Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM A - 15/12/2019

BÀI ĐỌC 2 (Gc 5, 7-10)

 

"Hãy vững lòng, vì Chúa gần đến".

 

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

 

7 Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa.

8 Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới.

9 Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa.

10 Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa.

                                                                                  

Có ít là ba người tên Gia-cô-bê trong những người gần Chúa Giê-su: Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê (người này cùng với Gio-an được chứng kiến Chúa Biến Hình, và đi với Chúa trong vườn Ghét-xê-ma-ni), Gia-cô-bê con ông An-phê, cùng trong nhóm mười hai Tông Đồ, và sau cùng là Gia-cô-bê, người anh em họ với Chúa Giê-su (có lúc được gọi là anh em Chúa Giê-su), người này là một trong những người trách nhiệm cộng đoàn Giê-ru-sa-lem, thường được xem như tác giả thư Gia-cô-bê trong Thánh Kinh; nhưng không ai có thể quả quyết là thế.

Dù sao đi nữa, trong thư này, chúng ta gặp lại một đề tài thường gặp trong các cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi, đó là chờ đợi. Chân trời đối với thánh nhân, có thể nói tầm nhìn của ngài là ngày Chúa quang lâm. Chúng ta cũng đã thường chú ý trong các thư Thánh Phao-lô, ngài không ngớt hướng về mục đích phải đến, đó là ngày hoàn tất công trình Thiên Chúa. Nhân đây, tôi xin lưu ý một sự nghịch lý, chính lúc mới đầu được nghe rao giảng, chính là lúc mọi người nóng lòng muốn thấy tận thế… Có lẽ, vì người ta thấy Chúa Phục sinh, nên đã nếm thử thế nào là phục sinh chăng?

Tôi dùng chữ «nóng lòng». Và Thánh Gia-cô-bê chính xác dùng chữ kiên nhẫn, Ngài lập lại bốn lần chữ này trong vài hàng của bài này, và nếu tôi không lầm kiên nhẫn đi với cậy trông: «xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm». Cậy trông, tức là xác tín Chúa sẽ đến, một xác tín luôn giữ chúng ta tỉnh thức, hướng về mục đích như trong một cuộc chạy đua, thường được Thánh Phao-lô dùng làm ví dụ. Nhưng cuộc chạy đua này, Thánh Gia-cô-bê nói là một cuộc chạy đua dài hơi, phải có sức dẻo dai. Động từ tiếng Hy-lạp, Thánh Gia-cô-bê dùng ở đây được dịch là kiên nhẫn, chính xác có nghĩa là «có dài hơi»… Phải tin rằng thời gian tới ngày quang lâm, ngày đăng quang vĩnh viễn Triều Đại Thiên Chúa, được sống như một thử thách về sức chịu đựng lâu dài… Lúc khởi đầu, sau khi Chúa Ki-tô Phục Sinh và Lên Trời, mọi người tin sẽ rất gần ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Thế rồi, năm này qua năm khác đến, cũng phải sống với lâu dài. Lúc ấy, sự cậy trông trở nên vấn đề kiên nhẫn. Có lẽ có thể nói, lòng cậy trông là lòng tin qua thử thách của thời gian (khi chờ đợi là một cuộc chạy đua dai sức).

Chạy đua dai sức cần có dài hơi, và muốn có hơi - hãy hỏi những tay đua, những ca sĩ, hay những nhạc sĩ thổi sáo - phải tập luyện. Để tập luyện, Thánh Gia-cô-bê đưa hai mẫu gương cho các đọc giả Ki-tô hữu: sự khôn ngoan người nông dân và lòng can đảm các ngôn sứ. Năm này qua năm khác, người nông dân biết mùa đổi thay như thế nào: như sách đệ Nhị Luật chép: «14 thì Ta sẽ ban mưa cho đất các ngươi đúng mùa, mưa đầu mùa và mưa cuối mùa» (Đnl 11, 14). Trong lúc ấy, tất cả các ngôn sứ đều phải đối đầu với sự phản kháng của những kẻ được loan báo, mặc dù đó là những lời cứu độ họ. Các ngôn sứ phải biết học tính kiên quyết và nhẫn nại để có thể trung tín với sứ mạng của họ. Cộng đoàn Ki-tô của Thánh Gia-cô-bê cũng có một sứ mạng tiên tri, giống như một sự thử thách về sức chịu đựng lâu dài. Phải có hơi, phải có một trái tim cứng rắn, Thánh Gia-cô-bê nhắc lại: «hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí», trong bản gốc câu này có nghĩa: «hãy làm cho tim anh em cứng rắn».

Lạ thay, trong câu kế tiếp, không có trong bài đọc Chúa nhật của chúng ta, Thánh Gia-cô-bê dùng một mẫu gương của lòng nhẫn nại trong Cựu Ước, và ngài chọn ai? Thánh nhân chọn ông Gióp. Đây là lần duy nhất trong Tân Ước nói về ông Gióp. Điều này đáng ghi nhận «phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp» (Gc 5, 11). Điều này ngụ ý nói: nếu anh em kiên trì mhư ông Gióp, và vững lòng cậy trông, anh em cũng vậy, anh em sẽ gặp Chúa như ông Gióp đã gặp Ngài.

Cụ thể, trong mối quan hệ với nhau, những Ki-tô hữu cần chu toàn sứ vụ ngôn sứ của họ «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.» (Ga 13, 35) Chúa Giê-su nói như thế, Thánh Gia-cô-bê cũng nói tương tự: «9Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử», điều này nhắc đến một câu khác của Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo hai Thánh Mát-thêu, và Lu-ca: «1 Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán» (Mt 7, 1; Lc 6, 37), ngụ ý nói chỉ có Chúa là đấng thẩm phán. Hơn nữa, nghĩa gốc của bài là: «Đừng tự cho mình là thẩm phán», như thế, rõ hơn nói: khi xét đoán, là lạm dụng một quyền chúng ta không có phép.

Thánh Gia-cô-bê nói: «Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa». Trước hết, đây là một hình ảnh biểu tượng. Thật vậy, khi xưa các thẩm phán ngự ở các cửa thành, không trong nội thành. Ngoài ra còn có nghĩa hai điều khác: điều thứ nhất là ngày Chúa đến là lúc phán xét -ngụ ý nói, hãy sống trong viễn ảnh đó - và ở đây, chúng ta tìm lại những đề tài tiên tri, đặc biệt điều Gio-an Tẩy Giả rao giảng. Điều thứ hai, Đấng thẩm phán không phải anh em. Hình như những lời nhắc lại không thừa, vì trong thư Thánh Gia-cô-bê, ngài trở lại nhiều lần: «11 Thưa anh em, anh em đừng nói xấu nhau» (Gc 4, 11). Hay là: «Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?» (Gc 4, 12). Và Thánh Gia-cô tiếp tục trong bài này: «Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa». (ngụ ý nói vị Thẩm Phán thật), đấng nhìn tự trong lòng không ở bề ngoài, Đấng thấu suốt tâm can… người gặt hái thật, không vội cắt lúa nhổ gốc lúa cùng lúc với cỏ lùng (Mt 13, 29).

Bài học này cũng đáng cho chúng ta: một đàng, chúng ta an toàn trong lâu dài, nên có lẽ thiếu «hơi» của các ngôn sứ. Mặt khác, có lúc chúng ta đặt mình vào vị thế thẩm phán, đó không phải nghề chúng ta - sứ vụ chúng ta - như thế chúng ta lẫn lộn lúa với cỏ lùng. Chắc chắn rằng câu truyện cọng rơm và cái xà trong mắt là của mọi thời đại.

***

 

PHÚC ÂM (Mt 11, 2-11)

 

"Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi phải đợi một Đấng nào khác?"

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu

 

2 Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng:

"Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?"

4 Đức Giê-su trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe:

5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,

6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."

7 Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: "Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?

Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua.

Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.

10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.

11 "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.

 

Chúa nhật vừa qua, Phúc Âm giới thiệu cho chúng ta ông Gio-an Tẩy-giả đang làm phép rửa  trên sông Gio-đan cho những người đến với ông. Ông nói: «Còn Đấng đến sau tôi» (Mt 3, 11). Câu  chuyện ngày hôm nay xảy ra vài tháng, sau khi Ông Gio-an bị vua Hê-rô-đê cầm tù. Các sử gia thời ấy phỏng chừng vào năm 28; và trong Phúc Âm, Thánh Mát-thêu nói, lúc ấy Chúa Giê-su bắt đầu thật sự đi rao giảng. Trong thời thượng cổ, ở tù không nhất thiết là phải chịu những điều kiện khổ cực ; có những bằng chứng cho thấy các tù nhân quan hệ dễ dàng với bên ngoài. Lúc ấy, ông Gio-an Tẩy Giả nghe người ta nói về những điều Đức Giê-su làm bên ngoài, các môn đệ ông thuật lại, nhưng không hẳn lúc nào cũng tốt đẹp. Vì thế ông cũng tự đặt câu hỏi.

Ngày Chúa Giê-su đến sông Gio-đan chịu phép Rửa, ông Gio-an xác tín rằng đấy là Đấng Mê-si-a, và ông đã mạnh dạn tuyên bố rõ ràng như thế. Thế rồi, vài tháng sau khi ông Gio-an Tẩy giả bị bắt, Chúa Giê-su đi xa: Chúa rời khỏi vùng ven sông Gio-đan đi về Miền Bắc Ga-li-lê. Bài này, Thánh sử Mát-thêu thuật lại cho chúng ta, thuở ban đầu cuộc đời rao giảng của Chúa Giê-su. Một loạt bài giảng - kể cả Bài Giảng Trên Núi bất hủ, các mối phúc thật - và những hành động của Ngài: trước hết, có vô số những cuộc chữa lành, nhưng cũng có những cách hành xử khá lạ thường. Ví dụ như có nhiều môn đệ theo cạnh Chúa, không phải là những người có tiếng tốt, và gồm đủ mọi hạng người. Về mặt tôn giáo (cũng như về mặt chính trị) họ không cùng phe với nhau, nhẹ lắm là nói như thế…

Hơn nữa, không như một ngôn sứ, Chúa không có vẻ gì khổ hạnh! Ông Gio-an Tẩy Giả  đúng là một nhà khổ hạnh, mọi người chiêm ngưỡng điều đó nơi ông; ít thêm nữa, Chúa Giê-su ăn uống như mọi người, còn trầm trọng hơn, Ngài công khai giao thiệp với bất cứ ai. Trong lúc ấy, ông Gio-an Tẩy Giả vẫn là người đầy nhiệt huyết; vì thế, không lạ gì, ông khá băn khoăn và tự hỏi: có phải tôi lầm về đấng Mê-si-a chăng? Do vậy, ông gửi các môn đệ đến Chúa Giê-su để đặt câu hỏi: Đấng Mê-si-a có phải là em hay không? Chúa Giê-su không trả lời thẳng câu hỏi của Gio-an, có hay không. Ngài kể từ Thánh Kinh, các đoạn nói về Đấng Mê-si-a và bảo nói lại với Gio-an: hãy kiểm tra xem, có đúng là những điều ta làm không. Ngụ ý Chúa muốn nói: đúng vậy, ta là Đấng Mê-si-a, anh không lầm, có điều anh ngạc nhiên, ngỡ ngàng về cách ta làm, đó là điều anh phải khám phá ra Dung Nhan thật của Thiên Chúa.

Vấn đề ông Gio-an Tẩy Giả đặt ra thật sự chủ yếu. Đối với ông Gio-an đã đành, vì chính ông hỏi, nhưng cũng đối với Chúa Giê-su nữa. Chính Ngài cũng có nhiều lần tự hỏi như thế, có lẽ nhiều lần trong đời trần thế của Ngài; nhiều lần, khi Ngài phải có những chọn lựa (rõ ràng nhất là lúc Chúa bị cám dỗ trong sa mạc). Phần cơ bản của vấn đề Mê-si-a, chúng ta xác tín rằng, thế nào Ngài cũng sẽ đến, nhưng đến như thế nào, và Ngài sẽ làm gì? Ngài sẽ là một vị vua vinh quang, đầy quyền lực... hay là một tư tế, một ngôn sứ? Thế nhưng, các đọan Thánh Kinh Chúa chọn để giới thiệu sứ vụ của Ngài, biểu lộ dung nhan một Đấng Mê-si-a đơn sơ; Người như mọi người, phục vụ con người, phục vụ người hủi, tàn tật, những người đau khổ mọi bề. Đấy là dung nhan thật của Thiên Chúa, một Thiên Chúa cùng với loài người, phục vụ con người. Và cuối câu, Chúa Giê-su có vài lời tán dương, và khuyến khích người tù nhân: «6 phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi».

Thay vì, giữ lấy trong lòng những ngờ vực, nghiền ngẫm những mẩu thông tin vụn vặt đây đó, hoặc thảo luận với các môn đệ, tạo cho mình những ý kiến riêng về Chúa Giê-su; ông Gio-an Tẩy Giả chọn con đường thẳng nhất, là gởi một môn đệ đến với chính Chúa Giê-su… Đó cũng là những người đã nói với ông Gio-an: thầy biết không, người mà thầy loan báo là Đấng Mê-si-a, có thể là không phải đấy! Hành động như thế, ông Gioan chứng tỏ đã không mất lòng tin. Ông luôn có đức tin, chỉ xin Chúa soi sáng cho mình. Phúc cho ai luôn đứng vững, ngay trong lúc ngờ vực! Hơn nữa, Chúa Giê-su cố gắng làm cho mọi người hiểu Gio-an Tẩy Giả là ai: đó là đoạn sau của bài Thánh Kinh. Để hiểu rõ hơn, chúng ta cần vài mốc chính xác về địa lý.

Khúc sông Gio-đan cạn, nơi ông Gio-an làm phép Rửa là men bìa sa mạc, trên đường đoàn lạc đà đi qua A-ra-bi-a. Có những buổi chiều mùa đông, cỏ non mọc ven sông, những bụi sậy cứng cáp hơn, phong cảnh gió thổi sậy rung rinh trên tấm thảm cỏ xanh là quang cảnh rất đáng đến chiêm ngưỡng. Hơn nữa con đường đi A-ra-bi-a là con đường dẫn đến các thành phố thần thoại xây trong các ốc đảo sa mạc, các thành phố của ngàn lẻ một đêm trong ấy các tiểu vương sống trong xa hoa có một không hai. Khi ấy Chúa Giê-su hỏi: thực ra các bạn đến đó làm gì, đi du lịch hay để mơ mộng ? Các bạn không biết các bạn đến với vị tiên tri lớn nhất các tiên tri, đấng nói những lời tiên tri sau cùng của Cựu Ước, đấng Thiên Chúa gửi đến như sứ thần mở đường cho Đấng Mê-si-a. Đấng Thánh Kinh nhiều lần loan báo như đấng tiền hô, đi trước để mở đường cho Đấng Mê-si-a. Ngài là vị tiên tri lớn nhất các tiên tri, vì mang đến sứ điệp quyết định: đây rồi, lời Chúa hứa đang thể hiện. Nhưng Chúa Giê-su lại thêm: « Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. » Lời này thật lạ lùng. Vì chúng ta biết có sự ngờ vực của người tù nhân của vua Hê-rô-đê, chúng ta hiểu câu này của Chúa: Gio-an Tẩy Giả chỉ là người đưa tin, nội dung của sứ điệp của ông quá sức hiểu biết của ông. Điều mà ông không biết thì người bé nhỏ nhất của các môn đệ Chúa Giê-su sẽ khám phá ra, đó là nội dung ý nghĩa sứ điệp của Chúa: « 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. » (Ga 1, 14).

***      

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                      
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân            
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng              

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com