Lời Chúa CN

PHÚC ÂM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Lc 3, 15-16. 21-22) 13/01/2019

Alleluia, alleluia!

Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: "Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người". - Alleluia.

-----------------

"Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a!

16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa

.21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra,

22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.

 

Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm (Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca) đều thuật lại Chúa Ki-tô chịu phép Rửa, mỗi thánh sử một cách. Thánh Gio-an không kể lại nhưng ám chỉ đến sự kiện ấy. Thánh Lu-ca có những nét đặc biệt, chúng ta thử làm sáng tỏ những nét ấy trong bài này. Ví dụ như bài của ngài bắt đầu bằng câu: «21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa». Thánh Lu-ca là thánh sử duy nhất nêu lên dân chúng chịu phép rửa, và cũng chỉ có ngài mới nêu lên Chúa Giê-su cầu nguyện: «21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra»; cách đối chiếu ấy là một đặc điểm của thánh Lu-ca: Dù là Con Người giữa loài người, Chúa Giê-su không ngừng cùng lúc hiệp nhất với Đức Chúa Cha.

Thánh Lu-ca muốn nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Giê-su, đến độ trong Tin Mừng theo ngài, và chỉ Tin Mừng theo ngài mà thôi; thánh sử nói ngay đến gia phả liền sau tường thuật về phép rửa. Khác với gia phả đầu Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, viết từ ông Áp-ra-ham xuống dần đến Chúa Giê-su, thánh Lu-ca bắt đầu từ Ngài trở lên dần đến các tổ tiên: Chúa (thánh Lu-ca nói người ta nghĩ rằng…) là con Giu-se, con Đa-vít, con Áp-ra-ham… Nhưng thánh Lu-ca còn lên xa dần: ngài nói Chúa «con A-đam, con Thiên Chúa». Điều này chứng tỏ lúc ngài viết Tin Mừng này, những Ki-tô hữu tiên khai đã khám phá ra liên hệ đặc biệt giữa đấng Giê-su thành Na-da-rét với Thiên Chúa: đúng nghĩa Ngài là Con Thiên Chúa.

Phần sau, không riêng gì thánh Lu-ca, hai thánh Mát-thêu và Mác-cô cũng dùng những từ ngữ tương tự. Trong lúc Chúa Giê-su cầu nguyện thì «trời mở ra»: chỉ vỏn vẹn ba chữ, nói lên một sự kiện quyết định! Sự kết hiệp giữa trời và đất được thực hiện. Lời nguyện của dân có lòng tin được nghe thấu. Suốt bao nhiêu thế kỷ, đó là ước nguyện của dân Do Thái: «19 Từ lâu rồi, chúng con là những kẻ không còn được Ngài cai trị, không còn được cầu khẩn danh Ngài. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan1 như lửa đốt củi khô, như lửa làm cho nước sôi sùng sục!» (Is 63, 19-64, 1) Nói đến «Nước», thì đây chúng ta đang trên bờ sông Gio-đan; còn «lửa» thì đây: «Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa», ông Gio-an Tẩy-giả nói. Và thánh Lu-ca tiếp: «22 … Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu». Ở đây, Thánh Thần không liên hệ với sự hung bạo của lửa mà với chim bồ câu, biểu tượng cho sự dịu dàng, mong manh. Không có tương phản nhau: sức mạnh và bạo lực… dịu dàng và mong manh, như tình yêu, như Thần Khí.

Cả bốn Phúc Âm đều thuật lại Chúa Thánh Thần thể hiện dưới hình dạng chim bồ câu. Trong ba Phúc Âm Nhất Lãm, các từ ngữ rất giống nhau: Mát-thêu và Mác-cô nói Thánh Thần xuống «như chim bồ câu»; Thánh Lu-ca viết: «22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu». Trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, ông Gio-an Tẩy Giả sau sự kiện kể lại: «Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần."34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.» (Ga 1, 32-34).

Biểu tượng thể hiện chim bồ câu hẳn rất quan trọng, cho nên cả bốn thánh sử đều chọn. Thế hình ảnh ấy gợi lên gì nơi các ngài?

Trong Cựu Ước, biểu tượng ấy trước tiên gợi lên sự tạo dựng. Bài Sáng Thế không nói rõ là chim bồ câu nhưng chỉ nói: «thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước» (St 1, 2). Nhưng trong lời cầu nguyện dân Do Thái, họ bắt đầu nhận ra trong hơi thở ấy, Thần Khí của Thiên Chúa, và có một lời suy niệm của Giáo Sĩ Do Thái nói rằng: «thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước, như con chim bồ câu lượn trên các con của nó, nhưng không chạm vào chúng» (Sách Talmud Babylon của Do Thái). Kế đến, chim bồ câu gợi lên giao ước giữa Thiên Chúa và loài người, được kết lại sau trận lụt hồng thủy. Chúng ta còn nhớ ông Nô-ê thả con bồ câu: chính con chim loan báo lụt hồng thuỷ đã kết thúc, và cuộc sống có thể bắt đầu. Hơn thế nữa, vị hôn thê trong sách Diễm Ca gọi người yêu: «15 - Nàng đẹp quá, bạn tình ơi, đẹp quá! Đôi mắt nàng là một cặp bồ câu (Dc 1, 15)14 Bồ câu của anh ơi, em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo» (Dc 2, 14). Dân Do Thái xem sách Diễm Ca như cuộc tỏ tình của Thiên Chúa với nhân loại.

Chúng ta đang trong buổi bình minh của một thời đại mới: tạo dựng mới, giao ước mới. Các thánh sử nghe như tiếng vang của lời Tiên Tri I-sa-i-a: «17 Này đây, Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa» (Is 65, 17), và lời của Ê-dê-ki-en: «25 Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần.26 Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.27 Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi,…28 Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi» (Ed 36, 25…28). Đấy là những gì ông Gio-an Tẩy-giả muốn nói khi ông tuyên bố: «Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần». Liền lúc ấy, thánh Lu-ca nói: «Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con». Không ai là không tin, đó chính là tiếng của Thiên Chúa.

Đã từ lâu, Ít-ra-en không còn tiên tri nữa; nhưng các Giáo sĩ Do Thái vẫn nói, không cấm gì Thiên Chúa, tiếp tục mặc khải trực tiếp cho mỗi người bằng một tiếng nói đến từ trời như tiếng kêu của con chim bồ câu. Còn câu: «Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con», câu này không lạ gì đối với người Do Thái: Điều này càng rõ ràng hơn là câu này rút từ bài thánh vịnh số 2, mà mọi người hát trong Đền Giê-ru-sa-lem. Trong lúc từ lâu không còn vua ở It-ra-en, thế mà mọi người cứ tiếp tục hát câu dành cho các vua, ngày phong vương; trong khi chờ đợi một ngày sẽ đến để  loan báo cho vị vua bằng xương bằng thịt, Đấng Mê-si-a.

Trong khi những người đang tham dự, đứng đầu có Gio-an Tẩy Giả, bất chợt hiểu ra: Con chim bồ câu của Chúa Thánh Thần, đó là triều thiên của Đấng Mê-si-a.

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Mác-cô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com