Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN NĂM A - 19/01/2020

BÀI ĐỌC 1 (Is 49, 3.5-6)

 

"Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc, để ngươi nên ơn cứu độ của Ta"

 

Trích sách Tiên tri I-sa-i-a

 

3 Người đã phán cùng tôi: "Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta.
Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang."

5 Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng.
Người là Đấng nhào nặn ra tôi
từ khi tôi còn trong lòng mẹ
để tôi trở thành người tôi trung,
đem nhà Gia-cóp về cho Người
và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người.
Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng,
và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.

6 Người phán: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta
để tái lập các chi tộc Gia-cóp,
để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.
Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,
để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất."

 

Ngày lễ Chúa Ki-tô chịu phép rửa, chúng ta đã đọc Bài Ca Người Tôi Trung thứ nhất trong bốn bài (Is 42). Đây là một nhóm gồm bốn bài, hình như một nhóm đặc biệt được trình bày trong sách thứ hai Tiên tri I-sa-i-a. Các bài được mang tên «Bài Ca Người Tôi Trung», vì những bài này, mỗi bài miêu tả một khía cạnh khác nhau chân dung «Người Tôi Trung của Thiên Chúa».

Trong bài ca thứ nhất chúng ta đã nhận xét ba điểm quan trọng: Người Tôi Trung được Thiên Chúa chọn để thực hiện một sứ vụ đặc biệt. Sứ vụ ấy là một sự phán xét, hiểu theo nghĩa cứu độ, nâng lên những đau khổ về mọi mặt. Sau cùng, sứ vụ ấy gồm cả nhân loại, tượng trưng qua từ ngữ tuyệt vời «Hải đảo xa xôi». Tôi gọi đó là tính hoàn vũ của kế hoạch Thiên Chúa.

Trong bài Ca Người Tôi Trung thứ nhất, không nói rõ ai là người tôi trung; phải chăng bài miêu tả một nhân vật có thật, hay là chân dung lý tưởng của người tôi trung Thiên Chúa? Bài ca thứ hai hôm nay, chương 49 sách I-sa-i-a cho chúng ta hiểu xa hơn.

Nhưng, trước khi trả lời câu hỏi ấy, xin đừng quên, mọi sách thánh đều mặc khải hoặc về Thiên Chúa hoặc kế hoạch của Ngài; và đây thật rõ ràng: những chữ sau cùng của bài chúng ta nghe hôm nay: «đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất». Một lần nữa, Thánh Kinh cho chúng ta biết kế hoạch của Thiên Chúa là kế hoạch cứu độ, đem lại hạnh phúc bao gồm cả loài người: «Ta đến tận cùng cõi đất».

Ở đây, sứ vụ Người Tôi Trung được miêu tả một cách đáng ngạc nhiên: “Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang”, có nghĩa là: «Nơi con, người tôi trung của Ta, Ta được biểu hiện, được nhìn nhận và mặc khải». Thánh Kinh do nhóm Liên Tôn chuyển ngữ chép rằng: «Nơi con biểu lộ vinh quang của Ta». Câu đơn sơ này nói lên một điều tuyệt vời; Vinh Quang Thiên Chúa, tức là ánh sáng chiếu từ sự hiện diện của Ngài: «Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang», có nghĩa là một người hay một dân tộc có thể mang lấy vinh quang Thiên Chúa và chiếu rọi ánh sáng Thiên Chúa. Đây cũng là một khám phá lớn lao của dân tộc Ít-ra-en: có lẽ, chúng ta không lường được những lời lẽ này táo bạo như thế nào! Một Thiên Chúa toàn năng, một Thiên Chúa Vua các vua, một Thiên Chúa «chí thánh» như lời ngôn sứ I-sa-i-a, lại là một Thiên Chúa thật gần gũi; chúng ta có dịp khám phá hai phương diện của đức tin dân tộc Ít-ra-en: một vực sâu vô tận chia cách Thiên Chúa và sự nhỏ bé của chúng ta, Thiên Chúa là Đấng Khác Biệt từ muôn thuở. Thế nhưng, vực sâu không ai có thể vượt qua bằng nỗ lực cá nhân mình, nhưng Ngài lại băng qua được; đến gần chúng ta, gần đến nổi «nghe» được tiếng kêu than thống khổ của dân Ngài, và Ngài can thiệp để giải thoát họ. Nhưng trong câu: «Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang», còn có hàm ý khác: Chúa gần gũi chúng ta đến nỗi, chúng ta mang lấy vinh quang của Ngài, để rồi, đến phiên chúng ta mang lấy ánh sáng của Ngài.

Câu sau cùng của đoạn này nói lên điều ấy: «Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất». Hẳn các bạn còn nhớ, sách I-sa-i-a (chương 60) chúng ta đã đọc trong dịp lễ Hiển Linh, Ngài dùng chính đề tài này: Giê-ru-sa-lem mang lấy ánh sáng Thiên Chúa để dẫn dắt muôn dân; và chúng ta nhận xét, đây cũng là ánh sáng Thiên Chúa. Ở đây, ngôn sứ I-sa-i-a dùng một biểu ngữ tượng tự: «Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi». Tất cả sức mạnh, tất cả ánh sáng, không đến từ chúng ta mà từ Thiên Chúa, Ngài ngự trong chúng ta.

Còn một điều đáng ngạc nhiên nữa trong bài này hôm nay, và chúng ta cũng nhận ra trong Bài Ca Thứ Nhất Người Tôi Trung, Chúa nhật vừa qua: Ánh sáng của Chúa cho muôn dân, là khí cụ của Thiên Chúa: «để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất», đó chính xác là ơn gọi của Đấng Mê-si-a, từ muôn thuở. Thế nhưng, ở đây không phải Đấng Mê-si-a-Vua mà là Mê-si-a Tôi Trung, hai điều không có gì giống nhau. Với bốn Bài Ca Người Tôi Trung của sách I-sa-i-a, việc chờ đợi Đấng Thiên Sai có một bộ mặt khác.

Còn một vấn đề khó: người tôi trung bí mật này,một nhân vật cá thể hay tập thể? Ngay từ câu đầu, nhân vật ấy là Ít-ra-en: «Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang». Chúng ta hẳn còn nhớ, Ít-ra-en là tên lóng của Gia-cóp, con của I-sa-ắc và Rê-béc-ca, em sinh đôi với Ê-xau, tổ tiên của dân cùng tên; nhất là, đây cũng là tên của dân Chúa chọn. Người Tôi Trung là nhân vật tập thể, đây là dân Ít-ra-en được trao phó sứ mạng phục vụ thế giới. Kế hoạch Thiên Chúa là kế hoạch hoàn vũ,  để chu toàn kế hoạch ấy, Thiên Chúa chọn một dân tộc đặc biệt, đó là Ít-ra-en. «Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.»

Điều khó hiểu là đâu? Từ vài hàng dưới đoạn chúng ta đọc: «Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người» (Is 49, 5). Nếu Người Tôi Trung là Ít-ra-en làm sao có thể qui tụ Ít-ra-en? Nhiều người nghĩ rằng, đây là nhóm nhỏ còn sót lại những người đức tin không bị chao đảo, mặc dù sau nhiều năm lưu đày và đi tù. Chúa giao sứ vụ cho những người ấy, để nâng đỡ tinh thần anh em, để qui tụ họ lại đưa về xứ, hay nói như I-sa-i-a: «trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người »… Nhưng sự phục hưng dân tộc này nằm trong dự án Thiên Chúa, như màn đầu của sự cứu độ nhân loại. Chính công trình vô vọng, nâng đỡ cả dân tộc do một nhóm người, sau này sẽ là kẻ minh chứng cho Chúa Ít-ra-en: «Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất»

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 39, 2.4ab.7-8.10)

 

"Lạy Chúa, này đây con đến thực thi ý Chúa."

 

2 Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.

3 Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong,
khỏi vũng lầy nhơ nhớp,
đặt chân tôi đứng trên tảng đá,
làm cho tôi bước đi vững vàng.

Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ
và tin tưởng vào CHÚA.

5 Phúc thay người đặt tin tưởng nơi CHÚA,
chẳng vào hùa với bọn kiêu căng
và những kẻ theo đường gian ác.

Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
những kỳ công Ngài đã thực hiện
và những điều Ngài dự định cho chúng con:
thật là nhiều vô kể!
Không một ai sánh được như Ngài.
Dầu con muốn loan đi kể lại,
nhưng quá nhiều, đếm nổi làm sao!

7 Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,

8 con liền thưa: "Này con xin đến!
Trong sách có lời chép về con

9 rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con."

10 Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội;

lạy CHÚA, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.

 

«Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu». Như thường lệ, trong Thánh vịnh, khi một nhân vật cá nhân nói, chúng ta biết đó, thật ra là một nhân vật tập thể, là dân tộc Ít-ra-en hát lên lời ca tạ ơn. Họ đã trải qua những thử thách khủng khiếp, và Chúa đã giải thoát họ.

Bài Thánh Vịnh 30 (40) là một Thánh vịnh tạ ơn. Bài được sáng tác với một công dụng rõ ràng trong phụng vụ: đó là bài thánh ca lúc dâng của lễ (xin đừng quên tế lễ thú vật được cử hành tại Giê-ru-sa-lem cho đến khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá hoàn toàn, vào năm 70 sau CN). Ngay trong lúc dâng lễ, bài hát loan báo trong tương lai, việc tế lễ sẽ bị huỷ bỏ trong Giao Ước Mới: «Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi». Các tiên tri phải dùng đến cả một phương pháp sư phạm, để làm tiến hóa việc thực hành các nghi thức tế lễ. Tất cả Thánh Kinh, là một trường học suốt thời gian dài dạy thực hành, và với bài thánh vịnh 39 này, chúng ta đang trong giai đoạn cuối cùng của sự biến đổi quan hệ Ít-ra-en với Thiên Chúa.

Tôi xin trở lại việc dâng của lễ ở Ít-ra-en: điều này phát triển song song với sự hiểu biết về Thiên Chúa. Thật là lô-gíc: «hiến tế» (Sacrum facere theo tiếng La tinh) có nghĩa là «làm điều thần thiêng», tiếp xúc, hay đúng hơn kết hiệp với Chúa. Tất cả, dĩ nhiên tuỳ cách hiểu Thiên Chúa là như thế nào. Vì thế, dần dần, một khi khám phá ra Thiên Chúa như thế nào, thì việc tế lễ cũng thay đổi theo chiều hướng ấy.

Tôi bắt đầu từ đầu. Điều thứ nhất cần nhớ: không phải Ít-ra-en đã tạo ra việc tế lễ hay hiến tế (có trước xa nơi các dân tộc khác ở Trung đông, lúc dân tộc Ít-ra-en còn chưa xứng được gọi là một dân tộc). Nhận xét thứ hai, khi chúng ta tìm hiểu về tế lễ ở Ít-ra-en: việc này luôn luôn có suốt lịch sử Thánh Kinh. Có nhiều loại lễ tế, nhưng tất cả đều là một phương tiện để tiếp xúc với Thiên Chúa. Nhận xét thứ ba: các cuộc tế lễ của dân Chúa chọn giống với các dân tộc lân cận… Thật vậy, nhưng có một điều khác biệt, một khác biệt thật to lớn: đặc thù nơi Ít-ra-en, lễ toàn thiêu người, bị nghiêm cấm. Xưa kia thì có; thật vậy, dù có rất ít, nhưng không thể chối cãi là không có tế lễ người tại Ít-ra-en. Điều này không chứng minh là được Chúa cho phép và tán thành! Trái lại, lúc nào cũng là một lập trường kiên định trong Thánh Kinh: dù bất cứ thời nào, lễ toàn thiêu người được xem như một điều kinh tởm, Ngôn sứ Giê-rê-mi-a, thay mặt Chúa nói: «Ta không bao giờ có ý tưởng đó» và trong nhiều đoạn ngài nói: «Đó là điều Ta đã không truyền dạy, cũng chẳng bao giờ nghĩ tới» (Gm7, 31; 19, 6; 32, 35). Và câu truyện bất hủ cuộc tế lễ của Áp-ra-ham - dân Do Thái gọi là «Trói I-sa-ắc» - được đọc chính xác là để minh chứng rằng, từ đầu Giao Ước Thiên Chúa với dân Ngài chọn, các cuộc tế lễ người bị nghiêm cấm. Chính vì thế, Áp-ra-ham được mặc khải, tế lễ không phải là giết! Ông đã hiến tế con mình nhưng ông không có giết nó.

Nghĩ cho cùng điều này thật chi lý! Thiên Chúa là Chúa sự sống: không thể nào có thể tưởng tượng, muốn đến với Ngài phải đem lại sự chết! Cấm tế lễ người là điều chính yếu, được nhấn mạnh trong đạo của Giao Ước. Chỉ có tế lễ súc vật được tiếp tục; nhưng dần dần, qua thời gian có một sự biến đổi thật sự, có thể nói, có một sự hoán cải về tế lễ. Có hai điểm về sự hoán cải: trước hết về ý nghĩa sau đó là lễ vật hiến tế.

1/ Về ý nghĩa của hiến tế. Trong Thánh Kinh, một khi dần dần được mặc khải về Thiên Chúa, việc tế lễ cũng được tiến triển; có thể nói: Hãy nói cho tôi bạn hiến tế như thế nào, tôi sẽ nói Chúa của bạn ra sao. Chúa chúng ta có chăng là một Chúa phải thuần hóa mới được ơn từ Ngài, phải làm gì đó để xứng đáng? Một Chúa nóng giận cần ta làm cho hạ cơn giận? Một Thiên Chúa đòi hỏi có người chết?... Thế thì, các cuộc tế lễ của ta phải làm trong chiều hướng ấy, đó là những trò ma thuật, đại loại như để mua chuộc Thiên Chúa. Hay là, Chúa chúng ta là Đấng yêu thương chúng ta trước tiên; một Thiên Chúa chỉ có một kế hoạch, là kế hoạch nhân từ, ân sủng của Ngài đã ban trước cho chúng ta; bởi vì, Ngài chỉ là Ân sủng, Thiên Chúa Tình Yêu và là Sự Sống?... Và như thế, của lễ chúng ta cũng sẽ khác hẳn, đó là những cử chỉ yêu thương và lòng biết ơn. Những nghi thức, không còn phải là những cử chỉ ma thuật, mà là dấu chỉ của Giao Ước với Thiên Chúa.

Tất cả Thánh Kinh,  lịch sử của hành trình học hỏi thật chậm, từ hình ảnh đầu tiên của Thiên Chúa bước qua hình ảnh thứ hai của Ngài. Chính chúng ta mới cần thuần phục, cần khám phá ra tất cả là quà tặng nhưng không; cần biết nói cám ơn (Thánh Kinh gọi là lễ tế bằng môi). Tất cả phương pháp sư phạm của Thánh Kinh, nhằm cho chúng ta bỏ đi cái lô-gíc «có qua có lại», tính toán, phải xứng đáng, để bước qua cái lô-gíc của ân huệ, của quà nhưng không. Và bài học ấy không bao giờ chấm dứt.

2/ Sự hoán cải ấy còn liên quan đến của tế lễ: các ngôn sứ có một vai trò quan trọng trong hành trình học hỏi thật chậm này của dân Chúa chọn. Các ngài mặc khải cho họ dần dần của lễ Chúa thật sự muốn: thực hiện các cuộc tế lễ theo tinh thần của «sacrum facere» (làm điều thiêng liêng), thật là tốt, nhưng với điều kiện đừng nhầm lẫn những gì Chúa chờ đợi nơi ta! Có thể giống như các ngôn sứ nói với chúng ta: «Ngươi muốn vào mối tương quan với Thiên Chúa…? Tốt đấy!... với điều kiện đừng lầm Chúa nào khác!»

Có lẽ, một câu của ngôn sứ Hô-sê, (thế kỷ thứ VIII) tóm lược hoàn hảo cách rao giảng của các Tiên Tri: «Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ». (Hs 6, 6) Mọi người dần dần khám phá ra hy lễ thật sự, làm điều thiêng liêng, không phải là giết đi mà làm cho sống lại. Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống: giết chết đi, không thể nào là phương pháp tốt nhất để đến gần Ngài! Làm cho anh em ta sống, là cách tốt nhất để đến gần Ngài.

Giai đoạn cuối cùng phương pháp sư phạm ấy của các tiên tri, giới thiệu cho chúng ta thế nào là hy lễ lý tưởng: Đó là phục vụ anh em ta. Chúng ta tìm thấy quan niệm này trong cả bốn bài ca người tôi trung, trong sách thứ hai của I-sa-i-a. Lý tưởng của Người Tôi Trung là hy lễ lý tưởng, «một mạng sống cho đi để đem lại sự sống» .

Bài Thánh Vịnh 39 tóm tắt tuyệt vời sự mặc khải của Thánh Kinh về hy lễ: «7 Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con». Từ bình minh của loài người, Thiên Chúa đã «mở tai» con người, để bắt đầu cuộc đối thoại tình yêu; bài Thánh vịnh 39 phản ánh hành trình dài của dân Chúa chọn, tập sự đi vào cuộc đối thoại ấy. Trong Giao Ước Si-nai, các hy lễ súc vật, tượng trưng cho lòng quyết tâm của dân chúng thuộc về Thiên Chúa; trong Giao Ước Mới, sự lệ thuộc ấy hoàn toàn: cuộc đối thoại được thực hiện, hy lễ và lễ vật đều thiêng liêng, như sau này Thánh Phao-lô nói: «Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế»., (Dt 10, 5) Lúc bấy giờ, bài hát mới vang lên từ lòng người: «10 Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội»  

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                            
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân                  
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                   


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com