BÀI ĐỌC 1 (Gr 20, 7-9)
"Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ"
Trích sách Tiên tri Giê-rê-mi-a
7 Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con,
và con đã để cho Ngài quyến rũ.
Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.
Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con.
8 Mỗi lần nói năng là con phải la lớn,
phải kêu lên: "Bạo tàn! Phá huỷ! "
Vì lời ĐỨC CHÚA mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày.
9 Có lần con tự nhủ: "Tôi sẽ không nghĩ đến Người,
cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa."
Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim,
âm ỉ trong xương cốt.
Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!
( Xem suy niệm CN XII TN A )
Đoạn này thuộc về lời « phân minh » của tiên tri Giê-rê-mi-a (có thể gọi là lời « tâm sự »). Ngài bày tỏ tâm tình sâu kín của ngài và những hàng chúng ta vừa đọc nói lên những tình cảm của ngài. Suốt đời ngài chỉ gặp những điều nghịch lý: niềm vui thâm sâu của ngài, lẽ sống của ngài, lòng tin của ngài… tất cả cũng là nguồn gốc mọi đau khổ. Đó là Lời Chúa. Điều này không được nêu lên rõ ràng nhưng chỉ có những ngụ ý. Chính vì ngài tuyên xưng Lời của Chúa « lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện » (2Tm 4, 2) như Thánh Phao-lô nói, vì lẽ ấy ngài bị bách hại, nhưng cũng chính những lời này mang lại cho ngài mãnh lực để tiếp tục.
« Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, » (Mc 6, 4) – Giê-rê-mi-a hiểu điều này hơn ai hết! Giê-rê-mi-a là một tiên tri vĩ đại, nhưng chỉ sau khi chết người ta mới nhận ra. Lúc ngài còn sống, lời ngài làm quá xáo trộn. Chính Giê-rê-mi-a nói rõ thời điểm ông rao giảng: « Kể từ năm thứ mười ba triều Giô-si-gia-hu, con vua A-môn » cho đến khi bị đày khỏi Giê-ru-sa-lem (Gr 25, 3), có nghĩa là từ 627 đến 587 trước CN. Trong vòng bốn mươi năm ông chứng kiến ba triều đại vua Giê-ru-sa-lem: Giô-si-gia-hu cho đến năm 609, sau đó là hai người con, Giô-gia-ríp và Xít-ki-gia, không kể đến hai vua khác chỉ trị vì trong vài tháng. Sứ vụ của ông là nói lên cho các lãnh tụ chính trị và tôn giáo « rõ ràng, không che dấu các chân lý » những chân lý không mấy dễ nghe. Có thể tóm gọn trong một từ: « bất trung », một sự bất trung giống như một sự ngọai tình. Dân Chúa chọn đã quên Chúa của mình. Và bởi vì dân quên Chúa mình nên có nguy cơ chịu nhiều tai họa.
Sách Giê-rê-mi-a gần như là nội dung - hay đúng hơn là sự thi hành sách Đệ Nhị Luật -. Sách này nói: «đừng quên ĐỨC CHÚA, Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ » (Đnl 6, 12) « Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ » (Đnl 30, 15). Giê-rê-mi-a có thể trắc nghiệm một cách cụ thể lời khuyến cáo ấy: dân chúng đã quên Thiên Chúa của họ, từ chối đức tin của mình, đặt lòng tin vào bất cứ những gì… điều tai hại nhất đang xảy đến.
Lúc bấy giờ người ngôn sứ thỉnh thoảng dùng lời cứng rắng, thỉnh thoảng dùng lời êm dịu. Những lời cứng rắn còn được gọi là « sấm ngôn bất hạnh ». Như người lái xe vô ý không thấy vực sâu, phải bấm kèn có to mấy cũng không sao để cho anh ta chú ý, hay múa tay múa chân hoặc chớp đèn chiếu xa cho anh ta thấy; mọi phương tiện có thể đều tốt… Cũng như thế, tiên tri Giê-rê-mi-a la hét, khiêu khích, nguyền rủa; có khi ngài dùng những điều lạ thường để cảnh báo vua, triều đình, các tư tế, tất cả những người trách nhiệm đưa dân chúng đến chỗ diệt vong. Ví dụ như, ông đập vỡ tan trước công chúng một cái bình sành mới tinh vừa được sáng tác từ tay một nhà làm gốm, để loan báo số phận tương tự cho Giê-ru-sa-lem: vỡ tan từng mãnh vụn. (Jr 19. 1-11)
Những lời êm dịu là những lời nhắc đến quá khứ. Ví dụ như: « ĐỨC CHÚA phán thế này: Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc, trên vùng đất chẳng ai gieo trồng. » (Gr 2, 2). Cũng có những lời hứa tha thứ, cũng là cách khuyến khích hoán cải. Đó là những « sấm ngôn cứu độ ». Cũng có những cử chỉ thực tế nói lên tin tưởng vào lòng cậy trông. Ví dụ như vào lúc thành bị quân của Na-bu-cô-đô-nô-so, vua Ba-by-lon vây hãm (thế quân hai bên bất tương xứng, biết trước là họ sẽ thắng trận), Giê-rê-mi-a lấy quyết định mua một thửa rộng để nói lên mọi sự không mất tất cả, sẽ có một ngày hòa bình trở lại.
Những lời có lúc hung bạo hầu đe dọa, có lúc êm dịu, đó là điểm chung nơi các ngôn sứ. Tất cả đều nhắm vào một mục đích, sự cứu độ cho dân chúng: các lời đe dọa nhắm cho hoán cải, các lời cổ vũ để đồng hành với hoán cải, một khi dân chúng quyết định thay đổi cuộc sống. Luôn luôn là đề tài « hai con đường » chúng ta thường gặp: khi dân chúng xuống dốc, như ta thường nói, người ngôn sứ loan báo những tai họa không thể nào tránh, chính với hi vọng họ tránh đi, như Chúa nói cho Giê-rê-mi-a: « May ra chúng sẽ nghe và mỗi người sẽ bỏ con đường xấu xa của mình mà trở lại» (Gr 26, 3). Nhưng khi vừa thấy có dấu hiệu thiện chí, người ngôn sứ lặp lại lời ngọt dịu của Chúa và lời hứa tha thứ.
Như chờ đợi, các lời ấy đây đó cũng có người chấp nhận! Những lời, có khi rất cứng rắng, mọi người không thích. Ví dụ như khi ngài nói: « Chẳng lẽ người Cút lại đổi được màu da, và con báo lại đổi được những đốm đen trên mình? Các ngươi là những kẻ quen làm điều ác lại có thể làm điều thiện được sao? » (Gr 13, 23), thật tình, không thể nào làm vui lòng được. Hay khi ngài nguyền rủa công khai: « tất cả họ là quân ngoại tình, một lũ người phản bội. » (9, 1)… « người lớn cũng như kẻ nhỏ, tất cả đều gian tham bớt xén. Ngôn sứ cũng như tư tế, tất cả là một lũ gian phi. » (8, 10). Và khi ngài loan bào thành phố họ đang hãnh diện sẽ bị tàn phá, không lạ gì ngài bị bách hại: ông sớm trở nên người gây rối, bị lập mưu tống khứ đi. Các chữ đầu tiên của bài hôm nay thể hiện chính xác tình trạng ấy. « Con nghe biết bao người vu cáo: "Kìa, lão "Tứ phía kinh hoàng! hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi! " Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: "Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó! »( c10)
Khi đọc lại sách Giê-rê-mi-a, ta không khỏi nghĩ đến câu: « Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân. » trích từ (Tv68,10) và sau này Thánh Gio-an cũng nhắc lại khi nói về Chúa Giê-su. Câu này tóm đấy đủ cuộc đời tiên tri Giê-rê-mi-a. Không có gì ngăn cản ông được; ngài có những lúc thối chí, như tất cả các ngôn sứ, nhưng, như ngài nói, Chúa ở cùng ngài như một chiến sĩ đáng sợ. Ngài biết tình yêu Thiên Chúa mãnh liệt hơn tất cả. Điều ngài gọi là Chúa « trả thù » (c10)
***
THÁNH VỊNH (Tv 62, 2-6.8-9)
Đáp: «Lạy Chúa là Thiên Chúa 1à con, linh hồn con khát khao Chúa.»
2 Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.
3 Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.
4 Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.
5 Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.
6 Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,
môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.
8 Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,
nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.
9 Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,
giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì.
«Giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì: Đẹp thật nhưng cũng không kém lạ kỳ! Thật sự, hãy tưởng tượng tư tưởng chúng ta đang bay bổng trong Đền Giê-ru-sa-lem (dĩ nhiên trước khi thành bị phá huỷ năm 587 trước CN, thời vua Na-bu-kô-đô-nô-so)…và giả dụ như chúng ta là tư tế hay một người Lê-vi. Hòm Bia (LND: tiếng Pháp chuyển ngữ là Arche, còn có nghĩa là vòm cầu) được đặt trong ấy, đây là nơi cực thánh, «Thánh, chí Thánh». Nhưng xin cảnh báo, khi chúng ta (LND: người Pháp) gọi là hòm bia, và có thể nghĩ đến một công trình kiến trúc đồ sộ: Dân thành phố Paris liên tưởng đến Khải hoàn môn gần La Defense …Đối với Ít-ra-en thì khác hẳn! Đó là một điều gì thánh thiêng nhất: một cái tráp nhỏ làm bằng gỗ quý, mạ vàng từ bên ngoài lẫn bên trong, đựng các hòm bia Lề Luật. Trên hòm bia có khắc hai tượng thiên thần lớn canh giữ.
Các minh thần (Cherubins) còn gọi là thiên thần Kê-ru-bim, không phải dân Ít-ra-en nghĩ ra: chữ này đã có từ thời Mê-sô-pô-ta-mi-a. Đó là những sinh vật thần thiêng, thân sư tử, mặt người và nhất là có cánh thật lớn. Ở Mê-sô-pô-ta-mi-a những minh thần được thờ phượng như thần thánh…Trái lại bên Ít-ra-en, họ cẩn thận xem các Kê-ru-bim này như những tạo vật: được biểu hiện như những kẻ canh giữ Hòm Bia, và đôi cánh được xem như những bậc thang Thiên Chúa bước lên ngai. Trong bài này, vị tư tế đang cầu nguyện trong đền, dưới bóng hai cánh Kê-ru-bim, cảm thấy được trìu mến che chở của Chúa, từ rạng đông cho đến tối.
Các hình ảnh khác bài Thánh vịnh được trích từ những từ vựng các Lê-vi: «Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện» (c3) (họ là những người duy nhất được vào vùng thánh trong Đền): «Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng» (c5) (Suốt đời của họ được cống hiến để chúc tụng Chúa)… «giơ tay cầu khẩn danh Ngài» (c5) (người Lê-vi cầu nguyện tay giơ lên trời)… «Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca» (c6) (Ngụ ý nói về vài buổi lễ tế, sau đó có bữa ăn chung với tất cả tham dự viên; ngoài ra các Lê-vi được nhận một phần thịt từ những của lễ tế.)…«Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ, suốt năm canh thầm thĩ với Ngài.» (câu 7 không có trong phụng vụ hôm nay, cả đời họ sống bên trong Đền)
Thật ra bài Thánh vịnh này giống như một dụ ngôn. Người Lê-vi là toàn thể Ít-ra-en, từ rạng đông lịch sử cho đến tận thế. Kinh ngạc vể sự thân mật, về sự gần gũi Thiên Chúa đề nghị cho họ: «ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài,» (c2)…khi nói «ngay từ rạng đông» là có ý nói từ khởi đầu lịch sử dân tộc; từ muôn thuở Ít-ra-en đi tìm Chúa của họ. «ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.» (c2); ở Ít-ra-en cách phát biểu này rất thực tế: đất thì hoang sơ, khô cằn, chỉ chờ mưa xuống để sống lại, đó là một trải nghiệm thông thường, rất gợi ý.
Từ rạng đông lịch sử dân tộc, Ít-ra-en khao khát Thiên Chúa của họ, sự khao khát càng lớn nữa khi đã trải nghiệm sự hiện diện, sự gần gũi Chúa đề nghị cho họ. Vì thế, đó là cách hiểu cao, sâu hơn về trải nghiệm của dân tộc này, hé lộ ra trong bài Thánh vịnh. Ví dụ như câu 2 «Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước» hẳn ngụ ý nói về thời gian sống trong sa mạc, ngay sau khi rời Ai-cập, và trải nghiệm khủng khiếp khi gần chết khát tại Ma-xa và Mơ-ri-va (Xh17). Lời nguyện đẹp nhất thoát ra từ sự nghèo hèn thiêng liêng, như lời than của người mất nước trong cơ thể: «Tôi khát».
«Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện» (c3) câu này ngụ ý nhắc đến những biểu hiện Thiên Chúa trong sa mạc Si-nai, nơi thánh thiêng dân chúng chiêm ngắm Thiên Chúa của họ ban Giao Ước…«để thấy uy lực và vinh quang của Ngài». Trong ký ức dân tộc Ít-ra-en, điều này gợi lên những kỳ công thời Xuất Hành, để giải thoát dân Ngài khỏi vòng nô lệ Ai-cập, cũng như công thức «chính Người cứu độ tôi» (Xh15, 2). Ở It-ra-en, không ai trong đời người, có thể quên câu sau đây Thiên Chúa nói với ông Mô-sê: «Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng.» (Xh3, 7)
Khi suy niệm về cuộc giải phóng của Thiên Chúa, người ta thường so sánh con chim Bằng tập cho các con bay: «Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình.» (Đnl32, 11). Như một tiếng vang, trong sách Xuất Hành, kết Giao Ước có câu: «Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta» (Xh19,4). Thế thì, phải chăng các cánh thiên thần Kê-ru-bim trong Đền lại mang một ý nghĩa khác nữa? Đó là những cánh chim bảo trợ của đấng dẫn Ít-ra-en đến con đường tự do.
Gợi lại tất cả những sự kiện thời Giao Ước, sự gần gũi không bóng che, điều này gợi ý cho chúng ta bài Thánh vịnh được sáng tác trong thời điểm không mấy sáng chói, lúc ấy dân cần bám vào những kỷ niệm của quá khứ. Tất cả mọi sự không được tốt đẹp cho lắm và các câu (phụng vụ hôm nay không được nghe) nói lên rõ ràng, có thể nói một cách mãnh liệt, chờ đợi qua đi sự dữ trên trái đất, ví dụ như: «Còn những kẻ tìm hại mạng sống con, ước gì chúng phải xuống vực sâu lòng đất» (c10). Ít-ra-en chờ đợi hoàn tất mọi lời hứa Thiên Chúa, trời mới và đất mới, mọi người được giải thoát khỏi sự dữ và bách hại.
Câu 2: «từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông,» nói lên lòng ước mong ấy chưa được thỏa mãn: Ít-ra-en là một dân tộc đang chờ đợi, đang ưóc mong:«Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông,» (Tv130, 6). Khi Chúa Giê-su nói về canh chừng, tỉnh thức, trong bài dụ ngôn Mười Trinh nữ (bài Phúc Âm Chúa nhật hôm nay) là Ngài nghĩ đến điều ấy: Thường xuyên tìm Thiên Chúa.
Ngày nay, để tiếp theo dân Ít-ra-en, dân Ki-tô cũng đem nội dung này trong lời nguyện: sự khao khát, chờ đợi ấy. Bài Thánh vịnh 62 được chọn trong sách Giờ Kinh Phụng Vụ cho ngày Chúa nhật buổi sáng. (tuần 1) Vì trong phụng vụ Ki-tô, Chúa nhật là ngày Chúa Ki-tô Phục Sinh, là ngày được chọn ưu tiên để chúng ta cử hành toàn bộ mầu nhiệm Giao Ước Thiên Chúa với dân Ngài, từ rạng đông lịch sử, trong khi chờ đợi Nước Trời ngự đến vĩnh viễn.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng