Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa
2 để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
8 Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
10 Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, (và saba)
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
11 Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.
12 Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
13 chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
Cho ngày Lễ Hiển Linh, phụng vụ đề nghị chúng ta chỉ đọc vài câu của Tv Thánh vịnh 71 (72), nhưng để hiểu, chúng ta nên đọc cả bài.
Hãy tưởng tượng chúng ta đang tham dự lễ tấn phong cho một tân vương. Các vị tư tế dâng lên những lới cầu nguyện, tất cả là những lời chúc mà thần dân các xứ dâng lên mỗi lần mở đầu một triều đại: những lời chúc cho một thời chính trị vĩ đại cho vua, nhất là nhũng lời chúc hoà bình và công lý cho toàn dân… Những «ngày đầu phấn chấn»! Đó là một đề tài không chỉ nghe ở thời nay. Từ muôn thuở người ta vẫn mơ như thế; của cải, phồn vinh cho mọi người… công lý và hòa bình… và như thế cho toàn dân… cho đến tận cùng trái đất… Nhưng Dân Chúa được vinh dự biết rằng, giấc mơ đó cũng chính là chương trình của Thiên Chúa. Rất tiếc câu sau cùng của bài Thánh vịnh hôm nay không được đọc trong phụng vụ, câu này thay đổi, không nói vua ở dưới thế này mà là chính Thiên Chúa:
«18 Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en,
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
19 Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu!
A-men. A-men.»
Chính câu chót của bài cho chúng ta chìa khoá để hiểu bài thánh vịnh: bài này được viết và đọc sau những năm lưu đày ở Ba-Bi-Lon (giữa năm 500 và 100 trước CN), tức là lúc không còn vị vua Do Thái nào; có nghĩa là những lời chúc, những lời nguyện không dành cho vị vua thế gian nào… Nhưng đây là vị Vua mà mọi người mong đợi, chính Chúa đã hứa, đó là đấng Mê-si-a. Và vì đó lời hứa của Chúa, thì thế nào cũng sẽ được thực hiện. Suốt tất cả Thánh Kinh đều miêu tả nguồn cậy trông bất diệt đó. Lịch sử loài người có một chủ đích, một ý nghĩa, nhắm vào một hướng. Chúa có một chương trình, chương trình của Ngài linh ứng suốt Thánh Kinh. Cựu ước cũng như Tân ước. Chương trình này mang nhiều danh biểu tùy mỗi tác giả. Ví dụ như «Ngày của Chúa» nơi các tiên tri; «Nước Trời» của thánh Ma Thêu; «ý định nhân từ» theo thánh Phao-lô, nhưng tất cả đều chỉ định chương trình ấy của Thiên Chúa. Cũng như một tình nhân cứ lập đi lập lại không nhàm chán lời tỏ tình của mình, Chúa luôn luôn đề nghị một chương trình hạnh phúc cho nhân loại. Chương trình đó sẽ được thực hiện bởi đấng Mê-si-a, mà đấng ấy là đấng, mọi tín hữu dâng tất cả lời chúc qua các Thánh vịnh trong đền thờ Giê-ru-sa-lem.
Đặc biệt thánh vịnh 72 này là để miêu tả vị vua lý tưởng, vị vua mà dân It-ra-en chờ đợi từ hằng bao thế kỷ: khi Chúa Giê-su sinh ra, 1000 năm sau khi tiên tri Na-than tới loan báo cho vua Đa-vít lời hứa sau đây:
«12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi.14 Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người.15 Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi.16 Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi» (2 Sm 7, 12-16)
Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, lời hứa đó được lập đi lập lại, loan đi và xác định lại. Sự xác tín về lòng trung tín vào lời hứa của Chúa, làm cho mọi người khám phá ra mọi hoa trái tốt đẹp và những hậu quả của những lời hứa đó; nếu vì vua đó là Con Thiên Chúa, thì vua ấy là hình ảnh của Thiên Chúa, một vị vua của công lý và hoà bình.
Mỗi lần tuyên dương một tân vương, lời hứa đó được dâng lên cho vua và mọi người lại mơ ước. Từ thời vua Đa-vít, người ta chờ đợi và dân Do Thái vẫn chờ… Nhưng cũng phải công nhận rằng một triều đại lý tưởng đó chưa hề thấy trên trái đất này, có thể chỉ là một ảo tưởng… Nhưng người có đức tin không cho là một ảo tưởng: đây là một lời hứa của Chúa, tức là một xác tín. Và suốt Thánh Kinh, niềm xác tín đó được nêu ra, một niềm cậy trông bất diệt: chương trình của Chúa sẽ được thực hiện, chúng ta tiến tới từ từ, nhưng chắc chắn nó sẽ đến. Đó là phép lạ của đức tin: đứng trước lời hứa, mỗi lần thất vọng, có hai thái độ có thể có: người không có đức tin nói «Đấy, tôi đã nói, chuyện không bao giờ có» nhưng người có đức tin sẽ nói “hãy kiên nhẫn”, vì Chúa đã hứa, Ngài không bao giờ nói dối, như thánh Phao lô nói. (x 2 Cr 1, 18.21)
Thánh vịnh này nói lên vài khía cạnh của lòng cậy trông nơi một vị vua lý tưởng: ví dụ như «quyền bính» và «công lý», rồi sẽ đồng nghĩa với nhau; đó là cả một chương trình: nhiều chính quyền trần thế đã cố gắng đem lại công lý và xoá bỏ bần cùng, nhưng chưa đạt được; nhưng đáng thương thay những nơi khác, chính quyền đi đôi với tư lợi; bởi vì chúng ta chỉ là con người mà thôi!
Chỉ có nơi Chúa, quyền lực là ở tình yêu: thánh vịnh chúng ta xác định như thế: «Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào tay Thái Tử»
Và khi vua chúng ta có quyền lực của Thiên Chúa, quyền lực chỉ là tình yêu và công lý, thì không còn người đau khổ ở vương quốc nữa. «7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nào tuế nguyệt chẳng còn. 8 Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.»
Nhưng ngày nay khi hát thánh vịnh này, những «tận cùng trái đất» là xứ Ả Rập và Ai cập, vì thế ở đây nói tới các vua Saba và Sơ-va: Saba là phía Nam Ả rập và Sơ-va là phía Nam của Aicập… Còn Tác-sít là một xứ trong tưởng tượng, có nghĩa là «tận cùng trái đất».
Ngày nay dân Do thái hát thánh vịnh này để chờ đợi Đấng «Mê-si-a 2»; chúng ta là người Kitô hữu, chúng ta tin vua ấy là Đức Giêsu, và hình như Ba Vua đến từ Phương Đông đã thể hiện lời hứa năm nao:
10 Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, (và saba)
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
11 Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.