"Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng… vinh quang và lời chúc tụng"
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gio-an.
11 Tôi thấy, và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, các Con Vật và các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu.
12 Các vị lớn tiếng hô:
"Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận
phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh,
danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc."
13 Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô:
"Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên
lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng
đến muôn thuở muôn đời!"
14 Bốn Con Vật thưa: "A-men" Và các Kỳ Mục phủ phục xuống thờ lạy.
Một lần nữa, chúng ta đứng trước một thị kiến, với tất cả những điều kỳ lạ. Nhưng chúng ta cũng biết trước rằng cả quyển sách Khải huyền là một bài ca chiến thắng. Đoạn trên đây quá rõ ràng! Trên trời, ức ức, triệu triệu thiên thần lớn tiếng tung hô, đại loại như «vua… vạn tuế»… và khắp vũ trụ, dù dưới đất, dưới biển hay ngay cả dưới lòng đất; tất cả mọi sinh vật đều tung hô như ngày tấn phong một vị vua mới.
Vị vua mới ở đây, dĩ nhiên là Chúa Giê-su: chính Ngài «Con Chiên Hiến tế» được tôn vinh nhận «lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng». Để miêu tả vương quốc Chúa Ki-tô, thị kiến này dùng cách nói tượng trưng bằng những hình ảnh và con số. Các bài này tuy khó hiểu nhưng rất phong phú. Phong phú vì chỉ thể văn tượng trưng thôi cũng chuyển chúng ta đến thế giới của Thiên Chúa. Điều khó nói nên lời, điều không thể hình dung, làm sao miêu tả ra được: chỉ có thể gợi ý để tưởng tượng. Ví dụ như chúng ta phải rất chú ý đến những hình ảnh, vài màu sắc nào đó, vài con số được lặp đi lặp lại, biết rằng các điều này dĩ nhiên không phải ngẫu nhiên.
Khó khăn nhất ở chỗ bình luận các ký hiệu; để hiểu, đòi hỏi đến khả năng tưởng tượng, điều này có thể giúp chúng ta, nhưng chỉ tới mức độ nào chúng ta có thể tin vào trực giác để hiểu những gì tác giả muốn gợi ý? Vì thế, có lẽ chúng ta nên khiêm nhường khi giải mã các ký hiệu! Chúng ta không thể cho mình có thể hiểu mọi ẩn nghĩa, dù bất cứ một bài Thánh Kinh nào đi nữa.
Cụm chữ «Bốn Con Vật» là một ví dụ điển hình. Chương sách Khải huyền trước có miêu tả cho chúng ta bốn con vật có cánh. Con thứ nhất có mặt người, ba con kia giống một con sư tử, một con chim đại bàng và một con bò rừng… Khi chúng ta nhìn trên nhiều tranh ảnh, nhiều công trình điêu khắc, hay các bức tranh gạch men… Và chúng ta có khi không do dự cho mình biết ý nghĩa các vật tượng trưng ấy. Thánh I-rê-nê hồi thế kỷ thứ II đã đề nghị hiểu các ký hiệu tượng trưng ấy; đối với thánh nhân, chắc chắn bốn sinh vật ấy là bốn thánh sử viết Phúc Âm: Mát-thêu có mặt người, Mác-cô sư tử, Lu-ca bò rừng và Gio-an là chim đại bàng. Nhưng các chuyên gia Thánh Kinh không mấy thoả mãn với cách giải thích ấy, vì hình như tác giả sách Khải huyền chỉ nhắc lại một hình ảnh trong Cựu ước đã có, thị kiến của Ê-dê-ki-en trong ấy bốn con vật tượng trưng cho tạo vật nâng ngai Thiên Chúa.
Bây giờ chúng ta hãy xem các con số, có liên quan gì đây. Với tất cả những dè dặt, hình như con số 3 tượng trưng Thiên Chúa, con số 4 là tạo vật vừa được dựng nên, có lẽ từ đó bài nói đến «…bốn phương của mặt đất» (Kh 7, 1) để gợi lên vừa Thiên Chúa vừa tạo vật được dựng nên. Tất cả để gợi ý niệm chu toàn, sự hoàn hảo… Trong lúc ấy số 6 (tức là 7-1) là chưa hoàn tất, không hoàn hảo. Lời hoan hô các Thiên Thần mang ý nghĩa đặc biệt: «Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc», bốn từ ngữ cho sự thành công ở thế gian thêm vào ba cho Thiên Chúa (danh dự, vinh quang và lời cung chúc). Tổng cộng là bảy, tức là Con Chiên hiến tế (các đọc giả của thánh sử Gio-an biết đó là Chúa Giê-su) Ngài hoàn toàn Thiên Chúa và cũng hoàn toàn Con Người. Chúng ta nhận ra ở đây mãnh lực của cách nói tượng trưng!
Chúng ta tiếp tục bài đọc: «13 Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi» (Chúng ta nhận ra ở đây bốn từ ngữ: tượng trưng cho mọi thụ tạo). Tất cả sinh vật tung hô: «Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!» Thế giới của thụ tạo tuyên xưng lời phủ phục đấng ngự trên Ngai (dĩ nhiên là Chúa) và Con Chiên. Cũng không phải sự ngẫu nhiên, tất cả loài thụ tạo trong sách Ê-dê-ki-en nâng ngai Thiên Chúa, tượng trưng cho mọi loài thụ tạo, ở đây cũng là con số bốn.
Tất cả những cố gắng, thánh Gio-an nhấn mạnh trong bài này nhằm đề cao sự vinh thắng của Con Chiên Hiến Tế: trước mắt loài người bị thua thiệt, nhưng thật ra Ngài đã chiến thắng vinh hiển. Đó là mầu nhiệm vĩ đại, trung tâm của Tân Ước, cũng có thể hiểu là một điều nghịch lý: Chúa tể thế gian trở nên nhỏ bé, Đấng xét xử kẻ sống và kẻ chết lại bị xét xử như một tội phạm; chính Ngài là Thiên Chúa mà bị kết án phạm thượng và bị huỷ diệt nhân danh Thiên Chúa. Điều tồi tệ nhất là Ngài để cho làm.
Khi thánh Gio-an triển khai cách suy niệm ấy trước cộng đoàn, ngài có hai sứ điệp: thứ nhất, làm sao trả lời về điểm nhục của thánh giá và cho các tín hữu những luận chứng để trả lời về điều này. Khi thánh Gio-an viết sách Khải Huyền, Ki-tô hữu và người Do Thái đang tranh luận về đề tài này: đối với người Do Thái, chỉ một điều Giê-su đã chết là đủ chứng minh ông không phải là đấng Mê-si-a. Sách Đệ Nhị Luật đã giải quyết vấn đề: «22 Khi một người có tội đáng phải án chết đã bị xử tử, và anh (em) đã treo nó lên cây» (Đnl 21, 22). Việc đóng đinh trên thập giá được xem như «treo (nó) lên cây».
Còn đối với các Ki-tô hữu, đã là chứng nhân của sự Phục Sinh, họ xem đó là công trình của Thiên Chúa. Thật mầu nhiệm, thánh giá là nơi để tán dương Người Con; Chúa Giê-su, chính Ngài đã loan báo trong Tin Mừng theo thánh Gio-an: «Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu» (Ga 8, 28). Có nghĩa là anh em sẽ nhận ra tôi là Thiên Chúa, vì «Tôi Hằng Hữu», đó là Tên của Thiên Chúa. Bây giờ phải biết đọc trên gương mặt biến dạng của người tử tội đáng thương kia, vinh quang của Thiên Chúa. Trong thị kiến thánh Gio-an miêu tả cho chúng ta, Con Chiên nhận tất cả danh dự, những lời tung hô của đấng ngự trên Ngai.
Mục tiêu thứ hai của thánh Gio-an là giúp anh em giữ vững niềm tin trong thử thách: mãnh lực của tình yêu đã thắng sức mạnh của sự dữ; đó là tất cả sứ điệp của sách Khải huyền.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính:Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.