"Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người"
Trích sách Tiên tri Isaia
Bài ca người Tôi Trung - Bài thứ nhất
1 Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ,
là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng,
Ta cho thần khí Ta ngự trên nó;
nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.
2 Nó sẽ không kêu to, không nói lớn,
không để ai nghe tiếng giữa phố phường.
3 Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy,
tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.
Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý.
4 Nó không yếu hèn, không chịu phục,
cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.
Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.
6 Người phán thế này: "Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã gọi ngươi,
vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta.
Ta đã nắm tay ngươi,
đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân,
làm ánh sáng chiếu soi muôn nước,
7 để mở mắt cho những ai mù loà,
đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ,
dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.
Đoạn này thuộc phần thứ hai sách I-sa-i-a. Tác giả - người ta gọi là «I-sa-i-a Hai» - đã sống và rao giảng trong thời kỳ lưu đày Ba-by-lon, tức thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên. Vì là thời điểm đặc biệt thảm khốc nhất lịch sử Do Thái, nên ông dùng hết công sức để đem lại lòng can đảm cho đồng bào của ông. Người ta còn gọi sách này là «Sách An Ủi Dân Ít-ra- en». Chính trong phần này mà người ta tìm thấy 4 đoạn văn khá đặc biệt (Hình như các phần này được thêm vào sau đó), các phần ấy được gọi là «Bài Ca Người Tôi Trung».
Dù gì đi nữa, về văn thể các đoạn này rất hoà hợp với sách An Ủi Dân It-ra-en, vì đây cũng là các sứ điệp của niềm cậy trông. Các đoạn này miêu tả một nhân vật bí ẩn, không bao giờ được nêu tên nào khác hơn là «Người Tôi Trung»; nhân vật này có nhiệm vụ thực hiện công trình của Thiên Chúa, đó là chương trình cứu độ. Khác với người ta tưởng, nội dung chính của bài này không nhằm đến Người Tôi Trung, mà người đọc đoán biết là ai; nội dung chính là công trình của Thiên Chúa, ý Chúa muốn cứu cả nhân loại. Đây là một trong bốn Bài Ca Người Tôi Trung. Tôi ghi nhận ba điểm:
- Điểm thứ nhất, Người Tôi Trung được Chúa chọn: «… người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng» Sự chọn lựa đó theo cách nói của Thánh Kinh là một sứ vụ; vì là một sứ vụ, người Tôi Trung này luôn luôn được Thiên Chúa nâng đỡ và trợ giúp trong sứ vụ ấy.
«Ta cho thần khí Ta ngự trên nó;…4 Nó không yếu hèn, không chịu phục,
cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu»
Trong Bài Ca Thứ Hai của Người Tôi Trung mà chúng ta sẽ nghe trong tuần sau cũng được triển khai một nội dung này.
- Điểm thứ hai, sứ vụ này là một hành động công lý: Chữ công lý được lập lại nhiều lần: «… nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân; cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.»
Nhưng chính chỗ này làm cho chúng ta ngạc nhiên, vì công lý ở đây không có nghĩa là phán quyết. Thông thường khi nói tới công lý chúng ta nghĩ tới buộc tội, nhất là khi nói tới công lý Thiên Chúa. Nhưng ở đây, không phải là một bản cáo tội mà là một cuộc xử «trắng án»! Giọng uy quyền trong phần khởi đầu, thật long trọng ở câu 1 «Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân», trái ngược với nội dung dịu dàng và tôn trọng những gì mong manh: cây lau bị giập, tim đèn leo lét. «Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy; tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi»
Thế công lý ở đâu?
«7 để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.»
Tại sao có sự liên kết giữa hai chữ «Ngục» và «Tối tăm»? Đơn giản là thời đó trong ngục không có cửa sổ. Ra khỏi ngục là tìm lại ánh sáng, còn có khi bị loà sau một thời gian lâu trong ngục. Chúng ta lại tìm thấy những hình ảnh về ngục tù và ánh sáng trong (Is 61, 1)
«Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, (ra ánh sáng chói loà)» (rất tiếc bản dịch Việt Ngữ chúng ta bỏ chữ ánh sáng chói loà)
- Điểm thứ ba: điểm này thật là quan trọng: bài đọc bắt đầu xác định, đây là một sự tuyển chọn người Tôi Trung, nhưng bây giờ lại nói tới tính cách hoàn vũ của công trình Thiên Chúa. Tất cả phần triển khai về công lý được đóng khung trước và sau bằng hai sự khẳng định về các dân tộc, tức là cả loài người.
Điều thứ nhất «nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân»
Điều thứ hai «đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước»
Ở giữa bài đọc cũng một lời khẳng định ấy:
«Cây lau bị giập , nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. 4 Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo»
Qua đó, chúng ta không thể nào nói rõ hơn ý Chúa là ý cứu độ, và giải thoát, nhắm tất cả nhân loại. Người Tôi Trung chờ đợi «Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo», tức là chương trình Cứu Độ.
Sau cùng tôi xin lưu ý: thời ấy theo truyền thống, người ta chờ đợi đấng cứu độ là đấng Mê-si-a. Chính Đấng này sẽ thiết lập triều đại của Thiên Chúa trên hoàn cầu và đem lại hạnh phúc và tự do. Thế nhưng, với những bài ca Người Tôi Trung, Thánh kinh mang lại một chân dung khác của đấng Mê-si-a: một người tôi tớ, Bài Ca Người Tôi Trung thứ ba và thứ tư còn nói tới Người Tôi Trung bị hành hạ. Dĩ nhiên vài thế kỷ sau, các Tông Đồ của Chúa Giêsu, múc từ những bài này những điều cốt lõi để hiểu «mầu nhiệm ô nhục» của Thánh giá Chúa Ki-tô. Chúng ta sẽ tìm thấy trong bài Phúc Ấm hôm nay.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.