«Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới,
thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc vậy»
Trích thư thứ nhất Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
45 Như có lời đã chép: con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống.
46 Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó.
47 Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến.
48 Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến.
49 Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.
Bài này tiếp nối triển khai suy ngẫm sâu xa của Thánh Phao-lô về sự Phục sinh Chúa Ki-tô và của chúng ta. Bài nhắm đến những Ki-tô hữu gốc Hy-lạp, nhóm này nóng lòng muốn có một câu trả lời chính xác rõ ràng vể sự phục sinh, xác con người từ cõi chết sống lại khi nào và như thế nào. Thánh Phao-lô bắt đầu nói rằng: trước tiên sự Phục sinh thuộc về đức tin, nếu anh em không tin xác loài người sẽ sống thì anh em cũng không tin vào sự Phục sinh của Chúa Ki-tô (Xem bài đọc Chúa nhật tuần trước)
Trong bài đọc hôm nay, chúng ta chạm phải câu hỏi: «kẻ chết sống lại như thế nào? Với thể xác nào?» Thế nhưng, Thánh Phao-lô cũng không biết nói làm sao khi thân xác sống lại. Có một điều ngài có thể nói chắc chắn rằng, xác con người phục sinh sẽ khác hẳn con người trần thế ngày nay. Chúng ta còn nhớ, sau khi Chúa Ki-tô Phục sinh, Ngài phải tự giới thiệu cho các môn đệ, và có vài người cũng không nhận ra Thầy mình (ví dụ như bà Maria Ma-dê-lê-na bắt đầu nhầm tưởng là người làm vườn, và các Tông đồ trên bờ hồ cũng không biết là ai. Điều này chứng tỏ Ngài vừa là một Người như trước vừa là một Người khác hẳn)
Từ đấy Thánh Phao-lô phân biệt thân xác sinh vật và thân xác siêu nhiên. Cách nói «thân xác có thần khí» làm cho người nghe lúc ấy rất ngạc nhiên, vì họ quen lý luận cổ điển theo người Hy-lạp có hồn và xác; nhưng Thánh Phao-lô là người Do-thái không bao giờ phủ nhận hồn và xác. Ngược lại, theo nền giáo dục Do thái của ngài, Thánh Phao-lô luôn đối kháng hai thái độ: một đàng của con người thế tục, đàng khác của con người siêu nhiên, điều này khởi đầu cho quan niệm về Đấng Mê-si-a. Thiên Chúa thổi sinh khí vào cho mọi người, để có sự sốngcho con người trần thế; nhưng nơi Đấng Mê-si-a được Thần Khí ngự đến, dẫn dắt mọi hành động; hành động theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Chính ở chỗ này, Thánh Phao-lô múc từ sách Sáng thế, nơi đây ngài nói đến sứ vụ của nhân loại. Cũng đừng quên, ngài dựa vào Thánh kinh không như một sách lịch sử: theo Thánh nhân, Ađam không là một loại người hay là một cách hành xử. Cách nhìn như thế có vẻ lạ thường đối với chúng ta; có lẽ nên học cách đọc các bài về công trình sáng tạo vạn vật trong sách Sáng thế, Sách này không như một phóng sự các sự kiện, nhưng là những tường thuật các ơn gọi. Khi Chúa sáng tạo A-đam (A-đam là tên tập thể) Thiên Chúa đặt nơi ông một tương lai kỳ diệu. A-đam từ đất mà ra, được có ơn gọi sẽ là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Tường thuật cuộc Sáng Tạo, trời đất vạn vật không phải là một sự kiện của quá khứ. Thật ra, Thánh kinh không nói là cuộc Tạo dựng… Nhưng nói về Thiên Chúa, Đấng Tạo dựng, nói về sự quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta được Ngài tạo dựng, tuỳ thuộc nơi Ngài, gắn kết với hơi thở của Chúa; hơn nữa, không phải là quá khứ, nhưng là tương lai: Công trình Tạo dựng được trình bày không như một công trình đã hoàn tất. Vì thế, câu sau cùng của bài thơ Tạo dựng trong chương thứ hai sách Sáng thế (St 2, 4) nói về cuộc «sinh nở»: «Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo» (ND: bản chữ Pháp ngữ nói sinh nở) và khi nói «sinh nở» thì phải có phát triển, lớn lên. Đó là một ơn gọi gồm chung cho chúng ta, bởi vì A-đam là tên chung cả nhân loại. Ơn gọi của chúng ta, sách Sáng Thế cũng nói là trở nên hình ảnh của Thiên Chúa, tức là được chính Thánh Thần Thiên Chúa ngự. «Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình» (St1, 27)
Nhưng, trong Thánh kinh, A-đam là điển hình chính là con người không sống theo ơn gọi của mình. A-đam bị con rắn ảnh hưởng qua những lời rót vào người, từng giọt như một thứ nọc độc: nghi ngờ Thiên Chúa. Chính điều ấy, Thánh Phao-lô gọi là thái độ con người, như con rắn bò sát dưới đất. Chúa Giê-su Ki-tô, là A-đam mới, trái lại Ngài chỉ nhận lấy hơi thở của Thánh Thần Thiên Chúa thổi vào cách hành động của Ngài. Vì lẽ ấy, Chúa Giê-su hoàn tất ơn gọi của mọi người, tức là A-đam (đó là ý nghĩa của câu sau đây của Thánh Phao-lô: «Như có lời đã chép: con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống.» (c 45)
Sứ điệp của Thánh Phao-lô là cách hành xử của A-đam dẫn đến sự chết, trong lúc Chúa Giê-su Ki-tô dẫn đến sự sống. Thế nhưng, chúng ta không ngừng bị trì kéo giữa hai thái độ, trời và đất. Tất cả chúng ta có thể dùng câu sau đây nói cho chính mình: «Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm… Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?» (Rm7, 19.24). Và tất cả lịch sử cá nhân của mỗi người, lịch sử của tập thể hay của nhân loại là một hành trình dài để chúng ta càng ngày càng được Chúa Thánh Thần ngự vào: «Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến.
Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến» (c 48-49). Cũng như Thánh Gio-an nói: «Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.» (1Ga 3, 2)
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.