"Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan"
1 Ca khúc lên Đền.
Khi CHÚA dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
2 Vang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.
Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán:
"Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay! "
3 Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại!
ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
4 Lạy CHÚA, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.
5 Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
6 Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.
Trong Bài đọc một Chúa nhật hôm nay, ngôn sứ Giê-rê-mi-a ngay từ đầu cuộc lưu đày Ba-by-lon, cũng đã loan báo ngày được trở về xứ. Qua bài thánh vịnh này chúng ta có thể hiểu dân Do Thái đã trở về: «Khi CHÚA dẫn tù nhân Xi-on trở về». Chúng ta còn nhớ lịch sử thời ấy: cường quốc Ba-by-lon nay thua trận, người hùng chúa tể trong vùng lúc bấy giờ là vua Ky-rô, ông thực hiện một nền chính trị khác. Khi chiếm được Ba-by-lon, vào năm 538; ông cho các dân khi xưa bị vua Na-bu-kô-đô-nô-xo đày sang Ba-by-lon, trở về bản xứ của họ. Dân thành Giê-ru-sa-lem trong trường hợp này cũng được quyền như các dân khác. Điều này quá kỳ diệu đối với họ, vì thế Ky-rô được xem không kém gì người từ Thiên Chúa gửi đến!
Bài thánh vịnh hôm nay nói lên niềm vui và cảm xúc của người trở về quê hương: «ta tưởng mình như giữa giấc mơ». Trong những năm tháng bị lưu đày, biết bao lần mơ ngày trở về, nhưng hôm nay đứng trước sự thật ngỡ ngàng không dám tin. Sự giải thoát này đối với dân Do Thái như một sự phục sinh. Khi còn là nô lệ ở Ba-by-lon, họ tin chắc rằng dân tộc sẽ bị diệt vong: sống quên nguồn gốc, không còn theo tập quán dân tộc, chịu ảnh hưởng môi trường bụt thần giáo. Để gợi lại sự phục sinh ấy, tác giả bài thánh vịnh nêu lên hai hình ảnh thân thương của dân Do Thái, đó là nước và mùa gặt hái.
Trước hết là nước: «4 Lạy CHÚA, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam», miền nam thành Giê-ru-sa-lem là vùng hoang mạc Nê-ghép, nhưng vào mùa xuân, mưa đổ nước xuống sườn đồi như những thác nước làm nở rộ những đoá hoa muôn màu muôn sắc. Hình ảnh thứ hai, khi hạt giống được gieo vào lòng đất, bị thối rữa, như để chết đi… Nhưng khi đâm chồi, lại như một cuộc tái sinh… «6 Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng». Câu này hẳn có ý định gợi lên niềm vui mỗi khi đến mùa gặt hái mới; nên nhớ rằng trong mọi nền văn minh, mùa gặt luôn luôn là những lúc vui sướng của mọi người.
Nhưng sâu xa hơn, đây là niềm vui được nắm vận mạng đất nước và văn hóa của mình: khi mọi người trở về, tất cả xứ sở sống lại. Câu sau cùng có thể dịch: «6 Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng». Để nói rõ hơn là kiếp nô lệ đã thuộc về quá khứ: kể từ nay dân chúng có thể trồng trọt trên đất «của mình», và mùa gặt là thuộc về họ.
Thánh vịnh hát «… vai nặng gánh lúa vàng», Lễ Lều, tiên khởi là một ngày lễ các mùa gặt; trong các lễ nghi It-ra-en còn có những cảnh mang những bó lúa trên vai. Hằng năm họ hát bài này trong cuộc hành hương, trong lúc «lên đền» Giê-ru-sa-lem, nhân dịp Lễ Lều vào mùa thu. Nếu chúng ta đọc trong sách Thánh kinh, chúng ta thấy bài này có đề tựa «Ca khúc lên đền» (tức là hành hương). Khi hát bài thánh vịnh này trên đường về Giê-ru-sa-lem, khách hành hương tưởng niệm đến con đường khác, đó là trên đường trở về từ cảnh lưu đày.
Nhưng khi It-ra-en nhắc đến quá khứ, không phải chỉ vì thích lịch sử của mình; nhưng để tạ ơn Chúa vì những kỳ công của Ngài trong quá khứ - phải nói đúng hơn là tưởng niệm - cốt yếu là múc nghị lực từ đấy, để tin tưởng vào công trình quyết định cuối cùng của ngày mai. Cuộc giải thoát ấy, ngày trở về với sự sống; ngày nay được lịch sử ghi nhận, là một lý do để tin tưởng vào những phục sinh khác, những sự giải thoát khác. Như những lúc hát mừng ra khỏi Ai-cập, và dĩ nhiên trong cuộc trở về này; từ nay, họ ca mừng cuộc giải thoát và trở về từ Ba-by-lon, chờ ngày Thiên Chúa giải thoát vĩnh viễn. Vì lẽ đó, có lời tạ ơn, lẫn với lời cầu nguyện: «… CHÚA dẫn tù nhân Xi-on trở về»
Những tù nhân ở đây là những người còn xa cách, những người nước ngoài. Nhưng còn có nghĩa mọi người: It-ra-en biết rằng họ có ơn gọi cầu nguyện cho tất cả nhân loại. Hay nói cách khác, It-ra-en biết rằng ơn gọi của họ, đúng hơn là sự kiện họ được «chọn» phục vụ nhân loại. Điều này rất rõ trong đoạn thứ hai bài Thánh Vịnh: «Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay! 3 Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại! ta thấy mình chan chứa một niềm vui». Đây không phải vì tự cao, tự phụ: nhưng chỉ nhìn nhận sự chọn lựa nhưng không của Thiên Chúa, từ một dân tộc nhỏ bé, không hơn gì những dân tộc khác (như sách Đệ Nhị Luật nói). Đây cũng nói lên niềm vui truyền giáo, khi thấy các quốc gia nhận biết hành động của Chúa; nhận biết như thế là bước đầu của sự trở lại, và từ đó giải thoát cho họ.
Sự giải thoát vĩnh viễn tất cả nhân loại - được gọi trong thánh vịnh: «Việc CHÚA làm cho họ» - đó là đấng Mê-si-a sẽ đến: Lễ Lều có một chiều kích mong đợi tha thiết Đấng Mê-si-a. Trong ngày lễ ấy, có cuộc diễu hành vĩ đại với những bó lúa được nói đến trong bài thánh vịnh; trong lúc mọi người hát «Hô-sa-na» [Chữ này có hai nghĩa «Chúa là đấng Giải Thoát chúng con» vừa là «Xin Ngài giải thoát»]. Và khi ấy, mọi người vang lên câu sau đây mà chúng ta đều biết: «Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến». Đấy là lời ca ngợi trước khi Đấng Mê-si-a đến.
Sau bao nhiêu trải nghiệm của dân tộc này, người anh cả chúng ta - như thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói - là người có cương vị để cho chúng ta một bài học tuyệt vời về lòng cậy trông và chờ đợi: hãy tin tưởng vào «Người Chủ Thợ Gặt».
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân