Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa (c1b)
4 Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
5 Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
8 CHÚA là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
9 dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
10 Tất cả đường lối CHÚA đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.
14 CHÚA xử thân tình với những ai kính sợ Chúa
và cho họ biết giao ước của Người.
Từ bài thánh vịnh 24 (25) tuyệt vời gồm 22 câu, chúng ta chỉ tách ra vỏn vẹn vài câu để đọc (con số 22 rất có tính cách biểu trưng như chúng ta thường nói đến), điều này không giúp chúng ta hiểu được. Đặc biệt khi chúng ta không đọc câu cuối, trong lúc câu này giải thích cho chúng ta cả bài. Đây là câu ấy: «22 Lạy Thiên Chúa, xin Ngài cứu Ít-ra-en thoát mọi nỗi truân chuyên ngặt nghèo» . Thật vậy, hoàn cảnh của lời cầu nguyện này, hay có thể nói, miền đất nào nảy sinh ra bài thánh vịnh, hẳn là một tình huống lo lắng, hoảng sợ, rất có thể là cuộc lưu đày sang Ba-by-lon. Vì thế chúng ta chìm đắm ngay trong bầu khí cầu nguyện! Vì lúc bấy giờ đúng là tiếng gào thét từ đáy lòng! Chúng ta không quên từ ngữ «cầu nguyện» có cùng một gốc La-tinh (precare) với chữ «tình trạng bấp bênh». Các câu khác của bài thánh vịnh nói lên rõ tình trạng lo lắng, hoảng sợ ấy:
« 2 Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài, xin Ngài đừng để con tủi nhục, đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con…
16 Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con, vì thân này bơ vơ khổ cực.
17 Lòng đau như thắt, xin làm cho thanh thoả, và giải thoát con khỏi bước ngặt nghèo.
18 Xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực và tha thứ hết mọi tội con »
Tất cả những tâm trạng ấy có thể diễn tả (rất có thể là thế) những đau khổ của cuộc lưu đày Ba-by-lon, thế nhưng tại sao câu đầu bài thánh vịnh lại chép «1 Của vua Đa-vít »? (tiếng gốc Do thái là «Le David») Nếu bài thánh vịnh này thật sự do vua Đa-vít (thế kỷ thứ II) sáng tác, thì không thể nói về Ba-by-lon được (thế kỷ thứ sáu). Thật ra không ai hiểu chính xác từ ngữ «Le David» là có ý nghĩa gì? Chữ « Le » là một giới từ có nghĩa là «của» mà cũng có nghĩa «để cho» hay « liên quan đến »…Điều chắc chắn vua Đa-vít không thể nào là tác giả vô số thánh vịnh. (Trong ấy câu đầu có cụm chữ «1Của vua Đa-vít ») Trong các thánh vịnh ấy có đầy rẫy những điều ám chỉ quá rõ ràng về thời kỳ lưu đày Ba-by-lon. Công thức «1 Của vua Đa-vít » không nên được xem như một sự cấp cho hay một chữ ký của Đa-vít, nhưng là một trạng thái tinh thần Dân It-ra-en, vì trong các thánh vịnh luôn luôn nói về cả dân It-ra-en - đang chìm đắm trong cầu nguyện và trong đức tin của vị tổ tiên vĩ đại.
Mà Đa-vít đã để lại những kỹ niệm gì? Đó là một nhân vật không phải không vướng lỗi lầm ( ai ai cũng biết câu chuyện về Bết-sa-bê), nhưng là một tín hữu và một người đơn sơ trước mặt Thiên Chúa. Một người biết nhận những lỗi lầm và xin Chúa tha thứ. Đó có lẽ là chìa khoá của bài thánh vịnh, chỉ cần nghe những từ ngữ được dùng, để có thể đoán ra là một bài thánh vịnh được sáng tác cho các nghi lễ sám hối! Ngày nay khi chúng ta chuẩn bị Lễ Rửa Tội, Hôn Phối, Lễ tang, Lễ đền tội hay chỉ là Lễ chúa Nhật; chúng ta tìm trong các sách thánh ca những bài nào thích hợp nhất cho hoàn cảnh, và không thiếu chi bài! (Các bài còn có những số hiệu để chỉ định cách dùng do các tác giả đã nghĩ trước). Đối với các thánh vịnh cũng như thế, và bài thánh vịnh 24 hôm nay, rõ ràng được dành đi kèm cho việc tiến hành nghi lễ sám hối. Bài dùng các từ ngữ về con đường, đặc thù của các thánh vịnh sám hối: Lý do là tội lỗi, nghĩ cho cùng là một con đường dẫn đi lạc hướng. Và chúng ta biết rằng chữ «hoán cải» có nghĩa là « quay trở lại ». Người ta thường nói « hắn quay về khỏi con đường sai trái ». Thời ấy, ông Mô-sê cũng đã dùng hình ảnh ấy, ông nói với dân chúng: « 32 Anh em hãy lo thực hành như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, không đi trệch bên phải bên trái.33 Anh em hãy đi đúng con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, để anh em được sống, được hạnh phúc và được sống lâu trên mặt đất mà anh em sẽ chiếm hữu » (Đnl 5, 32-33)
Con đường ấy là Lề luật: Chúng ta không quên rằng đối với một người Do Thái, Lề Luật là một món quà của Thiên Chúa, một chứng từ quan trọng về lòng âu yếm dành cho con người. Chữ Do Thái «Lề Luật» (Torah) không có gốc cùng nghĩa «ban hành » mà cùng gốc với động từ «giảng dạy». Lề Luật ám chỉ con đường dẫn đến Thiên Chúa. Hơn nữa đề tài «dẫn con đi theo đường chân lý », được triển khai nhiều lần trong bài thánh vịnh, vì họ biết rằng Chúa ban Lề Luật là để con người được hạnh phúc. Lề luật là phương thức hướng dẫn công dụng của sự tự do để cho chúng ta sống hạnh phúc, vì Chúa không có mục đích gì khác hơn thế. Ngược lại, dân It-ra-en nhìn nhận đã bất trung với Giao Ước, nhiều nỗi khốn khổ xảy đến cũng vì lẽ ấy. Việc bị lưu đày sang Ba-by-lon thường được xem như hậu quả của những bất trung. Và bài thánh vịnh này chính là một lời xin tha thứ cho sự bất trung liên tục – có thể nói sự bất trung nguyên thuỷ của họ…Ngay giữa bài thánh vịnh, câu 11 nói lên rõ điều ấy: « 11 Lạy CHÚA, tội con thật nặng nề, vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con ».
Thế mà, điều răn thứ nhất của Lề Luật là cấm thờ lạy bụt thần. Đó mới là nội dung chính yếu của sự «trở lại» trong Thánh Kinh: Từ bỏ bụt thần để quay về với Thiên Chúa hằng sống, Chúa duy nhất cứu độ. Đó cũng là nội dung rao giảng các ngôn sứ. Trong bài thánh vịnh hôm nay, câu 5: «vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con» đúng là thể hiện quyết tâm từ nay quay trở về Thiên Chúa It-ra-en. Các câu khác cũng nói lên lòng quyết tâm ấy:
« 6 Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
15 Mắt tôi nhìn CHÚA không biết mỏi vì chính Người sẽ gỡ chân tôi khỏi dò lưới. »
Thánh Phao-lô cũng nói, không khác gì với các tín hữu thành Thê-xa-lô-ni-ca « 9 Khi nói về chúng tôi, người ta kể lại chúng tôi đã được anh em tiếp đón làm sao, và anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật » (1Th 1, 9)
Việc tìm kiếm sự đạo đức hoàn hảo trở nên thứ yếu: Thứ yếu mà thôi, bởi vì nếu tìm trước tiên sự đạo đức hoàn hảo, rất có thể trở nên là cái bẫy. Đó là một cách lo cho cá nhân mình thôi, chỉ lo cho sự thánh thiện riêng của mình trên hết mọi sự, và rốt cuộc tự cho mình là trung tâm vũ trụ. Đấy là cái bẫy, Chúa Giê-su đã tố cáo trong bài dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế. «11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: Tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con » (Lc 18, 11-12). Còn người thu thuế, chỉ quay về hướng Chúa, với những lời lẽ giống như trong thánh vịnh chúng ta hôm nay: « Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi » (Lc 18, 13b).
Con đường hoán cải thật, trước tiên là hãy quay về Thiên Chúa, và Ngài sẽ quay chúng ta về anh em.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính : Nguyễn Thế Hoằng