Đáp: «Chúa là Đấng từ bi hay thương xót»
1 Của vua Đa-vít.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
2 Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
3 CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
4 Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,
8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
10 Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
12 Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
13 Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
Chúng ta đã gặp bài Thánh vịnh này nhiều lần trong 3 năm phụng vụ. Chúng ta đã từng cảm phục cấu trúc bài bằng hai câu song song đối với nhau. Tốt nhất là nên đọc hai bè, rất có thể khi xưa cũng được hát với hai bè đối với nhau.
Bè thứ nhất: Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi; bè thứ hai: bè thứ hai toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!… Bè thứ nhất: Người không cứ tội ta mà xét xử; bè thứ hai: không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Và tiếp tục như thế…
Điểm thứ hai là dọng giọng tràn trề niềm vui của bài tạ ơn. Nếu bạn đọc trong Thánh kinh, bạn sẽ thấy câu «Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,» được lập lại theo thể văn «khóa hai đầu» câu đầu và câu cuối bài. Trong tất cả các câu nói về ân huệ Chúa, các câu được chọn cho Chúa nhật hôm nay nhấn mạnh sự tha thứ: «CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi… CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta». Thì đây là một trong những khám phá vĩ đại của Thánh kinh: Chúa chỉ là Tình yêu và Tha thứ. Ấy là điều Ngài khác chúng ta và làm cho chúng ta ngạc nhiên nữa.
Phải luôn luôn nhớ nằm lòng câu sau đây của Tiên tri I-sa-i-a: «tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,» Thiên Chúa nói: «và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta» (Is 55, 8). Chúng ta quen thuộc với những câu ấy, nhưng cũng không nên quên trong bầu khí nào I-sa-i-a tuyên bố như thế: «6 Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp,
kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.
7 Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với ĐỨC CHÚA - và Người sẽ xót thương -, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.
8 Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.» (Is 56-8)
Trong câu: «Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta», chữ «và» ở đây có nghĩa là «vì»; đó chính là lòng thương xót vô tận của Ngài, làm sự khác biệt Thiên Chúa với ta. (nhân dịp này cũng nên biết bài này đã được viết khoảng 500 năm trước Chúa Ki-tô)
Nhưng, trước những câu phát biểu ý tưởng đặc biệt cương quyết của Tiên tri I-sa-ia, từ lâu chúng ta cũng đã từng biết sự tha thứ của Chúa không hệ tại bằng điều kiện gì, và Chúa đã ban trước những lời cầu nguyện hay sự thống hối của chúng ta. Sự tha thứ của Chúa không phải một hành vi nhất thời, một sự kiện, nhưng là bản chất của Ngài là thế. Chỉ cần chúng ta tự do đến lãnh nhận sự tha thứ ấy của Chúa, và nối lại Giao Ước với Ngài; Chúa không bao giờ ép buộc chúng ta. Vì thế, khi chúng ta đến xin được tha thứ, khi chúng ta đến làm thủ tục cần thiết để vào mối hoà giải với Chúa, những lúc ấy chúng ta đã được tha thứ rồi.
Sự mạc khải ấy đã có từ lâu trong lịch sử Thánh kinh. Tiên tri Na-than đã nói rõ ràng cho vua Đa-vít, khi vừa loại được người chồng của tình nhân mình là bà Bết-sa-bê; Đavít chưa thốt lên một lời hối cải, vị ngôn sứ đã khẳng định rằng: «Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đã đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Ít-ra-en và Giu-đa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa.» (2S 12, 8). Đó là chữ «Tha thứ» đúng nghĩa nhất. Theo từ nguyên học chữ tha thứ Pháp ngữ, phân ra hai âm (ND: Par-don) có nghĩa là sự cho đi, cho đi hoàn hảo, cho đi trên cả lỗi phạm; đó là giao ước luôn luôn gắn kết mặc cho sự bất trung. Tha thứ kẻ làm hại chúng ta, tức là luôn luôn đề nghị một sự giao kết với kẻ ấy, một tình thân, một tình bạn với kẻ ấy. Đó là chấp nhận tiếp đón người nào đó, đưa tay bắt trước cho người ấy, ngay cả mời ngồi cùng bàn, vào cả nhà mình; đó là không ngại nguy cơ bị đáp trả bằng một cái mỉm cười; hay nặng nề hơn bị ghét bỏ, từ chối hoặc bị trả thù. Trong chừng mực tha thứ có nghĩa là «quên đi», chúng ta thường nghe nói: «Tôi không thể tha thứ, tôi không bao giờ quên». Thật sự tha thứ không phải là quên đi, hai điều hoàn toàn khác nhau. Tha thứ không phải lấy cái bọt biển xóa đi trên bảng đen, không phải quên đi cũng không phải xóa đi: điều gì đã làm không có gì xóa đi được - hơn nữa điều lành cũng như điều dữ - có những sự xúc phạm không thể nào quên được, vì điều không thể hàn gắn đã phạm rồi; hơn nữa là đó là điều làm nên, hoặc tuyệt vời hoặc trầm trọng cho đời ta. Nếu có thứ bọt biển nào có thể xóa hết, thì làm điều lành làm gì, ta cứ làm bất cứ chuyện gì. Không, tha thứ không phải xóa đi quá khứ, như tha thứ mở ra tương lai; tha thứ cởi mọi xiềng xích của mặc cảm tội lỗi, tha thứ đem lại sự tự do nội tâm để ta có thể đi tới.
Khi vua Đavít đã cho giết chồng bà Bết-sa-bê, không có gì có thể hàn gắn lỗi lầm đã phạm. Khi những bậc cha mẹ tha thứ kẻ sát nhân đã giết con họ (thỉnh thoảng chúng ta thấy trên TV); điều này không có nghĩa là họ quên đi hành vi của kẻ sát nhân; nhưng rất có thể họ đã múc lấy từ sự đau đớn, sự thương xót cần thiết để tha thứ.
Lúc bấy giờ, sự tha thứ không phải xóa đi là hết, nhưng là một hành động giải thoát thật thâm sâu. Kẻ được tha thứ không phải là kẻ vô tội, sẽ không bao giờ là kẻ vô tội; nhưng từ nay có thể ngẩng đầu đi tới. Không đi đến tội giết người, nhưng đời sống hằng ngày của chúng ta cũng có vô số hành động, ít nhiều lỗi phạm đức công bình hay làm cho người khác buồn phiền. Khi tha thứ hay được tha thứ, chúng ta không còn quay về dĩ vãng, chúng ta ngẩng đầu hướng về tương lai. Quan hệ của chúng ta đối với Thiên Chúa cũng thế: không một ai trong chúng ta là kẻ vô tội, tất cả chúng ta là những kẻ tội lỗi được tha thứ.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.