"Đây Ta sẽ làm lại những cái mới và sẽ cho dân Ta nước uống".
Trích sách Tiên tri Isaia:
16 Đây là lời ĐỨC CHÚA,
Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương,
một lối đi giữa sóng nước oai hùng,
17 Đấng đã cho xuất trận
nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng:
- tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy,
đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn.
18 Người phán như sau:
"Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa,
chớ quan tâm về những việc thuở trước.
19 Này Ta sắp làm một việc mới,
việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?
Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.
20 Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta;
vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn,
cho dân Ta tuyển chọn được giải khát.
21 Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.
Ít-ra-en bội nghĩa vong ân
Tất cả các bài đọc Chúa nhật hôm nay đều qui về một sứ điệp: hãy quên đi quá khứ, đừng chùn bước ở đấy… Không có bất cứ gì, ngay cả những kỷ niệm có thể cản ngăn chúng ta đi tới. Trong bài đọc một này, Ngôn sứ I-sa-i-a nói với dân bị đày viễn xứ, còn trong Phúc Âm thì Chúa nói với người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình: thoáng qua hai trường hợp có vẻ khác nhau, nhưng sứ điệp của hai bài là một việc phụng vụ đề nghị cho chúng ta song song hai sự kiện này rất thú vị), sứ điệp ấy là: hãy kiên quyết nhìn về tương lai, đừng nghĩ về quá khứ nữa.
Cách nói để khuyến khích này rất thường gặp nơi tác giả chúng ta đang đọc. Đây là sách gọi là I-sa-i-a Hai; các bài giảng I-sa-i-a Hai gồm các chương từ 40 đến 55 trong trọn bộ I-sa-i-a của Thánh Kinh. (I-sa-i-a không phải tác phẩm của một tác giả, nhưng có lẽ từ ít nhất ba người viết, ba ngôn sứ rao giảng giữa thế kỷ thứ VIII và thứ IX trước Công Nguyên).
Chúng ta thường có dịp nói đến giai đoạn này, xưa kia là một thử thách khủng khiếp. Nhưng thật tình, không hiểu vì sao tác giả nói chân trời loé sáng! Nếu họ đang bị đày ở Ba-by-lon; vì Na-bu-cô-đô-nô-so, vua Ba-by-lon, đã thắng trận đối với dân tộc nhỏ bé như Do Thái, tại kinh đô Giê-ru-sa-lem. Hơn nữa, hiện nay quân của Na-bu-cô-đô-nô-so vẫn còn hùng mạnh! Và ngay cả ví như một ngày nào đó được tự do… từ Ba-by-lon đến Giê-ru-sa-lem; phải vượt qua sa mạc Si-ri-a hằng trăm cây số, dĩ nhiên phải chạy trốn trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Ngôn sứ sẽ phải rất khó khăn mới có thể khích lệ tinh thần đồng bào đương thời. Nhưng ngài vẫn cứ làm, vì thế sách này được gọi là Sách An Ủi Dân Tộc It-ra-en, chương 40 bắt đầu bằng một câu tuyệt vời: «Thiên Chúa anh em phán: Hãy an ủi, an ủi dân Ta», chỉ cần lời nói Thiên Chúa anh em là đủ nhắc đến Giao Ước, một cách nào đó nói lên Giao Ước với Thiên Chúa vẫn tồn tại: Chúa không ruồng bỏ. Một trong những cách phát biểu của Giao Ước với Thiên Chúa nói rõ: «Ta là Thiên Chúa anh em và anh em là dân Ta». Mỗi lần chúng ta nghe nói «Chúa chúng ta» hay là «Chúa anh em», những khi nói có tính cách «sở hữu» đó là cách nhắc lại Giao ước và đồng thời một cách tuyên xưng đức tin.
I-sa-i-a dùng hết nỗ lực để khơi lại hy vọng nơi những người bị lưu đày: Chúa không bỏ rơi họ; trái lại, Ngài chuẩn bị ngày về quê hương. Chưa thấy ngay đâu nhưng chắc chắn là sẽ như thế! Tại sao? Bởi vì Thiên Chúa trung tín với Giao Ước; bởi vì từ khi Ngài chọn dân này, Ngài không ngớt giải thoát họ, gìn giữ họ thoát khỏi bao nhiêu thăng trầm của lịch sử.
Đấy là những luận chứng I-sa-i-a triển khai ở đây. Na-bu-cô-đô-nô-so làm anh em khiếp à? Nhưng Chúa đã làm hơn thế nữa, đã giải thoát anh em khỏi tay Pha-ra-on! Sa mạc làm anh em sợ à? Sa mạc Si-nai còn khủng khiếp hơn thế mà Thiên Chúa đã bảo vệ anh em suốt hành trình!
Điều lạ lùng, I-sa-ia nói «Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước»… Nhưng ngài không ngớt nhắc đến quá khứ: «16 Đây là lời ĐỨC CHÚA, Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng,17 Đấng đã cho xuất trận nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng: - tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy, đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn». Đấy là, tất nhiên ngài nhắc đến cuộc Xuất Hành. Nhưng nhắc lại quá khứ chỉ có một mục đích: giữ lòng tin vào tương lai. Điều này có nghĩa là, điều gì Chúa đã thực hiện Ngài sẽ làm lại: “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những giòng sông tại vùng đất khô cằn”. Vì Ngài đã cho dân chúng vượt qua biển bằng chân không; lúc ra khỏi Ai Cập, mọi người giữ lòng tin: Ngài sẽ dẫn dắt họ qua những vùng đen tối của lịch sử cũng bằng “chân không”.
Đức tin dân It-ra-en luôn dựa vào quá khứ: đó là ý nghĩa chữ “tưởng niệm”. Tưởng niệm công trình của Thiên Chúa từ muôn thuở để khám phá các kỳ công của Ngài tiếp diễn hôm nay, để múc lấy xác tín Chúa sẽ tiếp tục thực hiện ngày mai. Dù Quá khứ, Hiện tại hay Tương lai, Thiên Chúa mãi mãi hiện diện cạnh dân Ngài. Đấy là một trong những ý nghĩa của “Ta là Đấng Hằng Hữu”.
Các ngôn sứ gợi lên quá khứ như thế có một chủ đích khác trong cách rao giảng: giúp cho dân chúng lánh xa các bụt thần. Chỉ có Chúa mới cứu độ, hãy đừng quên điều đó; trước đoạn này, I-sa-i-a nói: “Chính Ta, chính Ta đây là Đức Chúa, ngoài Ta ra chẳng có ai cứu độ, chính Ta đã báo cho biết, đã cứu độ và nói cho nghe, chứ giữa các ngươi chẳng có thần lạ nào” (Is 43, 11-12a).
Bây giờ, chúng ta có thể hiểu vì sao khi suy gẫm song song giữa Bài Đọc 1 và Phúc Âm về người phụ nữ ngoại tình thú vị: các tiên tri thường so sách việc thờ phượng bụt thần như một sự ngoại tình. Nỗ lực tranh đấu chống thờ phượng bụt thần của các ngôn sứ có chủ đích đáp lại ba thách đố: Trước hết, Thiên Chúa là Chúa Duy Nhất, như các lời nguyện mỗi ngày, thờ phượng ai khác là phạm thượng; thứ hai chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng giải thoát, đi theo các bụt thần là bị nô lệ; thứ ba và sau cùng, dân Chúa được chọn mang một sứ vụ cao cả: làm chứng tá cho Thiên Chúa Duy Nhất, tín trung giữa toàn thể các quốc gia: Muốn chu toàn sứ mạng ấy, chính dân It-ra-en phải trung tín với Thiên Chúa.
( Có thể xem thêm bài suy niệm chúa nhật thứ VII thường niên năm B )
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.