BÀI ĐỌC 2 (Rm 8, 8-11)
"Thánh Thần của Đấng làm cho Đức Giê-su Ki-tô từi cõi chết sống lại, ở trong anh em."
Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
8 Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa.
9 Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô.
10 Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính.
11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.
Tiên tri Ê-dê-ki-en đã loan báo «Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh» (Ed 37, 14). Kể từ ngày chúng ta nhận bí tích Rửa Tội, Thánh Phao-lô nói, đó là điều đã thành hiện thực; Ngài dùng một từ ngữ rất tượng hình «Người đang ngự trong anh em». Dựa vào nghĩa đen của câu này, một nhà suy niệm Lời Chúa nói ta đã «thay đổi chủ nhà». Chúng ta trở nên nhà của Thần Khí: kể từ nay chính Ngài chỉ huy.
Ngài chỉ huy thì rất hay, thú vị cho chúng ta trong mọi lãnh vực của cuộc sống, trong đời tư cũng như trong cộng đồng, cho những ai trong vai trò phải chỉ huy; hay nói cách khác, cho những mục tiêu của chúng ta hay cho những gì chúng ta theo đuổi. Đối với Thánh Phao-lô, không có ba mươi sáu giải pháp: hoặc chúng ta sống dưới ách thống trị của xác thịt hoặc chúng ta sống dưới ảnh hưởng của Thần Khí. Dưới ảnh hưởng của Thần Khí, chúng ta đã rõ đó là nghĩa gì; chỉ cần thay chữ Thần Khí bằng chữ Tình Yêu. Và trong thư gửi các tín hữu thành Ga-la-ta, thánh nhân kể ra hoa trái của Thần Khí là: «bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín» (Gl 5, 22); tóm lại, đó là tình yêu trong mọi tình huống thực tế trong đời sống của chúng ta.
Tôi nói rõ là «trong mọi tình huống thực tế». Đối với Thánh Phao-lô «đời sống theo Thần Khí» không phải sống trên mây. Tuần vừa qua, chúng ta đã thấy Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô, ngài xứng đáng là người thừa kế mọi truyền thống các ngôn sứ: đặc biệt về các ngôn sứ, chúng ta thấy trong sách I-sa-i-a; sống theo Thần Khí, là yêu thương và phục vụ anh em chúng ta.
Một khi đã định nghĩa thế nào là sống theo Thần Khí, có nghĩa rất giản dị là sống theo yêu thương, chúng ta biết ý nghĩa thánh nhân muốn nói thế nào là sống theo xác thịt: tức là sống trái ngược với yêu thương, tức là vô tâm và giữ hận thù. Nói cách khác, tình yêu là thoát khỏi trung tâm của cái tôi; sống theo xác thịt là quy mọi trung tâm về chính mình. Khi nãy, tôi có đặt câu hỏi «ai chỉ huy ở đây?», bây giờ có thể hỏi «ai là trung tâm của vũ trụ đối với chúng ta, đối với tôi?».
Chắc chắn sống trong xác thịt, là trong nghĩa ấy - tức là hướng về mình - chúng ta sẽ không thể hài hoà với Thiên Chúa, không cùng giai điệu với Thiên Chúa, vì Ngài chỉ là tình yêu. «Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa.» (c.8)
Trái lại, Chúa Ki-tô là Người Con yêu dấu, Thiên Chúa hài lòng vì Ngài. Có nghĩa là Ngài hoàn toàn và tuyệt đối hài hòa với Thiên Chúa, vì Chúa Ki-tô, cũng chỉ là tình yêu. Trong hướng ấy, bài tường thuật về cơn Cám Dỗ trong hoang địa (chúng ta đã đọc trong Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay) thật là xúc động. Đó là chương IV Tin Mừng Chúa Ki-tô theo Thánh Mát-thêu. Trong ấy, cho ta thấy Chúa Giê-su chỉ qui về trọng tâm là Thiên Chúa và Lời Chúa. Chúa Giê-su tuyệt nhiên từ chối tập trung vào cơn đói hoặc vào sứ vụ Mê-si-a của mình.
Cơn cám dỗ đầu tiên. Sau bốn mươi ngày chay tịnh, Chúa đói, nhưng sự cám dỗ không phải ở chỗ đó. Sự cám dỗ đòi hỏi Chúa làm một phép lạ cho cá nhân mình, có thể nói cho mình là trung tâm của vũ trụ. «Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!» MT 4 , 3), kẻ cám dỗ chia rẽ đề nghị như thế. Chúa Giê-su chọn Lời Chúa làm trung tâm thế gian và của đời Ngài: «Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra» (Mt 4, 4). Hoa trái của Thần Khí là sự tự kiềm chế, Thánh Phao-lô gọi là sự nhẫn nại.
Cơn cám dỗ lần thứ hai. «Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá» (Mt 4, 6). Đây là câu trả lời của Chúa Giê-su: «Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.» (c.7): hoa trái của Thần Khí là lòng cậy trông vào Thiên Chúa.
Cơn cám dỗ thứ ba. «Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi» (c.9). Nhưng, Chúa Giê-su hoàn toàn qui về Chúa Cha mà không vào những gì Ngài có thể nhận được từ Chúa Cha «Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi» (c.10). Hoa trái của Thần Khí bao gồm tất cả, đó là tình yêu, Thánh Phao-lô nói thêm.
Sở dĩ bài Cám Dỗ trong Hoang Địa được đề nghị mỗi Mùa Chay, bởi vì Mùa Chay là cơ hội chúng ta rời khỏi cái tôi của mình để tập trung vào tha nhân và Thiên Chúa.
Sau đó vài đoạn, cũng trong thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma, thánh nhân nói Thần Khí Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Chính Ngài khuyến khích chúng ta gọi Chúa là Cha. Tôi buột miệng muốn nói «Cha nào Con nấy», tất cả những gì là tình yêu đến từ Thiên Chúa, đó là gia tài của chúng ta, là con Ngài: «Thần Khí cũng ban cho anh em được sống». Thánh Phao-lô cũng nói trong (c.10); có thể hiểu «tình yêu là sự sống của anh em», chỉ tình yêu mới sáng tạo. Những gì không phải là tình yêu, không đến từ Thiên Chúa, là phải chết. Nhưng, những gì trong ta là tình yêu đều đến từ Thiên Chúa và sẽ không thể chết: «Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.» (c.11).
***
PHÚC ÂM (Ga 11, 1-45)
"Ta là sự sống lại và là sự sống"
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an
1 Có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a.
2 Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô.
3 Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng."
4 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh."
5 Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô.
6 Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở.
7 Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê!"
8 Các môn đệ nói: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?"
9 Đức Giê-su trả lời: "Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời.10 Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!"
11 Nói những lời này xong, Người bảo họ: "La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây."
12 Các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại."
13 Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường.
14 Bấy giờ Người mới nói rõ: "La-da-rô đã chết.
15 Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy."
16 Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!"
17 Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi.
18 Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số.
19 Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời.
20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà.
21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.
22 Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy."
23 Đức Giê-su nói: "Em chị sẽ sống lại!"
24 Cô Mác-ta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết."
25 Đức Giê-su liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.
26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?"
27 Cô Mác-ta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian."
28 Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ: "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!"
29 Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su.
30 Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người.
31 Những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.
32 Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết."
33 Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến.
34 Người hỏi: "Các người để xác anh ấy ở đâu?" Họ trả lời: "Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem."
35 Đức Giê-su liền khóc.
36 Người Do-thái mới nói: "Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!"
37 Có vài người trong nhóm họ nói: "Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?"
38 Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại.
39 Đức Giê-su nói: "Đem phiến đá này đi." Cô Mác-ta là chị người chết liền nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày."
40 Đức Giê-su bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?"
41 Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con.
42 Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con."
43 Nói xong, Người kêu lớn tiếng: "Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!"
44 Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo: "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi."
45 Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.
Chúng ta có thói quen gọi giai đoạn này là «La-da-rô phục sinh», nhưng thành thật mà nói, nói như thế không thích hợp lắm. La-da-rô đã chết thật sự vì Thánh Gio-an cho những chi tiết rất thực tế. Khi Chúa Giê-su nói: «Đem phiến đá này đi», Mác-ta tìm cách cản lại: «Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày». Và Chúa Giê-su đã cho anh thật sự sống lại; nhưng khi chúng ta tuyên xưng «tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; tôi tin hằng sống vậy» thì đấy là chuyện khác.
Cái chết của La-da-rô chỉ là một bước ngoặc trong đời trần gian của anh ấy. Cuộc đời anh sau phép lạ Chúa Giê-su vẫn tiếp tục, có thể nói, vẫn trôi chảy đều đều gần như trước. La-da-rô chỉ có thêm thời gian sống trên trần thế. Thân xác anh không được biến đổi và anh sẽ phải chết một lần nữa; cái chết đầu tiên của anh không phải như chúng ta, tức là một giai đoạn bước qua cuộc sống mới thật sự.
Thế thì ở đây chúng ta tự hỏi có ích gì? Làm phép lạ này, Chúa Giê-su rước lấy nguy cơ rất lớn cho Ngài, vì Ngài bị theo dõi quá nhiều rồi… và còn về phần La-da-rô, thì chỉ tạm dời thêm kỳ hạn cuối cùng mà thôi.
Chính Thánh Gio-an trả lời cho chúng ta «cái phép lạ này có ích gì?». Ngài nói đây là một dấu chỉ rất quan trọng: trong dịp này Chúa Giê-su biểu dương cho chúng ta, nơi Người, chúng ta có sự sống không cùng, nơi Ngài, chúng ta có thể tin; tức là nơi Ngài, chúng ta có thể tin tưởng giao phó cuộc sống chúng ta.Hơn nữa, các thượng tế và những người Pha-ri-sêu không lầm: họ rất hiểu tầm quan trọng dấu chỉ Chúa Giê-su vừa mới thực hiện. Theo Thánh Gio-an, có quá nhiều người bắt đầu tin Chúa Giê-su sau khi La-da-rô được sống lại, và đây là lý do để họ quyết định sát hại Ngài. Chính cái phép lạ này, ký bản án tử hình của Chúa Giê-su. Dĩ nhiên, 2000 năm sau, chúng ta nghĩ lại, thật là một điều trớ trêu: có khả năng làm lại sự sống, là phải đáng chết. Đây là một minh chứng đáng buồn, có thể xuất phát từ những xác tín của chúng ta…
Bây giờ, trở về bài tường thuật, chúng ta cứ gọi là sự phục sinh của La-da-rô: tôi chỉ xin lưu ý hai điều:
Nhận xét thứ nhất, đối với Chúa Giê-su, điều duy nhất đáng chú ý là sự vinh quang Thiên Chúa; thế nhưng, muốn thấy được vinh quang của Ngài, phải có lòng tin (c.40). Ngay từ đầu, khi mọi người báo cho Chúa Giê-su: «Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng», Chúa nói với các môn đệ: «Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa»; có nghĩa, đây là sự mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa, chương trình mà Chúa muốn sự sống và tự do cho con người. Đó là ý tưởng từ thánh I-rê-nê trong câu bất hủ, ngài nói «vinh quang Thiên Chúa là sự sống con người, và sự sống con người là quan niệm, là cái nhìn của Thiên Chúa». Và Chúa nói cho Mác-ta: «Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?» (c.40). Không phải biểu hiện vinh quang Thiên Chúa là phần thưởng cho những ai nghĩ đúng, tin đúng; nhưng, có đôi khi chúng ta để cái nhìn bị che đi bởi những nghi kỵ, ngờ vực, giống như khi mang kính đen, chúng ta không còn thấy ánh sáng nữa. Đức tin tháo gỡ ra cái tấm vải che mắt chúng ta.
Như Thánh Gio-an nói trong phần Mở Đầu của ngài: «Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người… Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người.» (c.9.14)
Nhận xét thứ hai: lòng tin vào sự phục sinh vượt qua giai đoạn cuối. Theo sách tiên tri Ê-dê-ki-en, đề nghị cho chúng ta trong Bài Đọc Một Chúa nhật thứ V Mùa Chay này, lòng tin vào sự phục sinh được tiếp nhận rất trễ nơi dân Ít-ra-en. Điều ấy chỉ được xác định rõ ràng vào thế kỷ thứ II trước CN, qua hoàn cảnh bách hại khủng khiếp của vua Hy-lạp, An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê; và thời Chúa Ki-tô, mọi người cũng chưa chấp nhận. Mác-ta và Ma-ri-a có vẻ thuộc về thành phần những kẻ tin. Nhưng chỉ tin vào sự phục sinh vào ngày sau hết. Khi Chúa Giê-su nói: «Em chị sẽ sống lại!» (c.23), Mác-ta trả lời: «Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết» (c.24), và Chúa sửa lại, Ngài dùng thì tương lai, không dùng thì hiện tại để nói: «Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.» (c.25). Nghe câu này, chúng ta có cảm tưởng sự phục sinh là ngay bây giờ.
«Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống». Điều này có nghĩa là sự chết - trong nghĩa, xa lìa với Chúa - không còn nữa, sự chết đã bị hạ bởi sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô. Chương trình vĩ đại của Thiên Chúa đem nhân loại làm bá chủ vạn vật tạo dựng “Hãy… thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ “ (St 1, 28) đã được hoàn tất ngay bây giờ, nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Một khi, cởi khăn vải khỏi người La-da-rô là Chúa mặc khải sự giải thoát hoàn toàn: từ nay, nhân lọai được giải thóat khỏi sự chết. Với Thánh Phao-lô, tín hữu có thể nói: «Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi?» (1Cr 15, 55). Không, từ nay, không có gì chia cắt chúng ta với tình yêu Thiên Chúa, ngay cả sự chết.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng