"Lạy Chúa, nếu con nói, xin Chúa đừng nổi giận"
Trích sách Sáng Thế.
20 ĐỨC CHÚA phán: "Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề!
21 Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết."
22 Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơ-đôm, nhưng ĐỨC CHÚA còn đứng lại với ông Áp-ra-ham.
23 Ông lại gần và thưa: "Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao?
24 Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao?
25 Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?"
26 ĐỨC CHÚA đáp: "Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó."
27 Ông Áp-ra-ham lại nói: "Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa:
28 Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao? " Chúa đáp: "Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người."
29 Ông lại thưa một lần nữa: "Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao? " Chúa đáp: "Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm."
30 Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao? " Chúa đáp: "Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm."
31 Ông nói: Con xin mạn phép thưa với Chúa: "Giả như tìm được hai mươi người thì sao? " Chúa đáp: "Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ."
32 Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao?" Chúa đáp: "Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm."
Có một điều mới lạ nữa đây trên mặt đất! Kể từ nay, có một người tham dự vào chương trình của Thiên Chúa. Rất tiếc, phụng vụ hôm nay không cho chúng ta nghe các câu trước, nghe Chúa nói một mình: Bây giờ ta đã kết Giao Ước với Áp-ra-ham, «Ta có nên giấu Áp-ra-ham điều Ta sắp làm chăng?» (St 18, 17). Đây là cách nói Thiên Chúa rất quan tâm đến Giao Ước.
Đoạn ấy: «16 Từ nơi đó ba người kia đứng dậy và nhìn xuống phía Xơ-đôm. Ông Áp-ra-ham cùng đi để tiễn khách. 17 ĐỨC CHÚA phán: "Ta có nên giấu Áp-ra-ham điều Ta sắp làm chăng? 18 Áp-ra-ham sẽ trở thành một dân tộc lớn mạnh và mọi dân tộc sẽ được chúc phúc nhờ nó.»… (St 18, 16-18). Kế tiếp là «cuộc mặc cả hi hữu nhất lịch sử» Áp-ra-ham đầy can đảm, cầu bầu với những người khách lạ để mong cứu lấy hai thành Sơ-đôm và Gô-mô-ra khỏi một hình phạt, mặc dù hai thành này rất xứng đáng: «Lạy Chúa, nếu con tìm thấy năm mươi người công chính, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao?... chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao? Nếu con tìm được bốn mươi lăm?.... Bốn mươi… Ba mươi… Hai mươi… Mười …?»
Thật là liều! Thế nhưng, hình như Chúa chấp nhận đối thoại với con người: không lúc nào Thiên Chúa tỏ vẻ mất kiên nhẫn; trái lại Chúa trả lời cho Áp-ra-ham mỗi lần ông cầu xin. Có lẽ Chúa cũng thích Áp-ra-ham vì ông biết quý trọng lẽ công minh của Chúa. Xin lưu ý, bài này được viết vào thời ấy, người ta còn trọng trách nhiệm cá nhân: hãy nhìn ông Áp-ra-ham thấy khó chịu vì những người công chính bị phạt cùng với tội nhân và vì họ. Không giống như thời cả gia đình bị loại trừ chỉ vì lỗi một thành viên trong ấy. Biết rằng trách nhiệm cá nhân là một khám phá quan trọng thời tiên tri Ê-dê-ki-en trong lúc dân bị đày sang Ba-by-lon, tức là vào thế kỷ thứ VI, từ đó có giả thiết cho rằng bài này được viết vào thời ấy. Cũng như trong bài đọc Chúa nhật vừa qua, chúng ta đang chứng kiến một bài được thảo ra (trong dạng sau cùng) rất muộn, từ những tường thuật có lẽ rất xa xưa, được truyền khẩu hoặc viết ra với dạng tạm thời, còn thay đổi theo thời gian.
Chúa còn thích hơn khi loài người can thiệp cầu bầu cho anh em mình. Chúng ta cũng đã thấy một câu truyện khác về ông Mô-sê (Xh 32): sau khi dân chúng bỏ đạo dưới chân núi Si-na-i, tạc ra tượng một con «bò vàng» để tôn thờ, vừa mới thề không thờ phượng bụt thần; ông Mô-sê đã can thiệp, van xin Chúa tha thứ. Dĩ nhiên, Chúa liền tha thứ ngay, có thể nói Chúa chỉ chờ có bấy nhiêu để tha thứ. Ông Mô-sê can thiệp vì ông cảm thấy có trách nhiệm đối với dân chúng. Còn Áp-ra-ham thì can thiệp cho những người ngoại đạo, điều này lô-gíc thôi, vì từ nay ông là người nhận phúc lành cho «mọi gia đình trên trái đất» (St 22, 18). Đây là một bài học tuyệt vời về cầu nguyện, một lần nữa, phụng vụ đề nghị cho chúng ta bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca nói về Chúa Giê-su dạy cầu nguyện, bắt đầu bằng Kinh Lạy Cha. Bài kinh «số nhiều» hay nhất, vì chúng ta không đọc «Lạy Cha của con» mà «Lạy Cha chúng con». Chúng ta được mời gọi nới rộng kích thước lời nguyện chúng ta ra chiều kích của toàn nhân loại.
«… như tìm được mười người thì sao?» (Đây là lời đề nghị cuối cùng của Áp-ra-ham) «Chúa đáp: Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm». Câu truyện không nói vì sao Áp-ra-ham không dám hạ xuống thấp hơn nữa. Phải chờ đến Giê-rê-mi-a, các tín hữu mới khám phá ra chỉ cần một người công chính để cứu cả một thành: «Trên các quảng trường thành phố ấy, hãy tìm xem có gặp được một người, một người biết thi hành luật pháp, biết sống cho chân thật, Ta sẽ dung tha cho cả thành». (Gr 5, 1) Và bài ca thứ tư Người Tôi Trung loan báo rõ rằng, ơn cứu độ toàn nhân loại chỉ nhờ vào một người chấp nhận đau khổ: «Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ». (Is 53, 11) Người Ki-tô hữu chúng ta biết Người Công chính ấy là Ai, đã hiến đời sống của mình để thật sự cứu cả nhân loại.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.