Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM A - 06/09/2020

BÀI ĐỌC 1 (Ed 33, 7-9)

 

"Nếu người không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi."

 

Trích sách Tiên tri Ê-dê-ki-en

 

7 Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.

8 Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: "Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết", mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.

9 Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.

 

Lúc bấy giờ, vào thế kỷ thứ sáu, tiên tri Ê-dê-ki-en là tư tế tại thành Giê-ru-sa-lem. Ông bị quân đội của Na-bu-cô-đô-nô-so triệu về Ba-by-lon, trong đợt đầu bị đi đày, vào năm 597 trước CN.  Nơi ấy, trên bờ sông Kê-ba, trong một làng tên gọi là Tel-Aviv, ông mới được biết những đau khổ đã giáng xuống thành Thánh. Vào năm 587, tất cả đã kết thúc, thành phố bị san bằng, Đền Thánh bị sụp đổ.

Nhưng, đứng trước lời tường thuật những cảnh tượng tai họa liên tục, ông không bó tay. Ngay khi ông tới bên ấy, trong hai mươi năm đầu đời sống đày đọa (mười năm trước và mười năm sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ), ông dùng hết nỗ lực để duy trì lòng cậy trông nơi dân ngài. Muốn làm được như thế, ông phải tranh đấu trên hai chiến trường. Trước tiên, phải lo chuyện sống còn; điều thứ hai, phải giữ trọn vẹn niềm tin một ngày sẽ hồi hương. Đó là hai mục tiêu của ngôn sứ Ê-dê-ki-en suốt trong sách của ngài, và đó là hai trục các bài rao giảng của ngài. Thiên Chúa đã chỉ định mục tiêu mới của sứ mạng làm ngôn sứ của ngài: «Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en»  (c7)

Ê-dê-ki-en chu toàn hai lần sứ vụ canh gác: Canh gác Lời Chúa của ngài, cũng như canh gác rạng đông, thế nào cũng sẽ đến cho dân tộc ngài. Là nhà thơ, có khả năng thiên cảm, can đảm, ngài phải đối đầu với những người đương thời thối chí, ngài phải loan báo bằng những lời lẽ tuyệt vời và vô cùng tượng hình, một sứ điệp mà họ phải nghe để tìm lại nghị lực hầu sống sót chờ ngày trở về: «Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en» (Ed37, 12) Người canh gác - thật là một định nghĩa tốt đẹp về người tiên tri - được chỉ định đọc trong lịch sử những dấu chỉ để cậy trông. Vì Chúa còn cậy trông nơi dân Ngài chọn: «Ta lấy mạng sống Ta mà thề -sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng- Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Ít-ra-en?» (13, 11)  

Ngôn sứ: Thật là một trách nhiệm nặng nề, các cảnh báo của ngài như là để  «cứu trợ người lâm nguy» Thế nhưng, nào có phải khi nhận phép rửa tội, chúng ta cũng được nghe như là một «dân tộc ngôn sứ». Sách Lê-vi từng nói, mọi người dân đều có sứ mạng tương tự: «Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.17 Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.» (Lv19, 2.17). Phải trải qua nhiều thế kỷ, dân chúng mới hiểu những quan niệm «thánh đức» và «yêu thương» là đồng nghĩa. «Thánh», hẳn các bạn còn nhớ lời tiên tri I-sa-i-a. Trong chương 6, ngài kể cho chúng ta ơn gọi của ngài, và ngài nhận được một thị kiến như thế nào trong lúc đang trong Đền Giê-ru-sa-lem, bị chói loà mắt, ngài chỉ còn biết kêu lên: «Thánh! Thánh! Chí Thánh! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!» (Is6, 3) Chữ Thánh ở đây có nghĩa: Thiên Chúa là đấng siêu việt, có một hố sâu chia cách Ngài và chúng ta. Đồng thời ông I-sa-i-a nhận được một mặc khải: Cái hố sâu ấy, chính Chúa vượt qua được, và vì thế, khi Ngài mời gọi giống hình ảnh Ngài, là chúng ta cũng có thể vượt qua…nhờ Ngài, dĩ nhiên – hay có thể nói trong ân nghĩa của Ngài.

Tiếp theo áp dụng câu: «Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.» (1Pr1, 16). Trên thực tế đó là «Ngươi không được để lòng ghét người anh em,» (Lv19, 17a)…Nói cách khác, người hãy yêu mến. Đó là giống hình ảnh Thiên Chúa: Ngài không bao giờ biết oán thù. Chính vì Ngài là tình yêu, nên là Đấng Siêu Việt. Và chỉ từ từ, mỗi ngày một ít, các ngôn sứ làm cho dân chúng hiểu, giống hình ảnh Thiên Chúa chí Thánh, đơn giản là phát huy khả năng yêu thương.

Điều này không phải đánh mất đi khả năng phân định những gì sai quấy: «Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.» (Lv19, 17): Quở trách đúng đắn, đây là một nghệ thuật rất khó. Nhưng đây cũng là tình yêu. Muốn điều tốt lành cho kẻ khác, nếu cần, phải biết ngăn nó trước bờ vực thẳm. Phê bình một cách tích cực làm triển nở tình yêu. Công việc khó nhất của ngôn sứ Ê-dê-ki-en là như thế đó: Khi đã là một người lính canh, đó là để cứu cả Thành.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 94, 1-2.6-9)

 

Đáp ca: «Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Các ngươi đừng cứng lòng»

 

1 Hãy đến đây ta reo hò mừng CHÚA,
tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,

2 vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,
cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.

6 Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,
quỳ trước tôn nhan CHÚA là Đấng dựng nên ta.

7 Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.
Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!

8 [Người phán]: "Các ngươi chớ cứng lòng
như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc,

9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.

  (LND: Bài Tv này chúng ta đã nghe chúa nhật thứ ba Mùa Chay năm A, vì vậy chúng tôi xin chép lại bài suy niệm ngày ấy)

 

Nếu các bạn vào Thánh Kinh, kiểm tra đoạn chót bài chúng ta đọc, sẽ tìm thấy«Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! 8 [Người phán]: "Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, 9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.» (c7-9). Chúng ta hiểu, vì sao phụng vụ đề nghị hát trong Chúa nhật thứ III Mùa Chay này, như một tiếng vang của Bài đọc 1 về Mơ-ri-va và Ma-xa.

Vỏn vẹn trong đoạn này, được tóm gọn cả cuộc phiêu lưu đức tin chúng ta, đức tin cá nhân cũng như cộng đồng. Đó là điều tôi gọi: «vấn đề tín nhiệm», đúng nghĩa của nó. Đối với dân Ít-ra-en, dân tộc vừa được Thiên Chúa giải thoát khỏi nô lệ Ai-cập (điều Thánh vịnh gọi là «những việc Ta làm »). Vấn đề tín nhiệm ấy, được đặt ra mỗi lần gặp khó khăn trong đời sống ở sa mạc: «Có ĐỨC CHÚA ở giữa chúng ta hay không?» (Xh 17, 7), nói cách khác, có nên tin tưởng nơi Ngài hay không? Nương tựa nơi Ngài, chắc chắn Ngài cho chúng ta phương tiện để giải thoát? Đức tin, chính xác chỉ là vấn đề tín nhiệm: Thiên Chúa đã cực lòng giải thoát dân Ngài khỏi ách nô lệ, chẳng lẽ bây giờ để cho họ chết đói chết khát trong hoang địa.

Đối với A-đam - có nghĩa là đối với mỗi chúng ta - vấn đề tín nhiệm được đặt ra dưới hình thức một cản trở nào đó, một giới hạn những ham muốn (ví dụ như bệnh hoạn, khuyết tật, viễn ảnh của sự chết). Cũng có thể một giới răn phải tuân theo, gần như giới hạn tự do chúng ta, hạn chế những thèm muốn chiếm hữu hay quyền lực…Lúc ấy đức tin là tin tưởng, Chúa muốn chúng ta tự do, sống hạnh phúc, mặc dù bên ngoài có lẽ đi ngược lại. Và từ những tình huống thất bại, không thỏa mãn, chết chóc, Chúa làm bật ra tự do, viên mãn, phục sinh. Đối với vài người, vấn đề tín nhiệm ấy đặt ra khi mỗi lần không tìm thấy giải đáp những vấn nạn của chúng ta. Chấp nhận không hiểu hết mọi sự, chấp nhận con đường Thiên Chúa, có khi không thể theo được. Đôi khi đòi hỏi nơi chúng ta một sự tín nhiệm, như trao một ngân phiếu đã được ký tên mà để trống số tiền. Chỉ còn cách, như Thánh Phê-rô nói tại Xê-da-rê: «Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời» (Ga 6, 68). Khi Thánh Phao-lô viết cho tín hữu Cô-rin-tô: «nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người» (2Cr 5, 17), có thể hiểu, đừng gán cho Ngài những ý định xấu, hay khi Thánh Mác-cô viết trong Phúc Âm: «Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.» (Mc1, 15) chúng ta có thể hiểu: hãy tin vào Tin Mừng, tức là hãy tin Thiên Chúa yêu bạn, Ngài chỉ có lòng yêu thương bạn.

Sự quyết tâm chọn tín nhiệm, phải lập lại hằng ngày: «Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!» (c7) Đọc câu này, tôi cảm thấy được giải thoát: Mỗi ngày là một ngày mới; hôm nay mọi sự đều khả thi trở lại. Mỗi ngày, chúng ta phải tập lắng nghe, có nghĩa là tin tưởng, tín nhiệm nơi Chúa: Vì thế bài Thánh vịnh 94 này, bài đầu tiên trong Kinh Phụng vụ buổi sáng. Cũng vì lý do ấy, những người Do Thái sốt sắng, hằng ngày đọc hai lần một loại kinh Tin Kính (Shema Ít-ra-en) bắt đầu bằng chữ Hãy lắng nghe: «Hỡi Ít-ra-en hãy lắng nghe, Chúa ngươi là Thiên Chúa DUY NHẤT. Hãy yêu Thiên Chúa, Chúa của ngươi, hết lòng hết sức trên hết mọi sự». Hãy yêu, tức là tin tưởng nơi Ngài. Nương tựa nơi Ngài, như tựa trên núi đá: «tung hô Người là Núi Đá độ trì ta» (c1), đây không phải là thơ phú, mà một lời tuyên xưng đức tin. Một đức tin dựa vào trải nghiệm từ trong sa mạc: Ở Mơ-ri-va và Ma-xa, dân chúng ngờ vực Thiên Chúa, không biết Ngài có cho họ điều kiện để sống sót hay không? Dù như thế, Chúa vẫn cho nước chảy ra từ tảng đá; và từ nay, mọi người thường nhắc lại giai đoạn ấy, nói Chúa là Núi Đá Ít-ra-en. Và các bạn hẳn biết chữ Amen nói lên sự đồng tình với lòng tin, còn có nghĩa là: «cứng cỏi – vững vàng», có thể dịch là: Tôi tin vững vàng như tảng đá (người Pháp nói lòng tin sắt đá).

 Xin trở lại nhận xét, mọi đức tin dựa vào ký ức những trải nghiệm: Có phải điều này giải thích anh chị em đương thời chúng ta khó có đức tin? Nếu không có trải nghiệm sống giữa một cộng đồng tín hữu, để lòng tin có thể dựa vào. Với ý nghĩ dường như vậy, đặt trách nhiệm nơi mỗi chúng ta. Ý thức thuộc về dân tộc, là một ý thức sâu sắc nơi dân Ít-ra-en, và điều này còn phải học nơi họ. Khi bài thánh vịnh 94 hát lên: «ta là dân Người lãnh đạo» (c7), câu này cũng thế, không chỉ là một câu thơ đẹp, nhưng nói lên trải nghiệm dân tộc Ít-ra-en. Trong suốt lịch sử của họ, có thể nói Ít-ra-en là chỉ định tất cả mọi người.

Ở đây, chạm phải một vấn nạn của Giáo Hội đương thời. Bài thánh vịnh viết: «Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan CHÚA là Đấng dựng nên ta» (c6) (ngụ ý nói không đòi hỏi mức độ nhạy cảm với đức tin từng người chúng ta); đây là một dân tộc đến gặp gỡ Thiên Chúa của họ… «Hãy đến đây ta reo hò mừng CHÚA, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta!» (c1), và Chúa sẽ ban cho đức tin.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com