"Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Đấng tạo thành trời đất."
1 Ca khúc lên Đền.
Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi,
ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?
2 Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA
là Đấng dựng nên cả đất trời.
3 Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước,
xin Người chớ ngủ quên.
4 Đấng gìn giữ Ít-ra-en,
lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!
5 Chính CHÚA là Đấng canh giữ bạn,
chính CHÚA là Đấng vẫn chở che,
Người luôn luôn ở gần kề.
6 Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ,
đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.
7 CHÚA giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh,
giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.
8 CHÚA giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới,
từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.
Đầu bài Thánh vịnh có cụm chữ: «Ca khúc lên đền», có ngụ ý nói lên đền Giê-ru-sa-lem, tức là nói về các cuộc hành hương. Có mười lăm bài Thánh vịnh trong Thánh Kinh (được đánh số từ 120 đến 134) có ở đầu bài cụm chữ «Ca khúc lên đền» như thế. Các bài này được đặc biệt sáng tác cho các cuộc hành hương Giê-ru-sa-lem. Thường động từ «lên» được dùng cho các cuộc hành hương, vì hai lý do: Rất đơn giản, trước hết Giê-ru-sa-lem được xây trên đồi cao; kế tiếp, về mặt tượng trưng, việc đi hành hương đối với người tín hữu cho thấy một thăng tiến về mặt thiêng liêng. Hành hương Đền Giê-ru-sa-lem là một yếu tố quan trọng đối với đời sống thánh thiện dân Do Thái, vì đó là một điều răn Thiên Chúa.
Mười lăm bài Thánh vịnh ấy có những điểm giống nhau. Có nhiều điều ám chỉ những thực tế cuộc hành hương: mệt nhọc, lời cầu nguyện người hành hương, lòng khao khát tới đích, tình yêu Đền Thánh, tình yêu Giê-ru-sa-lem; và niềm vui nội tâm, lòng cậy trông nơi người tín hữu. Những người hành hương ý thức như đang trên cuộc hành trình dài đăng đẳng của dân Chúa chọn: «4 Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA, trẩy hội lên đền ở nơi đây, để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en» (Tv 122, 4); «Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau, 2 như dầu quý đổ trên đầu xuống râu xuống cổ áo chầu A-ha-ron3 như sương từ đỉnh Khéc-môn toả trên đồi núi Xi-on lan tràn, nơi đây ân huệ CHÚA ban, chính là sự sống chứa chan muôn đời.» (Tc 133, 1-3), Bài Thánh vịnh của chúng ta là một trong những bài ấy: «8 CHÚA giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời».
Người hành hương vừa bước chân lên đường đi Giê-ru-sa-lem, con tim và đôi mắt đã hướng về ngọn đồi của Đền: «Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi», nhưng người ấy biết rằng con đường lên Giê-ru-sa-lem còn dài và đầy khó khăn, trắc trở đủ loại. Những con đường mòn khác hẳn với những con đường tráng nhựa như chúng ta ngày nay, lúc trơn trợt, lúc gồ ghề, chân có thể vấp ngã. Hơn nữa, còn có thể gặp nhiều hiểm nguy: thú rừng, hay đáng sợ hơn, các băng đảng cướp bóc giết người. Sở dĩ, Chúa Giê-su khi nói bài dụ ngôn Người Sa-ma-ri tốt lành, Ngài cũng đặt trong bối cảnh nguy hiểm này, một người bị lột sạch của cải, bị đánh trọng thương là điều xảy ra thường nhật thời ấy. (c.7) «7 CHÚA giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn»: đó là lời những người ở lại nhà trấn an người ra đi hành hương.
Một mối nguy hiểm khác, chúng ta khó tưởng tượng được, đó là mặt trời ban ngày và mặt trăng ban đêm: ban ngày phải đi dưới trời nắng nóng bỏng da, ban đêm nếu phải ngủ ngoài trời dưới ánh trăng rất tai hại. Và đây, những lời khuyến khích an ủi người hành hương (c.5-6) «5 Chính CHÚA là Đấng canh giữ bạn, chính CHÚA là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề. 6 Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi».
Tất cả những hiểm nguy ấy đều là thực tế trong chuyến đi cũng như chuyến về, nhưng «8CHÚA giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới». Có thể tin tưởng vào Chúa, vì Ngài là chúa tể trời đất: chính Ngài, và chỉ là Ngài mà thôi là Đấng Tạo thành trời đất muôn vật «2 Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA là Đấng dựng nên cả đất trời». Và ở đây, không có chút gì đá động đến các bụt thần: đó chỉ là những pho tượng vô tri vô giác bằng gỗ hoặc bằng đá. Chúng không thể làm gì cho con người được. Chúng an nghỉ trong giấc ngủ triền miên bởi chính con người nặn ra chúng. Trong lúc đó Thiên Chúa luôn canh chừng: «4 Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!» Một khi người hành hương dấn bước lên đường hành hương Giê-ru-sa-lem, người tín hữu bước đến Thiên Chúa và chỉ đến với Ngài mà thôi: họ quay mặt hẳn lại với các bụt thần. Đó là ơn trở lại.
Đây là cách hiểu sát nghĩa bài Thánh vịnh, được hát lúc vừa ra đi; đó là lúc cần để xác tín lòng tin: «Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?» Một cách khằng định họ chọn đặt lòng cậy trông và Thiên Chúa của cha ông: «2 Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA, là Đấng dựng nên cả đất trời.»
Có một cách hiểu thứ hai theo ý nghĩa ở mức độ khác, đó là cách hiểu của toàn dân. Người hành hương ấy, trước khi lên đường đi Giê-ru-sa-lem khám phá ra lịch sử cá nhân, là hình ảnh trải nghiệm của cả dân tộc mình. Không phải ngẫu nhiên trong Thánh vịnh này, Thiên Chúa được gọi là «4 Đấng gìn giữ Ít-ra-en », dân tộc này được nhận mặc khải từ Thiên Chúa hằng sống, Đấng tạo nên trời đất, và được trải nghiệm sự hiện diện của Ngài.
Tên của Thiên Chúa, cái tên bất hủ viết bằng bốn chữ cái (YHWH) nói lên rằng, Chúa luôn luôn hiện diện bên dân Ngài. Một sự hiện diên mật thiết, bất khả phân chia, được phát biểu mạnh mẽ bằng tiếng Do Thái «5 Chính CHÚA là Đấng canh giữ bạn, chính CHÚA là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề». (Theo tiếng Do Thái «gần kề» có nghĩa là đứng bên phía hữu, ông Chouraqui bình luận rằng: «Chúa kết hiệp cùng bạn như bạn với chính bản thân bạn»).
Nếu xem xét kỹ, chúng ta nhận xét có những hàm ý của trải nghiệm ấy trong dân It-ra-en: «chính CHÚA là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề»: đây là nhắc đến cái cột mây, cột lửa đồng hành với đoàn người dài lớp lớp trong sa-mạc, ban ngày che nắng, ban đêm soi sáng lối đi. (Xh 13, 22)
Đến phiên Chúa Giê-su, Ngài cũng hát bài Thánh vịnh này với cùng một ý nghĩa ấy. Trong lúc Chúa nhất quyết lên đường đi Giê-ru-sa-lem, Thánh Lu-ca, trong sách Tin Mừng thánh sử nói Chúa lập lại điều này: «7 CHÚA giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. 8 CHÚA giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời» .Từ sáng ngày Lễ Vượt Qua, ngày trở về theo Thánh vịnh, chúng ta gọi là sự «Phục Sinh».
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng.