Alleluia, alleluia!
Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.
-----------------
"Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này.
2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau
.3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su.
5 Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không."
6 Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.
7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.
8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.
10 Đức Giê-su bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây!"
11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.
12 Đức Giê-su nói: "Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai?", vì các ông biết rằng đó là Chúa.
13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.
14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy."
16 Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy."
17 Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn."
19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy."
Thì đây một lần nữa, chúng ta nghe kể lại một tường thuật Chúa Ki-tô Phục Sinh hiện ra. Chúng ta không để chữ «hiện ra» làm chúng ta hiểu lầm. Chúa Giê-su không đến để biến đi ngay sau đó: Ngài ở đấy với các môn đệ, ở gần chúng ta, từ nay, vì Ngài đã nói: «Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28, 20). Chúa vô hình nhưng không vắng mặt, khi hiện ra sau Phục Sinh, Ngài hiện ra cho thấy. Chữ Hi-lạp nói giống tiếng Việt Nam «Chúa cho thấy».
Những hiện tượng Chúa Ki-tô biểu lộ giữa những người thân của Ngài là một sự nâng đỡ đối với chúng ta; mục đích là củng cố đức tin cho chúng ta. Tất cả được miêu tả với nhiều chi tiết đáng ngạc nhiên, nhờ đó mới có giá trị tượng trưng quý giá. Ví dụ như, con số một trăm năm mươi ba con cá: về sau, lúc thế kỷ thứ IV, thánh Giê-rô-mi-nô giải thích con số ấy rằng thời ấy người ta chỉ biết có một trăm năm mươi ba giống cá: đó là một cách nói cuộc chài lưới được tối đa.
Và đây, có một chi tiết khá độc đáo nữa: khi các môn đệ lên bờ đã thấy có cá và bánh đặt trên lửa than hồng, thế mà Chúa vẫn bảo các ông mang cá vừa mới bắt được. Có thể nào nghĩ rằng thiếu cá? Không chắc gì, chúng ta chỉ nên thỏa mãn với cách giải thích bằng số lượng như thế. Có lẽ nên suy rằng trong công trình Phúc Âm hoá được tượng trưng bằng cuộc thả lưới (Từ khi Chúa Giê-su gọi ông Phê-rô là «kẻ lưới người»), Chúa Giê-su lúc nào cũng đi trước (đó là ý nghĩa cá đã được Chúa Giê-su đặt trên lửa than trước khi các môn đệ đến) và cùng lúc Ngài kêu gọi sự cộng tác của chúng ta.
Một ngạc nhiên khác là cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và Phê-rô Tông Đồ. Cũng giống như trong đêm Thứ Năm rạng Thứ Sáu, Phê-rô khẳng định không biết Chúa, lần này Chúa hỏi Phê-rô ba lần: sự tế nhị cực kỳ giúp Phê-rô xoá ba lần chối Ngài. Mỗi lần, Chúa dựa vào lời tuyên xưng của Phê-rô để trao cho ông sứ mạng mục vụ cộng đồng: «Hãy chăn dắt chiên của Thầy». Mối tương quan của chúng ta đối với Chúa Ki-tô chỉ có ý nghĩa, và là sự thật, chỉ khi chúng ta thi hành với mục đích phục vụ tha nhân mà thôi. Chúa xác định rõ «chiên của Thầy», Phê-rô được mời gọi chung phần với nghĩa vụ của Chúa Ki-tô; Phê-rô không trở nên chủ đàn chiên, nhưng cách ngài chăm sóc là cách trắc nghiệm tình yêu của ngài đối với chính Thiên Chúa. Chúng ta có thể ngạc nhiên về vai trò của Phê-rô trong một tường thuật về Chúa hiện ra, dưới ngòi bút của thánh Gio-an. Có lẽ điều này phản ảnh những vấn đề đặt ra dưới thời những cộng đồng Ki-tô sơ khai. Phải tin rằng, cũng không phải vô ích nhắc lại, với cộng đồng rất gắn bó với thánh Gio-an; chỉ vì thánh ý Chúa Giê-su, nhưng người chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ là thánh Phê-rô chứ không phải thánh Gio-an.
«18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn», câu này cũng đáng ngạc nhiên ngay sau khi đoạn có thể gọi thánh Phê-rô được bổ nhiệm «Hãy chăn dắt chiên của Thầy». Hình như Chúa muốn nói sứ vụ của Phê-rô là một ơn gọi phục vụ chứ không phải để thống trị!
Dây thắt lưng thường do người lữ hành và tôi tớ mang: đây là lời khuyên cho hai tính cách cho những ai phục vụ Giáo Hội. Phê-rô sau này chết vì trung thành phục vụ Tin Mừng, vì thế thánh Gio-an giải thích: «19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.
Thêm một câu hỏi nữa: tại sao Chúa phải hỏi Phê-rô, xác định ở câu 15 «Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?». Không nên hiểu ở đây như câu hạch sách để ban cho chứng chỉ hạnh kiểm tốt, đại loại như: «Vì anh yêu Thầy hơn, nên Thầy ban cho anh nhiệm vụ … ». Trái lại, nên hiểu «Vì Thầy trao cho anh sứ vụ này, nên phải thương yêu Thầy hơn!». Phải chăng như một lời nhắn nhủ tế nhị cho những ai nắm quyền? Trong bất cứ lãnh vực nào, uy quyền được trao trước tiên là một yêu cầu: lãnh nhận một vai trò mục vụ đòi hỏi nhiều tình yêu.
Phần bổ sung:
1/ Tại sao Chúa Giê-su phải lặp lại ba lần «Hãy chăn dắt chiên của Thầy»? Một lần không đủ sao? Có nhiều nhà chuyên môn ghi nhận rằng, để có giá trị về luật pháp, các công thức luật thuật phải lặp lại ba lần trước mặt người chứng. Có lẽ thể, vì lẽ ấy thánh sử xác định đây là lần thứ ba Chúa hiện ra cho các môn đệ: có ý xác minh chính thức đúng như vậy.
2/ Phúc Âm theo thánh Gio-an trước kia kết thúc bằng: (ch20) «31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người». Đó là một lời kết tuyệt vời, các nhà chuyên gia về Thánh Kinh tự hỏi, có phải chương 21 được thêm sau đó. Đoạn này như một loại tái bút, có lẽ vì mục đích làm sáng tỏ vấn đề huynh trưởng của thánh Phê-rô, thời ấy vấn đề cũng đã được đặt ra.
3/ Chương 21 lại kết luận rằng «19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa» (Ga 21, 19). Điều này, chứng tỏ đoạn này được thêm vào sau khi thánh Phê-rô qua đời. (cuộc bách hại của hoàng đế Nê-rông năm 66-67). Không phải là điều mới lạ vì Tin Mừng theo thánh Gio-an ra đời rất trễ; nhiều người cho rằng (theo Ga 21, 23-24), đọan cuối được viết sau khi thánh nhân qua đời.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.