"Ta sẽ làm nảy sinh cho Đavít một chồi công chính".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
14 Này, sẽ đến những ngày - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về Giu-đa.
15 Trong những ngày ấy, vào thời đó,
Ta sẽ cho mọc lên một mầm non,
một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít;
Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực.
16 Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp.
Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành:
"ĐỨC CHÚA là-sự-công-chính-của-chúng-ta! "
Các bạn hẳn biết câu trả lời bất hủ của thánh Phê-rô cho các Ki-tô hữu hoàn toàn thất vọng, khi họ đến nói với ngài: « Chúng con có cảm tưởng Chúa quên chúng con rồi, chúng con tưởng Thiên Quốc là ngay bây giờ đây ». Thánh Phao-lô nói : « 8 Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày.9 Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải ». (2 Pr 3, 8-9). Thì đây, đoạn này của sách Giê-rê-mi-a cũng cùng một nguồn mạch ấy!
Nước Thiên Chúa chậm đến là một thách đố đối với các tín hữu từ muôn thuở, những người Do Thái cũng đặt những câu hỏi giống như các tín đồ của thánh Phê-rô, và ngay cả chúng ta cũng thế. Phần anh em, anh em còn tin thế gian đang tiến về Thiên Quốc không? Đó cũng là câu hỏi chúng ta thường nghe. Thánh Phê-rô trả lời làm sao? Vị ngôn sứ trả lời ra sao? Và ngày hôm nay, chúng ta phải trả lời như thế nào? Thật vậy, những biểu hiện bên ngoài có vẻ đi ngược lại, nhưng Chúa là Chúa, Ngài trung tín. Vì thế, chính lúc này mới phải tin, ngay lúc mọi sự tối tăm phải bám vào đức tin. Khi Chúa hứa, chúng ta chắc chắn là Chúa thực hiện!
Thật vậy, Chúa đã hứa với dân Do Thái, một lời hứa danh dự, như người tiên tri của chúng ta nói trong bài này (nguyên văn tiếng Do Thái là lời đẹp, Tân ước dịch ra là « phúc âm »): « 14 Này, sẽ đến những ngày… Ta sẽ thực hiện điều tốt lành đã phán về nhà Ít-ra-en và về Giu-đa.». Cũng chính lời hứa ấy, ngôn sứ Na-than nói với Đa-vít: « 16 Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi. » (2 Sm 7, 26). Từ đó có thể suy ra triều đại của Đa-vít sẽ tồn tại muôn đời, và ngay Đa-vít cũng hiểu thế, nên trước khi băng hà có những câu cuối đời : « Người đã lập với tôi một giao ước vĩnh cửu » (2 Sm 23, 5). Tin chắc vào sự bền vững của vương triều là một bảo đảm cho sự phồn vinh cho dân chúng. Vì từ khi có vua ở Ít-ra-en, trước vua Đa-vít nữa kia, mọi người biết rằng, vai trò của vua là chăm sóc dân mình, trước hết bảo vệ về mặt quân sự nhưng còn phải mang lại hoà bình, an ninh, thịnh vượng và công bằng xã hội.
Đấy là lý tưởng! Trên thực tế, ngay cả những vua trội vượt nhất sau này kế nghiệp Đa-vít, cũng còn kém xa dự án tốt đẹp ấy ! Không vì thế mà lời hứa bị lãng quên, trái lại, người ta giục lòng can đảm, và tự nhủ, đại để như: « 4 Ngàn năm Chúa kể là gì »(Tv 90, 4) chúng ta hãy kiên nhẫn như Chúa kiên nhẫn. Và cũng chính vì thế, mà lời hứa ấy được truyền lại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Rất có thể chân trời xa dần, nhưng ta đang tiến về chân trời ấy. Dần dần các hậu duệ của Đa-vít, lần lượt người này đến người khác xa dần với bức chân dung lý tưởng, mơ đến một vị Đa-vít mới. Có người bắt đầu nói: « Nếu không phải vua này thì đến vua khác ». Ví dụ như thời I-sa-i-a, A-khát làm mọi người thất vọng, xoay ra tin tưởng nơi con ngài là Khít-ki-gia. Và rồi, Khít-ki-gia cũng không hoàn toàn trên mọi phương diện, không như lời hứa, mọi người cuối cùng phải chấp nhận chờ đợi nữa. Và cứ thế, từ vua này đến vua khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, từ thất vọng này đến thất vọng khác, cứ thế sự chờ đợi trở nên vô tận.
Thời điểm bài chúng ta đang đọc, là thời điểm tồi tệ nhất ! Chẳng những không thấy đâu một vua lý tưởng mà còn không có vua nào hết ! Vì thế, việc các lời hứa Thiên Chúa sẽ được thực hiện, trở nên một thách đố thật sự cho lòng tin dân Ít-ra-en, đến độ người ta tự hỏi Chúa đã chết đi rồi, hay đã quên bẵng chúng ta, hay đã lên án chúng ta ? Lời Chúa có vẻ thất bại, Giao Ước bị bẻ gãy, việc bầu vua bị loại bỏ. Có ai còn tin lời hứa với Đa-vít có giá trị?
Thế thì, chính lúc dân Do Thái không còn vua và vương quyền (liên hệ đến lời hứa với Đa-vít) có vẻ hoàn toàn bế tắc, người ngôn sứ mới dám tuyên bố: Trái ngược những dấu chỉ bên ngoài, lời hứa của Thiên Chúa với Đa-vít sẽ được thực hiện. Một vị vua mới sẽ đến và sẽ trị vì công minh. Lúc ấy, Giê-ru-sa-lem mang tên là « thành phố của hoà bình » sẽ chu toàn sứ mạng. Vị Tiên Tri của chúng ta còn đi xa hơn, ngài nói : « Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về Giu-đa. » làm như hai nhà ấy là một. Trong lúc ngài viết câu này, đã từ lâu vương quốc Sa-lô-mon đã phân chia làm hai nước khác biệt nhau, thường thù địch nhau hơn là huynh đệ với nhau, Ít-ra-en và Giu-đa. Và từ khi bị quân Át-sua chiếm đóng, vương quốc Ít-ra-en có thủ đô là Sa-ma-ri bị xoá khỏi bản đồ. Thế mà nhà tiên tri chúng ta dám nói đến thống nhất! Đó là một thách đố cho lẽ phải, nhưng thế mới là đức tin. Một bài học tuyệt vời về đức cậy trông và một mẫu gương cho lời tiên tri: Một lời ban ra trong những ngày u tối loan báo ánh sáng.
Sự thách đố ấy dựa trên hai lý lẽ hoàn toàn không thể bác được: Thứ nhất Chúa không thể chối bỏ một lời hứa của Ngài… Nhưng nhất là - và đấy là tiếng nói sau cùng của bài : «ĐỨC CHÚA là sự công chính của chúng ta! ». Đấy là lý do giá trị nhất để chúng ta không mất hy vọng. Nếu chúng ta chỉ dựa vào chỉ sức mạnh của chúng ta để thay đổi thế gian, công trình có vẻ thất bại trước…Nhưng chính vì thế, tin vui tuyệt vời của bài này là sự công chính tại Giê-ru-sa-lem, không do nỗ lực của chúng ta: Nhưng là chính Thiên Chúa.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính : Nguyễn Thế Hoằng.