"Khi ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng trận"
Trích sách Xuất Hành.
8 A-ma-lếch đến đánh Ít-ra-en tại Rơ-phi-đim.
9 Ông Mô-sê bảo ông Giô-suê: "Anh hãy chọn một số người, và ngày mai ra đánh A-ma-lếch. Còn tôi, tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm cây gậy của Thiên Chúa."
10 Ông Giô-suê làm như ông Mô-sê đã bảo: ông đã giao chiến với A-ma-lếch, còn các ông Mô-sê, A-ha-ron và Khua thì lên đỉnh đồi.
11 Khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì A-ma-lếch thắng thế.
12 Nhưng ông Mô-sê mỏi tay, nên người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông A-ha-ron và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên.
13 Ông Giô-suê đã dùng lưỡi gươm đánh bại A-ma-lếch và dân của ông ta.
A-ma-lếch là bộ lạc sống trong sa mạc Nê-ghép. Thánh Kinh có nói đến họ nhiều lần trong suốt lịch sử khai dựng dân Chúa trong vùng Pa-lét-tin, và luôn là lực lượng đối kháng cho sự hội nhập dân tộc Ít-ra-en. Sau này, con cháu họ là những kẻ thù mãnh liệt thời các vua Sa-un và Đa-vít. Đến nỗi A-ma-lếch trở nên biểu tượng cho tên kẻ thù truyền kiếp.
Có thể giải thích điều này, vì A-ma-lếch vừa là người chủ tộc, vừa là cháu nội của Ê-xau. Các bạn hẳn còn nhớ, hai đứa con ông I-sa-ắc, hai anh em sinh đôi mà cũng là hai kình địch, Ê-xau và Gia-cóp. Ê-xau lẽ ra là người thừa tự lời hứa Thiên Chúa, nhưng Gia-cóp đã đánh lừa người cha mù mắt và dành lấy địa vị của người anh mình. Từ đó mối bất hoà mãnh liệt giữa hai anh em, Ê-xau tổ tiên dân Ê-đôm và Gia-cóp tổ tiên dân Ít-ra-en, là dân Chúa chọn.
Sự ganh đua của họ truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác, vì thế, ở Ít-ra-en vẫn tồn tại mối hận thù truyền kiếp với người Ê-đôm, trong đó, người A-ma-lếch được xem như những kẻ thù nguy hại nhất. Ngay trong sách Xuất hành, người A-ma-lếch được giới thiệu như những đối thủ dân Chúa trong sa mạc. Điều này đã bắt đầu ngay sau khi vượt qua Biển Đỏ, trước khi đến Si-nai, nơi được ký kết Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài, dưới sự hướng dẫn của Mô-sê: đây là bối cảnh bài đọc chúng ta hôm nay.
Sách Sáng Thế không cho chúng ta nhiều chi tiết của trận chiến đầu tiên này. Sách chỉ nói: «1 Toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en nhổ trại rời sa mạc Xinai… 8 A-ma-lếch đến đánh Ít-ra-en tại Rơ-phi-đim». Nhưng sách Đệ Nhị Luật cho ta thêm vài chi tiết: «17 Anh (em) hãy nhớ A-ma-lếch đã xử thế nào với anh (em) trên đường, khi anh em ra khỏi Ai-cập:18 nó đã đón đường anh (em) và đánh tập hậu mọi kẻ lết theo sau, trong khi anh (em) mệt lả và kiệt sức; nó đã không kính sợ Thiên Chúa. 19 Vậy khi ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), cho anh (em) được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) làm gia nghiệp để anh (em) chiếm hữu, thì anh (em) sẽ xoá hẳn tên tuổi A-ma-lếch, khiến cho dưới gầm trời, không còn ai nhớ đến nó nữa: anh (em) đừng quên!» (Đnl25, 17-19). Lúc ấy, Mô-sê nói với Giô-suê: «Anh hãy chọn một số người, và ngày mai ra đánh A-ma-lếch». Sau đó chúng ta không có những chi tiết nào khác về diễn biến cuộc chiến và hoạt động của đội quân. Nhưng ngược lại, câu truyện quy về quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài trong cuộc chiến tranh đầu tiên này: đây là cuộc thử lửa, nhưng nhất là một thử thách niềm tin dân Ít-ra-en. Họ chiến đấu để được sống, nhưng Chúa ở cùng họ.
Chúng ta đang ở Rơ-phơ-đim. Địa danh này chúng ta đã nghe qua, và có dịp nói đến gần đây trong bài thánh vịnh 94. Chính câu truyện Ma-xa và Mơ-ri-ba xảy ra tại Rơ-phơ-đim (là đối lập và tranh luận) có nghĩa, dân chúng đã ngờ vực Thiên Chúa một cách trầm trọng. Từ nay khi ngờ vực Thiên Chúa ta nhớ đến Ma-xa và Mơ-ri-ba. «8 [Người phán]: «Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, 9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm » Chúng ta đã nghe trong (Tv 94 (95), 8-9).
Ma-xa và Mơ-ri-va là cơn thử thách khát nước, cơn thử thách kéo dài đến nỗi dân Ngài tưởng như bị bỏ rơi… Nhưng không, nước đã tuôn ra từ tảng đá và dân chúng tìm lại niềm tin nơi Thiên Chúa. Lần này - và cũng tại Rơ-phê-đim này - họ đang chống cự với dân A-ma-lếch tấn công ồ ạt. Phải chống cự để sống; và Mô-sê không chút do dự, tin rằng Chúa sẽ đến giải thoát.
Ông nói với Giô-suê: «Còn tôi, tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm cây gậy của Thiên Chúa». Và chính cây gậy ấy đóng vai trò chính yếu trong câu truyện; chính nó không có gì thần thiêng, nhưng qua nó Chúa thực hiện kỳ công của Ngài, hay nói cách khác, cây gậy bày tỏ cách nhãn tiền kỳ công của Chúa. Cũng qua cây gậy này, Mô-sê đã thực hiện nhiều điều kỳ diệu trước mắt vua Pha-ra-ông và triều thần Ai-cập, chẻ nước Biển Đỏ, làm nước phun ra từ tảng đá… cũng chính tại Mơ-xa và Mơ-ri-va này. Một lần nữa, chính cây gậy tự nó không có gì thần thiêng - bằng chứng là Mô-sê bắt đầu cầu nguyện - nhưng cây gậy giơ lên là một biểu tượng: nó nhắc lại là chính Thiên Chúa hành dộng. Sở dĩ cuộc chiến chỉ được nói thoáng qua, cây gậy là trung tâm câu truyện chính là để chỉ rõ đâu là điều chính yếu.
Điều chủ yếu là sự hiện diện của Thiên Chúa, Ngài đồng hành với dân Ngài, như Ngài đã hứa khi mặc khải cho ông Mô-sê Tên Ngài, cái tên bất hủ nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa. Bài này rất ngắn gọn nhưng rất xúc tích.
Ba ông Mô-sê, A-ha-ron và Khua đang ở trên đồi, trong lúc dân chúng chiến đấu với sự chỉ huy của Giô-suê dưới đồng bằng. Giô-suê chiến đấu hết sức mình, Mô-sê cũng cầu nguyện hết tâm trí. Người cầu nguyện, kẻ chiến đấu bổ sung cho nhau, nếu Mô-sê bỏ vị trí cầu nguyện, thì Giô-suê sẽ mất hết khả năng. Không thể nào nói rõ hơn, chính Chúa hành động, nhưng Ngài cần sự cộng tác của chúng ta. Tay ông Mô-sê giơ lên, biểu tượng tất cả sự cầu nguyện của nhân loại. Nói lên tất cả lòng cậy trông, lòng xác tín nơi người tín hữu rằng Chúa không bao giờ làm ngơ. Gần đây, chúng ta cũng có đọc thư Thánh Phao-lô gửi cho Ti-mô Thê: «8 Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời...» (1Tm 2, 8). Chính Chúa hành động, những bàn tay giơ lên và đứng yên để nói rõ ta gửi thẳng trách nhiệm về trời, và cùng lúc cho thấy người tín hữu không buông tay. Bàn tay người chiến hữu, bàn tay giơ lên của người cầu nguyện đó là những sự hợp tác nhỏ bé của chúng ta vào kỳ công của Thiên Chúa. Nhưng cũng có lúc người cầu nguyện mỏi mệt về thể lý cũng như về tâm lý, không còn sức để «giơ tay lên trời»; lúc ấy cần anh chị em để nâng đỡ tay suy yếu của chúng ta. Thông thường đó là vai trò của cộng đồng chúng ta.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng.