"Chúa là sự sáng và là Đấng Cứu Độ tôi"
1 CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?
7 Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,
xin thương tình đáp lại.
8 Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,
9 xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
13 Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.
14 Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào CHÚA.
Chỉ trong vài chữ cũng đủ nói lên tất cả lòng xác tín đơn sơ: «1 CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?» (C1) nhưng cũng nói lên lời cầu khẩn sốt sắng rực cháy: «7 Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu, xin thương tình đáp lại» (C7). Hai tâm trạng ấy rất tương phản, làm cho chúng ta tự hỏi có phải chỉ một người nói từ đầu tới cuối hay hai người khác nhau. Dĩ nhiên, sự thật là như thế, chỉ có một đức tin phát biểu, lúc thì hớn hở vui mừng lúc thì cầu khẩn van xin; tùy theo hoàn cảnh.
Hoàn cảnh vui, hoàn cảnh buồn, dân It-ra-en đều biết cả hai! Giữa những cuộc phiêu lưu ấy, họ giữ vững lòng tin; hay, hơn nữa họ càng «đào sâu» hơn đức tin của họ. Trong văn phạm kết cấu bài chúng ta ghi nhận (Ghi chú người dịch: theo cách chia động từ Pháp văn, giữa đoạn đầu và đoạn cuối, tác giả dùng động từ thì hiện tại, sau đó đến thì tương lai: «1 CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi» đấy là cách nói của đức tin, một lòng tin không có gì lay chuyển được. Câu cuối: «13 Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban» và sau cùng: «Hãy cậy trông vào CHÚA» đó là động từ cậy trông theo thì tương lai.)
Chúng ta đã có dịp đọc bài Thánh vịnh này nhiều lần trong ba năm phụng vụ. Hôm nay xin hãy dừng lại hai cụm chữ: «Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài» và: «13 Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống».
Trước hết: «Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài». Nhìn thấy thánh nhan Chúa là lòng ước ao của mọi tín hữu: con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa; như một nam châm bị thu hút bởi Đấng Tạo Dựng, Mô sê đã van xin: «Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài», và Chúa đã trả lời: "Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống."21 ĐỨC CHÚA còn phán: "Đây là chỗ gần Ta; ngươi sẽ đứng trên tảng đá. 22 Khi vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đã đi qua. 23 Rồi Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy." (Xh 33, 18…23). Điều tuyệt vời trong bài này là tất cả đều tôn trọng: sự vĩ đại của Thiên Chúa, sự cách biệt không thể nào với tới Ngài, và cùng một lúc sự gần gũi Ngài và đức tính tế nhị của Chúa.
Thiên Chúa thật vĩ đại đối với chúng ta, đến độ mắt chúng ta không thể nhìn Ngài; sự Hiện Diện khó tả, khó tiếp xúc (điều trong sách này gọi là vinh quang) sẽ quá chói lòa đối với chúng ta. Mắt chúng ta còn không nhìn được mặt trời làm sao nhìn Chúa được? Thế nhưng, cùng lúc - đây mới là điều tuyệt vời của Thánh Kinh - sự vĩ đại của Thiên Chúa không đè bẹp con người. Trái lại, Ngài che chở và là sự an toàn cho con người. Thái độ kính trọng vô vàn của người tín hữu trước sự hiện diện của Thiên Chúa, không phải là lòng sợ hãi; nhưng là kết quả hoà trộn giữa lòng cậy trông hoàn toàn và lòng tôn kính vô bờ, điều Thánh kinh gọi là «kính sợ Thiên Chúa». Điều này giúp chúng ta hiểu câu đầu: «1 CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào?». Suy ra, ít nữa có hai điều: điều thứ nhất, dân có đức tin không còn sợ gì và cũng không sợ ai nữa, kể cả sự chết; điều thứ hai là không một thần thiêng nào làm cho họ có lòng sùng đạo vì sợ hãi nữa. Câu sau đây cũng chỉ lặp lại điều này: «CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?»
Lòng cậy trông ấy còn được phát biểu qua đoạn cuối: «13 Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống». Sau lưng Mô-sê, đoàn dân được Chúa giải thoát, trông cậy vào hồng ân Ngài ban; thế nhưng «đất dành cho kẻ sống» là gì?
Hẳn là đất Chúa ban cho dân Ngài, vùng đất này là cả một biểu tượng của dân It-ra-en. Biểu tượng của những món quà của Thiên Chúa, điều đó cũng biểu hiện những đòi hỏi của Giao Ước: miền đất thánh này Chúa ban cho dân Ngài chọn để sống «thánh đức». Đây là đề tài cốt lõi của sách Đệ Nhị Luật: «32 Anh em hãy lo thực hành như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, không đi trệch bên phải bên trái.33 Anh em hãy đi đúng con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, để anh em được sống, được hạnh phúc và được sống lâu trên mặt đất mà anh em sẽ chiếm hữu» (Đnl 5, 32-33) «được sống» ở đây có nghĩa là còn giữ đức tin.
Chúng ta không nên hiểu cụm chữ «đất dành cho kẻ sống» một ngụ ý gì về đời sống vĩnh cửu. Vào thời bài thánh vịnh này được viết ra, không ai có thể tưởng tượng đời sống nào khác hơn đời trần tục. Thời ấy, không ai có thể tưởng tượng có phục sinh; Đức tin ấy chỉ được mặc khải từ thế kỷ thứ II trước CN. Thế nhưng, những tín hữu chúng ta hôm nay được Chúa Ki-tô Phục Sinh chiếu sáng, chúng ta có thể nói: «13 Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống» đất của những kẻ được phục sinh.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.