"Chúa Kitô sẽ biến đổi thân xác chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.
3,17 Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh em.
18 Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô:
19 chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.
20 Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta.
21 Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.
4,1 Bởi vậy, hỡi anh em thân mến lòng tôi hằng tưởng nhớ, anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi. Anh em rất thân mến, anh em hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng như vậy.
Lúc bấy giờ tình hình hẳn phải rất nghiêm trọng, vì thế thánh Phao-lô mới phải khóc mà nói với tín hữu Phi-líp-phê: «Anh em rất thân mến, anh em hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng như vậy». Hình như phải hiểu «Hãy vững vàng như tôi vậy!», vì ngài nói: «xin hãy cùng nhau bắt chước tôi». Câu này có lẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên một chút! Nhất là khi thánh Phao-lô viết câu này, ngài ở xa và đang trong tù. Chính vì vấn đề của tín hữu thành Phi-líp-phê lúc ấy là thế: Trong lúc vắng mặt ngài, có người tự xưng là mẫu gương sống; và bất cứ giá nào thánh Phao-lô cũng muốn tránh cho dân thành Phi-líp-phê rơi vào cạm bẫy.
Đầu thư, ngài nói với họ: «9 Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên,10 để nhận ra cái gì là tốt hơn» (Ph 1, 9-10). Để hiểu, phải đọc lại thư trước đó…«bọn thợ xấu!» (Ph 3, 2) trà trộn trong cộng đoàn và gieo rối loạn. Họ cho rằng, cắt bì nhất định phải thực hiện cho tất cả mọi Ki-tô hữu. Thánh Phao-lô trực giác ngay điều này nghiêm trọng về hậu quả thần học: nếu cắt bì là cần, thì Bí Tích Rửa tôi không đủ chăng? Thế thì câu sau đây của Chúa Giê-su còn nghĩa lý gì: «16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ» (Mc 16, 16).
Đây là một vấn đề nền tảng, chúng ta cũng biết qua sách Công Vụ Tông Đồ và các thư khác của thánh Phao-lô, một thời điều này đã chia rẽ các tín hữu. Phải chỉ có một trong hai điều: hoặc sự kiện «thập giá Chúa Ki-tô» đã có thật… hay không có thật. Khi thánh Phao-lô nói «thập giá Chúa Ki-tô» là ngài muốn nói tất cả cuộc Thương Khó, cái Chết của Chúa, và sự Phục Sinh của Ngài… Nếu sự kiện ấy đã xảy ra, bộ mặt của thế giới đã đổi thay: Chúa Ki-tô đã đem lại bình an bằng máu và thánh giá của Ngài… nhiều xác quyết như thế đã được viết dưới bút của thánh Phao-lô. Đối với ngài, thập giá Chúa Ki-tô là sự kiện trung tâm của lịch sử nhân loại, vì thế không thể suy nghĩ như trước kia, lý luận như trước kia, sống như trước kia. Những ai nghĩ rằng thủ tục cắt bì vẫn phải còn giữ, là hành động như sự kiện «thập giá Chúa Ki-tô» không có! Vì lẽ đó, thánh Phao-lô gọi là «người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô» (c18).
Hình như các tín hữu Phi-líp-phê hãy còn do dự, vì thế thánh Phao-lô nghiêm trọng cảnh báo. Trong một đoạn trước đó ngài nói: «2 Anh em hãy coi chừng quân chó má! Hãy coi chừng bọn thợ xấu! Hãy coi chừng những kẻ giả danh cắt bì!» (Ph 3, 2) và ngài lại thêm: «3Vì chúng ta mới thật là những người được cắt bì, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Ki-tô Giê-su, chứ không cậy vào xác thịt» (Ph 3, 3). Ở đây, thánh Phao-lô quả quyết bằng nghịch lý: đối với ngài, những người được cắt bì thật, không phải những người được cắt bì trong xác thịt, mà những người nhận phép rửa của Chúa Giê-su Ki-tô. Họ đặt tất cả cuộc sống và ơn cứu độ vào Chúa Giê-su Ki-tô, họ trông chờ ơn cứu độ vào thập giá Chúa Ki-tô, chứ không dựa vào những hình thức giữ đạo của họ. Ngược lại, và đây mới là điều nghịch lý, thánh nhân cho rằng «những kẻ giả danh cắt bì!», là những người được cắt bì trong thân xác của họ, theo luật Mô-sê, nhưng coi nặng nghi thức ấy hơn phép rửa tội. Khi thánh Phao-lô nói: «chúa họ thờ là cái bụng», là ngài muốn ám chỉ việc cắt bì. Làm sao để trên cùng cán cân nghi thức cắt bì và phép rửa, phép rửa thay đổi cả con người tín hữu sau khi được dìm trong mầu nhiệm sự chết và sự Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô?
Chúng ta đang suy nghĩ về nội dung đức tin. Nhưng thánh Phao-lô còn thấy một nguy cơ khác, về mặt thái độ của người tín hữu. Ở đây cũng thế, trong hai điều phải có một: chúng ta đạt được ơn cứu độ do chính chúng ta, do cách giữ đạo của chúng ta, hay là chúng ta nhận được ơn cứu độ nhưng không từ Thiên Chúa? Cụm chữ «chúa họ thờ là cái bụng», phải được hiểu tường tận như thế: những kẻ ấy trông chờ vào cách giữ đạo Do Thái, nhưng họ đã lầm: «Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian». Chọn thái độ đó là lầm đường: thánh Phao-lô nói «19chung cục là họ sẽ phải hư vong».
Ngài tiếp tục dẫn chứng sự chọn lựa đúng đường của những tín hữu thành Phi-líp-phê thân mến của ngài. «20 Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. 21 Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người». Nói rằng chúng ta trông chờ Chúa Giê-su Ki-tô đấng cứu độ chúng ta tức là chúng ta đặt hết tin tưởng nơi Ngài, không ở nơi chúng ta hay những gì được coi là xứng đáng của chúng ta. Hãy đọc lại những gì vừa nói ở trên «3 Vì chúng ta mới thật là những người được cắt bì, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Ki-tô Giê-su, chứ không cậy vào xác thịt»
Từ đó thánh nhân mới nói về mẫu gương: nếu người nào xứng đáng theo luật Do Thái, chính là ngài. Vài câu trước thư thánh nhân viết: «4 mặc dầu tôi đây, tôi có lý do để cậy vào xác thịt. Nếu ai khác có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn: 5 tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu;6 nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi. 7 Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi» (Ph 3, 4-7). Tóm lại, lấy thánh Phao-lô làm mẫu gương, tức là lấy Chúa Giê-su Ki-tô làm trung tâm điểm đời mình, câu 20 nói «quê hương chúng ta ở trên trời».
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.