"Vì Đức Kitô, tôi đành chịu thua thiệt trong mọi sự,
và tôi trở nên giống Người trong sự chết".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
8 Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô
9 và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin.
10 Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người,
11 với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.
12 Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt.
13 Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước
14 Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su.
Chúng ta nhận ra trong bài đọc hôm nay, hình ảnh người chạy đua thường gặp nhiều lần trong các Thư thánh Phao-lô. Trong cuộc chạy đua, chỉ có đích đến là quan trọng; điểm khởi đầu, hãy nhanh quên nó đi. Chúng ta tưởng tượng một tay đua cứ quay mặt lại nhìn điểm khởi hành, chắc chắn hắn sẽ thua cuộc. «Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước, tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng… ». Phải biết quên đi chặng đường đã qua, khi ngài được Chúa Ki-tô «chiếm đoạt», thánh Phao-lô đã quay lưng hẳn lại với nhiều sự, nhiều xác tín khi xưa. Chữ chiếm đoạt có ý nghĩa rất mạnh nơi thánh Phao-lô: thật vậy, cuộc đời ngài hoàn toàn bị xáo trộn từ ngày Chúa Ki-tô chiếm đoạt ngài trên đường Đa-mát.
Thông thường, thánh Phao-lô giới thiệu đức tin của ngài là một sự nối dài của đức tin Do Thái. Chúa Giê-su Ki-tô thật sự đáp ứng những gì Cựu Ước mong đợi, có sự liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước. Ví dụ như khi ngài nói trong cương vị bị cáo trước toà án La Mã tại Xê-da-rê: «Tôi không nói gì khác những điều các ngôn sứ và ông Mô-sê đã báo trước sẽ xảy ra» (Cv 26, 22). Nhưng ở đây, thánh Phao-lô nhấn mạnh thêm điều Chúa Giê-su dạy: «8 Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô9 và được kết hợp với Người»
Điều mới lạ Chúa Giê-su mang đến làm thay đổi toàn diện mọi sự: Kể từ nay, chúng ta là một tạo vật mới. Cụm chữ này chúng ta đã gặp trong Bài Đọc 2 Chúa nhật vừa qua, thư gửi cho các tín hữu thành Cô-rin-tô. Ở đây, thánh Phao-lô phát biểu cách khác: «… vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô, và được kết hợp với Người». Tất cả nói lên những gì tôi có trước kia xem như quan trọng; những lợi ích, những đặc ân đặc quyền, những thứ ấy đối với tôi ngày nay không hơn gì rác.
Những đặc ân đặc quyền ngài nói đến là lòng hãnh diện thuộc về dân It-ra-en; là lòng tin, sự tín trung, niềm hi vọng không lung lay của dân tộc; sự kiên trì giữ đạo, tuân giữ mọi điều răn, đó là những gì ngài nói: «Sự công chính do Luật Mô-sê đem lại». Thế nhưng, ngày nay Chúa Giê-su đã chiếm hữu cả đời sống thánh nhân. «Tôi coi như rác để được Đức Ki-tô». Kể từ nay, ngài có được một kho báu vượt hơn trên tất cả, tất cả những gì quý nhất trên đời, đó là «được biết chính đức Ki-tô».
Để nói đến điều này, Chúa dùng dụ ngôn: «44 Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.» (Mt 13, 44)
Kho tàng quý nhất trong đời chúng ta, thánh Phao-lô nói, là khám phá ra Chúa Ki-tô: và thánh nhân là người có đủ cương vị để nói thế, chính ngài khi xưa là người bách hại các tông đồ! Đời ngài hoàn toàn xáo trộn bởi sự khám phá ấy, ngài gọi là sự «hiểu biết» Chúa Ki-tô. Sự hiểu biết ở đây không thuộc về tri thức: hiểu theo Thánh Kinh, hiểu người nào tức là sống kết hiệp thân mật cùng người ấy, thương yêu và chia sẻ đời sống với người ấy. Chính trong nghĩa chia sẻ thân mật ấy, thánh Phao-lô muốn nói; kể từ nay, sự sống kết hiệp ấy liên kết ngài với Chúa Giê-su Ki-tô, và cùng với ngài tất cả những ai nhận phép Rửa Tội.
Tại sao thánh Phao-lô nhấn mạnh đến sự liên hệ ấy? Vì chúng ta cũng ở trong bầu khí xung đột trầm trọng, đang trải qua trong cộng đồng các tín hữu thành Phi-lí-phê về việc cắt bì. Chúng ta đã nghe vài tuần trước (Bài đọc 2 CN 2 Mùa Chay), có vài tín hữu gốc Do Thái muốn áp đặt cắt bì cho mọi tín hữu trước khi được Thanh Tẩy. Đó là thánh Phao-lô muốn nói về cắt bì khi ngài nói tuân theo luật Mô-sê.
Chúng ta cũng được biết kết quả của buổi họp quan trọng tại Giê-ru-sa-lem - đại loại như một Công Đồng Chung - các tông đồ đã lấy quyết định như thế nào, quyết định có nguy cơ chia rẽ cộng đồng lúc ấy: trong Giao Ước Mới, luật Mô-sê không còn thời sự nữa. Bí tích Thanh Tẩy làm cho chúng ta thành con cái Thiên Chúa, thánh Phao-lô nói trong thư cho các tín hữu thành Ga-lát: «Bất cứ anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô» (Gl 3, 27). Cắt bì, từ nay không còn bị bắt buộc nữa để trở nên thành viên Giao Ước Mới, vì từ nay Giao Ước ấy được gắn chặt như một dấu ấn, một lần duy nhất trong đời nơi Chúa Giê-su Ki-tô «được Đức Ki-tô 9 và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin» .
Một trong khám phá của thánh Phao-lô là ơn cứu độ của chúng ta không hệ tại mọi xứng đáng hay những nỗ lực của chúng ta… Sự Cứu Độ của Thiên Chúa là ơn nhưng không. Nếu nghĩ cho cùng đó là ý nghĩa chữ «ơn»… Trong sách Sáng Thế, cũng đã nói rằng ông Áp-ra-ham tin Thiên Chúa: «vì thế Đức Chúa kể ông là người công chính» (St 15, 6). Có thể nói cách khác, sự công chính của chúng ta chỉ đến từ Thiên Chúa, chỉ cần có lòng tin.
Thế nhưng, tại sao thánh Phao-lô nói: «cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người 11 với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết». Dĩ nhiên không phải tích trữ những công đức để xứng đáng! Thánh Phao-lô vừa nói cho chúng ta biết, trái hẳn như thế. Ngài muốn nói, cuộc sống mới chúng ta từ nay trong Chúa Giê-su Ki-tô, như được gắn liền với Ngài (như hình ảnh cây nho và cành nho), dẫn chúng ta cùng chung con đường lữ hành với Ngài. «Thông phần những đau khổ của Chúa» tức là chấp nhận lập lại thái độ của Chúa Ki-tô, chấp nhận lấy những nguy cơ như Ngài để loan báo Tin Mừng. Chúa Giê-su nói: «Không ai là ngôn sứ trong xứ của mình» và Ngài đã cảnh báo các tông đồ, các ông cũng không được đối xử tốt hơn Thầy mình.
Phần bổ sung:
Một trong ý tưởng trọng tâm của thánh Phao-lô là Chúa Ki-tô đến để chu toàn Lời Chúa: Các quan hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước, giữa Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới có hai đặc tính: liên tục và huỷ bỏ: Nhờ ngài là người Do Thái mới trở nên Ki-tô hữu, đó là liên tục… Nhưng từ nay, phải bỏ đi cách sống theo Do Thái Giáo để được Chúa «chiếm hữu», đó là huỷ bỏ.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.