Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM A - 08/12/2019

BÀI ĐỌC 2 (Rm 15, 4-9)

 

"Chúa Ki-tô cứu rỗi hết mọi người"

 

Trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Rô-ma.

 

4 Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.

5 Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi

6 Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

7 Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa.

8 Thật vậy, tôi xin quả quyết: Đức Ki-tô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa.

9 Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người, như có lời chép: Vì thế giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa.

 

Đây là một câu đáng viết bằng chữ vàng: «4 Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy». Xác tín rằng Lời Chúa chỉ có một mục đích để dạy dỗ chúng ta, là nguồn mạch lòng cậy trông và can đảm; chìa khoá để tiếp cận Thánh Kinh. Một khi chúng ta bắt đầu tiếp cận với một tiên báo tích cực như thế, các bài sẽ sáng lên. Nói cách khác, Lời Chúa lúc nào cũng là Tin Mừng.

Một cách thực tế, điều này có nghĩa, nếu chúng ta không nhận ra một lời nói nào đó, giải thoát ta, là chúng ta chưa hiểu Lời ấy. Nhưng không hiểu không phải là cái tội. Phải tiếp tục cố gắng để khám phá ra Tin Mừng, luôn luôn hiện diện trong Lời Chúa. Khi chúng ta tung hô Lời Chúa trong Thánh Lễ, hay khi chúng ta nói lên: «Phúc Âm (tức là Tin Mừng) Chúa Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta», không phải chỉ là đơn sơ một công thức. Nhưng đó là ý nghĩa của đức tin chúng ta. Như nhà văn La Fontaine nói «Trong ấy chứa đựng một kho tàng»: việc chúng ta phải làm, đào sâu để khám phá ra.

Không lạ gì, Lời Chúa nuôi dưỡng lòng cậy trông chúng ta, vì lẽ, rốt cuộc chỉ có một đề tài: loan báo dự án tuyệt vời của Thiên Chúa, điều Thánh Phao-lô gọi là «Kế hoạch yêu thương của Chúa», tức là những lời yêu thương của Ngài dành cho nhân lọai. Lời tuyên bố long trọng về Sách Thánh, mở đầu một lời cảnh báo cụ thể cho các tín hữu thành Rô-ma. Không hiểu ai báo cho thánh nhân biết chuyện gì xảy ra trong cộng đồng này, nơi ngài chưa bao giờ bước chân đến… Nhưng nếu đọc kỹ có thể đoán ra có vấn đề giữa hai phe: những Ki-tô hữu gốc Do Thái và những người gốc dân ngọai. Nhóm thứ nhất, vẫn tuân giữ mọi cách giữ đạo Do Thái, nhất là cách ăn uống; những người kia cho rằng những bó buộc ấy đã lỗi thời.

Chúng ta vẫn biết vấn đề này đã nhanh chóng đầu độc những cộng đồng Ki-tô hữu. Tuỳ nơi, tuỳ cộng đồng, điều này tác động cả hai chiều: hoặc những Ki-tô hữu gốc Do Thái muốn áp đặt cách giữ đạo của họ cho những người, họ nghĩ  là theo ngẫu tượng giáo. Hoặc những Ki-tô hữu đến từ ngẫu tượng giáo, tự cho mình có tư tưởng cao hơn, vì thế không bắt buộc phải theo những cách giữ đạo lỗi thời. Hình như trường hợp thứ hai này đã xảy ra tại Rô-ma; dù sao đi nữa, có bất hoà với nhau, và có thể có những trường hợp khinh miệt nhau.

Ngay chúng ta trong thế kỷ thứ XXI này, cũng không tránh được những tranh luận như thế: các phe phái mang tên khác, nhưng ngay trong Giáo hội Công giáo Rô-ma có nhiều dạng nhạy cảm khác nhau, trở thành xung khắc, và có khi thật sự trở thành những cuộc tranh chấp. Điều khác ngày nay, để tránh xung đột, mỗi người chọn gia nhập một giáo xứ hay một nhóm nào thích hợp với mình… Không chắc gì về lâu về dài đó là giải pháp ôn hoà nhất…

Ở Rô-ma, họ chọn giải pháp khác, đó là chung sống với nhau. Thánh Phao-lô không nói: hãy tránh xa nhau ra, chia cộng đồng làm hai, một bên là tín hữu gốc Do Thái, một bên gốc dân ngoại. Nhưng trái lại, thánh nhân khuyên họ chung sống với nhau: «5 Xin …anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi .6 Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.»

Như thường lệ - ví dụ như trong Thư thứ nhất gửi các tín hữu thành Cô-rin-tô - Thánh Phao-lô muốn cho mỗi bên thay đổi cách hành xử của mình, chỉ theo một chủ đích: đó là chọn thái độ xây dựng cộng đồng. Ngài nói đại để như: «Đừng hành động theo sở thích của mình; hãy hành động theo cách thích hợp nhất để xây dựng cộng đồng». Ngài dùng động từ «thiết lập», là một từ ngữ dùng trong công trình xây dựng.

Mỗi cộng đồng Ki-tô là một công trình phải xây dựng, ngày qua ngày. Mỗi người chúng ta cũng phải mang lại một chút gì là xi-măng, nhẫn nại và chấp nhận lẫn nhau. Trong vài câu trước bài đọc của chúng ta Thánh Phao-lô nói: «19 Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau» (14, 19) và: «2 Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng.» (15, 2)    

Như thường lệ, nguyên tắc hành xử của Ki-tô hữu phải bắt chước chính Chúa Giê-su. Ngay trong đọan Thánh Kinh trước bài đọc của chúng ta, Thánh Phao-lô cho chúng ta mẫu gương, Chúa Ki-tô đã chỉnh lại cách hành xử của mình không theo sở thích, nhưng để phục vụ anh em. Trong bài này chúng ta đọc: «Đức Ki-tô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa... Vì thế giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa». Kết luận: hãy chấp nhận lẫn nhau, Do Thái cũng như Dân ngọai nay trở thành Ki-tô hữu, đừng quan tâm gì quá khứ của nhau; hãy hát lên ngợi khen Thiên Chúa,  một bên vì lòng trung tín với Ngài, một bên vì lòng thương xót của Ngài.

***

 

PHÚC ÂM (Mt 3, 1-12)

 

"Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến."

 

Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu. 

1 Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng:

2 "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."

Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
4 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.

Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông.

6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.

7 Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?

8 Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.

9 Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham.

10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.

11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.

12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi."

 

Khi ông Gio-an Tẩy Giả bắt đầu rao giảng, quân La Mã đã chiếm đóng Ít-ra-en trên dưới 90 năm rồi. Họ để yên Hê-rô-đê làm vua, nhưng toàn dân đều oán ghét. Các tôn giáo chia rẽ nhau, mọi người không còn biết tin vào ai. Có những người thỏa hiệp với ngọai bang, có những người kháng chiến; rất thường, có người được kích động tìm cách làm cho mình được chú ý, và hứa ban ơn cứu độ, nhưng kết cuộc lúc nào cũng tồi tệ.

Gio-an bắt đầu rao giảng trong bầu khí ấy. Ông sống trong «sa-mạc» xứ Giu-đê (giữa sông Gio-đan và Giê-ru-sa-lem). Thật ra vùng này không như sa mạc, nhưng điều Thánh sử Mát-thêu quan tâm không phải vì vùng này ít người, khô héo nhưng là ý nghĩa thiêng liêng của sa mạc: viết như thế, ngài đã có trong đầu, âm vang trải nghiệm dân tộc Ít-ra-en trong sa mạc thời Xuất Hành; cùng với quan niệm sa mạc, những tư tưởng các ngôn sứ thời Giao Ước cực kỳ sốt sắng, điều tiên tri Hô-sê gọi là những cuộc đính hôn.

Gio-an Tẩy giả xuất hiện, tất cả y phục cũng như cách sống của ông, giống các tiên tri danh tiếng thời Cựu Ước, đặc biệt Ê-li-a. Cũng là cách Thánh Mát-thêu nhắc lại cho chúng ta lời tiên tri của Ma-la-khi: «23 Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng». (Ml 3, 23). Đó là cách nói những gì Gio-an Tẩy Giả loan báo, là đích thân Đấng Mê-si-a. 

Qua những gì Gio-an Tẩy Giả rao giảng, ông nhập đoàn với các tiên tri: như các ngài, ông có hai cách nói: hiền từ, khích lệ những người bé mọn, cứng rắn và đe dọa những kẻ kiêu căng. Chúng ta biết rằng, thật ra ông không ám chỉ một người nào hay hạng người nào, nhưng muốn nói tới những cách hành xử. Mục đích trấn an những kẻ bé mọn, nhưng cũng để làm tỉnh thức những kẻ «ta đây»… hay đúng hơn,  làm cho họ chú ý đến cách cư xử của mình. Ví dụ như cụm chữ ngài dùng, không như một lời mắng «nòi rắn độc kia», nhưng là một lời cảnh báo: đó là cách nói các ông cùng là một thứ con rắn «cám dỗ» trong vườn địa đàng.

Như các ngôn sứ khác, ông Gio-an Tẩy giả loan báo cuộc phán xét không phải lựa ra, người này với người khác, nhưng từ bên trong từng người chúng ta. Ông dùng hình ảnh của lửa, chúng ta đã gặp trong hướng ấy với ngôn sứ Ma-la-khi (Ml 3, 19-20) (CN XXXIII TN C): tất cả những gì đã chết, khô héo (hiểu trong cách sống chúng ta), sẽ bị chặt đi và cho vào lửa đốt … Nhưng, chúng ta biết rằng người làm vườn làm như thế để cho cành tốt phát triển; đến mùa gặt, người nông dân cũng lựa ra như vậy: lúa sẽ được gom về kho lẫm, rơm đốt đi. Những gì tốt nơi chúng ta, dù có ít đi nữa, sẽ được cẩn thận giữ lại; đây cũng là một Tin Mừng: trong mỗi chúng ta có những cách hành xử, ăn ở, làm chúng ta không mấy hãnh diện …những thứ ấy, sẽ được bỏ đi, để  dành nhiều chỗ cho thứ khác.

Chúng ta hẳn biết đấy: ông Gio-an Tẩy giả không nói cho người Xa-đốc, cũng không cho người Pha-ri-sêu, cũng không cho thường dân rằng, mọi chuyện đã hết, không còn làm gì được nữa; ông không hận thù gì đối với người này hay người khác. Với chúng ta, tôi nghĩ ông nói: «Nơi anh em, dù từ đâu đến«1 Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non» (Is 11, 1). Thế mà, ông Gio-an Tẩy giả nói rõ rằng Chúa Giê-su sẽ làm việc sàng lọc ấy: «Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. 12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi». Điều này có nghĩa, Đấng Giê-su thành Na-da-rét là Thiên Chúa. Lý do, trong suốt Cựu Ước, Thiên Chúa được xem như Quan Toà tối cao, đấng thử thách tim gan con người, biết sự thật từng người.

Ông Gio-an Tẩy Giả cũng có một cách tượng hình để nói về Chúa Giê-su: «Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi» (phải biết rằng trong Thánh Kinh, chữ quyền thế dành cho Thiên Chúa) «tôi không đáng xách dép cho Người».  Hãy tưởng tượng cảnh này: dĩ nhiên muốn xuống sông Gio-đan phải  cởi giày. Khi một nhân vật quan trọng, có nô lệ,  người hầu ấy phải cởi giày cho chủ. Nhưng nếu người ấy có một môn đệ, người môn đệ này hàng trên người nô lệ, nên không cởi giày cho thầy mình. Ông Goan nói: «Phần tôi, tôi không đáng là môn đệ Chúa Giê-su; tôi cũng không đáng là nô lệ của Ngài, vì thế tôi càng không đáng cởi giày cho Ngài»

Điều rất thú vị trong câu truyện, cho đến giờ, người trong tư thế là thầy, có nhiều môn đệ theo; chính là ông Gio-an Tẩy Giả chứ không phải Chúa Giê-su. Tại sao ông Gio-an lại khép mình trước Người mới tới? Bởi vì, Chúa Giê-su là Đấng sẽ làm phép Rửa, tức là dìm nhân loại trong lửa của Thần Khí: «11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối… (ngụ ý nói tôi chỉ là con người) Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa». Ai có quyền trên Thánh Thần như thế được, nếu không phải là Thiên Chúa? Nếu tiên tri Giô-en hiện diện ở đó, bên bờ sông Gio-đan, ngài có thể nói: các bạn thấy không, tôi đã nói với các bạn, một ngày kia Thiên Chúa sẽ đổ Thần Khí trên hết thảy người phàm (Ge 2, 28). Chúng ta chỉ cần buông chúng ta cuốn theo ngọn lửa ấy.

***      

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                      
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân            
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng              

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com