BÀI ĐỌC 1 (Is 11, 1-10)
"Chúa lấy sự công minh mà xét xử người nghèo khó."
Trích sách tiên tri Isaia
1 Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.
2 Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA.
3 Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói,
4 nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.
5 Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành.
6 Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.
7 Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò.
8 Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.
9 Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.
10 Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân. Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.
Các bạn hẳn đã để ý, ngôn sứ I-sa-i-a dùng hai lần một thành ngữ gần như giống nhau: «Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ; đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.», và hai câu này đóng khung bài đọc hôm nay, một câu ở đầu, một câu ở cuối bài. Đây là một cấu trúc bài văn có thể gọi là thể «kẹp», chúng ta thường gặp và cũng là chìa khóa mở ra cho chúng ta hiểu.
Vì thế, phải bắt đầu hỏi I-sa-i-a muốn nói gì khi ngài nói đến cội rễ Gie-sê. Không ai biết gì nhiều về Gie-sê: chỉ biết ông sống khoảng năm 1000 trước CN và cư ngụ tại Bê-lem, một làng nhỏ không có gì quan trọng thời ấy. Đấy là tất cả những gì được biết về nhân vật này: Gie-sê, người quê quán tại Bê-lem. (có một chỗ khác trong Thánh kinh, nói Gie-sê là cháu nội của một người phụ nữ nước ngoài tên là Rút.)
Một điều khác được biết nữa, Gie-se có tám người con trai. Trong tám người con ấy, Chúa gởi ngôn sứ Sa-mu-en đến chọn một người để làm vua; hẳn các bạn biết câu truyện. Thật lạ lùng, theo lệnh Thiên Chúa, Sa-mu-en không chọn đứa già dặn nhất, đứa to lớn nhất hay khoẻ mạnh nhất… Nhưng, lại là đứa trẻ nhất, đang chăn súc vật ngoài đồng. Thế mà Đa-vít sẽ là một vị vua vĩ đại nhất It-ra-en. Và vì lẽ đó, Gie-sê được nổi danh: ông là cha vua Đa-vít, tổ tiên một giòng họ đông đúc. Giòng họ này thường được biểu trưng bằng một cây cổ thụ: cây hứa hẹn một tương lai huy hoàng; theo lời vị tiên tri, Sa-mu-en còn hứa với Đa-vít, nói Chúa hứa với ngài rằng, hậu duệ của ngài sẽ trị vị mãi mãi, rồi thần dân ngài một ngày kia sẽ thống nhất và hoà bình hoàn toàn.
Thật ra, hoa trái của cây ấy thật đáng thất vọng: không có một vua nào từ triều đại Đa-vít có thể thực hiện toàn vẹn những lời hứa ấy; nhưng mọi người vẫn tiếp tục cậy trông, và càng ngày càng tha thiết hơn. Điều mọi người gọi là chờ đợi một vị Vua - Mê-si-a, hay là chờ Đấng Mê-sia, trở thành thất vọng, dẫn đến vỡ mộng. Thế nhưng, Thiên Chúa đã hứa, không chóng thì chày, thế nào cũng sẽ được thực hiện.
Tôi dùng cụm chữ Vua - Mê-si-a: gẩn như hai chữ đồng nghĩa. Lúc đầu, hai chữ đồng nghĩa thật, vì theo tiếng Do Thái, Mê-si-a có nghĩa là xức dầu, ngụ ý nói xức dầu phong vương, ngày vua lên ngôi.
Bây giờ, chúng ta xem lại câu đầu bài của tiên tri I-sa-i-a này: «1 Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non». Câu này, ngôn sứ muốn nói cho người đương thời rằng: bây giờ các bạn có cảm tưởng các lời hứa kia đã phất phơ bay bổng, cây phả hệ Đa-vít không đem lại gì tốt cả! Nhưng, dù một cây đã héo, các bạn cũng biết, từ gốc rể cũng có thể đâm ra một chồi non bất ngờ. Hãy vững tin, không sớm thì muộn, Đấng Mê-si-a sẽ đến.
Chúng ta đã quen với các ngôn sứ: lời các ngài càng có tính cách khích lệ, thì bối cảnh lúc ấy càng khó khăn. Thật vậy, bài này I-sa-i-a viết vào cuối thế kỷ thứ VIII trước CN; có lẽ, khoảng năm 720-710, trong một thời cực kỳ rối loạn, lúc ấy vương quốc Do Thái nhỏ bé đang bị đe dọa tứ phía, sống trong lo âu, bất an.
Tôi xin trở lại toàn bài đọc: hai câu đóng khung, ở giữa là cây phả hệ Gie-sê, gồm hai phần. Phần đầu, nói về Vua-Mê-si-a được Thần Khí Thiên Chúa ngự trị, các bạn cũng chú ý, có 7 ân sủng của Chúa, theo Thánh Kinh đó là con số trọn vẹn. Các bạn cũng để ý đến chữ kính sợ Thiên Chúa. Đó là mối quan hệ cha-con phát xuất từ tin tưởng và tôn kính. Chính Thần Khí Thiên Chúa linh hứng cho đấng Mê-si-a sự «kính sợ» này: «2 Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA». Sau này, Thánh Phao-lô củng nói tương tự như thế: «Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Áp-ba! Cha ơi!» (Rm 8, 15).
Tác động của Đấng Mê-si-a sẽ hoàn toàn được hướng dẫn theo công lý «5 Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành…không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, 4 nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng». Và I-sa-i-a tiếp tục bằng một câu làm cho chúng ta khá ngạc nhiên: «Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà». Trong cách nói ngày nay của chúng ta, chữ kẻ gian tà có vẻ chỉ những người gian tà; nhưng thật ra để hiểu, chỉ cần thay thế «người gian tà» bằng sự gian tà và bất công. Có lúc, chúng ta dùng thuật ngữ «gây chiến với chiến tranh». Ở đây, chúng ta cũng có thể nói Vua - Mê-si-a gây chiến với sự bất công.
Phần thứ hai của bài, có thể gọi «huyền thoại các súc vật», hình ảnh tuyệt vời của sự hài hoà hoàn vũ. Không phải trở lại vườn địa đàng, nhưng ngược lại, là kết quả tối hậu của công trình Thiên Chúa: ngày Thần Khí cuối cùng, rồi sẽ đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn, như Chúa Giê-su nói «vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển».
Để kết luận, I-sa-i-a nhắc lại lần nữa, dự án Thiên Chúa gồm tất cả nhân loại «10 Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân. Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người». Sau này, Chúa Giê-su nói: «32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi». (Ga 12, 32)
***
THÁNH VỊNH (Tv 71, 2.7-8.12-13.17)
"Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại Người."
Của vua Sa-lô-môn.
Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
2 để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
8 Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
12 Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
13 chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
17 Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
«Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương», câu này là một lời cầu nguyện. Còn câu sau «2 để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.» một lời ước mong; đó là những lời trong lễ phong tân vương. Chúng ta đang trong Đền Giê-ru-sa-lem. Nhưng thật lạ lùng, bài thánh vịnh này được sáng tác và hát sau Ba-by-lon (giữa năm 500 và 100 trước CN) tức là trong thời kỳ Ít-ra-en không có vua. Điều này, chứng tỏ lời nguyện và lời ước này không hướng tới một vị vua bằng xương bằng thịt: nhưng liên quan đến một vị vua mọi người chờ đợi, vị vua Thiên Chúa đã hứa, vị Vua-Mê-si-a. Và, vì đó là lời Chúa hứa, chắc chắn sẽ được thực hiện.
Niềm tin bất diệt ấy trải dài suốt Thánh Kinh: lịch sử nhân loại có một chủ đích, một ý nghĩa. Chữ ý nghĩa ở đây gồm hai điều: cái gì được biểu đạt, ý nghĩa thường hiểu, và điều thứ hai là hướng đi. Thiên Chúa có một kế họach; kế họach này gợi hứng cho toàn Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước: nó mang nhiều tên khác nhau tùy tác giả: «Ngày của Chúa» theo các ngôn sứ, «Nước Trời» theo Thánh Mát-thêu, «Kế họach yêu thương» theo Thánh Phao-lô; nhưng tất cả cũng để chỉ kế họach ấy của Thiên Chúa. Như một người đang yêu, lặp đi lặp lại không ngừng những lời yêu thương, Thiên Chúa không ngưng đề nghị dự án tình yêu của Ngài cho nhân lọai. Kế họach ấy sẽ được thực hiện bởi đấng Mê-si-a, và hướng lên đấng Mê-si-a ấy, các tín hữu hát những lời nguyện ước trong Đền Giê-ru-sa-lem.
Dự án này, Thiên Chúa đã loan báo, ngay trong những lời đầu tiên cho Áp-ra-ham, trong chương 12 Sách Sáng Thế; lúc ấy ông còn tên là Áp-ram, Chúa đã hứa: «3 Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi» (St 12, 3). Từ bản văn tiếng Do Thái, câu này được dịch ra bằng hai cách, và hai cách này không loại trừ hẳn nhau, trái lại, bổ sung cho nhau. Nghĩa thứ nhất, mỗi khi một ai chúc phúc cho nhau, họ lấy Áp-ra-ham làm mẫu gương của sự thành công. Họ nói: «Ước gì bạn thành công như tổ phụ Áp-ra-ham chúng ta». Nghĩa thứ hai: «Qua ngài Áp-ra-ham, nhờ ngài tất cả gia đình trên trái đất sẽ hạnh phúc».
Tôi thiết tưởng không nên quên, vì rất quan trọng; ngay từ ban đầu, rõ ràng các mặc khải trong Thánh Kinh, đều liên hệ toàn nhân lọai. Dân Ít-ra-en từ muôn thuở biết rằng, họ được tuyển chọn không để giữ riêng cho mình một bí mật tốt đẹp, nhưng là để loan báo cho thế giới dự án Thiên Chúa. Bài Thánh vịnh này không nói gì khác hơn thế: «Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người (ngụ ý nói Vua-Mê-si-a) được chúc lành, và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.»
Có một câu khác chúng ta được đọc, nhắc lại lời hứa khác của Chúa cho Áp-ra-ham; lần này trong chương 15 sách Sáng Thế. Thiên Chúa kết Giao Ước với Áp-ram bằng những lời sau đây: «Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát» (St,15, 18). Sau này, sách Si-rắc (Huấn ca) gom lại tất cả những lời hứa của Chúa cho Áp-ra-ham. Sách Huấn ca viết: «21 Vì thế, Người thề hứa với ông: nhờ dòng dõi ông, các dân tộc được chúc lành. Người gia tăng dòng dõi ấy nhiều như bụi đất, tôn hậu duệ ông lên như những vì sao, cho họ được hưởng phần gia nghiệp từ biển này cho tới biển kia, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất. Ông I-xa-ác và ông Gia-cóp» (Hc 44,21)
Chúng ta thường hay nhạy cảm về dân chủ, có lẽ, chúng ta khá ngạc nhiên thầm hỏi, làm sao có thể ao ước có một ông vua, vua này thống trị cả hành tinh: «từ biển này cho tới biển kia, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất!» Các hoàng đế của chúng ta, dù tham vọng đến đâu cũng không dám mơ ước đến như thế… Thế nhưng, đừng quên, rốt cuộc dân chúng mới là trung tâm của lời hứa: vị vua ấy chỉ là một công cụ trong tay Thiên Chúa, một công cụ phục vụ toàn dân. Và dân ấy có kích thước là nhân loại. Một nhân loại, rốt cuộc sẽ trở nên anh em với nhau và sống trong thái bình, không còn người nào bị sỉ nhục: «7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.»
Lúc ấy, sẽ được thực hiện hòa bình và công lý, hai điều luôn luôn ám ảnh con người từ khởi nguyên. Không phải không có lý do, tên Giê-ru-sa-lem theo tiếng Do Thái có nghĩa «Thành Phố Hoà Bình» - cũng như Bagdad được gọi là «Nhà Hoà bình» vì mọi dân tộc từ muôn thuở đều mơ ước như thế. Và chính đây, là một mãnh lực không thể tưởng tượng, sự táo bạo của Thánh Kinh; mặc cho chống đối «mưa gió bão bùng», mặc cho hiện tượng bên ngoài khác hẳn, một ngày kia hòa bình sẽ trở lại. Và bởi vì, hòa bình và công lý đi đôi với nhau - một thánh vịnh còn nói: «11 Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên.» (Tv 84, 11) - không còn người nghèo nào trên mặt đất. Lúc ấy, trái đất mới thật sự «thánh thiện», như nó phải như thế.
Lý tưởng ấy trải dài suốt Thánh Kinh: sách Đệ nhị luật chép: «4 Tuyệt nhiên giữa anh (em) sẽ không có người nghèo» (Đnl 15, 4). Bài Thánh vịnh cũng nói điều tương tự: «12 Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, 13 chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,». Tất cả bài Thánh vịnh nhắc lại lời hứa của Chúa, và thôi thúc ngày ấy đến… chứ không phải Chúa có thể quên lời hứa của Ngài! Trái lại, sở dĩ những người hành hương tề tựu về Đền Giê-ru-sa-lem hát lại bài Thánh vịnh về Vua-Mê-si-a, vì họ biết Thiên Chúa không quên dự án của Ngài.
Khi chúng ta cầu nguyện, không phải để nhắc Chúa một điều gì, Chúa có thể, không biết hoặc quên đi… Nhưng khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta học nhìn thế gian với cặp mắt Thiên Chúa. Tự đặt mình vào dự án của Ngài để hâm nóng lại lòng tin chúng ta, và từ đấy, múc lấy nghị lực làm việc hầu chu toàn lời hứa. Vì lẽ hòa bình, công lý và sự cứu rỗi người nghèo, kẻ đau khổ không được thực hiện bằng một chiếc đũa thần. Phần chúng ta cầu nguyện, xem dự án Thiên Chúa cũng là của chúng ta, và để Thần Khí hướng dẫn tham gia vào cuộc chiến ấy. Với ánh sáng của Ngài, uy lực của Ngài, ân sủng của Ngài, chúng ta sẽ thành công.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng.