"Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
2 Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em.
3 Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô .
5 Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người.
6 Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.
Bài này chép từ Thư Thánh Phao-lô viết cho tín hữu thành Ê-phê-sô, chương 3. Thế nhưng, từ chương 1 thánh Phao-lô đã dùng cụm chữ bất hủ: «kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa». Ở đây ngài cũng triển khai đề tài ấy. Tôi xin chép lại vài câu chương 1 «9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: Thiên ý này là kế hoạch yêu thương, Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. 10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn; là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô» (Ep 1 , 9-10).
Đoạn chúng ta đọc ngày hôm nay cũng nằm trong bối cảnh ấy. Hơn nữa câu đầu nói: «2 Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi… » Cụm chữ kế hoạch của Thiên Chúa được dùng rất thường trong Thánh Kinh. Chương trình Thiên Chúa hay Kế hoạch yêu thương Thiên Chúa đều đồng nghĩa với nhau.
Chúng ta nhận ra chữ mầu nhiệm được nêu lên ba lần trong đoạn được đọc hôm nay. Đối với thánh Phao-lô, mầu nhiệm không phải là một bí mật từ Chúa, ngài giữ riêng cho mình. Trái lại, ngài muốn chia sẻ cho chúng ta những điều trong nội tâm của ngài. Thánh nhân nói ở câu đầu: «3 Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô». Mầu nhiệm ấy, là kế hoạch yêu thương của Chúa. Trải dài suốt lịch sử Thánh Kinh, Chúa mặc khải một cách tiệm tiến, bằng một phương pháp lâu dài, chậm rãi và đầy nhẫn nại để đưa dân Ngài chọn vào mầu nhiệm tình yêu ấy. Chúng ta có trải nghiệm điều này khi giáo dục một đứa trẻ: không thể một ngày, một buổi dạy nó được tất cả mọi sự: phải nhẫn nại giáo dục nó, ngày qua ngày, tùy cơ hội. Không thể nào dạy ngay cho đứa trẻ những bài học lý thuyết về sự sống, sự chết, sự kết hôn, khái niệm gia đình… Hay các mùa trong năm, các thứ hoa: nó sẽ khám phá ra thế nào là gia đình, khi sống những lúc vui lúc buồn trong một gia đình thật sự: nó tự khám phá ra từng thứ hoa, khi sống với chúng ta mùa này sang mùa khác… Khi gia đình có một đám cưới hay một đám tang hay một em bé vừa được sinh nở. Đứa trẻ sống với chúng ta qua các biến cố đó, và dần dần chúng ta đồng hành với nó để khám phá đời sống.
Chúa cũng đã dùng phương pháp sư phạm ấy, đồng hành với dân Ngài và từ từ mặc khải cho họ. Đối với thánh Phao-lô, sự mặc khải ấy bước qua một giai đoạn quyết định với Chúa Ki-tô. Lịch sử loài người chia ra làm hai giai đoạn, trước Chúa Ki-tô và sau Chúa Ki-tô. «5 Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người». Điều này làm cho chúng ta vui mừng, nhận thấy các lịch Tây phương đếm những năm trước Chúa Giê-su Ki-tô và sau Chúa Giê-su Ki-tô.
Mầu nhiệm ấy, ở đây thánh Phao-lô gọi một cách đơn sơ là «Mầu nhiệm Chúa Ki-tô». Ngài nói như thế có nghĩa là, biết rằng Chúa là trung tâm điểm của thế gian, toàn vũ trụ một ngày sẽ được qui tụ về Ngài, cũng như tứ chi qui về đầu. Hơn nữa trong câu: «10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.» (Ep 1, 10) Trong bản tiếng Hy-lạp chữ thủ lãnh, có nghĩa là «đầu». Đúng là liên quan với «muôn loài trong trời đất», vì thánh Phao-lô nói rõ trong câu 6: «…các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa». Có thể nói khác hơn: Gia nghiệp là Chúa Ki-tô… Lời hứa là Chúa Giê-su Ki-tô... Thân thể là Chúa Giê-su Ki-tô, kế hoạch yêu thương là Chúa Giê-su Ki-tô, chính vì Chúa Giê-su Ki-tô là trung tâm vũ trụ, và muôn loài trong trời đất quy tụ chung quanh Ngài. Trong Kinh Lạy Cha, khi chúng ta đọc «ý cha thể hiện», là chúng ta nói đến kế hoạch ấy của Chúa, và cứ lặp đi lặp lại câu này, dần dần chúng ta được thấm nhuần lòng ao ước ấy cho đến ngày viên mãn, kế hoạch ấy được hoàn tất.
Thực vậy, kế hoạch Thiên Chúa bao gồm tất cả nhân loại, chứ không chỉ dân Do Thái. Vì thế có thể gọi là kế hoạch hoàn vũ của Thiên Chúa. Đó là niềm xác tín của dân tộc It-ra-en vì lời hứa chúc phúc cho cả nhân loại được biết từ thời ông Áp-ra-ham: «Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.» (St 12, 3) Các ngôn sứ cũng không ngớt nhắc lại: đoạn sách I-sa-i-a trong Bài Đọc 1 ngày Lễ Hiển Linh hôm nay cũng trong chiều hướng ấy. Sở dĩ các ngôn sứ thường nhắc đến, chính vì mọi người có khuynh hướng quên điều ấy.
Cũng vì lẽ đó, vào thời Chúa Ki-tô, sở dĩ thánh Phao-lô phải nói rõ trong câu 6, là vì không phải tự nhiên ai cũng nghĩ tới: « trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa». Tới đây chúng ta phải cố gắng tưởng tượng, vì chúng ta không ở cùng một hoàn cảnh với những người đồng thời với thánh Phao-lô. Thật vậy, chúng ta đang ở trong thế kỷ XXI; dĩ nhiên, chúng ta không phải người gốc Do Thái, nhưng chúng ta cũng không ngạc nhiên lắm được hưởng phần cứu độ của Đấng Mê-si-a. Thậm chí sau 2000 năm Ki-tô giáo, chúng ta có khuynh hướng đã quên It-ra-en là dân Chúa chọn, vì như thánh Phao-lô nói: «… vì Người không thể nào chối bỏ chính mình. (2 Tm 2, 13) Ngày hôm nay chúng ta có chút khuynh hướng tin rằng, chúng ta là những chứng nhân duy nhất của Chúa trong nhân loại. Nhưng vào thời Chúa Ki-tô thì ngược lại. Chính dân Do Thái đầu tiên nhận được sự mặc khải của đấng Mê-si-a: Chúa Giê-su được sinh ra ngay trong lòng dân Do Thái. Đó là điều lô-gíc của kế hoạch Thiên Chúa và sự kiện dân It-ra-en được chọn. Người Do Thái là dân được chọn, họ được Chúa chọn làm những tông đồ, những chứng nhân và là công cụ của sự cứu độ toàn nhân loại. Chúng ta cũng biết những người Do-Thái đã trở lại đạo Ki-tô, lắm khi khó chấp nhận những người ngoại xưa kia này gia nhập cộng đồng của họ. Thánh Phao-lô đến nói với họ: «Hãy coi chừng… Những người ngoại, kể từ dây có thể trở thành tông đồ và chứng nhân ơn cứu độ.» Nhân đây, tôi xin lưu ý thánh Mát-thêu trong Phúc Âm về Ba Vua - được đọc trong Lễ Hiển Linh - nói với chúng ta rõ những điều ấy.
Những chữ sau cùng của bài này là lời kêu gọi: «trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.» Nếu tôi không lầm, kế hoạch yêu thương của Chúa có liên quan mật thiết với chúng ta, Chúa cho chúng ta «cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái»: các nhà chiêm tinh thấy một ngôi sao lạ và lên đường đi về hướng đó. Đối với nhiều người thời đại chúng ta không có ngôi sao lạ trên trời, phải có những chứng nhân của Tin Mừng.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính:Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.