn có một ý nghĩa. Điều thứ hai trong các Phúc Âm, chỉ có Chúa Giê-su mới xử dụng từ ngữ « Con Người », và rõ ràng Ngài muốn chỉ định chính Mình. Điều thứ ba là Chúa Giê-su còn thay đổi nội dung sự biểu hiện của Con Người. Nơi Đa-ni-en, đây là hình ảnh của sự chiến thắng, của vương triều. Chúa Giê-su chẳng những giữ lời hứa chiến thắng ấy, Ngài còn thêm phương diện khổ đau, mà sách Đa-ni-en không đề cập đến. Tất cả những hình ảnh loan báo về Cuộc Thương Khó rất gần với dung nhan Người Tôi Trung Khổ Đau trong I-sa-i-a.
Điều thứ nhất, thay đổi văn phạm : « Con của con người » thay vì « Con Người ». « Con người » đây có nghĩa là một người. nhưng khi nói « Người » ở đây là « Nhân Loại », và vì thế « Con Người » có nghĩa là « Nhân Loại ». Một khi chấp nhận danh xưng ấy cho chính Mình, Chúa Giê-su mặc khải Ngài mang lấy cả định mệnh toàn nhân loại. Trong chiều hướng ấy, thánh Phao-lô cho rằng Ngài là A-dông Mới, cũng như thánh Gio-an kể lại câu tuyệt vời của Phi-la-tô trong cuộc Thương Khó : « Ông Phi-la-tô nói với họ: "Đây là người! »(Ga 19, 5). Khi thánh Gio-an kể lại lời ấy của Phi-la-tô, có lẽ ngài muốn nói với chúng ta : Phi-la-tô cũng không nghĩ mình nói đúng như thế !
Điều thứ hai, chữ « Con Người » được nhắc đến tám mươi lần trong các Phúc Âm, nhưng lạ thay là luôn luôn xuất phát từ miệng Chúa Giê-su. Chỉ có Ngài mới dùng danh xưng này; không ai gọi Ngài như thế. Chúng ta có thể hỏi tại sao, trong lúc sách Đa-ni-en được nhiều người biết đến. Nhưng chính vì nhiều người biết, nên chắc hẳn không ai nhận ra danh hiệu ấy nơi Chúa Giê-su. Trước hết, vì Con Người từ « mây trời mà đến » (nay mọi người đều biết qua tiên tri Đa-ni-en) chỉ định Đấng Mê-si-a; vì thế khi Đức Giê-su dùng danh hiệu đó nói về mình, tức là Ngài tự cho mình là Đấng Mê-si-a ! Thế nhưng rõ ràng, Ngài không thể như thế được : Ngài không đến từ trời…Ngài đến từ một gia đình nhân loại như mọi người, từ một làng quê bé nhỏ không đáng gì, Na-da-rét…Nếu có điều gì chắc chắn về Ngài, chính là quê quán của Ngài ! Điều này không một chút liên quan gì đến việc ngự đến từ mây trời. Còn giới thiệu Ngài như người đại diện cho « dân thánh của Đấng Tối Cao », cũng thể nào được : người đương thời chắc chắn không thể nào nghĩ đến việc đồng nhất hoá Giê-su thành Na-da-rét, người thợ mộc, với « dân thánh của Đấng Tối Cao ».
Điều thứ ba, điều sau cùng, Chúa Giê-su đã đem lại một sự thay đổi về chiều sâu, sự biểu hiện cổ điển của « Con Người ». Mặc dù Chúa Giê-su dùng những từ ngữ trong sách Đa-ni-en : « 26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến » (Mc 13, 26). Nhưng Ngài thêm vào chiều kích đau khổ (luôn luôn hiện diện trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô) : « Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại. » (Mc 9, 31).
Sau khi phục sinh mọi sự trở nên sáng rõ đối với các môn đệ Ngài. Một đàng, Ngài xứng đáng với danh hiệu : « Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến », Ngài vừa là Người, vừa là Thiên Chúa. Đàng khác, Chúa Giê-su là người đầu tiên của nhân loại mới, là Đầu và Ngài cho chúng ta là Thân Thể duy nhất của Ngài. Ngày cuối cùng của Lịch Sử, chúng ta hiệp nhất với nhau đến độ, cùng với Ngài chúng ta thành « một người duy nhất » !...Với Ngài, ghép cùng Ngài chúng ta sẽ là « dân thánh của Đấng Tối Cao ».
Lúc bấy giờ chúng ta khám phá điều kỳ diệu chúng ta không bao giờ ngờ : « ý định nhân từ » của Chúa là biến chúng ta thành một dân vương giả… ! Đấy là kế hoạch của Thiên Chúa, từ nguyên thuỷ, từ khi Ngài tạo dựng nhân loại. Sách Sáng Thế đã nói : « 26 …"Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." 27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. 28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. » (St 1, 27-28)
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân