Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH NĂM A - 19/04/2020

THÁNH VỊNH (Tv 117, 2-4.13-1522-24)

 

Đáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở

 

1 Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

2 Ít-ra-en hãy nói lên rằng:
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

3 Nhà A-ha-ron hãy nói lên rằng:
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

4 Ai kính sợ CHÚA hãy nói lên rằng:
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

13 Chúng xô đẩy tôi, xô cho ngã,
nhưng CHÚA đã phù trợ thân này.

14 CHÚA là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi,
chính Người cứu độ tôi.

15 Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng
trong doanh trại chính nhân:

22 Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.

23 Đó chính là công trình của CHÚA,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.

24 Đây là ngày CHÚA đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

 

Chúng ta đã nghe hát bài Thánh Vịnh này (đánh số 118 trong Thánh Kinh) trong đêm vọng Phục Sinh và ngày Phục Sinh. Mỗi Chúa nhật thường niên, bài này được chọn cho Kinh Mai trong Phụng Vụ từng Giờ. Không có chi đáng ngạc nhiên. Đối với người Do Thái, bài Thánh Vịnh liên quan đến Đấng Mê-si-a; đối với chúng ta là Ki-tô hữu, mỗi khi chúng ta cử hành nghi lễ Phục Sinh Chúa Ki-tô, chúng ta nhận ra Ngài là Đấng Mê-si-a hằng được mong chờ suốt Cựu Ước, Vua thật sự, Đấng đã thắng cái chết. Tôi xin đề nghị quý bạn nghe trên hai phương diện: dân Do Thái chờ đợi và đức tin Ki-tô hữu.

Ý nghĩa bài thánh vịnh trong niềm tin Do Thái. Đây là một bài thánh vịnh ngợi khen; hơn nữa, bài mở đầu bằng chữ «Alleluia» có nghĩa là hãy ngợi khen Thiên Chúa, và chữ này cũng đã nói lên ý nghĩa của toàn bài. Trong 29 câu của tất cả bài, gồm có hơn 30 chữ «Chúa» (4 chữ bất hủ tên Chúa bằng Do Thái ngữ, bộ bốn chữ theo tiếng Hy-lạp) hay ít nữa, bằng chữ «Yah», là chữ đầu… và bằng chừng ấy câu để ca ngợi vinh quang Thiên Chúa, tình yêu Thiên Chúa, công trình Thiên Chúa làm cho dân Ngài… Đúng là một bài kinh cầu nguyện!

Bài thánh vịnh ngợi khen này, được hát hòa nhịp với phụng vụ tạ ơn trong Lễ Lều – một lễ rất quan trọng diễn ra trong tám ngày vào mùa thu - : có những dấu của niềm vui những ngày lễ ấy, ngay trong bài thánh vịnh. Ví dụ: «Đây là ngày CHÚA đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ» (c.24). Hay câu khác nữa: «Lạy CHÚA, xin ban ơn cứu độ, lạy CHÚA, xin thương giúp thành công.» (c.25). Đó chính xác là ý nghĩa chữ «Hô-sa-na» được hát lên nhiều lần trong các cuộc diễu hành trong suốt các ngày lễ Lều.

Sau đây, là những câu chúng ta không được nghe trong Chúa nhật thứ II mùa Phục Sinh: «Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh CHÚA.» (c.26 Đây là câu ca trong Lễ Lều, «người tiến vào» là Đấng Mê-si-a mọi người trông đợi): «ĐỨC CHÚA là Thượng Đế, Người giãi sáng trên ta.» (c.27, trong ngày cuối Lễ Lều, Đền Thờ được chiếu sáng rực rỡ ngoạn mục), «Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng trong doanh trại chính nhân (c.15)… Tay cầm lá, hãy sắp thành đám rước đến bên cạnh bàn thờ. C27».  Đấy cũng là những câu ngụ ý nói về Lễ Lều. Đặc điểm của lễ Lều là mọi người sống dưới lều, để tưởng nhớ lại những năm tháng sống dưới lều trong thời Xuất Hành, sau khi thoát khỏi Ai-cập, hầu tìm lại hương vị của Giao-Ước «Tay cầm lá, hãy sắp thành đám rước đến bên cạnh bàn thờ. C27». Trong những ngày Lễ Lều, có những cuộc diễu hành chung quanh bàn thờ, nguời tham dự tay phất cành lá.

Tất cả là lời của một bài tạ ơn. Và đây là những nguyên do: để nói về lịch sử Ít-ra-en, bài thánh vịnh kể lịch sử một vị vua vừa tham dự một trận chiến khốc liệt và đã vinh thắng. Vị vua ấy đến tạ ơn Chúa mình đã trợ giúp. Ví dụ có câu vua nói: «Chúng xô đẩy tôi, xô cho ngã, nhưng CHÚA đã phù trợ thân này.» (c.13), hay là: «Chúng bủa vây tôi như thể bầy ong, chúng như lửa bụi gai cháy bừng bừng, nhờ danh CHÚA, tôi đã trừ diệt chúng.» (c.12). Hay câu (17) sau đây: «Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc CHÚA làm.». Đây là lời phát biểu của một nhân vật, một ông vua vừa thoát nạn như một phép lạ, khỏi quân thù bủa vây. Nhưng trên thực tế, khi đọc phải hiểu những ngụ ý: đó là lịch sử dân tộc Ít-ra-en. Suốt lịch sử, nhiều lần họ suýt bị tiêu diệt, nhưng mỗi lần Chúa nâng họ lên, và họ hát trong Lễ Lều: Không! «Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc CHÚA làm.». Vai trò làm chứng nhân cho kỳ công Thiên Chúa, đó là sứ vụ đặc biệt của Ít-ra-en. Và chính vì ý thức sứ vụ ấy, từ đó, họ múc lấy nghị lực để vượt qua tất cả những thử thách suốt lịch sử lập quốc của họ.

Và bây giờ, chúng ta nói vài tiếng về ý nghĩa bài thánh vịnh này cho các Ki-tô hữu. Trước tiên, các bạn hẳn chú ý có sự liên quan chặt chẽ giữa Lễ Lều, và việc Chúa Giê-su vinh thắng tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, chúng ta tưởng niệm ngày Lễ Lá. Nhưng niềm vui tưng bừng của bầu khí, trải dài bài thánh vịnh, rất thích họp cho Đấng Phục Sinh ngày lễ Phục Sinh! Ngài là vị vua vinh thắng ấy: các thánh sử lần lượt giới thiệu cho chúng ta, mỗi thánh sử một  cách, Ngài là Vua thật sự. Chỉ lấy một ví dụ, Thánh sử Mát-thêu miêu tả giai đoạn viếng thăm của các nhà chiêm tinh để cho chúng ta hiểu, vua thật sự không phải như các nhà sử học nói (tức là vua Hê-rô-đê), nhưng là hài nhi Bê-lem; thánh Gio-an trong bài tường thuật cuộc thương khó, giới thiệu Chúa Giê-su như thật sự một vị vua Do Thái.

Khi chiêm niệm mầu nhiệm Đấng Mê-si-a bị ruồng bỏ, khinh miệt, đóng đinh; các Tông Đồ khám phá một ý nghĩa mới cho bài thánh vịnh: Chúa Giê-su là tảng đá góc tường, bị những người xây nhà bỏ đi và trở nên tảng đá nền tảng chủ yếu. (Về tảng đá góc tường, xin xem suy niệm bài thánh vịnh 117 ngày Chúa nhật Phục Sinh). Chúa bị dân Ngài ruồng bỏ, lại trở thành tảng đá nền tảng, xây nền cho Ít-ra-en mới. Thật vậy, Đấng: «tiến vào đây nhân danh CHÚA.», như bài thánh vịnh nói trong câu 26: là câu được dùng lúc Chúa trịnh trọng tiến vào Giê-ru-sa-lem.

Bài thánh vịnh này được hát lên lúc dâng lễ tạ ơn. Về phần Chúa Giê-su, Ngài cũng vừa chu toàn lễ tạ ơn tuyệt vời! Ngài là Ít-ra-en mới, dâng lễ tạ ơn lên Chúa Cha: đó mới là đặc điểm của sự kiện. Tất cả hành động của Ngài đều có ý nghĩa tạ ơn Đức Chúa Cha, như thế, Ngài khai mở Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và nhân loại; trong ấy, nhân loại chỉ là tình yêu đáp trả lại tình yêu Chúa Cha .

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com