Alleluia, alleluia!
- Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng;
và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. - Alleluia.
-----------------
"Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
1 Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên,
2 Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa.
3 Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội,
4 như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
5 Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.
6 Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Xin đề nghị chúng ta đọc lại bài này theo thứ tự. Thánh sử Lu-ca có những lý lẽ của ngài, chắc chắn là như thế, ngài mới bỗng nhiên xác định rõ ràng, thời điểm và các nhân vật của phong cảnh ngài đang dựng lên. Thoáng qua, chúng ta cũng thấy đây là những nhân vật có mặt trong Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, và cũng là một cách ám chỉ cho chúng ta điều này đang xuất hiện xa xa ở chân trời.
Chỉ có điều về ngày tháng, «1 Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô», đối với chúng ta không được rõ lắm, nhưng không phải lỗi ở thánh Lu-ca: Thời ấy không có gì khó hơn, là nêu ngày tháng cho chính xác. Dù sao đi nữa chúng ta cũng có thể hiểu, điều chắc chắn là vào năm thứ 27 hay 28 sau công nguyên, có thể sai chỉ vài tháng.
Thánh Lu-ca giới thiệu các nhân vật (trước tiên là chính trị, sau đó là tôn giáo) chung quanh ông Gio-an Tẩy Giả, và kế đến là Chúa Giê-su. Một Toàn Quyền Rô-ma xứ Giu-đê là Phi-la-tô (tức là vùng Giê-ru-sa-lem). Các vua trong xứ thuộc các miền khác. Tại sao Giu-đê lại có một chế độ đặc biệt? Điều giản dị, đế triều Rô-ma muốn trực tiếp nắm giữ miền đặc biệt khó cai trị này, và Phi-la-tô thì khét tiếng nghiêm khắc.
Điều sau cùng cần lưu ý là vua Hê-rô-đê ở đây là Hê-rô-đê Ăn-ti-pát, con của Hê-rô-đê Đại Đế, vua này trị vì lúc Chúa Giê-su vừa mới sinh ra, thế nhưng trong thời công khai của Chúa (cũng như của ông Gio-an Tẩy Giả) là Hê-rô-đê Ăn-ti-pát.
Còn về nơi chốn, thánh Lu-ca nêu lên tên hai miền của Do Thái, Giu-đê và Ga-li-lê và ba tỉnh không thuộc về Do Thái ở phương Bắc: I-tu-rê, Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a và A-bi-lên. Ba tỉnh này không bao gồm cả xứ, nhưng thánh sử không có ý định nói thấu đáo, vì ở đây không phải một bài luận văn chính trị địa lý. Ngài chỉ muốn gợi ý cho chúng ta ơn cứu độ đến, vừa cho dân Do Thái nhưng cũng vừa cho dân ngoại. Đó là điều ngài nhấn mạnh trong suốt sách Tin Mừng. Không lạ gì thánh Lu-ca, một người ngoại trước kia nay trở lại đạo, đặc biệt nhạy cảm về người ngoại nhận được ơn cứu độ.
Sau cùng ngài còn nêu tên các bậc giáo quyền, những thượng tế, Kha-nan và Cai-pha. Trong bản tiếng Hy-lạp, ngài còn gọi: « 2 Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế », cách gọi này khá lạ! Thật vậy, từ trước đến nay chỉ có một Thượng Tế đương nhiệm. Kha-nan từ năm 6 đến năm 15 và người con rể là Cai-pha từ năm 18 đến năm 36. Nhưng Kha-nan rất có ảnh hưởng đến người con rể và có thể vì lẽ đó thánh Lu-ca muốn lưu ý điều này. Hai người đều đóng vai trò quan trọng trong vụ án Chúa Giê-su (Ga 18, 13).
-------------------------------
Xin chú ý thêm về vấn đề đánh dấu ngày tháng: Không có gì khó bằng tái tạo lại thời điểm trong các giai đoan ấy, vì hai lý do. Trước hết phải chọn đầu năm là lúc nào: Tháng mười hay tháng giêng? Hơn nữa mỗi xứ có cách tính mỗi khác, hay là ở đây thánh Lu-ca nghĩ đến ngày lên Ngôi của Ti-bê-ri-ô. Điều thứ hai, từ đó tới nay có nhiều lần lịch được thay đổi! Cũng vì lẽ đó, không ai chắc chắn ngày chính xác Chúa Giê-su bước vào đời sống công khai. Thật may mắn, vì có sự không chắc chắn ấy để khuyến khích chúng ta tìm hiểu, đâu là điều quan trọng? Chứ không vào những điều ấy.
-------------------------------
Xin trở về bài Tin Mừng của chúng ta: « có lời Thiên Chúa phán cùng … ông Gio-an » cách diễn tả ý này, cũng được dùng trong Thánh Kinh tiếng Hy-lạp cho ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Gr 11, 1) và Hô-sê (Hs 1, 1). Thánh Lu-ca cố tình nói như thế, để giới thiệu ông Gio-an cho chúng ta (Chúng ta gọi là Gio-an Tẩy-giả) như một ngôn sứ đích thực.
Thánh Lu-ca cũng đã miêu tả trước đó vài chương trong Tin Mừng, việc được sinh ra thật kỳ lạ của Gio-an, con ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Gio-an Tẩy Giả là con một vị tư tế - thời ấy rất thông thường - nhưng giống như những người Do Thái, ông rất thánh thiện, lánh xa đền Giê-ru-sa-lem. Gio-an mời gọi anh em theo ông vào sa-mạc, tìm lại đời sống thánh đức của Giô-su-ê và dân Do Thái lúc vượt sông Gio-đan. Làm như thế, ông chu toàn nhiệm vụ một ngôn sứ: «Ông … kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội ». Sám hối là một đề tài rao giảng được yêu chuộng của các tiên tri thời ấy. Chúng ta sẽ trở lại lâu hơn với phép Rửa ông Gio-an và các Ki-tô hữu tuần sau, với các câu tiếp theo trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca. Ngày hôm nay, chúng ta ghi nhớ rằng không phải Chúa Giê-su đã lập phép Rửa Tội, vì ông Gioa-an Tẩy Giả đã ban phép Rửa Tội rồi!
Sứ vụ rao giảng của Gio-an được một sự bảo trợ tốt nhất có thể, vì: «4 như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng… », đây là cách tuyên xưng Gio-an-Tẩy Giả là một ngôn sứ đích thực, người làm cho mọi người nhìn ra những lời hứa ngàn xưa đã được ứng nghiệm. Mục đích quan trọng của những gì viết trong Tân Ước, là để mặc khải Chúa Giê-su chính là Đấng đến chu toàn kế hoạch Thiên Chúa, được tiên báo qua Cựu Ước. Mỗi tác giả thực hiện theo biệt tài của mình, nhưng mục tiêu là thế. Lời trích của thánh Lu-ca ở đây, rút từ chương 40 sách I-sa-i-a – tức là I-sa-i-a Hai, ngôn sứ giảng trong thời kỳ lưu đày Ba-by-lon tiên báo lòng tín trung Thiên Chúa và ngày hồi hương.
Chúng ta nên hiểu rõ: Trước tiên I-sa-i-a muốn hướng về những người đồng thời với mình. Họ quan tâm đến những thực tế trước mắt. Đó là một sấm ngôn có tính cách thức thời. Đối với những người bị lưu đày nghĩ rằng bị Thiên Chúa bỏ rơi, ông phán: Anh em sắp trở về. Ông dùng những hình ảnh rất có ý nghĩa đối với họ: Thật vậy, hàng năm vào dịp lễ quốc khánh, lễ thần Ma-đúc, các nô lệ Do Thái tại Ba-by-lon bị khổ sai trong các công trường. Họ phải xây xa lộ trong sa mạc, lắp đầy thung lũng, bạt thấp núi đồi, uốn cho ngay các khúc quanh co…Tất cả những việc thật khó nhọc chẳng những về thể lý và nhất là về tâm lý, vì chỉ để phục vụ bụt thần dân ngoại! Trong khi ấy, I-sa-i-a tuyên bố gì? Từ nay, với con đường này chính Thiên Chúa sẽ băng qua sa mạc: Có nghĩa là Chúa sẽ dẫn đầu đoàn người anh em trên đường hồi hương vinh quang.
Gio-an Tẩy Giả đọc lại lời tiên tri của người cha thiêng liêng ngàn xưa và khám phá ra con đường giải thoát khác: Kể từ nay, không chỉ những kẻ lưu đày Ba-by-lon mà mọi người sẽ được hưởng ơn Cứu độ của Chúa.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính : Nguyễn Thế Hoằng.