Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH NĂM A - 19/04/2020

LỄ KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 

BÀI ĐỌC 1 (Cv 2, 42-47)

 

Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hòa hợp với nhau và để mọi sự làm của chung.

 

Trích sách Tông Đồ Công Vụ

 

42 Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.

43 Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.

44 Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.

45 Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.

46 Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.

47 Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.

 

Có lẽ, câu quan trọng nhất bài này là câu sau đây: «Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ» (c.47b). Chính Chúa cho họ vào! Còn phần chúng ta, Chúa gọi chúng ta làm gì? Có lẽ, chỉ vỏn vẹn sống như những cộng đồng Ki-tô, xứng với danh nghĩa đó. Vì thế, Thánh Lu-ca vừa cho chúng ta chương trình sống đời sống Ki-tô, như chúng ta vừa nghe. Nếu tôi không lầm, tính ra có bốn điểm: nghe lời giảng dạy các Tông Đồ, sống hiệp thông tình huynh đệ, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện. Tôi xin suy nghĩ từng điểm một.

Thứ nhất nghe các Tông Đồ giảng dạy. Trong những năm sau cái chết và sự phục sinh Chúa Giê-su, không có những minh chứng được viết ra dưới hình thức Phúc Âm hay  thánh thư các tông truyền; những bài viết đầu tiên chỉ từ khoảng chừng năm 50. Có một khoảng thời gian khá dài, việc loan truyền đức tin chỉ dựa vào những chứng nhân truyền khẩu của các Tông Đồ. Ngay cả đến ngày hôm nay, lời nói thật khiêm nhu của các tín hữu Ki-tô hay thái độ của họ trong cuộc sống - trong gia đình, trong sở làm, trong các hội đoàn mọi thứ - còn có giá trị hơn những bài giáo lý. Dù sao, việc tìm về cội nguồn đức tin của chúng ta, hoặc bằng các bài viết hay truyền khẩu, vẫn là nhu cầu cốt tử, chúng ta vẫn biết rõ như thế. Có biết bao nhiêu người trong chúng ta không có thức ăn thiêng liêng, từ khi rước Lễ trọng thể (ngày nay gọi là ngày tuyên xưn đức tin), khám phá ra trơ trụi, bất lực trước những vấn nạn của cuộc sống cho chính họ, hay cho những người thân.

Điều thứ hai luôn luôn hiệp thông với nhau. Chính từ: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13, 35), Chúa Giê-su nói. Giáo huấn này càng rõ, càng bị quên lãng. Chúng ta không được đòi hỏi gì khác thường, chỉ có lòng thương yêu nhau; đấy là điều đánh giá chúng ta, một dứt khoát giữa những cuộc cãi nhau và những điều nói xấu nhau, những cố chấp của chúng ta và những khi chia rẽ nhau. Sự hiệp thông trong tình huynh đệ ấy được thể hiện một cách cụ thể, khi tôi nghe Thánh Lu-ca «Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.  Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.» (c.44-45).

Điều thứ ba: siêng năng tham dự lễ bẻ bánh. Đó là ngôn ngữ thời ấy để nói đến Thánh Lễ ngày nay của chúng ta; dĩ nhiên họ không làm trong Đền Giê-ru-sa-lem mà trong nhà của họ. Phần sau của bài nói rõ điều này: «Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia» (c.46). Thánh Lu-ca nêu lên việc bẻ bánh  như một đòi hỏi của đời sống cộng đồng. Điều này muốn nói lên ít nữa ba điểm: chẳng những việc thực hiện bí tích Thánh Thể là thiết yếu cho mỗi chúng ta trong đời sống đức tin, nhưng còn cốt yếu hơn nữa, cộng đồng thiếu mất đi một thành viên nếu tôi không tham dựthường xuyên bí tích Thánh Thể. Cuối cùng, cộng đồng bị thiệt thòi trầm trọng một khi bị cất đi nguồn lực thường xuyên ấy: điều này, dĩ nhiên đặt tất cả vấn đề cho các cộng đồng Ki-tô không có linh mục; có khi đã từ lâu, trong lúc những giáo xứ trong các thành phố lớn chúng ta, phải tạo cả một bộ mẫu giờ Lễ để thoả mãn mọi đòi hỏi. Chúng ta phải khâm phục tính năng động đức tin của những anh em chúng ta, trong những nước ít may mắn hơn trên điểm này.

Điểm thứ tư, cầu nguyện. Trên thực tế, Thánh Lu-ca nói: «Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ.» (c.46). Bài này đem lại hai lời giải thích rõ ràng. Trước hết, những Ki-tô hữu đầu tiên không vì thế mà không còn là người Do Thái; họ tiếp tục sống trung thành với Do Thái giáo và vẫn theo nhịp cầu nguyện chung của cộng đồng. Chúng ta biết rằng lời cầu nguyện của Do Thái luôn luôn có hai phương diên song song, ngợi khen và xin ơn. Thâm sâu hơn, điều này nhắc nhở chúng ta, liên hệ với Chúa luôn luôn  là quan hệ với dân của một dân tộc; chúng ta có thể trắc nghiệm trong mỗi thánh vịnh. Hay có thể nói, lời cầu nguyện luôn ở chủ từ «số nhiều»: ngay khi chúng ta cầu nguyện riêng trong góc phòng , chúng ta cũng cầu nguyện liên đới với anh em chúng ta, vì chúng ta là một với Chúa Giê-su Ki-tô. Không phải là điều hiển nhiên mà trong bài kinh, Chúa Giê-su dạy chúng ta đọc «Lạy Cha chúng con…».

Họ «ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ», điều này nói lên sự cố gắng thường xuyên, chăm chỉ nhưng không nhất thiết là hoàn hảo; nhiều đoạn khác trong sách Công Vụ chứng minh có những thiếu sót. Nhưng đối với Thánh Lu-ca, đó những tiêu chuẩn của đời sống đích thực người Ki-tô: có thể nói, đây là một cuộc xét mình qua bốn điểm trong đời sống người Ki-tô, hay đúng hơn là cách đánh giá`những cộng đồng của chúng ta. Không thể có một đời sống Ki-tô đích thực, nếu không có sự về nguồn thường xuyên đức tin chúng ta; không có đời sống hiệp nhất trong tình huynh đệ; không thực hiện thường xuyên bí tích Thánh Thể; không có cầu nguyện cộng đồng. Như thế, vừa đòi hỏi cố gắng nhiều nhưng cũng vừa đem lại bình tâm… 

Rất đòi hỏi nhiều cố gắng, vì chắc chắn, không một ai trong chúng ta có can đảm nói trung thành với cả bốn điểm trên; bình tâm, do đó là những tiêu chuẩn trắc nghiệm cho một cộng đồng hơn là cho từng cá nhân chúng ta. Trong đời sống, mọi người cũng có những lúc thiếu sót điểm này hay điểm nọ, và cộng đồng bổ sung cho những khiếm khuyết của những thành viên của mình, gần giống như trong đêm Phục Sinh; tất cả những ngọn nến cá nhân thắp lên là hình ảnh  đức tin chung của cộng đồng. Và nếu nến tôi tắt, thì người bên cạnh thắp lại cho tôi.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (1Pr 1, 3-9)

 

Nhờ Đức Giê-su Ki-tô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng  ta hi vọng được  sống

 

Trích thư thứ nhất Thánh Phê-rô Tông Đồ.

 

3 Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại,

4 để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em,

5 là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết.

6 Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách.

7 Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.

8 Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang,

9 bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.

Những năm sau này, các cộng đoàn Công Giáo thường hát: «Thiên Chúa làm cho chúng ta, qua Chúa Giê-su Ki-tô, trở nên những người tự do». Một tu sĩ hay linh mục rao giảng, có thể lấy lời bài hát này làm đề tài cho bài giảng của mình: chỉ cần thay chữ «chúng ta» thành «anh em», và như thế câu ấy sẽ như thế này: «Hỡi anh em, Thiên Chúa qua Chúa Giê-su Ki-tô làm cho anh em trở nên người tự do. Và tiếp tục bài giảng: đó là ý nghĩa bài này, hãy rút ra kết luận và sống điều ấy.  

Thư thứ nhất Thánh Phê-rô có phần giống như thế. Bài chúng ta được nghe phần đầu hôm nay, chỉ ba hàng đầu, giống như bao thư có đề tên người gửi và người nhận. Có một luồng hơi thở mạnh trong đoạn chúng ta vừa nghe; chúng ta tự hỏi, có phải Thánh Phê-rô trích từ bài hát trong các nghi thức Rửa Tội… Chúng ta không có chứng cứ, nhưng là một giả thuyết thú vị, giúp chúng ta hiểu rõ hơn bài này. Chúng ta dễ dàng nhận ra ba đoạn như ba đoạn một bài thơ: tôi chỉ phân tách đơn giản bằng cách tóm lược mỗi đọan:

* đoạn đầu (c.3,4,5): chúc tụng Thiên Chúa… Ngài cho chúng ta tái sinh, bởi sự Phục Sinh Chúa Ki-tô, và từ nay chúng ta sống trong đức tin và lòng cậy trông;

* đoạn thứ hai: (c.6 và 7): lòng cậy trông đem lại cho chúng ta hân hoan vui mừng, nhưng chúng ta còn trong thời thử thách của đức tin;

* đoạn thứ ba: (c.8,9) phúc cho những ai không thấy mà tin, lòng tin mang lại cho chúng ta niềm vui khó tả, rực rỡ vinh quang.

Hẳn các bạn đã chú ý có chữ «lòng tin» trong ba đoạn; không lạ gì, trong phụng vụ lễ Rửa Tội. Lại có một niềm vui tuyệt vời «một niềm vui khôn tả», mặc dù có những thử thách: điều này rõ ràng hướng về các cộng đồng Ki-tô sống trong một thế giới đối nghịch; có thể tin rằng đây là những đối tượng bài viết của Thánh Phê-rô.

Tôi xin trở lại từng đoạn một, của bài «Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô» đó là cách nói của người Do Thái, nhưng là cách phát biểu như người Ki-tô. Khởi đầu bằng một lời tôn vinh Thiên Chúa, đặc biệt là một lời nguyện Do Thái; chắc chắn  một người hát nhiều thánh vịnh mới có thể viết bài này! Thế nhưng nội dung có tính cách Ki-tô hữu: trong các thánh vịnh, Chúa được ca ngợi như Thiên Chúa các Cha Ông Tổ tiên, như Ap-ra-ham, I-sa-ắc, Gia-cóp…

Kể từ nay, sự Mặc Khải đã bước sang thời kỳ quyết định: Thiên Chúa được mặc khải là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô, nơi Ngài  hoàn tất công trình Thiên cho nhân loại.

«Người cho chúng ta được tái sinh… nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại,» (c.3). Cũng như trong cuộc đối thoại của  Chúa Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô, Thánh Phê-rô nói về phép Rửa Tội như một cuộc tái sinh, và cuộc tái sinh này bắt nguồn từ sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô. Là những Ki-tô hữu của thế kỷ thứ XXI, chúng ta quá quen thuộc với cụm chữ «Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh», nên chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi nói như thế. Nhưng, các Ki-tô hữu tiên khởi sống điều ấy như một sự cách mạng thật sự: kể từ nay, bộ mặt thế giới đã đổi. NhưThánh Phao-lô nói, thế giới cũ qua đi, một thế giới mới nảy sinh.

Chúng ta cũng nhận ra nơi Thánh Phê-rô một cách mãnh liệt, đề tài thường nghe nơi Thánh Phao-lô: sự căng thẳng giữa hiện tại và tương lai. Tất cả đã hoàn tất trong Chúa Ki-tô, vì thế ngài phát biểu như chuyện đã qua: «Người cho chúng ta được tái sinh» (c.3). Có thể nói, mọi việc xong rồi, nhưng tất cả còn sẽ tới: chúng ta bị trì kéo, căng thẳng giữa «ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết.», như Thánh Phê-rô nói.

Khái niệm về «cứu độ» ấy, chúng ta có thể hiểu đời sống: «không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai» (c.4); chúng ta cũng có thể hiểu «giải thoát» khỏi những «hư hoại, vân đục và tàn phai». Sự cứu độ, sự giải thoát đã hoàn tất bởi Đức Giê-su-Ki-tô, nhưng toàn nhân loại chưa được vào, và chính số còn lại phải đến. Chính những gì đã hoàn tất làm cho chúng ta «chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang» (c.8), như Thánh Phê-rô nói. Những ngày  ảm đạm, có lẽ là những ngày chúng ta đánh mất đi cái tin vui lớn của Phục Sinh: tình yêu và sự sống, còn vĩ đại hơn mọi hận thù và sự chết. Thế nhưng, quả thật, trong vài trường hợp, niềm xác tín ấy có khuynh hướng phai mờ đi, và lúc ấy, đức tin chúng ta bị thử thách! Đoạn thứ hai nói rõ lên điều này: «mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách.» (c.6) Phần sau của bài thánh thư thoáng cho chúng ta thấy những khó khăn nào; có thể là gặp sự đối kháng của những Ki-tô hữu mới, trong nhóm người ngoài lề của thế giới người ngoại.

Đoạn cuối lập lại đề tài đức tin trong thời gian chờ đợi. Về phần Thánh Phê-rô, ngài có đặc ân được biết, được ở cạnh lâu dài với Chúa Giê-su Ki-tô; nhưng ngài nói với những Ki-tô hữu không biết Chúa Giê-su, và ngài triển khai cho họ những ân phúc Chúa nói với Thánh Tô-ma: «Phúc cho ai không thấy mà tin». Ngài khuyến khích họ: «Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang » (c.8). Khi ngài dùng từ « rực rỡ vinh quang », Thánh Phê-rô biết rõ ngài nói gì, ngài có hồng ân được chứng kiến Chúa Giê-su biến hình. Trên mặt các Ki-tô hữu, ngài nhận ra ánh sáng đã chiếu soi chính Chúa Giê-su.

Thánh Phê-rô nhấn mạnh đến niềm vui các Ki-tô hữu, một niềm vui khó tả, mãnh liệt hơn những thử thách thức thời : điều này đến thật đúng lúc cho chúng ta, ở một giai đoạn phần nào ảm đạm trong đời sống của Giáo Hội! Có lẽ, những nười đương thời chúng ta chỉ chờ đợi trên khuôn mặt chúng ta, một tia sáng của Chúa Giê-su biến hình ?

***

 

PHÚC ÂM (Ga 20, 19-21)

 

Tám ngày sau Chúa Giê- su hiện đến.

 

Tin Mừng Chúa Giê-su-Ki-tô  theo Thánh Gio-an.

 

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!"

20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.

21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."

22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.

23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.

25 Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."

26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em."

27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."

28 Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!"

29 Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.

31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

 

«Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần» (c.19), tức là ngày Chúa nhật ấy, không phải là một chi tiết về thời điểm Thánh Gio-an có ý xác định trong câu này. Đúng hơn là một nháy mắt. Khi ngài viết bài Tin Mừng này, thì đã gần 50 năm sự việc đã xảy ra… 50 năm mỗi Chúa nhật, những tín hữu tựu tập hợp nhau để mừng Chúa Giê-su phục sinh… cái nháy mắt như muốn nói «các bạn có thấy không, tại sao chúng ta tập hợp nơi đây mỗi Chúa nhật?»

Đối với người Do Thái, ngày Chúa nhật là ngày đầu tuần, một ngày làm việc như mọi ngày… ngày thứ bảy, (ngày Sa-bát) mới là ngày lễ , ngày nghỉ, ngày tập hợp nhau, ngày cầu nguyện. Sau ngày Sa-bát, Chúa Giê-su mới hiện ra, và, nhiều lần Ngài hiện ra, còn sống trước các Tông Đồ sau  khi phục sinh, mỗi lần như thế đều là ngày đầu tuần: vì lẽ ấy, đối với các Ki-tô hữu, ngày này có một ý nghĩa đặc biệt. Ngày đầu tuần này là «ngày đầu của thời đại mới»: như đối với người Do Thái, bảy ngày trong tuần là bảy ngày Chúa Tạo Dựng trời đất muôn vật, tuần lễ mới do sự Phục Sinh Chúa Ki-tô, mở ra những Ki-tô hữu được xem là những ngày đầu tiên của cuộc Tạo Dựng mới.

«nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông» (c.19), các môn đệ đóng kín các cửa vì các ông sợ, về mặt con người thì dễ hiểu! Họ vừa mới giết Thầy, rất có thể họ cũng sẽ giết cả các môn đệ. Điều này chỉ làm rõ thêm sự tự do của Chúa Ki-tô. Tất cả cửa đều đóng kín, nhưng không là vấn đề với Ngài! Chúa không biết các ổ khóa là gì, nhất là không biết sợ! Chính vì thế, câu đầu tiên của Chúa là: «Bình an cho anh em!»… Đây là lời chào thông thường người Do Thái, nhưng cũng thật đáng ngạc nhiên sau những gì họ vừa mới sống! Sự sợ hãi, lo lắng những tháng sau cùng trước khi Chúa Giê-su bị bắt, cuộc Thương Khó và cái chết ghê rợn của Chúa, đêm Thứ Năm, ngày thứ Sáu, và sự thinh lặng ngày Thứ Bảy, một khi Chúa Giê-su được đặt vào mồ,.. Làm sao có thể bình an như không có gì xảy ra? Thế nhưng, cùng lúc thật điên rồ, thật sự: Ngài vẫn sống… và để minh chứng, Chúa cho xem các vết thương, dấu vết của sự đóng đinh trên thập giá. Nhân dịp này, tôi xin lưu ý các dấu thương tích vẫn còn đó ở chân tay Chúa, cạnh sườn Ngài: sự Phục Sinh không xóa bỏ sự chết.

Thế nhưng, điều này có vẻ điên rồ, Thánh Gio-an nói với chúng ta: «Các môn đệ vui mừng!» (c.20). Thật lạ, kỳ điều xảy ra cho họ! Trong lúc ấy, Thánh Gio-an nói tiếp: «Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em!” (c.21). Lúc bấy giờ, họ mới thật sự bình an, không phải bình an như không có gì xảy ra, nhưng bình an, mặc dù những gì đã xảy ra: bởi vì bình an của Đấng Phục Sinh cao hơn cả những gì đã xảy ra!

«Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ» (c.22-23). Thật ngạc nhiên mối liên hệ giữa ân sủng của Thần Khí và sứ vụ hoà giải: trong Thánh Kinh, Thần Khí luôn được ban cho mỗi sứ vụ, và rốt cuộc, không có một sứ vụ nào khác hơn là hoà giải con người với Thiên Chúa. Mọi sự đều phát sinh từ đó.

Đây là một lệnh truyền, một giới răn Của Chúa Giê-su: «Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.» (c.21) Hãy ra đi loan truyền các tội được hoàn lại, tức là được tha thứ; anh em hãy là sứ giả của sự hoà giải hoàn vũ. Và nếu anh em không ra đi, Tin Mừng Hoà Giải sẽ không được loan truyền: Chúa Cha cần anh em vào việc này. «Như Chúa Cha đã sai Thầy»: chúng ta có ở đây, từ lời Chúa Giê-su Ki-tô, tóm lược toàn sứ mạng của Ngài; cũng như Chúa nói: Chúa Cha gởi Thầy loan báo sự hoà giải hoàn vũ, loan báo tội lỗi được tha, rằng Chúa không chấp tội con người; loan báo chỉ một điều: Chúa là tình yêu và tha thứ… vì vậy, Thầy cũng gởi anh em đi cùng một sứ vụ. Tội duy nhất, là cội rễ của mọi tội lỗi khác, đó là không tin vào tình yêu của Thiên Chúa: còn anh em, Thầy gởi anh em ra đi, hãy ra đi loan báo cho mọi người tình yêu Thiên Chúa.

Còn câu: «anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ». Bị cầm giữ trong tội lỗi là không biết tình yêu Thiên Chúa. Tất cả tuỳ thuộc anh em, Chúa Giê-su nói, người anh em của anh em biết tình yêu Thiên Chúa và nhờ đó được sống… Sứ vụ của Chúa chỉ thật sự hoàn tất, một khi đến phiên anh em hoàn tất sứ vụ của anh em. «Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em».    

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng.               


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com