BÀI ĐỌC 1 (Kh 7, 9. 14b-17)
"Chiên Con sẽ thống trị họ, và dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
9 Sau đó, tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế
14….Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.
15 Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn.
16 Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa.
17 Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.
Đã qua rồi, nào là những dòng lệ đau khổ, những cơn đói khát, những thử thách trăm chiều. Trước khi đọc bài này, chúng ta nên nhớ nội dung gửi đến một cộng đồng vừa trải qua một thời gian bị bách hại đau thương, đối với họ chữ « thử thách » không chỉ là một từ ngữ trừu tượng! Hơn nữa, tác giả nói cho chúng ta: « Sau đó, tôi thấy », đây là một thị kiến. Vì thế để hiểu, hãy để cho trí tưởng tượng dìu dắt chúng ta.
Có vài cột mốc có thể giúp chúng ta. Câu nói đám đông « đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi », làm cho chúng ta nghĩ ngay đến ông Áp-ra-ham. Chúa đã hứa cho ông một hậu duệ đông đúc « Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không. Người lại phán: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó! » (St 15, 5). Và cũng trong sách Sáng Thế vài chương sau: « 17 nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển » (St 22, 17). Sách Khải Huyền là bộ sách sau cùng của Tân Ước, giúp cho chúng ta chiêm ngắm công trình Thiên Chúa rồi cũng được hoàn tất.
Chúng ta nhận ra một đám đông nhiều quốc gia nhiều chủng tộc, nhiều giống dân nhiều ngôn ngữ: bốn từ ngữ để nói lên ý nghĩa bao gồm toàn nhân loại. Như tiên tri I-sa-i-a đã nói: « 5Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy » (40, 5).
Tiên tri I-sa-i-a nói vinh quang của Đức Chúa chính là sự đói khát được xóa bỏ, không còn ai phải khóc than. Trong chương 49 sách I-sa-i-a chúng ta có thể đọc nguyên tác về sự cứu độ: « 10 Chúng sẽ không phải đói phải khát, không bị khí nóng và mặt trời hành hạ, vì Đấng thương xót chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào » (Is 49, 10). Hơn nữa sự cứu độ, ấy là sự hiện diện của đấng cùng là nguồn mạch của hạnh phúc thật: I-sa-i-a diễn tả bằng « Đấng thương xót chúng », trong lúc thánh Gio-an nói: « Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn ». Khi thánh Gio-an nói như thế, mọi người hiểu ngài muốn nói điều gì, vì dân Do Thái chỉ chờ mong có thế: Thiên Chúa « cắm lều » nơi họ, đó là cách nói Thiên Chúa hiện diện muôn đời với họ. Đó là mầu nhiệm sự gần gũi, thân tình, hiện diện thường xuyên. Đến đây chúng ta còn nhớ thánh sử Gio-an trong Phúc Âm, ngài cũng dùng cùng cụm chữ này nói về Chúa Ki-tô: « 14 Ngôi Lời … cư ngụ giữa chúng ta » (Ga 1, 14)
Trong dân Do Thái, có vài người được vinh dự sống trước sự gần gũi ấy, đó là các kinh sư: họ phục vụ Thiên Chúa ngày đêm trong đền Giê-ru-sa-lem, nơi có biểu hiệu sự hiện diên của Thiên Chúa. Thánh Gio-an hình dung một ngày cả nhân loại được nhận vào sự thân mật ấy với Thiên Chúa: « tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên…, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người ».
Để miêu tả đám đông ấy, thánh Gio-an pha trộn phụng vụ Do Thái với phụng vụ Ki-tô làm cho bài khó hiểu nhưng cũng làm cho phong phú hơn.
Để trích dẫn đến phụng vụ Do Thái, ngài ám chỉ đến Lễ Lều. Lễ ấy gợi lên vừa quá khứ vừa tương lai được Chúa hứa. Để nhớ lại thời còn trong sa mạc - thời điểm được khám phá Giao Ước do Thiên Chúa đề nghị, một Thiên Chúa gần gũi và dịu dàng - mọi người sống dưới lều trong 8 ngày (lều được dựng lên cho những ngày lễ, ngay trong thành phố, ngày nay cũng còn như thế). Vì lẽ đó ngày lễ được mang tên Lễ Lều. Trong dịp này, tám ngày lễ loan báo tương lai được Chúa hứa sự tạo dựng mới (mỗi lần chúng ta thấy con số tám trong Thánh Kinh là có ý ấy). Mọi người mừng trước sự chiến thắng của đấng Mê-si-a trong tương lai, với Ngài là sự chu toàn công trình của Thiên Chúa, tức là hạnh phúc cho mọi người.
Trong các nghi lễ của Lễ Lều, thánh Gio-an ghi lại nghi thức các cành thiên tuế: mọi người diễu hành chung quanh bàn thờ, trong đền Giê-ru-sa-lem. Trong cuộc diễu hành, mỗi người cầm một bó lá, trong ấy có một cành thiên tuế (có thêm một cành mia, một cành liễu và cành một loại chanh, cây thanh yên)
Cũng trong cuộc diễu hành, mọi người hát « Hô-sa-na » Vừa có nghĩa là « Chính Chúa ban ơn cứu độ » mà cũng có nghĩa : « Lạy Chúa, xin cho con ơn cứu độ ». Vì thế nếu chúng ta đọc toàn bài của thánh Gio-an (không cắt ra) thì chúng ta sẽ đọc: « … tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi… Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế… 10 Họ lớn tiếng tung hô: "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta » (Kh 7, 10).
Còn một nghi lễ khác của ngày Lễ Lều, đó là diễu hành ở hồ Si-lô-ác, ngày thứ tám và là ngày cuối Lễ: một đám rước mang nước đến rải lên bàn thờ. Nghi lễ thanh tẩy ấy tiên báo sự thanh tẩy vĩnh viễn Thiên Chúa đã hứa qua lời các Tiên Tri, và đặc biệt là Da-ca-ri-a: « 1 Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế » (Dc 13, 1). Sau này cũng vào Lễ Lều và đúng ngày thứ tám Chúa Giê-su nói (và cũng chính thánh Gio-an kể lại) (Ga 7, 37.38) « 38 Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống ». Trong bài này thánh Gio-an loan báo: « Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh » (c17)
Từ phụng vụ Ki-tô thánh Gio-an rút ra áo trắng người được Rửa Tội và máu Con Chiên (Xin nhắc lại máu là dấu ấn sự sống được ân ban). Ở đây thánh Gio-an nói cho chúng ta: tất cả những gì Lễ Lều loan báo bằng những biểu tượng, từ nay được thể hiện. Từ Xuất Hành toàn dân chờ mong ngày được thanh tẩy vĩnh viễn, Giao Ước được tái lập, sự hiện diện hoàn toàn của Thiên Chúa giữa họ. Thì đây nơi Chúa Giê-su Ki-tô mọi điều chờ mong được hoàn tất: qua Bí Tích Rửa Tội và Thánh Thể, nhân loại được thông phần vào đời sống của Đấng Phục Sinh và được ngự vĩnh viễn trong tình thân của Thiên Chúa.
***
THÁNH VỊNH (Tv 23, 1-6)
"Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Đế hiển vinh"
CHÚA làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,
làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.
2 Nền trái đất, Người dựng trên biển cả,
đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.
3 Ai được lên núi CHÚA?
Ai được ở trong đền thánh của Người?
4 Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.
5 Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành,
được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.
6 Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,
tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.
Như mọi thánh vịnh, chúng ta đang trong bối cảnh Đền Giê-ru-sa-lem. Một cuộc diễu hành vĩ đại sắp xảy ra. Gần đến cửa Đền, nhiều tốp ca đoàn luân phiên hát đối thoại nhau một bài thánh ca: « 3 Ai được lên núi CHÚA? » (Các bạn hẳn còn nhớ Đền Giê-ru-sa-lem được xây trên đồi cao): « Ai được ở trong đền thánh của Người? ». Ngôn sứ I-sa-i-a đã so sánh Thiên Chúa ba lần thánh như ngọn lửa đốt cháy. Trong chương 33 ngài còn hỏi: « Ai trong chúng ta ở gần được lửa thiêu? Ai trong chúng ta ở gần được hoả hào muôn kiếp? »( Is 33, 14)( Ngụ ý nói tự chúng ta, mắt không thể chịu đựng được ánh chiếu loà của hào quang Ngài). Đây là tiếng kêu vang lên của những người đang hiện diện, mặc dù biết mình không xứng đáng, trước một Thiên Chúa Chí Thánh. Đó là điều vĩ đại, dân Ít-ra-en được mạc khải như thế. Chúa Chí Thánh, Đấng Rất Khác Biệt : « Thánh! Thánh! Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa. », lời I-sa-i-a cất tiếng ca ngợi, phấn chấn trước sứ vụ của mình, và, đồng thời, loan báo một Thiên Chúa Khác Biệt, cũng là Thiên Chúa Thật Gần gũi con người, và như thế làm cho con người « chịu được » đứng trước mặt Ngài, như I-sa-i-a nói.
Bài hát tiếp : «4 Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.». Đấy là câu trả lời, vì sao đây là người có thể chịu được trước mặt Thiên Chúa. Trước hết không phải một thái độ luân lý: tôi vừa nói dân chúng biết mình được chấp nhận mặc dù mình không xứng đáng. Nhưng đây là một thái độ hội nhập đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, tức là từ chối ngẫu tượng. Điều kiện duy nhất đòi hỏi, đó là trung tín với Thiên Chúa duy nhất, tức là « chẳng mê theo ngẫu tượng », như câu 4 bài Thánh vịnh. Hơn nữa nếu chúng ta dịch theo nghĩa đen thì câu sẽ như thế này : « kẻ không nâng lòng mình lên những thần thánh trống rỗng », cụm chữ nâng lòng mình lên, tức là cầu khẩn. Thì đây chúng ta nhận ra một câu chúng ta quen thuộc trong ( Tv123, 1) : « Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa». Cũng như trong sách Da-ca-ri-a được Thánh Gio-an lặp lại : «Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu» (Ga19, 37). Ngước mắt hướng nhìn lên, theo Thánh Kinh có nghĩa là cầu nguyện, van xin, nhìn nhận là Thiên Chúa. Người có thể chịu đựng được trước mặt Thiên Chúa là kẻ không ngước mắt nhìn lên ngẫu tượng, như những dân tộc khác.
…« kẻ tay sạch lòng thanh » trong câu 4 cũng có nghĩa như thế, chữ « sạch »ở đây có nghĩa giống như trong hóa học: sạch là tinh tuyền không lẫn lộn thứ gì khác. Lòng thanh sạch tức là hoàn toàn ngoảnh mặt khỏi mọi ngẫu tượng, để chỉ quay về Thiên Chúa. « kẻ tay sạch lòng thanh » cũng có nghĩa như thế. Tay sạch tức là tay không hề dâng của lễ cho ngẫu tượng, là những bàn tay không giơ lên trời cao cầu nguyện những thần giả. Phải biết thưởng thức hai cách nói song song này, giữa hai cụm chữ của câu « 4 Đó là kẻ tay sạch lòng thanh…chẳng mê theo ngẫu tượng »Phần thứ hai đồng nghĩa với phần đầu : kẻ lòng thanh và tay sạch, là người không trao linh hồn cho ngẫu tượng.
Chúng ta chạm nơi đây vào một cuộc chiến các ngôn sứ không ngừng tranh đấu để dân chúng từ bỏ vĩnh viễn hành đạo với ngẫu tượng. Trong Bài đọc 1 chúng ta chứng kiến Tiên tri I-sa-i-a đương đầu với vua A-khát vào thế kỷ thứ VIII ; nhưng chưa hết. Trong thời gian lưu đày Ba-by-lon dân chúng chung đụng với nền văn minh đa thần. Bài Thánh Vịnh hôm nay hát lúc Lưu Đày về, khẳng định lại một cách mạnh mẻ điều kiện tiên quyết này của Giao Ước. Ít-ra-en là dân tộc cố gắng hết sức mình «tìm thánh nhan Thiên Chúa», như câu sau cùng bài Thánh Vịnh. Từ ngữ tìm thánh nhan trước kia được các thị thần dùng khi muốn được chấp nhận trước dung nhan nhà vua: đây là cách nhắc lại đối với Ít-ra-en, vua duy nhất, chính là Thiên Chúa.
Trong lúc các ngẫu tượng chỉ là những thần tượng « trống rỗng », như người ta thường nói - đầu tiên là con bê vàng được tạc trong Xi-nai thời Xuất Hành, có thể nói khi ông Mô-sê quay lưng đi, chậm xuống núi vì ông được gặp Thiên Chúa trên ấy - dân chúng vây lấy ông A-ha-rong, gây áp lực đến khi ông phải chấp nhận tất cả vàng của họ để đúc ra tượng con bê vàng bất hủ. Các ngôn sứ không tiết kiệm những lời lẽ khắc khe nào để đả kích những kẻ tạo nên từng mãnh một ngẫu tượng, để rồi quỳ bái lạy trước nó. Tôi xin đọc thánh vịnh 115 cũng nói lên điều này: « 4 Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành. 5 Có mắt có miệng, không nhìn không nói, 6 có mũi có tai, không ngửi không nghe. 7 Có hai tay, không sờ không mó có hai chân, không bước không đi, từ cổ họng, không thốt ra một tiếng. 8 Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần cũng giống như chúng vậy…3 Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên.» Chỉ có trung tín với Thiên Chúa duy nhất là điều kiện để có thể lãnh nhận lời hứa cho tổ tiên họ, đó là ơn cứu độ. Cuộc chiến chưa hẳn đã thắng vì cho đến khi Chúa Giê-su đến, Ngài còn thấy cần nhắc lại : «24 "Không ai có thể làm tôi hai chủ » ( Mt6, 24).
Hiểu cách khác, sự trung tín với Thiên Chúa duy nhất dẫn đến những hậu quả thực tiễn cho đời sống xã hội: kẻ có lòng thanh dần dần trở nên con người có quả tim bằng thịt, không còn biết hận thù ; kẻ có tay sạch không còn làm sự dữ. Câu kế tiếp «5 Người ấy sẽ …được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng », điều này nói rõ hai nghĩa: dễ hiểu nhất đó là tuân theo kế hoạch Thiên Chúa, như thế người công chính là người chu toàn sứ vụ của mình ; nghĩa sâu xa hơn: sự công chính mời gọi chúng ta hoàn toàn tuân theo suốt tất cả đời sống xã hội chúng ta vào dự án Thiên Chúa, tức là cho hạnh phúc con cái Ngài. Đọc bài Thánh Vịnh dường như ta nghe biểu hiện lên những mối Phúc Thật: « 5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. 7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. » (Mt 5, 5-7)
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng