"Về đời sống gia đình trong Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
12 Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.
13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.
14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.
15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.
16 Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.
17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.
18 Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa.
19 Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ.
20 Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa.
21 Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.
Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thánh Gia Thất, Gia Đình Thánh. Trung tâm ngày lễ là một gia đình đơn sơ: Thánh Giu-se, Mẹ Maria và Chúa Giê-su. Đây là gia đình trần thế của Chúa. Vì lẽ đó chúng ta gọi là «Gia Đình Thánh», từ ngữ «Thánh» chính là dành để cho Thiên Chúa, và chỉ Ngài mà thôi. Tuy nói thế, nhưng chúng ta không nên hiểu lầm, gia đình «thánh» ấy không sống trên mây: Tất cả những gì các thánh sử viết về Chúa không có gì giống một cuộc đời thần tiên! Thánh Giu-se bối rối trước những gì xảy ra cho Đức Maria; những điều kiện sinh nở Chúa Hài Đồng thật cực khổ, cuộc lưu vong bất đắc dĩ sang Ai-cập, đến việc lạc Chúa Giê-su, rồi gặp lại được trong chuyến đi hành hương Giê-ru-sa-lem… Trong những lúc ấy, các Thánh kinh đều nói rõ cha mẹ Ngài không hiểu chi cả. Tất cả những điều đó để nói cho chúng ta «gia đình thánh» ấy là một gia đình thật sự, với những vấn đề của bao gia đình khác có thể gặp phải. Đấy, tất cả những điều ấy có thể làm cho chúng ta an tâm! Và trong thư gửi cho các tín hữu thành Cô-lô-xê, thánh Phao-lô khuyên chúng ta nhẫn nại và biết tha thứ… tức là chúng ta hẳn cần đến! Tất cả chúng ta đều có trải qua những kinh nghiệm ấy…
Thành Cô-lô-xê nằm ngay trung tâm xứ Thổ-Nhĩ-Kỳ. Thánh Phao-lô không bao giờ đến đó. Đó là ông Ê-páp-ra, người dân thành Cô-lô-xê, một trong các môn đệ của thánh nhân đã được ơn trở lại đạo Ki-tô và sau đó xây dựng một cộng đồng trong thành của mình. Không hiểu lý do gì, thúc đẩy thánh Phao-lô viết thư này cho Ki-tô hữu thành Cô-lô-xê. Theo nội dung thư, chúng ta chỉ biết lúc ấy ngài đang bị cầm tù và nhận được tin từ bên ngoài khá đáng lo ngại: Đức tin Ki-tô có cơ lâm nguy.
Giọng bức thư hỗn hợp: có lúc thì chính thánh nhân thán phục trước công trình của Thiên Chúa, như người thần học ấn tượng, như người sùng tín; người được ơn trở lại trên đường Đa-mát viết. Có lúc thì như những lời cảnh báo khắt khe hướng về các Ki-tô hữu: «4 Tôi nói điều đó để đừng có ai dùng lời lẽ hấp dẫn mà mê hoặc anh em» (Cl 2, 4), ngài cũng không ngần ngại nói:
«8 Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Ki-tô». (Cl 2, 8).
Giọng nói trong thư hay thể văn có thay đổi, nhưng chủ yếu sứ điệp lúc nào cũng là một: đối với thánh nhân, trung tâm vũ trụ và lịch sử là Chúa Giê-su Ki-tô. Khi ngài nói với các tín hữu về đời sống thực tế, ngài mời gọi họ nhìn ngắm Đức Giê-su Ki-tô.
Bài chúng ta đọc hôm nay, rất tiêu biểu cho cách nhìn đời của thánh Phao-lô, và những lời khuyên nhủ các Ki-tô hữu trong thời sơ khai. Nếu chúng ta đọc một cách hời hợt, bài này chỉ có vẻ như một bài học luân lý trong đời sống xã hội áp dụng cho gia đình. Nhìn như thế, sứ điệp thánh Phao-lô có vẻ như một lý tưởng cao đẹp khó có thể đạt được: «anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau». (Cl 3,12-13) Tóm lại, hãy sống như trên thiên đàng! Thế nhưng, ai cũng biết chúng ta còn sống trên trần gian!
Nhưng chính những điều đó, thánh Phao-lô xác tín như thế. Tôi tìm ra một bằng chứng khá rõ trong một cụm chữ, trong chương ba của thánh thư, trong những câu cuối: «13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau». Chịu đựng lẫn nhau, đối với thánh Phao-lô là một cách diễn tả tế nhị của tình yêu. Không thể nào chối cãi, điều này không thực tế, không đi vào trải nghiệm hằng ngày của mỗi người chúng ta. Đời sống xã hội, đời sống gia đình là muôn ngàn chi tiết hằng ngày, làm cho chúng ta lúng túng, bực bội; xúc phạm chúng ta, ngay những người thân làm phiền chúng ta, làm cho chúng ta đau khổ… và chúng ta có khuynh hướng nói: Không thể chịu nổi!
Thánh Phao-lô cho những lời khuyên trong đời sống thường nhật ấy, dựa vào những lời tuyên bố của ngài ở đầu bài: «12 Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương». (Cl 3, 12) Thánh nhân gọi những người đọc thư của ngài là «các thánh», vì họ là con Thiên Chúa. Không vì thế mà họ hoàn hảo. Nhưng chính vì quan hệ với Thiên Chúa, họ mới xứng đáng tên ấy và gợi hứng cho họ sống với tất cả tình yêu mà họ có thể. Vì thế các gia đình của chúng ta - dù sao, trong ấy cũng có thể ngự trị nhiều nhất tình yêu nhưng không - có thể được gọi là những «gia đình thánh» mặc cho những giới hạn hẳn có! Đối với thánh Phao-lô, điều chính yếu của luân lý là trong mẫu gương của Chúa Giê-su Ki-tô: «17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su».
Tôi xin có lời chú thích cuối cùng. Có nhiều phụ nữ khi nghe bài này, phản ứng mạnh với câu: «18Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa». Nhưng thiết nghĩ, không có lý do chính đáng để phản ứng và bực lòng như thế: chữ «phục tùng» trong Thánh Kinh, không liên quan gì với sự nô lệ! Trong một xã hội dựa vào trách nhiệm của người cha trong gia đình - đó là trường hợp đương thời của thánh Phao-lô - chính người cha, người gia trưởng. Trong suốt các thư, thánh nhân viết đều mô phỏng từ tình yêu, sự quan tâm đến những thành viên trong gia đình mình; vì thế phụ nữ không có lý do gì chống lại các lời ấy, những lời của lòng trìu mến và tôn trọng. Chúng ta tìm lại nơi đây đề tài vâng phục, thường gặp trong Thánh Kinh: Tín hữu không thấy chi khó khi để tai lắng nghe Lời Chúa (gốc chữ vâng lời theo tiếng La-tinh là để dưới lời), vì họ biết Chúa là tình yêu. Hơn nữa, thánh Phao-lô cũng cẩn thận nhắc lại các quý ông, lời nói của họ phải chỉ phát xuất từ tình yêu: «19 Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ».
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.