"Ông mang bánh và rượu tới"
Trích sách Sáng Thế.
18 Ông Men-ki-xê-đê, vua thành Sa-lem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao.
19 Ông chúc phúc cho ông Áp-ram và nói: "Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Áp-ram!
20 Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao,
Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông! "
Rồi ông Áp-ram biếu ông Men-ki-xê-đê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm.
Từ chương thứ 12, sách Sáng Thế kể cho chúng ta về lịch sử ông Áp-ra-ham, người có lòng tin. Vâng theo tiếng gọi của Chúa, ông đi suốt một hành trình dài, sống cuộc sống người du cư với đàn gia súc, tìm những nơi có nước và đồng cỏ nuôi súc vật. Chúng ta có thể theo vết chân ông trong bản đồ như một vòng cung, gồm một vùng đất phì nhiêu: từ sông Ua xứ Can-đê (ngày nay là xứ I-rắc), nơi đây ông sống với người cha là Tê-ra, qua xứ Ha-ran miền Bắc, xuyên qua nhiều xứ, ngày nay chúng ta gọi là Thổ nhĩ kỳ, Xi-ri-a, Giót-đa-ni, Pa-lét-tin. Ông tiến đến Ai-cập và ở đấy một thời gian. Sau cùng, ông dừng lại và cư ngụ trên xứ Thiên Chúa đã hứa với ông, thời ấy gọi là miền Ca-na-an.
Chúng ta biết câu truyện; cháu ông tên là Lót đã theo ông cho đến ngày nay nhưng phải chia tay. Đó là điềm lành: từ nay đàn gia súc của hai ông quá nhiều khó có thể cho ăn chung trong một đồng cỏ nhỏ, nên chia ra xa xa với nhau. Tuy xa nhau, nhưng tình liên đới gia đình vẫn không mai một. Một hôm, ông Lót bị những bộ lạc bên cạnh cướp bắt, ông Áp-ra-ham đến giải thoát; đuổi theo bọn cướp ông cứu được cháu mình. Từ đó, ông được cả một vùng rộng lớn xem ông như một nhân vật quan trọng. Tới đây xuất hiện nhân vật Men-ki-xê-đê.
Đây là câu đầu của bài đọc của chúng ta: «18 Ông Men-ki-xê-đê, vua thành Sa-lem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao». Bài tường thuật cuộc gặp gỡ của hai nhân vật có vẻ không có điều chi đáng chú ý, thế nhưng nếu đọc kỹ tất cả đều rất ngoại lệ.
Ví dụ, Men-ki-xê-đê được giới thiệu rất nhanh, tài liệu chỉ nói ông là vua xứ Sa-lem, vài câu sau, nói ông «là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao». Nhưng chính vì sự giới thiệu rất nhanh nhân vật này làm cho chúng ta có thể thắc mắc, và điều này có tầm quan trọng hơn chúng ta tưởng. Tên Men-ki-xê-đe có nghĩa là «vua công chính» và vương hiệu «Vua Salem» là tương đương với «Vua hoà bình». Theo tiếng Do Thái, Sa-lem giống chữ «Sa-lom». Về sau, nhiều người nghĩ Sa-lem là Giê-ru-sa-lem, nơi Chúa ngự từ trời cao. Men-ki-xê-đê cũng là «Tư Tế của Đấng Tối cao». Thông thường, Thánh Kinh luôn rất chú ý đến tiểu sử các nhân vật, nhất là nhân vật ấy là một Tư tế, thế nhưng, về tư tế Men-ki-xê-đê này chúng ta không biết gì cả… như ngài là người ngoài thời gian… Lần đầu tiên chữ «tư tế» xuất hiện trong Thánh Kinh, và vị này vừa là vua vừa là tư tế. Tất cả nói lên đây là nhân vật xuất chúng, và cuộc gặp gỡ giữa Áp-ra-ham và Men-ki-xê-đê mang tính cách thật đặc biệt, có thể nói gương mẫu.
Thật vậy, cuộc tế lễ miêu tả ở đây (dựa trên bánh và rượu nho) rất khác với mọi cuộc lễ tế trong thời Cựu ước, thường là những súc vật được làm của lễ. Men-ki-xê-đê cho đem ra bánh và rượu: buổi tiệc này kết Giao ước giữa Áp-ra-ham và Men-ki-xê-đê. Đây hẳn là một buổi ăn có tính cách thiêng liêng vì sách nói Men-ki-xê-đe là tư tế và ngài sẽ đọc một công thức phép lành. Lời chúc lành này ngài đọc nhân danh «Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Áp-ram!» Nếu thật như ngày hôm nay người ta tin Sa-lem là Giê-ru-sa-lem thì tôn giáo được thực hành tại Giê-ru-sa-lem trước khi Đa-vít đánh chiếm đã được gọi là Tôn Giáo của Thiên Chúa Tối Cao… Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, trong vài câu sau ông Áp-ra-ham cũng nói: «Tôi xin giơ tay lên ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất» (St 14, 22) .
Chúng ta có thể nghiệm ra ba điều. Men-ki-xê-đê và Áp-ra-ham có cùng một Chúa: đó là một cách nói, chỉ có một Chúa, Chúa của Áp-ra-ham, và những người ngoại cũng có thể nhận ra. Điều thứ hai, một khi Men-ki-xê-đe chúc lành cho Áp-ra-ham, Men-ki-xê-đê là người ngoại cũng chúc lành cho tất cả các dân tộc trên trái đất, mọi dân tộc suốt các thế hệ về sau, nhận ra nơi Áp-ra-ham đấng được Thiên Chúa chúc phúc: lời hứa Thiên Chúa đã được thực hiện. Khi Chúa gọi ông, Ngài đã tiên báo: «18 Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.» (St 22, 18) Điều này có nghĩa là «Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc» (St 12, 3). Điều thứ ba Men-ki-xê-đê, vua Sa-lem là một người ngoại quốc, tức là theo giả thuyết này ông không cùng gia tộc với Áp-ra-ham và là Thượng tế của Chúa Tối Cao. Điều này ý nói rằng có thể có ơn gọi làm tư tế ngoài gia tộc Áp-ra-ham… Sách còn nói sau khi được ban phép lành, ông Áp-ra-ham còn dâng tô thu cho Thượng Tế Giê-ru-sa-lem. Tục lệ này có từ ngàn xưa và chính thức vì có ghi lại từ thời các Tổ phụ. Một lúc nào đó trong thời đại chúng ta, không phải là vô ích nhắc lại điều này!
Tất cả những chi tiết ấy, có khi làm nổi bật phương diện này hay phương diện khác giúp chúng ta khám phá và đoán ra bài này được viết vào thời điểm nào. Cho đến ngày nay, không ai có thể nói chính xác: hai nhân vật Áp-ra-ham và Men-ki-xê-đê thật xa xưa, nhưng bài này có thể được viết sau này, vào thời kỳ có nhu cầu làm chứng tá, làm nổi bật một khía cạnh nào đó… Sau này, Men-ki-xê-đê được xem như là tổ tiên của đấng Mê-xi-a (chúng ta nhận thấy rõ hơn trong bài Thánh Vịnh được đọc trong Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô hôm nay). Sau cùng, chúng ta cũng không quên ghi nhận ông Áp-ra-ham chưa được cắt bì khi nhận phép lành của Men-ki-xê-đê, vì ông chỉ nhận nghi thức này về sau, theo sách Sáng Thế. Đặc biệt các Ki-tô hữu suy ra từ đó không cần phải được cắt bì mới nhận phép lành từ Thiên Chúa.
Dĩ nhiên chúng ta là những Ki-tô hữu, trong việc dâng bánh và rượu nho một bữa tiệc Giao Ước từ tay vua, vua thật, tư tế thật của Chúa Tối Cao, vua công chính và hòa bình, chúng ta nhận ra nơi các cử chỉ của Chúa Giê-su, sự liên tục của công trình Thiên Chúa. Mỗi khi cử hành Thánh Lễ, chúng ta lặp lại những cử chỉ của Men-ki-xê-đê lúc dâng bánh và rượu nho với lời nguyện: «Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con… »
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.