Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT THÁNH GIA THẤT – NĂM C (Lc 2, 41-52) 30/12/2018

Alleluia, alleluia!

- Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. 
Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. 
Alleluia.

----------------- 
"Hai Ông Bà gặp Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.

42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.

43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.

44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.

45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.

51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

 

«11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận» đây là câu 11 trong phần mở đầu chương 1 của Tin Mừng theo thánh Gio-an. Hình như câu truyện chúng ta đọc hôm nay, trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, là một bài minh chứng điều thánh Gio-an viết. Lý do là bài hôm nay trình bày một mặc khải của mầu nhiệm Chúa Giê-su, cùng một lúc với thái độ không thấu hiểu Chúa chính từ các thân nhân của Ngài.

Mặc dầu cả gia đình đến Giê-ru-sa-lem tham dự Lễ Vượt Qua, điều này không có gì là lạ; cho dù lễ này kéo dài tám hôm cũng không có gì là bất ngờ : Từ lâu, lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, hai lễ đã nhập thành một, được kéo dài tám hôm. Nhưng điều sau đây mới là đáng ngạc nhiên: Người Trai Trẻ ở lại Đền có vẻ không quan tâm việc thông báo cho cha mẹ. Cả gia đình, như mọi năm đi chung, khi từ giã Giê-ru-sa-lem về nhà; không ai kiểm tra xem Cậu Bé có theo đoàn hay không? Lạc nhau ba ngày - thánh sử Lu-ca cố ý nói rõ con số ba này. Khi cả ba gặp lại nhau, họ vẫn chưa hiểu nhau: Vẫn chưa hồi tâm sau ba ngày ấy, lời trách âu yếm của Đức Maria, lại gặp phải sự ngạc nhiên của Con mẹ, sự ngạc nhiên ấy cũng rất chân thật: «Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?» 

Sự mặc khải của mầu nhiệm Chúa Giê-su được miêu tả qua sự ngạc nhiên của mọi người, đặc biệt nhất nơi các kinh sư, trước ánh sáng của trí thông minh không thể nghi ngờ ở nơi Ngài. Điều đáng chú ý nữa là việc nêu lên con số ba ngày. Xuyên suốt Thánh kinh, ba ngày là thời gian thường thấy để gặp Thiên Chúa (Ba ngày từ khi đưa xác Chúa vào mồ và Phục Sinh, tức là sự chiến thắng toàn diện của sự sống). Sự mặc khải mầu nhiệm Chúa Giê-su còn tìm thấy trong câu rất đáng ngạc nhiên từ miệng một Đứa Trẻ mười hai tuổi, với cha mẹ bằng da bằng thịt của mình (c 49) «…con có bổn phận ở nhà của Cha con». Ở đây, Chúa xác định rõ ràng Ngài là Con Thiên Chúa. Khi Truyền Tin, Tổng Lãnh Thiên Thần Gáp-ri-en cũng đã giới thiệu Ngài là «Con Đấng Tối Cao» (Lc 1, 30), danh hiệu này chỉ dành cho Đấng Mê-si-a. Lần này, sự mặc khải vượt lên một bậc: Danh hiệu Người Con áp dụng cho Chúa Giê-su không chỉ là một vương hiệu, nhưng còn nói lên thiên chức Con Thiên Chúa. Không ngạc nhiên gì, thoạt đầu không ai hiểu! Nhưng Chúa không ngừng ở đấy: Hôm nay Chúa Giê-su nói Ngài «ở nhà của Cha» mình… Sau này Ngài còn nói: «Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha» (Ga 14, 9).

Thật vật, điều này không thể hiểu được, ngay như cha mẹ Ngài; và Chúa Giê-su còn đánh bạo hỏi: «Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?» Ngay những tín hữu thánh thiện và sốt sắng như thánh Giu-se và Đức Mẹ cũng phải ngạc nhiên, hoang mang trước mầu nhiệm Thiên Chúa. Điều này có lẽ làm chúng ta được an tâm. Chúng ta không nên ngạc nhiên vì chính chúng ta cũng không hiểu bao nhiêu! Chúng ta quên chăng câu sau đây của I-sa-i-a: «Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. 9 Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.» (Is 55, 8-9).

Thánh kinh gợi ý cho chúng ta chính Đức Maria cũng không hiểu ngay tất cả: Ngài ghi nhớ và tự đặt câu hỏi, tìm hiểu. «Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng». Sau khi các mục đồng viếng hang Bê-lem, chúng ta cũng đã đọc trong Thánh kinh theo thánh Lu-ca: «19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng». (Lc 2, 19). Cụm chữ «suy đi nghĩ lại trong lòng» được dịch từ một từ ngữ Hy-lạp, gợi lên có những ý nghĩa va chạm nhau.

Thánh Lu-ca cho chúng ta ở đây một mẫu gương để noi theo: Chấp nhận không hiểu ngay tất cả, nhưng để triển khai trong ta những ý nghĩ hầu để suy gẫm, có thể va chạm nhau. Không hơn gì chúng ta, con đường đức tin của Đấng Ma-ri-a cũng không phải được trải bằng những bông hồng! Chúa Giê-su cũng như bao trẻ khác cần lớn lên! Mầu Nhiệm Nhập Thể còn đi xa đến hơn như thế: «52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta» Nói như thế có nghĩa là, một đàng Chúa Giê-su từ nay đã thành người; đàng khác Thiên Chúa nhẫn nại chờ chúng ta trưởng thành: Đối với Ngài ngàn năm cũng như một ngày (Tv 89/90).

Tất cả sự việc này xảy ra trong đền Giê-ru-sa-lem. Thánh Lu-ca quan tâm thật đặc biệt với Đền Thánh, vì đối với người Do Thái đó là dấu chỉ của sự hiện diện Thiên Chúa giữa dân Ngài. Nơi đây, thánh sử bắt đầu Thánh kinh bằng sự loan báo cho Da-ca-ri-a, ông Gio-an Tẩy Giả sẽ sinh ra; và cũng nơi đây, Chúa Giê-su được dâng lên trong Đền. Nơi đó ông Si-mê-on loan báo sự Cứu Độ của Chúa đã đến; và sau cùng được kết thúc Tin Mừng theo thánh Lu-ca: Sau khi từ giã Chúa Phục Sinh, các môn đệ quay lại đền Giê-ru-sa-lem. Nhưng đối với Ki-tô hữu, từ nay chính Thánh Thể Chúa Ki-tô mới là Đền Thánh thực sự, nơi sự hiện diện tuyệt vời của Ngài. Bài hôm nay là giai đoạn đầu của sự mặc khải ấy. Viết đến đây, thánh Lu-ca hẳn nghĩ đến tiên tri Ma-la Khi: «1 Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. (Ml 3, 1)

Chúng ta có thể ngạc nhiên trước một sự kiện có vẻ mâu thuẫn. Chúa Giê-su trả lời với cha mẹ: «…con có bổn phận ở nhà của Cha con…» để rồi liền sau đó, trở về Na-da-rét ở với họ. Điều ấy chứng tỏ Ngài không ở lại trong Đền bằng đá, ngôn sứ Sa-mu-en cũng như thế (xem Bài Đọc Một). Mặc dù Sa-mu-en được dâng vào đền Xi-lô để ở đó phục vụ suốt đời, thế nhưng, cuối cùng ông cũng phục vụ Thiên Chúa ngoài Đền, đi về hướng dân chúng. Có lẽ ở đây chúng ta phải nhận ra một bài học: «…con có bổn phận ở nhà của Cha con…», có nghĩa là một đời phục vụ con người, không nhất thiết ở trong Đền. Có thể nói khác hơn: Nơi nhà của Cha có nghĩa ưu tiên là phục vụ các con của Ngài.

 

***

 Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Mác-cô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com