Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA (Tv 28, 1-4. 9-10) 13/01/2019

"Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình"

 

1 Thánh vịnh. Của vua Đa-vít
Hãy dâng CHÚA, hỡi chư thần chư thánh,
dâng CHÚA quyền lực và vinh quang.

2 Hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người,
và thờ lạy CHÚA uy nghiêm thánh thiện.

3 Tiếng CHÚA rền vang trên sóng nước,
Thiên Chúa hiển vinh cho sấm nổ ầm ầm,
CHÚA ngự trên nước lũ mênh mông.

4 Tiếng CHÚA thật hùng mạnh!
Tiếng CHÚA thật uy nghiêm!

9 Tiếng CHÚA lay động cả rặng sồi,
tuốt trụi lá cây cao rừng rậm.
Còn trong thánh điện Người,
tất cả cùng hô: "Vinh danh Chúa! "

10 CHÚA ngự trị trên cơn hồng thuỷ,
CHÚA là Vua ngự trị muôn đời.

 

Bài thánh vịnh này phong phú đến độ không biết phải bắt đầu từ đâu! Không may, một lần nữa, hôm nay chúng ta chỉ nghe trích một đoạn ngắn; tuy nhiên cũng khá tiêu biểu cho cả bài, đặc biệt câu sau cùng. «9 Tiếng CHÚA lay động cả rặng sồi, tuốt trụi lá cây cao rừng rậm. Còn trong thánh điện Người, tất cả cùng hô: "Vinh danh Chúa!" CHÚA ngự trị trên cơn hồng thuỷ, CHÚA là Vua ngự trị muôn đời». Tất cả có trong chương này: Bão tố «9 Tiếng CHÚA lay động cả rặng sồi» Xóm «Vinh danh Chúa!» trong đền; «CHÚA là Vua».

Điều đầu tiên chúng ta cùng suy nghĩ về bão tố, «lay động cả rặng sồi», vì muốn hiểu rõ bài thánh vịnh này với cả mãnh lực của nó, phải tưởng tượng đến sức mạnh của một cơn bão lớn. Những cơn gió lốc quét sạch cả xứ Pa-lét-tin, xứ Li-băng, xứ Héc-mon (ở đây gọi là «Xia-giôn»), đến sa mạc miền bắc, đến Ca-đê miền nam. Chúng ta đã nghe như một tiếng vang, câu: «9 Tiếng CHÚA lay động cả rặng sồi», và nhất là các câu giữa bài, chúng ta không đọc hôm nay. Tôi xin đọc các câu ấy:

 

 «Tiếng CHÚA thật hùng mạnh! Tiếng CHÚA thật uy nghiêm!

5 Tiếng CHÚA đánh gãy ngàn hương bá,
CHÚA đánh gãy ngàn hương bá Li-băng.

6 Người làm cho dãy Li-băng thành như bê nhảy nhót,
đỉnh Xia-giôn khác nào nghé tung tăng.

7 Tiếng CHÚA phóng ra ngàn tia lửa,

8 tiếng CHÚA lay động vùng sa mạc,
lay động vùng sa mạc Ca-đê.

Thế tiếng Chúa ở đâu mà có thể lay động cả sa-mạc? – Dĩ nhiên là trong Si-na-i. Chúng ta còn nhớ sách Sáng Thế, lúc Chúa đề nghị Giao-ước với Mô-sê: «16 Đến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên núi, và có tiếng tù và thổi rất mạnh. Toàn dân trong trại đều run sợ.17 Ông Mô-sê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa họ đứng dưới chân núi.18 Cả núi Xi-nai nghi ngút khói, vì ĐỨC CHÚA ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh.19 Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Mô-sê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm. (Xh 19, 16-19) Hẳn các bạn cũng biết sách «Tác-gum» (Bản dịch Sách Sáng Thế bằng tiếng Can-đê), so sánh tiếng Chúa ban mười điều răn cho ông Mô-sê, như những tia lửa được thoát ra.

Bài thánh vịnh này còn đề nghị một sự đối chiếu khác nữa: «Tiếng Chúa», luôn hiện diện trong bài (chữ Tiếng Chúa được nói lên bảy lần, không phải con số ngẫu nhiên, chúng ta đều biết thế), đó cũng là tiếng nghe lúc Tạo Dựng vũ trụ và tạo vật. Bài thánh thơ chương đầu của sách Sáng Thế lập đi lập lại «3 Thiên Chúa phán: Phải có ánh sáng … Liền có ánh sáng ;11 Thiên Chúa phán… Liền có như vậy»… Hình như đó là cách quả quyết rằng Lời Chúa, và chỉ có Lời Ngài mới có hiệu quả. Phải hiểu từ điều đó: các bụt thần không biết nói, và chẳng làm gì, thì không có một năng lực nào. Chúng ta đã có dịp thấy bài thơ tạo dựng có những đoạn châm biếm các bụt thần.

Điều này dẫn chúng ta đến đề tài thứ hai của bài Thánh vịnh: vương triều của Thiên Chúa. Nếu phải tóm lược bài Thánh vịnh này, có thể nói chỉ có Thiên Chúa là vua, tất cả vương quyền khác đều giả mạo, chỉ có Ngài mới được tôn vinh và thờ lạy. Rồi đây mọi người sẽ nhìn ra Ngài và thần phục Ngài. Tất cả,  dĩ nhiên bắt đầu từ dân Ngài; nhưng, nhất là những kẻ đã dám giành lấy vinh quang dành duy nhất cho Ngài: «Hãy dâng CHÚA, hỡi chư thần chư thánh, dâng CHÚA quyền lực và vinh quang. 2 Hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người, và thờ lạy CHÚA uy nghiêm thánh thiện». Nét chống bụt thần rất rõ ràng trong bài này, và bão tố trong Thánh kinh được dùng để miêu tả triều đại Thiên Chúa đến, cuộc phán xét cuối cùng của Chúa trên thế gian, lúc các thế lực của sự dữ không còn nữa. Sự chế ngự của Thiên Chúa hoàn vũ cuối cùng được thể hiện và lúc bấy giờ hình ảnh của nước lũ xuất hiện (c10) «10 CHÚA ngự trị trên cơn hồng thuỷ, CHÚA là Vua ngự trị muôn đời». Khải hoàn của I-sa-i-a cũng dùng những hình ảnh ấy: «18 Kẻ chạy trốn khi nghe tiếng kinh hoàng sẽ sa xuống hố; kẻ dưới hố có ngoi lên được cũng mắc vào dò lưới; các cống nước trên trời đã mở toang, nền trái đất rung chuyển.

21 Ngày ấy, trên trời, ĐỨC CHÚA sẽ trừng trị đạo binh thiên quốc, dưới đất, Người trừng trị vua chúa trần gian. 22 Chúng sẽ bị gom lại và nhốt dưới hầm sâu. Chúng sẽ bị giam trong ngục. Và sau một thời gian lâu dài, chúng sẽ bị trừng trị. 23Vầng ô thẹn mặt, bóng nguyệt hổ mày, vì ĐỨC CHÚA các đạo binh hiển trị trên núi Xi-on và tại Giê-ru-sa-lem; và vinh quang Chúa tỏ rạng trước mặt các kỳ mục của Người. (Is 24, 18… 23)

Có một âm điệu khác nữa trong bài thánh vịnh. Lần này nói về Chúa ngự trị trên biển nước. Ngoài công trình Tạo Dựng, ngoài lụt hồng thuỷ, trong trường hợp nào Chúa thống trị nước nữa? Khi đưa dân chúng ra khỏi Ai-cập, dĩ nhiên. Lúc phải vượt qua Biển Đỏ, khi dân chúng trốn khỏi Ai-cập, «khỏi cảnh nô lệ» (Xh 20, 2). Và đó là danh nghĩa vinh quang nhất của Ngài. Kể từ nay, dân Ngài chọn được giải thoát; nhưng không, đứng ra làm chứng tá trước mọi quốc gia: Các thần thánh của họ chỉ còn phải nghiêng mình bái lạy!: «Hãy dâng CHÚA, hỡi chư thần chư thánh, dâng CHÚA quyền lực và vinh quang:10 CHÚA ngự trị trên cơn hồng thuỷ, CHÚA là Vua ngự trị muôn đời». (c1, 10)

Đến đây, chúng ta tới chủ đề thứ ba của bài Thánh vịnh. Bài này cho chúng ta nghe trước những lời tán tụng dâng lên Chúa. Vì thế chữ vinh quang hay hiển vinh được lập lại bốn lần:1 dâng CHÚA quyền lực và vinh quang.- 2 Hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người,- 3Thiên Chúa hiển vinh cho sấm nổ ầm ầm, - 10 tất cả cùng hô: "Vinh danh Chúa!"

Thoạt đầu, chúng ta có thể ngạc nhiên khi thấy thánh vịnh này được chọn cho ngày Lễ Chúa Chịu Phép Rửa, bây giờ chúng ta đã hiểu lý do. Thánh Ba-si-li-ô Cả vào thế kỷ thứ IV làm sự đối chiếu: giữa sự kiện Chúa bước ra khỏi nước sông Gio-đan, với tiếng Thiên Chúa vinh quang vang dội; loan báo cho thế gian các lời hứa được hoàn tất: «Nước Trời đã đến gần»

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com